Thực trạng đáng báo động về bệnh Tăng huyết áp tại Việt Nam
18/05/2017 | 08:35 AM
Thông tin trên được GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo với chủ đề "Những thực trạng đáng báo động về bệnh Tăng huyết áp tại Việt Nam” do Quỹ Tim mạch Việt Nam phối hợp với Viện Tim mạch Việt Nam tổ chức chiều 15-5, tại Hà Nội.
Tham dự buổi họp báo có: GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam; GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam; PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam kiêm Giám đốc Quỹ Vì sức khỏe tim mạch Việt Nam...
GS, TS Nguyễn Lân Việt (giữa), Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam chủ trì buổi họp báo.
Phát biểu tại buổi họp báo, GS.TS Nguyễn Lân Việt cho biết, tăng huyết áp (THA) là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm, đồng thời là nguyên nhân gây suy tim và đột quỵ não; là nguyên nhân hàng thứ hai gây nhồi máu cơ tim cấp. Tỷ lệ người mắc THA ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ hóa.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2000, toàn thế giới có tới 972 triệu người bị THA và con số này được ước tính là vào khoảng 1,56 tỷ người vào năm 2025. Hiện nay, cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị THA. Theo WHO, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên Thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp hơn 7 triệu người.
Quang cảnh họp báo
Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị THA, đến năm 2009 tỷ lệ THA ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị THA đang ở mức báo động là 48%, một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại.
Theo thống kê năm 2015 của Hội Tim mạch học Việt Nam, hơn 5.454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) trong quần thể 44 triệu người tại 8 tỉnh, thành phố trên toàn quốc mắc THA. Kết quả cho thấy, có 52,8% người Việt có huyết áp bình thường (23,2 triệu người), có 47,3% người Việt Nam (20,8 triệu người) bị tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những người bị tăng huyết áp, có 39,1% (8,1 triệu người) không được phát hiện bị tăng huyết áp; có 7,2% (0,9 triệu người) bị tăng huyết áp không được điều trị; có 69,0% (8,1 triệu người) bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được. GS. TS Nguyễn Lân Việt cho biết, tăng huyết áp là bệnh rất dễ phát hiện nhưng có tới 50% người bệnh không biết mình bị mắc tăng huyết áp, không được điều trị. Nhiều người mắc bệnh này cũng không hề có biểu hiện, triệu chứng nhưng tăng huyết áp lại là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, vì thế nó được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. “Không có bệnh nào chẩn đoán dễ bằng tăng huyết áp bởi chỉ cần sắm một máy đo chuẩn, biết cách đo là người dân có thể tự biết được tình trạng của mình. Nếu đo thấy huyết áp cao hơn 140/90 là mắc bệnh. Thế nhưng không chỉ người dân mà thậm chí nhiều bác sĩ, nhân viên y tế cũng không biết huyết áp của mình là bao nhiêu. Lý do bởi nhiều người vì quá bận và không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ”
Theo GS.TS.Nguyễn Lân Việt, bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể điều trị được. Để phòng bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mặn; hạn chế rượu bia, thuốc lá; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả; có chế độ vận động, tập luyện thể dục thể thao, thư giãn hợp lý, tránh strees; duy trì cân nặng vừa phải, không để béo phì…
Cùng ngày, Quỹ Tim mạch Việt Nam phối hợp với Viện Tim mạch Việt Nam cũng tổ chức chương trình truyền thông về bệnh tăng huyết áp cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân./.
Ban biên tập CTTĐTBYT
Tin liên quan
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan
- Bệnh nhân ca ghép phổi khiến bác sĩ "cân não" được xuất viện