Tổng thuật: Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên
26/03/2024 | 10:07 AM
|
Sáng 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thanh niên - lực lượng giương cao ngọn cờ chuyển đổi số, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và phát triển
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn bày tỏ: Chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia" được tổ chức đúng vào dịp Tháng Thanh niên và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và phát huy vai trò, tinh thần tiên phong, xung kích của thanh niên trong tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói riêng.
Đồng chí Bùi Quang Huy cho biết: Chương trình Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024 là chương trình đối thoại được tổ chức lần thứ 2 sau khi có Luật Thanh niên năm 2020. Ngay sau đối thoại năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, đáp ứng kỷ nguyên 4.0".
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương sau chương trình đối thoại. Các vấn đề được thanh niên quan tâm, kiến nghị cơ bản đã được giải quyết và thông báo rộng rãi theo quy định.
Mỗi một năm, Thủ tướng quyết định chương trình đối thoại với những chủ đề khác nhau. Năm nay, chủ đề được xác định: "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong chuyển đổi số quốc gia".
Với hai lý do cơ bản, một là Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện.
Đồng thời kỳ vọng thanh niên Việt Nam phát huy cao tinh thần năm sẵn sàng như như thông điệp của Thủ tướng đã gửi gắm đến thanh niên tại chương trình đối thoại năm 2023.
Các đại biểu dự chương trình đối thoại. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đó là, sẵn sàng bảo vệ mục tiêu lý tưởng của Đảng, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng giữ vững bản lĩnh ý chí, khát vọng vươn lên, sẵn sàng thích ứng và làm chủ trong cuộc cách mạng 4.0, sẵn sàng tiên phong chuyển đổi số, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu làm bất kỳ việc gì, xông pha vào việc khó, việc mới khi Tổ quốc cần.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Với sứ mệnh là chủ nhân tương lai, là giường cột của nước nhà, thanh niên chính là lực lượng giương cao ngọn cờ chuyển đổi số Việt Nam, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và phát triển.
Chính vì vậy, trong chương trình hôm nay, Ban Tổ chức mong muốn các bạn thanh niên tham gia đối thoại với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở, trí tuệ, tập trung vào việc tìm hiểu cũng như đề xuất, hiến kế các vấn đề liên quan đến Chính phủ số, kinh tế số, chuyển đổi số, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Thủ tướng chúc mừng các gương mặt trẻ tiêu biểu. Ảnh VGP/Nhật Bắc
An toàn an ninh mạng là chiếc phanh để chiếc xe chuyển đổi số đi nhanh và an toàn hơn
Bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi: Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê, ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?
Bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng: Tôi là cựu học sinh lớp 12 Toán 1 của Trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.
An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Con số thống kê và bạn nêu ra là con số từ năm 2017, trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, đối thoại với thanh niên năm 2024. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên việc phải làm rất nhiều, các giải pháp Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia.
Trong đó có 2 điểm nổi bật, thứ nhất là 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TTTT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.
Trong khuôn khổ hôm nay tôi xin chia sẻ về những giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng mà Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra.
Đối với người dân, chiến lược đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng là: Chúng ta bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị, mỗi người chúng ta ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp chi thiết bị, chúng tôi gọi đó là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.
Bộ TTTT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình, chúng ta có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn, tại đây chúng tôi tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng, đồng thời chúng tôi cũng cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.
Đây là hai nhóm giải pháp chính, chúng tôi cũng hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là chúng ta tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Ảnh VGP/Nhật Bắc.
Phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước
Tiếp phần trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, bình luận thêm về tư duy và phương pháp luận giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Cái gì cũng có hai mặt, tích cực và hạn chế, một tiến bộ có thể đi đôi với những cản trở.
"Trong cuộc sống và tư duy, tôi mong các bạn trẻ luôn giữ được thăng bằng trong bất cứ trường hợp nào, dù thắng lợi hay thất bại, thắng không kiêu, bại không nản", Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh: Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong sự vận động và phát triển; phải xem là việc bình thường khi có thuận lợi này thì sẽ kèm theo khó khăn khác, quan trọng nhất là phải vững tâm để xử lý các vấn đề đặt ra một cách có hiệu quả, trong cuộc sống cũng như công việc.
Cụ thể hơn về câu hỏi của bạn thanh niên, Thủ tướng cho biết: Thứ nhất, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng; thứ hai là phân công các bộ ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, như hôm qua có sự cố liên quan tới chứng khoán.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), trong đó có phần liên quan tới an ninh mạng.
Thứ ba là phải nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Thứ tư là đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, trong đó các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.
Thủ tướng bày tỏ: "Tôi đã từng chia sẻ rằng phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Tại sao phong trào "Ba sẵn sàng" ngày xưa lại có sức sống như thế? Vì phong trào này mang lại lợi ích hòa bình, thống nhất cho mỗi cá nhân và cho cả nước.
Tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: Phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ (để vừa là công dân Việt Nam, vừa trở thành công dân toàn cầu); phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng".
Phải hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ
Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, Công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội: Cải cách thủ tục hành chính luôn gắn chặt chẽ với chuyển đổi số. Vậy, xin Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngoài yếu tố con người thì Việt Nam có giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Như chúng ta đã biết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 được phê chuẩn tại Nghị quyết 76 của Chính phủ, trong đó cải cách thủ tục thành chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cùng với đó là việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số quốc gia.
Để góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, trên thực tế việc cải cách thủ tục hành chính chưa được như ý muốn, còn nhiều tồn tại, việc kết nối cải cách thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu từ chuyển đổi số chưa đồng bộ, do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục tồn tại này.
Song song với các giải pháp như trên, bên cạnh thái độ, tinh thần trách nhiệm của người tiếp nhận hồ sơ tại các cơ quan hành chính thì giải pháp về thể chế và đổi mới công nghệ cũng là giải pháp cực kỳ quan trọng.
Về nội dung bạn hỏi có 2 giải pháp, chúng tôi xin được nói ngắn gọn như sau:
Về thể chế, Chính phủ đã chỉ đạo rất sát việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để làm sao đơn giản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.
Kiên quyết không đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật những thủ tục hành chính, nếu thực sự cần thiết đưa vào thì phải đơn giản, dể hiểu.
Thứ hai là đẩy mạnh, sửa đổi các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, những cái nào lỗi thời phải lược bỏ.
Thứ ba là phải hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ.
Về nội dung chuyển đổi số, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với việc triển khai thủ tục hành chính.
Về giải quyết điểm nghẽn trong Đề án 06 thì như vừa rồi đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã nói rất rõ. Tôi xin không đề cập đến nữa.
Điều quan trọng nữa là Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất cho giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số.
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
Trước đó, Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch tổ chức chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024).
Đối thoại diễn ra vào ngày 26/3/2024 bằng hình thức trực tiếp, nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới thanh niên những chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Với chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", cuộc đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên sẽ xoay quanh chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu
Cùng đó là cơ chế, chính sách, nguồn lực của nhà nước trong việc hỗ trợ, phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Biểu dương sự tham gia, cống hiến của thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của thanh niên và định hướng giải quyết các kiến nghị, đề xuất.
Tham dự chương trình sẽ có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và khoảng 300 đại biểu thanh niên đại diện cho các khối công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nhân trẻ, công nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn, thanh niên đô thị; thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo và thanh niên khuyết tật.
Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp mặt, biểu dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023./.
Nguồn: Chinhphu.vn
Tin liên quan
- Ký kết chương trình hợp tác tăng cường năng lực Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc của các vi sinh vật tại Việt Nam
- Bộ Y tế đề xuất những trường hợp khám chữa bệnh BHYT được thanh toán theo mức hưởng
- Trên mặt trận phòng chống bệnh truyền nhiễm
- Chuẩn hóa đội ngũ người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
- Mời gửi báo giá sửa chữa thang máy
- Bộ Y tế đề xuất các trường hợp được thanh toán theo đúng phạm vi mức hưởng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
- Bộ Y tế đề xuất thêm chức năng Trạm Y tế xã