Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 kiểm tra thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững tại tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
17/12/2020 | 11:53 AM
Thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, ngày 16/12/2020, Đoàn Kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do đồng chí PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có buổi làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 của tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Tham gia Đoàn Kiểm tra có đại diện lãnh đạo của một số Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Vụ Bảo hiểm y tế, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường Y tế, Cục An toàn thực phẩm, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Viện Dinh dưỡng, Viện Pasteur Nha Trang...). Đón tiếp và làm việc với Đoàn Kiểm tra tại tỉnh Khánh Hòa có đ/c Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan, UBND huyện Diên Khánh và UBND xã Diên An; tại tỉnh Ninh Thuận có đ/c Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan, UBND huyện Thuận Bắc và UBND xã Lợi Hải.
Báo cáo tại các buổi làm việc, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, thương binh và xã hội 2 tỉnh cho biết, thực hiện Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh đã ban hành quyết định để thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016-2020; quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2016-2020 và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình.
Về kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới được các sở, ban, ngành tham gia đánh giá đầy đủ, số liệu thực trạng nông thôn mới dần được hoàn thiện theo hướng thực chất, chính xác hơn, theo đúng tình hình thực tế địa phương.
Về kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, UBND các tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm nghèo, phân bổ kinh phí và giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các địa phương thực hiện. Các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể; tổ chức cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và tập trung triển khai hỗ trợ cho người dân vươn lên thoát nghèo. Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh và Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các địa phương được kiện toàn phù hợp hơn với việc triển khai công tác giảm nghèo. Các sở, ngành và các địa phương tích cực thực hiện các Chương trình, dự án thuộc Chương trình. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đầy đủ, giúp hộ nghèo giảm bớt khó khăn, có điều kiện phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
Đối với tỉnh Khánh Hòa, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung trên toàn tỉnh là 15,8 tiêu chí/xã; số xã đạt được công nhận đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới là 49/92 xã, đạt tỷ lệ 53,3%; dự kiến cuối năm 020 thêm 07 xã đạt chuẩn, chiếm 60,9% tổng số xã. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 3,16% năm 2019 xuống 2,18% năm 2020.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, trong năm 2020, toàn tỉnh đã công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến công nhận 01 xã trong năm 2020, nâng tổng số lên 27/47 xã, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch Trung ương giao (25 xa); đã có 1 huyện (Ninh Phước) đạt chuyển nông thôn mới và dự kiến hoàn tất hồ sơ công nhận thêm huyện Ninh Hải. Về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,33%, vượt mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện một số sở, ngành và UBND cấp huyện, xã cũng nêu bật các kết quả đạt được của sở, ngành và huyện; bên cạnh đó cũng đã đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các Chương trình MTQG.
Đối với giai đoạn 2021-2025, các tỉnh đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn lực cho vùng khó khăn, vùng có diện tích rộng để phát triển; có cơ chế giao cho các địa phương chủ động phân bổ nguồn lực cho các xã theo tình hình thực tế chứ không phân bổ theo hệ số để các địa phương có điều kiện phát triển đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến địa phương để các địa phương thực hiện thuận lợi, phát huy được thế mạnh của địa phương; đồng thời, đề nghị Trung ương sớm phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện; Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 làm việc tại tỉnh Ninh Thuận
PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng-Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc
Kết luận tại các buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia đánh giá cao kết quả đạt được trong việc thực hiện các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Đề nghị Ban Chỉ đạo của tỉnh rà soát lại các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả; có các cơ chế, chính sách thích hợp và đủ mạnh để huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn nông thôn; phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; tăng cường các giải pháp để đảm bảo hỗ trợ các xã nghèo, xã khó khăn; quan tâm các tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Xác định rõ mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nhằm tăng cường khai thác nội lực và huy động sự hỗ trợ từ các nguồn khác để thực hiện có hiệu quả Chương trình. Tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả như phát triển cây công nghiệp, thuỷ sản... Xây dựng các giải pháp mang tính chiến lược và ngắn hạn đối với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập của người dân nông thôn.
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn-Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc
Đối với công tác y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để thực hiện các tiêu chí về y tế trong Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới (Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, các tiêu chí liên quan về môi trường và an toàn thực phẩm...). Cần quan tâm đầu tư cho công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong bối cảnh thực hiện thông tuyến tỉnh toàn quốc từ ngày 1/1/2021. Tiếp tục dành ngân sách của địa phương để hỗ trợ người cận nghèo, người dân có mức thu nhập trung bình tham gia BHYT. Quan tâm đến công tác an toàn thực phẩm, công tác dân số và phát triển trong tình hình mới
Quang cảnh buổi làm việc
Riêng đối với tỉnh Ninh Thuận, hiện đang triển khai Dự án đầu tư và phát triển y tế cơ sở vay vốn Ngân hàng thế giới với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư nâng cấp 5 TTYT huyện, xây mới, nâng cấp 17 TYT xã, cung cấp trang thiết bị cho tất cả các TYT xã. Ngoài ra dự án cũng hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã, huyện trong cung ứng dịch vụ y tế, nhất là quản lý bệnh không lây nhiễm, thông qua các đào tạo, tập huấn, hoạt động phần mềm. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị UBND và các Sở Ban ngành tiếp tục hỗ trợ hơn nữa về các thủ tục đầu tư và sớm triển khai các hoạt động khác theo văn kiện dự án. Bộ Y tế cũng sẽ tập trung hỗ trợ tối đa, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để dự án được thực hiện theo tiến độ đề ra, hiệu quả và chất lượng. Đây là nguồn lực quan trọng để góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh./.
Tin liên quan
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc
- Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não