Thuốc lá dẫn đến hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam, cần tăng thuế mạnh hơn
07/12/2024 | 13:30 PM
|
Mặc dù giá thuốc lá đã tăng sau các đợt điều chỉnh thuế, tuy nhiên sức mua thuốc lá vẫn duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy việc tăng thuế chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng... Trong khi thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam, chiếm 15% tổng số ca tử vong..
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên các nhà Kinh tế Việt Nam lần thứ 15 – VEAM 2024 diễn ra từ 4-6/12, phiên trình bày “Thuế vì sức khỏe” thu hút sự chú ý nhờ cung cấp góc nhìn sâu sắc về những tác động kinh tế và sức khỏe của thuốc lá và đồ uống có đường tại Việt Nam.
Phiên trình bày này gồm bốn bài nghiên cứu, tập trung vào các vấn đề như tác động của chi tiêu cho thuốc lá lên phúc lợi hộ gia đình, gánh nặng kinh tế do hút thuốc, sức mua thuốc lá khi tăng thuế và dự báo về thuế đồ uống có đường. Mỗi bài trình bày đều mang đến các phát hiện quan trọng và đề xuất cụ thể, tạo nền tảng cho các giải pháp chính sách hiệu quả hơn.
Thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam, chiếm 15% tổng số ca tử vong...
Một trong những nội dung nổi bật là bài nghiên cứu của nhóm thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, phân tích mối liên hệ giữa chi tiêu cho thuốc lá và phúc lợi hộ gia đình cho thấy giảm chi tiêu cho thuốc lá không chỉ nâng cao phúc lợi hộ gia đình mà còn đặc biệt mang lại lợi ích cho các nhóm thu nhập thấp, nhóm ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lá là rõ rệt nhất.
Ngoài tác động lên phúc lợi hộ gia đình, bài trình bày của Hội Kinh tế Y tế tập trung vào gánh nặng kinh tế của thuốc lá đối với xã hội. Theo nghiên cứu, thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam, chiếm 15% tổng số ca tử vong. Trong số này, 70% là những ca tử vong sớm trước tuổi 75.
Thuốc lá là yếu tố nguy cơ đối với 10% gánh nặng bệnh tật tính bằng số năm sống mất đi do tử vong sớm và số năm sống không khỏe mạnh do bệnh tật. Có hơn 30 bệnh được khẳng định là do hút thuốc lá trực tiếp và 8 bệnh do hút thuốc thụ động. Trong tổng số bệnh đó có 16 loại ung thư, 4 bệnh tim mạch, 4 bệnh hô hấp và một số bệnh khác như đái tháo đường tuýp 2.
Tính đến năm 2022, tổng chi phí y tế và năng suất lao động mất mát do thuốc lá gây ra là 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP. So với mức đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá vào ngân sách nhà nước, một thực tế cho thấy tác động kinh tế tiêu cực của thuốc lá vượt xa số thu thuế từ thuốc lá mang lại.
Một góc nhìn khác được trình bày bởi nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), tập trung vào tác động của tăng thuế thuốc lá đối với sức mua.
Mặc dù giá thuốc lá đã tăng sau các đợt điều chỉnh thuế, nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng thu nhập cá nhân tại Việt Nam nhanh hơn mức tăng giá thuốc lá, khiến sức mua thuốc lá vẫn duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy việc tăng thuế chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng trong việc giảm tiêu thụ thuốc lá.
Từ góc độ chính sách, nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các đợt tăng thuế mạnh mẽ hơn, đồng thời điều chỉnh thường xuyên để theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Phiên trình bày “Thuế vì sức khỏe” thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, y tế, sức khỏe và các đại biểu tham dự.
Bên cạnh các nghiên cứu về thuốc lá, phiên trình bày cũng đề cập đến tác động của áp thuế đồ uống có đường trong đó chỉ ra, theo số liệu của Statista , tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng đáng kể, từ 47,65 lít/người vào năm 2013 lên 70,56 lít/người vào năm 2020.
Các bằng chứng quốc tế đã chỉ mỗi liên quan thuận chiều của sử dụng đồ uống có đường với tăng các nguy cơ về sức khỏe như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, ảnh hưởng tới hệ xương răng, nguy cơ hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch.
Việt Nam đang phải đối mặt với gia tăng nhanh chóng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở cả trẻ em và người trưởng thành trong thập kỷ qua. Ở trẻ 5-19 tuổi, tỷ lệ này tăng từ 8,5% (2010) lên 19% (2020), cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%), cao hơn tỷ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình của khu vực (13,4% tại Campuchia, 16,6% tại Lào, 14,1% tại Myanmar, 14,5% tại Philippines, 18.0% tại Indonesia).
Để giải quyết tình trạng này, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng mức thuế đồ uống có đường ở để tăng giá bán lẻ lên 20% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm giảm sức mua và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Gửi báo giá, hồ sơ năng lực thực hiện hoạt động Thuê trang trí cảnh quan cho dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2025 Cơ quan Bộ Y tế
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Bộ Y tế gia hạn thêm 1.500 giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”