Tổng thuật sáng 22/10: Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
22/10/2024 | 15:38 PM
|
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Theo Chương trình làm việc, trước khi tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Quốc hội nghe các báo cáo: (1) Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025 – 2027; (2) Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025 – 2027; (3) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, sáng nay, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025 – 2027; báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Quốc hội cũng sẽ thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Phó Chủ tịch Quốc hội mời Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tóm tắt Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025 – 2027.
8h01: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025 – 2027.
8h20: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025 - 2027.
8h31: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi toàn diện Điều 7 của Luật hiện hành để quy định các chính sách chung của Nhà nước về dược; quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 (sửa đổi); còn quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xem xét khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.
Cụ thể, Điều 7 (sửa đổi) bổ sung quy định “có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn” (khoản 3); quy định chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập (khoản 4); ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu (khoản 5); áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ (khoản 6); hỗ trợ phát triển dược liệu, phát huy các bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu (các khoản 7, 8 và 9); phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại (khoản 10); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (khoản 12); giữ giá, giảm giá đối với một số nhóm thuốc cần thu hút chuyển giao công nghệ (khoản 13).
Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu đối với các quy định về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung báo cáo đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế và quy định về chuỗi nhà thuốc để tạo công cụ pháp lý quản lý hiệu quả hơn các chuỗi nhà thuốc đã và đang hoạt động như thực tiễn hiện nay, đồng thời, bổ sung một số quy định để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn liên quan trong hoạt động kinh doanh chuỗi nhà thuốc và giao Bộ Y tế quy định chi tiết, cũng như quan tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.
Theo đó, một số quy định đã được chỉnh lý, cụ thể khái niệm chuỗi nhà thuốc tại khoản 48 Điều 2 (sửa đổi), quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc tại điểm h khoản 1 Điều 33 (sửa đổi), về quyền, trách nhiệm của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc và quyền, trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc tại Điều 47a (bổ sung); về điều kiện và trách nhiệm của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc tại khoản 1 Điều 17a (bổ sung) và khoản 3a Điều 31 (sửa đổi).
Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17 và 18 Điều 6 (sửa đổi); quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a Điều 42 (sửa đổi); quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 4 Điều 42 (sửa đổi), bao gồm cả trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
8h46: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành và gợi ý nội dung tập trung thảo luận
Điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Đã có 81 ý kiến phát biểu ở Tổ, Hội trường và có 5 ý kiến góp ý bằng văn bản. Sau Kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý kiến để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách trong tháng 8. Đồng thời gửi xin ý kiến tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Ngày 27/9/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 529 về việc tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về dự thảo luật cùng với một số tài liệu bổ sung. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đến nay dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 1 khoản và 1 điều của Luật hiện hành và bổ sung 3 điều mới. Phần lớn các nội dung của dự thảo Luật sau chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các cơ quan. UBTVQH đã có Báo cáo số 982 dài 70 trang trình Quốc hội phản ánh đầy đủ các nội dung tiếp thu, giải trình theo từng nhóm vấn đề”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận về 6 vấn đề còn ý kiến khác nhau: Về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược (Điều 7 và Điều 8 sửa đổi); Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc (khoản 48 Điều 2 sửa đổi; Điều 17a bổ sung; các điều 31, 32, 33, 36, 37 và 38 sửa đổi; Điều 47a bổ sung); Về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược (Các điều 43, 44 và 46 sửa đổi), cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 53a bổ sung); Về đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Điều 55 và Điều 56 sửa đổi); Về quản lý giá thuốc (các điều 107, 109, 110, 112 và 113 sửa đổi; khoản 48 Điều 1 bãi bỏ Điều 114)…
Hiện có 11 đại biểu đăng ký phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh mời đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu.
8h53: Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Làm rõ một số định nghĩa của dự thảo Luật
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng bày tỏ cơ bản thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số định nghĩa được quy định tại dự thảo Luật. Cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung khoản 5 quy định về dược liệu, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, cần cân nhắc và làm rõ tiêu chuẩn cụ thể như thế nào để xác định dược liệu đạt tiêu chuẩn làm thuốc. Theo đại biểu, chỉ khi quy định rõ và chi tiết thế nào là đạt tiêu chuẩn làm thuốc mới có cơ sở để bảo đảm sản xuất và quản lý dễ dàng, thực hiện đúng yêu cầu, bảo đảm chất lượng về dược liệu.
Tương tự tại Điểm d, khoản 1, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 10 quy định định nghĩa về sinh phẩm, đại biểu đề nghị cần làm rõ định nghĩa sinh phẩm chẩn đoán in vitro bởi đây là một lĩnh vực phức tạp, có thể gây nhầm lẫn. “Quy định này cần chính xác để tránh việc áp dụng sai ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán”, đại biểu nhấn mạnh…
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát để bảo đảm chất lượng thuốc khi giao dịch theo phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử. Vì với sự phát triển của thương mại điện tử, việc có các quy định này sẽ bảo đảm việc giao dịch thuốc trực tuyến được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
8h57: Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Cần điều chỉnh về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân trong chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao nội dung dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này, các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý trong dự thảo Luật.
Quan tâm tới Điều 8 dự thảo Luật về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, đại biểu cho biết, hiện nay đang xây dựng 02 phương án, phương án 1 quy định cụ thể về vốn đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu là 3.000 tỉ đồng, điều kiện thực hiện trong 3 năm đầu là 1.000 tỉ đồng. Đại biểu cho rằng đây là điều kiện rất khó khẳn, bởi lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm,.. Đây là những lĩnh vực rất hẹp, trong khi đó lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 3 năm đầu hoàn toàn không khả thi. Do đó, đại biểu cho rằng cần phát xem xét lại nội dung này.
Đại biểu cho rằng, phương án này có ưu điểm là xác định được cụ thể quy mô của dự án đầu tư để được hưởng ưu đãi tại Điều 20 của Luật Đầu tư. Phương án hai thì quy định phải đáp ứng được quy định tại Điều 20 mới được hưởng ưu đãi. Do đó, đại biểu cho rằng cần điều chỉnh lại quy định về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân để đảm bảo phù hợp.
9h03: Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Cần tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dược
Đánh giá cao dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 8 đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu một số ý kiến; tổng hợp và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Góp ý về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, tại Điều 32 khoản 1 của Luật Dược qui định hoạt động “kinh doanh bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc” là một hoạt động kinh doanh dược độc lập. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng được liệt kê tại khoản 2 điều 32 như một cơ sở kinh doanh dược độc lập với cơ sở bán buôn hay cơ sở bán lẻ thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Vì vậy, khi khoản 4 Điều 53a qui định các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện các hoạt động bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không nêu rõ là các hoạt động này gắn với bán hàng thì vô hình chung đã loại trừ quyền kinh doanh của các doanh nghiệp FIE đối với một hoạt động kinh doanh độc lập không có liên quan đến phân phối thuốc được qui định trong Luật.
Đại biểu tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, theo các hiệp định thương mại tự do như WTO, CPTTP, EVFTA, … Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics. Theo cam kết trong WTO, Việt Nam đã bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics sau 07 năm kể từ khi gia nhập – tức là kể từ năm 2014, Việt Nam đã không còn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Nếu mở rộng thêm quyền cho các doanh nghiệp FIE sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ cho thuê kho bãi, logistics trong hoạt động kinh doanh phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian qua. Bên cạnh đó, phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, đều thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực phân phối và logistic dược phẩm và những chính sách này đã có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.
Từ đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điểm a và b khoản 4, điều 53a như sau:
a) Bán, giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nếu các hoạt động giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 Điều này;
b) Nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải do chính cơ sở nhập khẩu hoặc sản xuất, nếu dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng.
9h08: Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc. Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc. Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau.
Hơn nữa, với với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn. Quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược. Trong khi đó thì ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật giá.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc. Vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.
9h15: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cần quy định rõ hơn về chuyển đổi số trong ngành dược
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao Bộ Y tế đã thể hiện tinh thần quyết liệt trong lần sửa đổi Luật Dược này, tích cực tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời bày tỏ thống nhất cùng các nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần bổ sung các quy định về nội dung chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành dược ở Việt Nam. Theo đại biểu, chuyển đổi số cần được bổ sung vào Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành Dược. Cụ thể, việc triển khai kê đơn thuốc qua mạng cần được thực hiện từng bước và quyết liệt để đảm bảo quản lý tốt hơn chất lượng kê đơn, hình thức kê đơn, theo dõi tốt hơn hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí, tài chính.
Về ưu đãi đầu tư, đại biểu bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, lựa chọn phương án 1, với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô đầu tư từ 1000 tỷ trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 500 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư.
9h20: Đại biểu Nguyễn Văn Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Cần thiết rút ngắn thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc
Cơ bản thống nhất với Báo cáo của UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Văn Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, yêu cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu cho việc phòng bệnh, điều trị bệnh là yêu cầu hết sức cấp thiết. Do đó, cần thiết nghiên cứu rút ngắn thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt đối với thuốc hiếm, vắc-xin, thuốc điều trị bệnh hiếm gặp, thuốc sinh học…
Quan tâm về thuốc không kê đơn, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, thay vì ban hành danh mục cứng bằng văn bản giấy, nên xem xét, công bố, phân loại thuốc kê đơn, không kê đơn ngay khi cấp phép lưu hành. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế vì các nước cũng cập nhật thường xuyên thuốc không kê đơn trên trang web. Cách thức này thuận tiện cho việc tra cứu của nhiều đối tượng và bảo đảm tính cập nhật thường xuyên.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo phải xem xét bổ sung khái niệm “thuốc không kê đơn” trong Luật Dược như sau: “Thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng không cần đơn thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế”.
Về số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành trên thị trường, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho biết, hiện có hơn 22 nghìn thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng trên 800 hoạt chất. Đại biểu cho rằng, như vậy sẽ có một số loại thuốc giống nhau, trùng lặp, cấp phép với nhiều loại giấy đăng ký lưu hành, điều này làm gia tăng gánh nặng giải quyết hồ sơ cấp phép và tăng gánh nặng giám sát quản lý thị trường của cơ quan Nhà nước. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp hạn chế cấp mới số đăng ký thuốc để tránh việc trùng lặp.
9h47: Đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Đảm bảo tính thống nhất với Luật Giá
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đã có những đóng góp quan trọng cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; đồng thời cho rằng việc sửa đổi và ban hành Luật này là cấp thiết để hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vấn đề bất cập trong lĩnh vực sản xuất, quản lý, sử dụng và lưu thông thuốc trên thị trường.
Hiện nay, theo đại biểu, đang có sự bất cập giữa quy định về kê khai giá thuốc trong dự thảo Luật này và Luật Giá hiện hành. Do vậy, để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật và đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa hai luật, tránh ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu và quản lý giá thuốc…
Cùng với đó, đại biểu cho biết, hiện nay số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành là rất lớn (khoảng 22.000 thuốc). Như vậy sẽ có rất nhiều thuốc có hoạt chất, nồng độ và hàm lượng tiêu chuẩn giống nhau, trong khi các thuốc có hoạt chất mới hoặc có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn lại rất ít. Do vậy đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định hoặc hàng rào kỹ thuật để hạn chế cấp mới giấy phép đăng ký lưu hành đối với các thuốc có sự trùng lặp, nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản xuất thuốc mới.
9h53: Đại biểu Lê Văn Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Quy định cụ thể hơn nữa các chính sách trong dự thảo Luật
Đại biểu Lê Văn Cường nhận thấy, dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 8 đã tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã hoàn thiện theo hướng toàn diện. Quan tâm tới khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 7, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Điều 7 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện chưa sửa đổi toàn diện Luật Dược tại thời điểm hiện nay. Những nội dung được sửa đổi tại điểm này nhằm kịp thời thích ứng với tình hình mới, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Những nội dung cụ thể sửa đổi tại điều này mang tính nguyên tắc, định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành dược, bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề thực tế, việc cung ứng thuốc, cải cách, ưu tiên về thủ tục hành chính,...; song cũng bao gồm cả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, tầm nhìn dài hạn với những trọng tâm, trọng điểm, trọng điểm, cụ thể.
Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đã quy định giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 14 Điều 7. Tuy nhiên, qua rà soát, đại biểu nhận thấy, những nội dung chính sách mang tính nguyên tắc, định hướng hoặc các chính sách đã được thể hiện tại các điều luật khác không nhất thiết phải giao quy định chi tiết. Đồng thời, qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật trình tại Kỳ họp, dự thảo Nghị định còn nhiều chính sách chưa được quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn tới việc khó đảm bảo tính khả thi, hiệu lực pháp lý của luật.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nữa các chính sách ngay trong dự thảo Luật. Đối với những chính sách do Chính phủ quy định chi tiết, cần được thể hiện đầy đủ trong Nghị định của Chính phủ để đảm bảo thực thi ngay khi luật có hiệu lực thi hành.
10h07: Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ: Bổ sung vào quy định cấm đối với hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng với danh mục được cho phép
Cho ý kiến vào khoản 3, Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6 về hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào quy định cấm đối với hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng với danh mục được Bộ Y tế cho phép. Điều này nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc được chặt chẽ hơn. Bởi vì thuốc và nguyên liệu làm thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử diện diễn ra phong phú, đa dạng và phức tạp. Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục.
Đối với Khoản 4, sửa đổi, bổ sung Điều 7 chính sách của Nhà nước về dược đề cập đến nhiều chính sách ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp dược nhưng các chính sách còn dàn trải, chưa có tính trọng tâm, trọng điểm. Nhà nước có rất nhiều loại dược liệu quý hiếm nhưng dự thảo Luật thì chưa có chính sách cụ thể để phát triển, nhân rộng vùng nguyên liệu và chúng ta đều biết rằng, chỉ khi nào mà đa dạng hóa và chủ động được nguồn nguyên liệu thì ngành công nghiệp dược mới phát triển mạnh, bền vững và có thể cạnh tranh để xuất khẩu ra bên ngoài.
Do đó, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm vấn đề trên để có quy định tạo sự đột phá trong phát triển ngành nguyên liệu dược, dược liệu nói riêng và ngành công nghiệp dược liệu nói chung.
10h00: Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dược
Góp ý về vấn đề về số lượng đăng ký thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết hiện nay Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc, là quá nhiều so với các quốc gia khác. Đồng thời số đăng ký thuốc trong nước đang bị trùng lặp rất nhiều do đó đại biểu đề nghị cần có chủ trương hạn chế số lượng đăng ký thuốc để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh, minh bạch hơn và cần phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Về vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, đại biểu cho rằng các điều khoản ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước trong dự thảo luật tương tự như Luật Dược 2016, nhưng chưa rõ ràng về việc áp dụng cho các doanh nghiệp cụ thể. Do đó đề nghị cần xem lại việc ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, đặc biệt trong quá trình đấu thầu mua thuốc tại bệnh viện.
Về quản lý hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc, đại biểu cho biết số lượng công ty phân phối và nhà thuốc bán lẻ tăng nhanh, nhưng chưa có biện pháp quản lý như biên chế thanh tra, quy định về vốn, khoảng cách giữa các nhà thuốc. Tình trạng mua bán, trà trộn thuốc giả, kém chất lượng vẫn có thể xảy ra do thiếu quản lý hiệu quả hệ thống phân phối…
Vấn đề đấu thầu thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Luật Đấu thầu hiện nay chỉ tập trung vào mục tiêu chọn thuốc giá rẻ, gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và phát triển bền vững của ngành công nghiệp dược. Đề nghị cần xem xét lại quy định về đấu thầu thuốc để đảm bảo cung cấp đủ thuốc, vaccine cho người dân và phát triển bền vững ngành dược.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong dự thảo sửa đổi Luật Dược, liên quan đến quản lý số lượng đăng ký thuốc, ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, quản lý hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc, đấu thầu thuốc, cũng như quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đại biểu đề xuất cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn để giải quyết các bất cập này, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dược và bảo vệ sức khỏe người dân.
10h13: Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, đại biểu tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. Đại biểu nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép. Đại biểu cho rằng, sau khi Luật được thông qua, Bộ Y tế có Thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay.
Theo đại biểu, dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.
Đại biểu cũng cho rằng, cần thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, nhưng cần ý thức rõ vị trí của ngành dược trong nước, tránh việc các hãng dược lớn của thế giới không thể tiếp cận được thị trường, trong khi dược phẩm trong nước chưa đảm bảo được chất lượng, người dân không sử dụng được dược phẩm đạt chất lượng như mong muốn.
10h17: Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Rà soát toàn bộ dự thảo Luật, không luật hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ
Qua nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang nhận thấy, một trong những vấn đề nổi lên là dự thảo Luật đang luật hóa rất nhiều quy định, đặc biệt là Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
“Ví dụ liên quan đến dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc có thuộc dịch vụ logistic hay không mà quy định tại Nghị định 54 /2017/NĐ-CP? Sau 7 năm thi hành Nghị định này, chúng ta vẫn chưa có nhiều các công ty trong nước và dịch vụ này chưa phát triển. Do đó, tôi băn khoăn tính ổn định của Nghị định này”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm.
Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát toàn bộ dự thảo Luật, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và phát biểu của đồng chí Chủ tịch Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 là: Những vấn đề mà thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ quy định, không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ và của các Bộ, điển hình là Nghị định 54 của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thẩm quyền của các Bộ ngành thì cần đưa ra khỏi dự thảo Luật này.
10h21: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Nhấn mạnh thuốc là mặt hàng quan trọng với người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc đang là bài toán chung của nhiều quốc gia, nhất là sau đại dịch Covid-19, không chỉ ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng cần đảm bảo nhiều yếu tố tổng thể…
Theo đó, cần đảm nguồn cung ứng thuốc ra thị trường; phát triển được công nghiệp dược trong nước; giải quyết các vấn đề khó khăn về mua sắm, đầu thầu; công tác tổ chức thực hiện từ vấn đề cấp phép lưu hành, mua sắm, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở y tế…
Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp, bởi nội dung này có liên quan nhiều đến các Luật về kinh tế khác. Nếu quy định tổng hợp hết các chính sách vào dự thảo Luật này thì sẽ rất nhiều. “Cho nên trong quá trình làm, vấn đề gì cần phải chi tiết, cụ thể thì chúng ta sẽ quy định ở các luật chuyên ngành. Trong dự thảo Luật này, chúng ta không thể chỉ được cụ thể mức độ như thế nào mà chúng ta dẫn chiếu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ…
Liên quan đến nội dung kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định đây không phải là nội dung mới, nội dung này đã được quy định ở trong Luật Dược 2016 và thực tiễn đã có rất nhiều các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc.
Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá việc triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay và tổng kết những tồn tại, vướng mắc để tăng cường công tác quản lý và đảm bảo hơn nữa trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà thuốc, chất lượng thuốc, những vấn đề hậu quả phát sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật này cũng đã bổ sung thêm các quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức chuỗi nhà thuốc; trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi; cũng như quy định cụ thể việc các nhà thuốc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động cung ứng. Tức là quản lý gốc chứ không phải quản lý ngọn. Qua đó, các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc sẽ phải tùy điều kiện, năng lực để rà soát, chấn chỉnh, đảm bảo chất lượng phục vụ cho người dân.
Về vấn đề thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử… có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử…
Liên quan tới nội dung về cấp phép, đăng ký lưu hành, gia hạn thuốc, tiếp thu tinh thần chỉ đạo chung và trên cơ sở những bất cập của Luật Dược năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật đã quy định rất rõ những điều kiện về tham chiếu, thừa nhận, giảm thủ tục hành chính trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây là đạo luật rất quan trọng, đã được Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đã nhận được sự đồng thuận rất cao; mong muốn sẽ được các vị đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp này để đảm bảo tính tương thích.
10h39: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã có 11 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, đặc biệt trong đó có 8 đại biểu trong ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Không khí thảo luận dân chủ, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trách nhiệm, sâu sắc về các nội dung của dự thảo Luật trên tinh thần xây dựng, làm cơ sở để Ban Soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và hình thức.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, đa số ý kiến đại biểu đều hướng đến tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật, nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý dược, đấu thầu mua sắm thuốc, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời và giá cả hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi, ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp dược.
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
Tin liên quan
- Chính thức cấm kinh doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thuốc lá mới
- Bộ Y tế công bố 62 bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến được hưởng BHYT 100%
- Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Kenya tăng lên 31
- Pakistan có 68 ca mắc bệnh bại liệt năm 2024
- Cục An toàn thực phẩm: Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác
- Số ca mắc sởi tăng 130 lần, cần tuân thủ 5 khuyến cáo phòng chống bệnh này
- Bộ Y tế đề xuất không xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3