TỔNG THUẬT: Sự cần thiết tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19
01/07/2022 | 14:42 PM
Ở nước ta hiện nay, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết để phòng mắc bệnh hoặc tái mắc bệnh, nếu có mắc thì sẽ tránh nguy cơ bệnh nặng, tử vong trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường. Tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích thiết thực để bảo vệ an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng.
Để làm rõ hơn vai trò của vaccine – một vũ khí chiến lược quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?” vào lúc 9h hôm nay (1/7).
Khách mời tọa đàm gồm có: GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.
Cuộc tọa đàm được truyền hình trực tuyến tại địa chỉ "chinhphu.vn" và trên fanpage Thông tin Chính phủ. Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi tới doithoai@chinhphu.vn, hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng 080.48113.
10:09 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Rõ ràng việc tiêm vaccine là rất cần thiết để chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình, xã hội. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, khi chúng ta đang "bình thường mới", việc tiêm này không thể dùng mệnh lệnh hành chính, vì đó là quyền và trách nhiệm của mỗi người dân. Xin các khách mời có ý kiến, quan điểm về vấn đề này? Các vị khách mời có lời khuyên gì tới người dân vào thời điểm này?
TS. Socorro: Tiêm vaccine là một biện pháp được Chính phủ thực hiện. Tuy nhiên chúng ta cũng mong đợi người dân tình nguyện đi tiêm vaccine để bảo vệ bản thân, gia đình và cả quốc gia. Ở đây là sự phù hợp giữa Chính phủ và người dân. Chính phủ cung cấp và tiêm chủng cho người dân, người dân cũng cần hiểu đấy là sự tham gia tự nguyện. Những nhóm dân số dễ bị tổn thương càng cần phải tiêm vaccine hơn. Chính phủ cung cấp vaccine và người dân nhận vaccine đó để bảo vệ bản thân và cả quốc gia. Chúng ta muốn mở cửa càng sớm càng tốt, trẻ con được đến trường, mở cửa du lịch… thì chúng ta phải sử dụng công cụ để bảo vệ bản thân chúng ta, bảo vệ những người khác, đó là vaccine. Tôi muốn nói rằng tiêm vaccine là trách nhiệm của chúng ta để bảo vệ bản thân, người khác và cộng đồng.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thông điệp của TS. Socorro rất rõ, chúng ta tiêm vaccine như là một trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng. Đó cũng là biểu hiện của tình đoàn kết nếu chúng ta muốn sống một cuộc sống bình thường, có thể đi chợ, giao lưu, du lịch… thì chúng ta phòng chống COVID-19 và không để lây nhiễm. Xin mời thông điệp của TS. Trần Minh Điển và GS. Phan Trọng Lân.
PGS.TS. Trần Minh Điển: Trong thời điểm hiện nay, tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm. Với nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đang có mũi 1, mũi 2 nếu các cháu chưa được tiêm và chúng ta bắt đầu bổ sung mũi 3. Đề nghị các bậc phụ huynh hãy bảo đảm quyền lợi của con mình được tiêm. Với các cháu từ 5 đến 11 tuổi, chúng ta cũng đã có các chế phẩm. Các bậc phụ huynh hãy đưa các cháu đi tiêm mũi 1, 2 tại các cơ sở y tế gần nhất để bảo vệ cho các cháu tránh khỏi mắc COVID-19, tránh khỏi tình trạng bệnh nặng hậu COVID-19 là hội chứng MIS-C để các cháu có thể đi chơi, du lịch và tham gia được các hoạt động cộng đồng nhiều hơn.
GS.TS. Phan Trọng Lân: Tiêm vaccine COVID-19 là yêu cầu phòng chống dịch, nên người dân cần đi tiêm phòng. Tiêm phòng là bảo vệ cho bản thân, bảo vệ cho gia đình và cả xã hội, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh, chúng ta giảm bớt lây nhiễm, giảm nhập viện tử vong thì giảm đi được gánh nặng cho xã hội và đặc biệt các cán bộ y tế cảm thấy hạnh phúc khi tất cả người dân đi tiêm. Như vậy, chúng tôi cũng sẽ bớt đi những áp lực trong thời điểm hiện nay.
Mong rằng mỗi người dân thấy trách nhiệm của mình trong việc tiêm ngừa để giúp xã hội bình yên hơn như những ngày qua và hướng đến không chỉ phục hồi mà phát triển kinh tế-xã hội. Giống như về sức khỏe, không chỉ là trạng thái không bệnh tật mà còn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Kính thưa quý vị khán giả, quả thực thông điệp các chuyên gia về tiêm chủng rất rõ. Tiêm chủng là quyền và nghĩa vụ của chúng ta, là lợi ích đối với đất nước, với cuộc sống của từng người dân. Chúng ta vừa trở lại cuộc sống bình thường được một giai đoạn ngắn, không ai muốn trở lại thời kỳ khi biến củng Delta bùng phát, buộc chúng ta phải sống trong khuôn khổ bị bó hẹp và kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.
Kinh tế chúng ta bắt đầu phục hồi và chúng ta phải làm tất cả để sự phục hồi đó mạnh mẽ hơn và tiến tới phát triển nhanh hơn. Tiêm chủng là quyền nhưng cũng là trách nhiệm. Chúng ta trách nhiệm với bản thân, con cháu mình, gia đình và cả cộng đồng. Với thông điệp như vậy, Tọa đàm xin được kết thúc tại đây. Xin trân trọng cảm ơn các quý vị khán giả đã chú ý lắng nghe!
10:07 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Rõ ràng, các số liệu, chứng cứ trực tiếp từ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như số liệu của thế giới thì thấy rằng việc tiêm chủng cho trẻ em rất cần thiết, không chỉ giúp tránh bị mắc COVID-19 mà còn giảm hội chúng hậu COVID, đặc biệt là Hội chứng MIS-C cho trẻ em. Hội chứng này không những ảnh hưởng đến các em mà còn ảnh hưởng đến kinh tế gia đình rất lớn.
Có bạn đọc gửi ý kiến về Cổng TTĐT Chính phủ rằng, họ chưa đi tiêm mũi 3, 4 vì chưa thấy địa phương gọi hoặc chưa thấy thông báo cụ thể chính thức là tiêm ở đâu, khi nào, và đối tượng nào sẽ tiêm. Xin GS.TS. Phan Trọng Lân có câu trả lời cho những thắc mắc này!
GS.TS. Phan Trọng Lân: Hiện nay, vaccine được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ theo nhu cầu, theo chỉ định và được vận chuyển tới các địa phương.
Thứ hai, các điểm tiêm tiêm chủng rất đa dạng, đặc biệt có thể tiếp cận gần nhất các trạm y tế xã, phường, sau đó đến các cơ sở tiêm chủng khác, kể cả ở những nơi đi lại khó khăn thì có hình thức tiêm lưu động, tiêm tại nhà. Hình thức thông báo cũng rất đa dạng. Những nơi di biến động dân cư nhiều, như TPHCM, tại đây thông tin có trên các trang web của Sở Thông tin và Truyền thông, của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, cũng có những trang cập nhật hằng ngày điểm tiêm chủng cũng như thời gian tiêm chủng. Chúng ta chỉ cần gõ vào nơi đấy thì sẽ hiện lên toàn bộ danh mục tiêm trong ngày.
Như vậy, kể cả ở xã, phường, qua hệ thống loa phường cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, người dân hoàn toàn có thể đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc đến các xã, phường để được tư vấn và chắc rằng sẽ được tiêm ngay. Trong thời điểm hiện nay, nếu có vướng mắc nữa, người dân có thể gọi về đường dây nóng của các Sở Y tế, của Bộ Y tế. Chúng ta đa dạng hoá, làm thế nào đó một người dân mong muốn được tiêm chủng thì sẽ được phục vụ một cách đầy đủ, chu đáo, an toàn, hiệu quả.
10:01 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thưa ông, được biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số bệnh nhi điều trị hậu COVID-19 trong thời gian qua là 756 lượt bệnh nhân. Trong đó có 283 bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19 là MIS-C, chủ yếu là nhóm trẻ từ 5-12 tuổi. Xin ông cho biết, việc tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ với nguy cơ mắc MIS-C ở nhóm đối tượng này có ý nghĩa như thế nào?
PGS.TS. Trần Minh Điền: Biểu hiện bệnh học của trẻ em mắc COVID-19 và ở người lớn có sự khác biệt cơ bản. Đó là ở người lớn thì có biểu hiện biến chứng suy hô hấp nguy kịch (tức là biến chứng suy hô hấp nguy kịch dẫn đến tử vong). Còn với trẻ em, sau khi mắc COVID-19 từ 4-6 tuần có biểu hiện là hội chứng viêm đa cơ quan. Đây là biểu hiện liên quan đến miễn dịch giữa trẻ em và người lớn có sự khác nhau. Như vậy, sau khi mắc COVID-19, người lớn là suy hô hấp, trẻ em là nguy cơ nặng, chính là MIS-C. Hội chứng mắc suy đa cơ quan này (gọi là MIS-C) chính là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận…
Hiện nay chúng ta đã có phác đồ điều trị rồi. Nhưng chúng ta không chẩn đoán được sớm, không phát hiện kịp thời thì rất ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Tình trạng bệnh này là bệnh học mới xuất hiện. Khi có COVID-19, mới xuất hiện bệnh này. Chúng ta phát hiện bệnh học này trên thế giới từ tháng 4/2020. Do vậy y học vừa phải chữa trị, vừa phải nghiên cứu thì mới có thể đưa ra được phác đồ một cách cẩn thận.
Quay trở lại với cái nhóm trẻ ở Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 283 bệnh nhân bị mắc MIS-C thì 50% phải nằm hồi sức. Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO (nghĩa là phải làm màng trao đổi ô-xy tĩnh mạch ngoài cơ thể). Rất may mắn trong nhóm trẻ này, hầu hết chúng tôi cứu sống được dựa trên phác đồ điều trị. Tuy nhiên, phác đồ điều trị này rất tốn kém. Ví dụ như phải dùng thuốc Monopropylene đường tĩnh mạch. Thuốc đó với trẻ 30-40 kg tốn kém mấy trăm triệu đồng. Như vậy, nếu trẻ mắc COVID-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị nữa.
Trở lại câu hỏi tiêm vaccine có làm giảm tình trạng mắc MIS-C ở trẻ em hay không, chúng tôi đã tra cứu các y văn và thấy rằng vaccine không những có tác dụng giúp tránh mắc MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ mắc MIS-C. Với trẻ từ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vaccine Pfizer chống lại MIS-C là 91%. Và tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như là các cháu chưa tiêm. Với nhóm trẻ từ 5-17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, khi tiêm vaccine sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%. Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi. Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc COVID-19. TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Với những số liệu và bằng chứng khoa học vừa được nêu, thì việc tiêm chủng cho trẻ em là rất cần thiết, không chỉ bảo vệ sức khỏe trẻ em mà còn tránh, làm giảm mức độ nặng nếu trẻ em mắc hội chứng MIS-C.
09:57 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta cần có kịch bản như thế nào để phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay, khi biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện liên tục, thưa Giáo sư?
GS. Phan Trọng Lân: Từ dự báo đối với SARS-CoV-2 là bản chất của nó có sự tiến hóa khôn lường và nếu trong phạm vi đột biến vừa phải, nó trở thành biến thể mới, thậm trí có thể biến thể nhiều hơn nữa, có thể trở thành biến chủng. Có nghĩa là SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện.
Tuy nhiên, đối với kịch bản hiện nay trên sự tiến hóa như vậy, chúng ta thấy rằng, nếu vẫn như các biến thể phụ thì còn có khả năng đáp ứng của vaccine. Thứ hai là nếu không phải nặng thì dù có lây lan nhanh hơn nhưng chúng ta liên tục tiêm những vaccine theo chỉ định thì chúng ta vẫn đáp ứng được như kịch bản hiện nay. Có nghĩa là vẫn mở cửa, vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ có khi cần thiết, chúng ta tăng thêm điều trị nếu có sự hơi quá tải.
Nhưng ngược lại, đương nhiên chúng ta phải chuẩn bị cả những tình huống xấu nhất trong dự báo. Đấy là những chủng biến thể mới không còn hiệu quả đối với vaccine. Thứ hai là lây lan nhanh và thứ ba là nặng, thậm trí nó kết hợp tất cả. Như vậy bên cạnh các biện pháp và kinh nghiệm trong thời gian qua, thì biện pháp hành chính xã hội có thể cũng phải thiết lập để vì sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết.
09:51 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thưa TS. Socorro Escalante, ở phạm vi thế giới, tiêm mũi 3, 4 có tác dụng phụ như thế nào? Lợi ích cho người tiêm và xã hội như thế nào?
TS. Socorro Escalante: Trước tiên tôi muốn nói rằng luôn luôn có tác dụng phụ khi chúng ta tiêm vaccine, vaccine nào cũng thế. Tuy nhiên hầu hết tác dụng phụ là nhẹ và những biến cố bất lợi rất hiếm, cực kỳ hiếm. Nhưng kể cả có những biến cố, tác dụng phụ như thế, chúng ta vẫn thấy lợi ích cao hơn rủi ro và chúng ta có các dữ liệu bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 sử dụng trên toàn thế giới là rất an toàn. Tất nhiên cũng có rất hiếm các trường hợp biến cố nặng nhưng nhìn chung là lợi ích cao hơn rủi ro rất nhiều.
Đối với mũi 3, mũi 4, khi chúng ta thực hiện tiêm vaccine, chúng ta đều có các hệ thống toàn quốc phát hiện biến cố bất lợi, các tác dụng phụ. Khi Việt Nam triển khai tiêm vaccine thì các bệnh viện, phòng khám đều sẵn sàng để có thể phát hiện cũng như đối phó với các trường hợp bị biến cố bất lợi, đặc biệt những biến cố nặng như sốc phản vệ…
Chúng tôi rất tin tưởng hệ thống y tế của Việt Nam bởi khi chúng ta có các biến cố bất lợi trong tiêm chủng thì chúng ta báo cáo đầy đủ. Đối với công chúng, chúng ta cần phải giải thích cho họ rõ ràng rằng việc tiêm vaccine có biến cố bất lợi là hoàn toàn bình thường để họ hiểu. Đặc biệt, chúng ta phải giải thích rất rõ ràng đối với những trường hợp nặng. Việc có biến cố bất lợi của vaccine không phải là rào cản hay chỉ số để chúng ta không sử dụng vaccine.
Lý do thứ hai là đại dịch chưa kết thúc. Một khi còn chủng virus lưu hành, chúng ta vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Sau 4 đến 6 tháng, tiêm vaccine là cơ hội giúp cho cộng đồng được bảo vệ. Một khi chúng ta còn vaccine thì điều rất là tốt là chúng ta phải tiêm phòng để bảo vệ cho công chúng.
09:49 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: GS. Phan Trọng Lân có thể thông tin về việc nếu đã tiêm mũi 1, mũi 2 và sau đó lại mắc COVID-19 thì với những người như vậy, khả năng miễn dịch, phòng dịch sẽ như thế nào? Và ngành y tế đã có sự chuẩn bị gì để triển khai, chỉ đạo các cơ sở y tế tiêm mũi 3, mũi 4?
GS.TS. Phan Trọng Lân: Đối với câu hỏi này sẽ được nghiên cứu một cách đầy đủ hơn. Người ta cho rằng bị mắc sau khi tiêm mũi 1, mũi 2 là coi như tiêm mũi 3. Ở đây, chắc chắn rằng khi mắc thì miễn dịch có tăng lên so với tiêm vaccine mũi 1, 2. Tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau. Chuẩn hóa hơn nữa là tiêm vaccine mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4. Người ta thấy rằng đối với người bị mắc mà tiêm mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4, so với những người mắc mà không tiêm thì miễn dịch của người đã mắc có tiêm vaccine lâu dài hơn, cao hơn. Có nghĩa là, hiệu lực bảo vệ của họ cao hơn trước các biến thể mới.
09:45 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cảm ơn GS. Phan Trọng Lân. Như vậy, rõ ràng một trong những nguyên nhân vì sao chúng ta phải tiêm bổ sung là tính miễn dịch sẽ suy giảm dần, và đặc biệt sẽ xảy ra ở những người cao tuổi, những người có khả năng miễn dịch thấp.
Thưa PGS.TS. Trần Minh Điển, việc tiêm vaccine cho trẻ em trong thời điểm hiện nay, nhất là trong bối cảnh biến thể của SARS-CoV-2 như BA.4 và B.A5, có tác dụng và cần thiết như thế nào?
PGS.TS. Trần Minh Điển: Hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục khuyến cáo cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi đi tiêm mũi 3 và nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi đi tiêm mũi 1 và 2. Đây là một trong những vấn đề cần thiết để chúng ta tạo miễn dịch cộng đồng. Rất đáng tiếc là, nhóm dưới 5 tuổi trên thế giới đã có vaccine tiêm rồi nhưng ở nước ta thì chưa có để tiêm. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, có các câu hỏi của phụ huynh là "con tôi đã mắc rồi thì có nên đi tiêm hay không? có miễn dịch rồi thì có tiêm hay không?" Đây là vấn đề như TS. Socorro Escalante hay GS. Lân đã nói, biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong gian đoạn này. Chúng ta hoàn toàn có thể mắc trở lại nếu không bổ sung kháng thể cho con của mình.
Vấn đề thứ hai là các phụ huynh cũng đang rất lo lắng các mũi tiêm này có an toàn hay không? Với các câu trả lời của TS. Socorro Escalante hay GS. Lân vừa rồi, chúng ta đều thấy rằng vaccine an toàn. Đặc biệt là Việt Nam chúng ta ưu tiên chế phẩm Pfizer dành cho trẻ tư 12 đến 17 tuổi liều giống như người lớn, với trẻ từ 5 đến 10 tuổi chúng ta phải có chế phẩm riêng. Đây là những ưu tiên rất lớn của Chính phủ Việt Nam đối với trẻ em.
Chúng ta đã qua đỉnh dịch ở tháng 3, tháng 4 đến bây giờ là ngày 01/7, đã qua 3 đến 4 tháng rồi, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Những hoạt động xã hội của chúng ta thời gian qua, nhất là trong những tháng hè, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng để nghỉ hè và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Do đó trẻ rất dễ mắc trong tình hình hiện nay, và với tỉ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch.
Một nhóm yếu thế nữa là nhóm chưa có vaccine dưới 5 tuổi. Với nhóm này, trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ cũng có mắc. Thực tế trong gia đình có trẻ sơ sinh mắc thì phụ huynh rất lo lắng và căng thẳng hơn rất nhiều so với người lớn hoặc người già. Đây chính là những lý do chúng ta cần bảo vệ cho nhóm chưa được tiêm vaccine này, bằng cách chúng ta đưa con ở nhóm đã có vaccine từ 5 tuổi trở lên đi tiêm trong thời điểm này để tạo miễn dịch trong gia đình. Vấn đề này rất quan trọng, nếu gia đình chúng ta tất cả đã có vaccine rồi có nghĩa là trẻ sơ sinh cũng an toàn hơn rất nhiều, và chúng ta bảo vệ cho cả cộng đồng.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo có được vaccine cho cả nước chúng ta, vấn đề này rất tốt cho cộng đồng. Thời điểm này, những biến thể mới có thể xâm nhập và lan tràn trong cộng đồng của chúng ta. Ngay như bây giờ, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một ngày có khoảng 5 đến 7 trường hợp mắc hội chứng MIS-C là hội chứng viêm đa cơ quan. Đây là hội chứng rất nặng, ảnh hưởng tới tính mạng của em bé. Tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh, trong thời điểm này cũng là lúc các cháu nghỉ hè, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế, tư vấn các bác sĩ để chúng ta có thể tiêm. Với việc tiêm này, Chính phủ đã dành những vaccine tốt nhất, an toàn nhất cho các cháu.
09:40 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Hiện nay, biến thể phụ BA.4, BA.5 đang phổ biến trên thế giới. Vậy, việc tiêm mũi nhắc lại (3, 4) có tác dụng với biến thể phụ này như thế nào? Lợi ích và hạn chế của việc tiêm mũi nhắc lại này là gì, thưa GS. Phan Trọng Lân?
GS. Phan Trọng Lân: Như thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới thì biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.
Ở Việt Nam chúng ta, nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương nên đến tháng 12/2021, thậm chí đến tháng 2/2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết. Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm. Đặc biệt như đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã nói, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập.
Yếu tố thứ hai là cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Khi các biến thể mới có mức độ xâm nhập, lây lan như vậy thì có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm sang cho các đối tượng khác, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.
Như vậy, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng.
Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng.
Thực tế có người dân băn khoăn khi họ mắc BA.2 thì rất nhẹ nhưng khi tiêm vaccine lại lo lắng vì bị sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, những phản ứng ấy sẽ qua đi trong vài ngày. Nhưng ngược lại, trong tương lai dịch khó dự đoán thì chúng ta sẽ yên tâm hơn khi đã tiêm vaccine. Thời gian tới, nếu dịch có xâm nhập thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống được bảo vệ và yên bình hơn.
09:32 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thưa Bà, xin bà chia sẻ thông tin về việc triển khai tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là việc tiêm nhắc lại mũi 3, 4 tại các quốc gia trên thế giới hiện nay? Các đối tượng tiêm các mũi nhắc lại như thế nào? Các chuyên gia của tổ chức WHO có lời khuyên gì tới người dân trong hoàn cảnh các biến chủng mới lây lan nhanh hơn và có nguy hiểm hơn không, thưa Bà?
TS Socorro Escalante: Trước khi giải thích về quá trình tiêm vaccine, tôi muốn quay lại biến chủng BA.4, BA.5 có nặng hơn so với biến chủng khác hay không? Chúng phải cần có bằng chứng, cần phải thận trọng. Chúng ta biết, có những nhóm có thể dễ bị tổn thương với COVID-19 hoặc có thể mắc COVID-19 nặng hơn so với những nhóm khác. Ở đây tiêm vaccine giúp bảo vệ cho từng cá thể khỏi mắc bệnh hoặc khỏi bị bệnh nặng. Nó phòng lây truyền bệnh cùng các biện pháp xã hội khác.
Các anh chị thấy rằng trong hoàn cảnh của toàn thế giới hiện nay và nguồn cung vaccine rất hạn chế, nên chúng ta cần ưu tiên vaccine cho các đối tượng dễ bị tổn thương, ví dụ như những người suy giảm miễn dịch. Ở đây chúng ta thấy rằng, đáp ứng vaccine ở các đối tượng không như nhau, ví dụ như người suy giảm miễn dịch thì đáp ứng không như những người bình thường. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những đối tượng như vậy phải được nhận mũi tiêm thứ 3, 4 bởi khả năng của họ để tạo ra miễn dịch chống lại bệnh không như những nhóm khác.
Đấy là nguyên tắc chung trong tiêm vaccine. Hiện tại mức độ sẵn có vaccine đã được cải thiện, đặc biệt là đối với Việt Nam có áp dụng thêm các cách rất hiệu quả để tiêm mũi 3, mũi nhắc lại cho mọi người. Chúng ta cũng có nghiên cứu tại sao phải tiêm mũi nhắc lại sau 4-6 tháng như thế này bởi chúng ta phải tiếp tục bảo vệ cộng đồng của chúng ta.
Có một số lý do chúng ta đã nói, tức là khi còn những chủng virus lưu hành thì người ta sẽ có thể mắc bệnh và biến chủng mới có khả năng xuất hiện. Cúng ta cần phải chuẩn bị là có những biến chủng mới sẽ xuất hiện, sẽ đến với chúng ta nên chúng ta phải tiêm phòng vaccine để dự phòng.
Nguyên tắc chung mà chúng ta có thể áp dụng tiêm vaccine đối với Việt Nam là tính sẵn có vaccine đối với Việt Nam. Ở đây chúng ta cũng cần tiếp cận với đối tượng có tuổi chẳng hạn, những nhóm nhỏ nhưng là những người dễ bị tổn thương. Chúng ta cũng cần tiếp cận tất cả những nhóm chưa được tiêm vaccine với liều cơ bản.
Chúng ta cũng cần phải tiếp tục làm việc với Chính phủ cũng như ngành y tế để làm sao đưa vaccine đến được những khu vực nguy cơ cao, những người ở khu vực này phải được tiêm vaccine để bảo vệ từng người, bảo vệ từng hộ gia đình và bảo vệ cả cộng đồng.
Việc lan truyền của virus vẫn là áp lực đối với chúng ta và dựa vào các nguyên tắc ưu tiên, chúng ta cũng xác định các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine như Việt Nam đang áp dụng.
Đối với liều thứ 4, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm cho những người bị suy giảm miễn dịch, những người có tuổi, họ vẫn phải là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Và sau cùng, chúng ta rất may mắn là có vaccine, giúp phòng được các tác động nguy hiểm của bệnh, cũng như làm giảm áp lực phòng chống dịch cho chúng ta. Vaccine của chúng ta an toàn, hiệu quả và có chất lượng. Điều này là rất quan trọng để giúp cho công chúng hiểu được vaccine hiện có.
09:21 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Qua ý kiến của đại diện WHO và TS. Điển, chúng ta thấy một điều là biến chủng BA4. BA5 lây nhiễm rất nhanh. Một điều nữa mà chúng ta phải hết sức cẩn trọng đó là độc lực của nó thế nào thì đến giờ chúng ta chưa có đầy đủ thông tin. Chính sự không đoán định trước là thứ chúng ta phải rất cẩn trọng, sẵn sàng để ứng phó.
Thưa GS. Phan Trọng Lân, vaccine được ví như một vũ khí chiến lược trong công tác phòng chống dịch. Thực tế này đã chứng minh trong thời gian gần 3 năm vừa rồi tại nước ta, tỉ lệ bệnh nặng và tử vong do COVID-19 đã giảm nhanh sau khi chúng ta bao phủ vaccine tới người dân với tỉ lệ rất cao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã được kiểm soát. Việc tiêm vaccine có thực sự cần thiết nữa không, thưa ông? Xin ông phân tích, làm rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của vaccine trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay?
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục y tế dự phòng Bộ Y tế: Vaccine giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Khi tác nhân gây bệnh vào người thì sẽ giảm mắc, giảm chuyển nặng hoặc tử vong. Thậm chí có người khi tiêm vaccine nếu có mắc thì cũng nhẹ hơn những người chưa tiêm. Ở đây chúng ta thấy rằng vaccine là vũ khí chiến lược. Bởi vì trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh mạnh như hiện nay với biến chủng SARS-CoV-2, chúng ta thấy rằng biện pháp chống lây lan nhanh hoặc là các biện pháp hành chính xã hội, hoặc thuốc và các biện pháp gần như cơ bản khó đáp ứng được một cách dài. Do đó vaccine tạo miễn dịch cho con người, người ta có thể đi bất cứ nơi đâu mà vẫn cảm thấy an toàn. Tôi cho rằng là quan trọng.
Thứ hai, vaccine là một thành tựu của y học, một trong những biện pháp phòng chống tốt nhất của y tế dự phòng. Bởi vaccine là dựa trên bằng chứng nghiên cứu từ trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu trên động vật, qua 3 giai đoạn trên người. Thậm chí sau khi đã nghiên cứu kỹ, ra ngoài thị trường vẫn tiếp tục được nghiên cứu.
Phải nói là chưa bao giờ trong vòng 2 năm qua đã sử dụng đến hàng tỷ liều và được sự giám sát rất chặt chẽ của mỗi người dân, của các cơ quan y tế và của Tổ chức Y tế Thế giới. Chỉ cần một sự bất thường nào đấy ở vùng nào đấy, lập tức sẽ dừng trên toàn cầu với vaccine được sử dụng. Nói vậy để thấy rằng vấn đề an toàn, vấn đề hiệu quả luôn được theo dõi, giám sát; có sự bất thường thì người ta sẽ phanh lại một cách kịp thời.
Trong bối cảnh quốc tế thì chúng ta thấy rằng vấn đề hiện nay là kiểm soát. Thực ra, hiện nay chúng ta đang kiểm soát BA.2. Toàn bộ hình thái dịch tễ của chúng ta vừa rồi là từ tháng 1 cho đến nay chủ yếu là BA.2. Khi chúng ta mắc BA.2, nếu chúng ta được tiêm ngừa thì chúng ta được an toàn và ít mắc. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới có nói BA.5 đã xâm nhập và ở đây chúng ta có thể phát hiện được. Tuy nhiên, bên ngoài chúng ta, số ca mắc tăng liên tục hằng tuần và gần như tăng gấp đôi. Như vậy, với việc đi lại bình thường thì sự xâm nhập chỉ là vấn đề thời gian.
Thứ hai, biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội gần như cơ bản sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Như vậy, vaccine là một yếu tố rất quan trọng. Chúng ta thấy rằng tiêm mũi 3, mũi 4 củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm đi nữa thì cũng sẽ nhẹ hơn.
Một điểm chúng ta nhìn thấy ở đây là đặc thù của vaccine SARS-Cov-2 khi chậm lại. Miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian, sau 4 đến 6 tháng. Như vậy chúng ta làm thế nào tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để chúng ta phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác. Một minh chứng là đã có thay đổi từ chủng gốc cho đến anpha, beta, denta và omicron nhưng vaccine rất hiệu quả. Nhưng khi có hiệu quả thì nó tạo ra tình trạng chúng ta chủ quan lơ là.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Bây giờ vẫn có ý kiến tuy không chủ đạo nhưng vẫn lan tỏa làm người dân hơi ái ngại liên quan đến việc vaccine có thể sắp hết hạn. Hiện thúc đẩy tiêm là vì sắp hết hạn. Chuyện đó có hay không hay chỉ là tin giả trên mạng xã hội, thưa Giáo sư?
GS. Phan Trọng Lân: Vaccine được nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là sự ổn định. Ví dụ, hạn sử dụng của vaccine là 9 tháng thì có nghĩa người ta đã nghiên cứu tới 12- 15 tháng, thậm chí hơn nữa. Ta thấy rằng tính ổn định 9 tháng nghĩa là nó đảm bảo được trong vòng 9 tháng hiệu quả là như nhau chứ không có chuyện 7 tháng thì tốt hơn 9 tháng.
Thứ hai, đối với Việt Nam chúng ta, bố mẹ đưa con đi tiêm chủng thì đều đề nghị nhân viên y tế cho xem hạn sử dụng trên lọ. Như vậy các hoạt động hiện nay đều được bảo đảm.
Thứ ba, trong các hoạt động, từ phân bổ vaccine, được giám sát rất đầy đủ của các bên: Bộ Y tế, chính quyền các cấp. Như vậy vấn đề chất lượng vaccine từ hướng dẫn, vận chuyển, bảo quản đến sử dụng, tôi thấy rất bảo đảm sự an toàn để bà con yên tâm để đi tiêm. Đấy là trách nhiệm của ngành y tế, của chính quyền và bản thân người dân cũng giám sát để bảo đảm tốt nhất cho những người được tiêm phòng.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thưa GS. Phan Trọng Lân, còn có một vấn đề nữa mà nhiều người băn khoăn là tác động phụ. Người ta nói là nếu tiêm mũi 3, rồi mũi 4 thì phản ứng phụ sẽ mạnh hơn và để lại hệ lụy lớn cho những người tiêm. Thực chất là không có chứng cứ gì cả nhưng cứ lan tỏa như vậy làm người dân ái ngại. Từ góc độ khoa học, từ góc độ số liệu và chứng cứ, đề nghị Giáo sư phân tích chỗ này!
GS. Phan Trọng Lân: phải nói rằng, đối với tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 chưa bao giờ lớn như vậy, ở tất cả các độ tuổi trong thời gian ngắn tiêm rất nhiều. Nhưng thường đối với vaccine, người ta nghiên cứu trên phạm vi lớn và đã kết luận. Còn đối với mỗi cá nhân thường có khác biệt nhau trong đáp ứng, đặc biệt là vấn đề ngẫu nhiên. Phải nói rằng vấn đề ngẫu nhiên như mệt mỏi có nhiều lý do nhưng cũng đổ cho vaccine. Những việc khác đôi khi khó nói cũng đổ cho vaccine. Nói vậy là để chia sẻ với những vấn đề người dân đưa ra.
Nhưng ngược lại, đối với vaccine, chúng ta phải có những bằng chứng và phải nghiên cứu. Ở đây thì nhiều nghiên cứu, đặc biệt là các nước phát triển họ nghiên cứu rất đầy đủ và thấy rằng trong 4 mũi tiêm thì tiêm mũi 3, mũi 4 có ý nghĩa nhắc lại lần 1, lần 2 nên ở giữa mức phản ứng của mũi 1, mũi 2. Ví dụ như vaccine Pfize thì tiêm mũi 2 phản ứng hơn mũi 1 còn mũi 3, mũi 4 ít phản ứng hơn mũi 2. Đấy là những nghiên cứu bài bản và có công bố quốc tế thường xuyên, có kiểm tra giám sát. Do đó, những người đi tiêm yên tâm và cứ sống vui vẻ, ăn thức ăn có miễn dịch là chúng ta yên tâm. Đặc biệt, bên cạnh chúng ta có cả thế giới, có các tổ chức quốc tế, và các cán bộ y tế Việt Nam, chắc chắn tất cả đều vì sức khỏe người dân, làm thế nào bảo đảm miễn dịch tốt nhất để phòng dịch. Tôi phải nói rằng, không phải chỉ bây giờ mà kể cả những biến thể tương lai nếu có thì tiêm vaccine sẽ giúp giảm nhẹ rất nhiều.
09:18 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thưa PGS.TS Trần Minh Điển, bằng kinh nghiệm lâm sàng, ông đánh giá như thế nào về sự nguy hiểm của các biến chủng mới của vius SARS-CoV-2? Đặc biệt với trẻ em, biến thể phụ BA.4, BA.5 có nguy cơ như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Như vừa rồi TS. Socorro đã thông báo cho chúng ta về biến chủng BA.4, BA.5, bản thân chúng tôi là bác sĩ đều phải đọc bản tin của Tổ chức Y tế Thế giới. Với bản tin của WHO ngày 29/6, chúng ta cùng thấy biến chủng BA.4, BA.5 đã lan nhanh trên toàn cầu với 6 khu vực WHO đang giám sá.t Trong tuần qua, biến chủng BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu. Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Một đất nước ngay cạnh chúng ta là Singapore, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 45% các trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng liên quan đến biến chủng BA.4, BA.5.
Những biến thể này, như TS. Socorro đã trình bày, lây lan nhanh hơn và tỉ lệ tử vong hay tỉ lệ bệnh nặng không có sự khác biệt. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý đến tỉ lệ tử vong, tỉ lệ mắc bệnh nặng liên quan đến nhóm người già và nhóm có yếu tố nguy cơ bệnh nền. Với sự gia tăng mắc mới này, sự gia tăng về số nằm viện cũng đang được thông báo.
Với những thông tin còn hạn chế, câu hỏi đặt ra là trẻ em có nhiễm biến chủng BA.4, BA.5 hay không? Tỉ lệ trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 25-27% dân số. Theo Cục Y tế dự phòng, tỉ lệ mắc của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến giờ, cũng tương đương với tỉ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc COVID-19. Với các ca bệnh khó, bệnh nặng thì chủ yếu liên quan đến bệnh mãn tính, bệnh nền. Đây là những yếu tố nguy cơ trên nhóm nguy cơ. Đồng thời trẻ em là nhóm yếu thế bởi trẻ em chưa được tiêm chủng nhiều, đặc biệt là nhóm dưới 11 tuổi. Vừa rồi chúng ta mới bắt đầu có thuốc tiêm cho trẻ từ 5- 11 tuổi, còn nhóm dưới 5 tuổi chúng ta chưa có thuốc tiêm. Do vậy, nếu biến chúng BA.4, BA.5 lây lan nhanh sang cộng đồng, tức là trẻ em có lây lan và có tỉ lệ mắc bệnh nặng và đặc biệt trẻ em là nguồn lây sang cho người già, người lớn khác dễ dàng hơn vì đối với trẻ em, thông thường các giải pháp liên quan đến khẩu trang, khử khuẩn kém hơn so với người lớn.
09:15 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin dành câu hỏi đầu tiên cho TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam! Theo một số tổ chức quốc tế, biến chủng BA.4, BA.5 có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong. Điều này sẽ gây áp lực cho nền y tế của từng quốc gia cũng như toàn cầu nói chung. Bà có nhận định như thế nào về thông tin này?
TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: Ngành y tế ở Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh và việc chúng ta sử dụng các biện pháp như đeo khẩu trang ở những không gian kín, rửa tay… cũng sẽ giúp chúng ta kiểm soát được dịch. Phải khẳng định là Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp Chính phủ Việt Nam phát hiện sớm các nhóm gene hoặc các biến chủng mới.
Các biện pháp chúng ta đang triển khai thực hiện là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới, nhưng chúng ta cũng có những công cụ để phát hiện và kiểm soát. Đó chính là vaccine. Việt Nam đã tiêm chủng được với tỉ lệ rất cao. Vaccine hiện tại Việt Nam đang sử dụng cũng có hiệu quả đối với các biến chủng BA.4 và BA.5. Đấy chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin được hỏi thêm bà là không biết đã có thông tin về độc lực của biến chủng BA.4 và BA.5 chưa?
TS. Socorro Escalante: Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5.
08:11 ngày 01/07/2022
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đại dịch COVID-19 toàn cầu đến nay tuy cơ bản được kiểm soát, song tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi với các biến chứng mới có độ lây lan nhanh hơn, khó xác định, tiên lượng được tính chất nguy hiểm của các biến thể và do đó có thể gây ra thiệt hại nặng nề hơn, mức độ tăng nặng cũng như tử vong. Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới hiện nay, nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Theo nhận định, vẫn có thể xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Để phòng chống đại dịch COVID-19, vaccine vẫn được coi là một trong những vũ khí chiến lược hiệu quả và quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. Thực tế thời gian qua, vaccine đã chứng minh được tính hiệu quả trong công tác phòng bệnh ở nước ta nói riêng và ở các nước trên thế giới nói chung.
Tuy nhiên, kháng thể bảo vệ của vaccine phòng chống COVID-19 hiện nay giảm theo thời gian. Vì vậy, ở nước ta hiện nay, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết để phòng mắc bệnh hoặc tái mắc bệnh, nếu có mắc thì nguy cơ bệnh nặng, tử vong sẽ giảm thiểu trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường. Tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích thiết thực.
Để làm rõ hơn vai trò của vaccine – một vũ khí chiến lược quan trọng trong công tác phòng chống dịch, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19?" với sự tham dự các vị khách mời:
GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế),
PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương
TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam./.
Nguồn: Chinhphu.vn
Tin liên quan
- Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính