Thông tin y dược ngày 15/5/2018
16/05/2018 | 00:08 AM



Rung nhĩ là một rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, đặc biệt ở người cao tuổi. Hiện nay, ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể được thực hiện một số biện pháp khác.
Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học Anh đã áp dụng thành công một phương pháp mới bằng cách dùng bóng “điện” giúp người bệnh rung nhĩ giảm được thời gian phẫu thuật, biến chứng và những rủi ro khác, đồng thời mở ra hy vọng thay thế các phương pháp phức tạp hiện tại...
Rung nhĩ nguy hiểm thế nào?
Rung nhĩ là tình trạng rối loạn dòng điện trong tâm nhĩ làm co giật cơ thành dạng rung nhanh và không đều. Theo thống kê năm 2016 của Hội Nhịp tim châu Á - Thái Bình Dương, chỉ riêng tại Mỹ đã có 2,7 triệu người bị rung nhĩ, tại Anh cũng có hàng triệu người mắc bệnh lý này. Đây là bệnh hay gặp ở những người mắc bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, bị bệnh van tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim…, đôi khi gặp ở người có bệnh tim bẩm sinh hay cường giáp, người có bệnh phổi mạn tính hoặc cấp tính… Cho đến nay, nguyên nhân và cơ chế gây tình trạng rung nhĩ chưa được hiểu rõ hoàn toàn nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị, tình trạng rung nhĩ có thể làm cho máu được bơm nhanh hơn, dễ hình thành cục máu đông (huyết khối). Nếu cục máu đông di chuyển lên não có thể ngăn chặn việc cung cấp máu cho não gây đột quỵ. Bên cạnh đó, rung nhĩ còn làm giảm chức năng tim nên có thể làm nặng thêm bệnh tim thực tổn hay suy tim. Khi bị rung nhĩ, người bệnh thường có biểu hiện đánh trống ngực, chóng mặt, khó thở và mệt mỏi…
Các biện pháp thực hiện
Khi đã được chẩn đoán bị rung nhĩ, người bệnh thường được kê đơn thuốc nhằm giúp kiểm soát nhịp tim và thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ hình thành huyết khối. Với trường hợp nặng hoặc việc điều trị bằng thuốc không đạt hiệu quả mong muốn thì người bệnh có thể được can thiệp bằng phẫu thuật. Cho đến nay, tại Anh đang thực hiện 2 biện pháp chính là sử dụng nhiệt lạnh (cryoablation) và sóng cao tần (radiofrequency catheter ablation, thường gọi là đốt điện). Với phương pháp nhiệt lạnh, các bác sĩ sẽ thực hiện đưa một quả bóng nhỏ có kích thước 28mm được luồn từ động mạch bẹn đến lối vào của mỗi tĩnh mạch phổi. Khi ở đúng vị trí, quả bóng được làm lạnh đến âm 40 độ bằng khí oxit nitơ, sau khoảng vài phút, nó sẽ đóng băng các mô tim, ngăn chặn các tín hiệu bất thường từ tĩnh mạch phổi và do đó giúp duy trì nhịp tim bình thường. Quá trình này được lặp lại cho mỗi tĩnh mạch phổi đến khi triệt tiêu hết các nguồn loạn nhịp. Tuy nhiên, GS. Richard Schilling - chuyên gia tư vấn tim mạch tại London (Anh) cho biết, kết quả của biện pháp này có thể thay đổi do phần sau của tĩnh mạch phổi mỏng hơn mặt trước, ngoài ra, do độ lạnh được quy định như nhau giữa các khu vực điều trị nên rất dễ xảy ra tình trạng có nơi thì chưa đạt mức cần thiết còn có nơi thì lại vượt quá mức cần điều trị.
Với phương pháp đốt điện, các bác sĩ sẽ cô lập điện học giữa tĩnh mạch phổi và nhĩ trái và giữa các vùng khác nhau trong tâm nhĩ bằng năng lượng sóng radio. Tại những vị trí này sẽ hình thành sẹo giúp ngăn chặn những xung điện bất thường gây ra rung nhĩ. Nhưng đây là một biện pháp khó thực hiện nên hiện nay mới được áp dụng cho một lượng nhỏ bệnh nhân.
Để khắc phục nhược điểm của cả hai phương pháp phổ biến này, các bác sĩ tại Bệnh viện St Bartholomew, Vương quốc Anh đã thành công với phương pháp mới gọi là loại bỏ rung nhĩ bằng sóng cao tần (radiofrequency balloon ablation).
Kỹ thuật mới được thực hiện thế nào?
Với kỹ thuật này, các bác sĩ cũng thực hiện đưa ống thông đầu tròn được chế tạo giống quả bóng nhỏ qua động mạch bẹn. Quả bóng nhỏ này được trang bị 10 điện cực cung cấp nhiệt chính xác đến các mô xung quanh tĩnh mạch phổi để ngăn chặn tín hiệu điện bất thường. GS. Schilling giải thích, với 10 điện cực này, những nguồn rung nhĩ được tấn công cùng một lúc chứ không phải đơn lẻ như với hai biện pháp đang được thực hiện. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể điều chỉnh nhiệt độ và thời gian cho phù hợp với độ dày của mô dưới mỗi điện cực, vùng nào cần điều trị lâu hơn có thể được xử lý nhiều lần mà không cần di chuyển bóng bằng cách bật hoặc tắt các điện cực. Điều này giúp bác sĩ điều chỉnh kế hoạch điều trị cho từng người bệnh và giảm thời gian phẫu thuật từ 3 giờ xuống dưới 90 phút. Dữ liệu theo dõi ban đầu cho thấy, người bệnh được cải thiện rất nhiều, họ không cần phải uống thuốc và không xuất hiện triệu chứng rung nhĩ. Người đầu tiên tại Anh và cũng là bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được thực hiện biện pháp này là BS. Douglas Newberry (67 tuổi, chuyên gia về phổi tại Bệnh viện Princess Alexandra ở Harlow, Essex, Anh). Ông được chẩn đoán rung nhĩ và cuộc sống bị thay đổi khi ông không thể hoàn thành bài tập thể dục, đi thang máy thay vì thang bộ và chóng mặt xảy ra. Khi điều trị, ông được khuyên thực hiện kỹ thuật mới và trong vòng 4-6 tuần sau phẫu thuật, sức khỏe của ông đã hồi phục. Ông cho biết, ông đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc sức khỏe cho nhiều người và giờ đây đã nhận được dịch vụ tốt nhất từ y tế Anh.
Các nhà khoa học Anh hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều trị cho 30 bệnh nhân Anh và 50 bệnh nhân trên toàn thế giới bằng phương pháp này, tiến tới biến nó trở thành thường quy tại các bệnh viện để nhiều người bệnh rung nhĩ được điều trị hơn.
2. “Bí mật” về những nốt rộp ở môi
Mụn rộp hay nốt rộp môi ảnh hưởng đến một tỷ lệ lớn dân số, nhưng hiểu biết về chúng thì hầu hết không phải ai cũng “tỏ tường”.
Giáo sư Colm O'Mahony, một chuyên gia tư vấn về sức khỏe tình dục tại trung tâm Sức khỏe tình dục Chester, và là người bảo trợ của Hiệp hội Vi rút Herpes (HVA), và đã khám phá một số hiểu biết đáng ngạc nhiên về vấn đề sức khỏe chung này
Nốt rộp môi, còn được gọi là mụn nước , được gây ra bởi hai chủng virus herpes . Vi rút Herpes simplex type 1 (HSV-1) là nguyên nhân chính gây loét miệng và mặt, mặc dù HSV-2, có xu hướng gây bệnh đến bộ phận sinh dục, cũng có thể ảnh hưởng đến miệng và mặt nếu có mặt ở đó.
Vi khuẩn này thường lây qua hôn (hoặc quan hệ tình dục bằng miệng) khi có mụn nước. Các đợt bùng phát tái phát có thể xảy ra, mặc dù mức độ nghiêm trọng và tần suất của các triệu chứng có thể khác nhau nhiều. Biểu hiện nổi bật nhất là bạn thường xuyên có một chấm nhỏ màu đỏ xuất hiện, kèm theo một cảm giác ngứa ran, rát hoặc ngứa. Sau đó phát triển thành một mụn nước hoặc một cụm mụn nước và cuối cùng sẽ vỡ ra khỏi một vùng trầy da. Nốt rộp sẽ lành mà không để lại vết sẹo, thường trong vòng 7-10 ngày
Bạn có thể có virus
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 67% dân số toàn cầu bị nhiễm HSV-1, nguyên nhân chính gây ra các nốt giộp môi - ước tính khoảng 3,7 tỷ người. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị nhiễm virus đều có triệu chứng tái phát.
Cũng theo Giáo sư O'Mahony: “Một nghiên cứu cho thấy khoảng 70% người có kháng thể HSV-1 nhưng chưa tới 10% trong số họ từng nhớ là đã từng có nốt giộp môi”. Nó thường nhạy cảm ở gia đình và cộng đồng đông đúc. Vậy bạn có thể sẽ tiếp xúc với virus sớm trong cuộc sống. Nếu trong quá khứ bạn bị nốt rộp môi lúc 2 tuổi, bạn đã bị nhiễm bệnh trong hai hoặc ba ngày, sau đó hệ miễn dịch của bạn sẽ đối phó với nó và bạn có thể không bao giờ gặp phải chuyện tái phát, vì vậy bạn có thể quên nó và lớn lên với suy nghĩ rằng bạn chưa bao giờ nốt giộp môi và chưa bị nhiễm virus."
Nhưng không phải ai cũng có triệu chứng
Cho dù bạn dễ bị rộp môi hay tái phát hoặc mang vi-rút nhưng không bao giờ có triệu chứng, có thể là do giảm biểu hiện gen.
"Một khi bạn đã bị nhiễm virus, khả năng của bạn có biểu hiện các triệu chứng là 99% kế thừa," Giáo sư O'Mahony giải thích. Mọi người đều có hệ thống miễn dịch khác nhau, một người có thể rất giỏi trong việc đối phó với các tế bào ung thư, nhưng không tốt với virus này, nó chỉ là phản ứng miễn dịch đặc biệt mà bạn được thừa kế . "" Giáo sư O'Mahony giải thích.
3. Những lầm tưởng về ánh nắng và kem chống nắng
Tiếp xúc với tia cực tím là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra ung thư da. Tuy nhiên, trong thực tế còn rất nhiều người có cách hiểu không đúng về những nguy cơ này cũng như lầm tưởng về các biện pháp bảo vệ mình đang thực hiện. Dưới đây là những hiểu lầm phổ biến nhất:
Hóa chất trong kem chống nắng gây ung thư
Học viện Da liễu Hoa Kỳ đã làm sáng tỏ rằng kem chống nắng an toàn và bảo vệ da khỏi tác hại của bức xạ tia cực tím. Oxybenzone là một trong những thành phần của kem chống nắng khiến nhiều người lo sợ có thể liên quan đến ung thư. Tuy nhiên, kem chống nắng có chứa thành phần được FDA chấp thuận chưa được chứng minh là gây ung thư và được khuyến cáo cho cả người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi.
Nguy hiểm từ tia cực tím chỉ xảy ra vào những ngày nắng nóng
Điều này hoàn toàn không đúng vì tổn thất do tia cực tím (UV) gây ra không phụ thuộc vào nhiệt độ hoặc thời tiết như thế nào. Do đó, nó không chỉ gây nguy hiểm trong những ngày nắng nóng mà còn có thể xảy ra ngay cả trong những ngày mát mẻ, nhiều mây khi các tia UV có thể xuyên qua. Nếu bạn có quyền truy cập vào chỉ số UV trên internet hoặc dự báo thời tiết, hãy lưu ý rằng bất kỳ chỉ số nào trên 3 đều cần sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da.
Những người màu da tối được bảo vệ tự nhiên khỏi ánh mặt trời
Melanin là sắc tố tự nhiên mang lại cho da màu sắc và nó thường được sản xuất nhiều hơn ở những người da sẫm màu. Theo TS. Maritza Perez, phó giáo sư da liễu lâm sàng tại Đại học Columbia ở thành phố New York, Mỹ thì các sắc tố cung cấp một số mức độ bảo vệ nhất định nhưng làn da đen không có gì đảm bảo hơn trong việc bảo vệ da chống lại sự tổn hại của ánh nắng mặt trời và ung thư da. Tiến sĩ Perez nói thêm rằng suy nghĩ này là nguy hiểm vì khiến những người có màu da tối hơn giảm bớt sự bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời làm cho da dễ bị tổn thương. Điều này giải thích tại sao khi ung thư da phổ biến hơn ở người da sáng màu nhưng lại có xu hướng nguy hiểm hơn ở những người có làn da tối.
Giường tắm nắng an toàn hơn ánh nắng tự nhiên
Giường tắm nắng thường được các chị em sử dụng để nhuộm màu cho da nâu và nhiều người tin rằng khi sử dụng loại giường này thì họ không phải chịu tác động từ tia UV như với ánh nắng ngoài trời. Tuy nhiên, TS. Linda Robb-Nicholson tại Boston, Mỹ cho biết, dù bạn nhận ánh nắng mặt trời hay từ nguồn nhân tạo như giường tắm nắng thì nguy cơ gây ung thư da là như nhau. Có ba loại tia UV: UVA, UVB và UVC. Trong khi tia UVC bị hấp thụ bởi tầng ôzôn và không thể chạm tới chúng ta thì hai tia UVA, UVB thâm nhập vào các lớp khí quyển và gây ra các vấn đề từ lão hóa sớm đến tổn thương mắt và ung thư da. Tiến sĩ Robb-Nicholson giải thích rằng bức xạ UVA cao gấp ba lần bên trong giường tắm nắng so với UVA trong ánh sáng mặt trời tự nhiên.
Cửa sổ bằng kính đủ để bảo vệ khỏi ánh mặt trời
Cửa sổ kính có thể lọc ra tia UVB nhưng vẫn không chống lại được tia UVA. Do đó, những người dành nhiều thời gian trong xe hơi có thể xem xét pha màu của cửa sổ để giảm nguy cơ bị hư hại do ánh nắng mặt trời. Điều này có thể giảm tia UVA xâm nhập gấp bốn lần so với cửa kính thông thường. Nhưng việc làm này cũng chỉ là biện pháp bổ sung và không thể thay thế cho việc dùng kem chống nắng. (736 từ)
4. 9 thực phẩm hàng đầu tốt cho mắt
Người ta vẫn tin rằng giảm thị lực hay những khó chịu về mắt khác sẽ là vấn đề không thể tránh khỏi do tuổi già.
Thế nhưng từ năm 2001, nhóm nghiên cứu các bệnh mắt liên quan đến người cao tuổi (AREDS) đã cho thấy một vài yếu tố dinh dưỡng như kẽm, đồng, vitamin C và beta carotene có thể làm giảm thiểu nguy cơ gây các bệnh tại mắt tới 25%. Nghiên cứu này sau đó đã được cập nhật vào năm 2013 để xem xét hiệu quả của việc cải biên công thức gốc năm 2003. Việc cải tiến bao gồm bổ sung acid béo omega3, zeaxanthin, lutein và beta carotene. Kết quả đầu ra cho thấy một vài công thức bổ sung mới có hiệu quả tốt hơn các công thức cũ. Các nghiên cứu sau này cũng thống nhất rằng acid beó omega-3 bao gồm cả DHA, đồng, lutein và zeaxanthin được coi là những dưỡng chất tối quan trọng đối với mắt. 10 loại thực phẩm sau có chứa nhiều yếu tố dinh dưỡng tốt cho mắt mà bạn nên bổ sung hàng ngày.
Cá
Rất nhiều loài cá có chứa nguồn acid béo omega-3 dồi dào. Dầu cá được chiết từ gan và cơ thể chúng, khi ăn cũng giúp nâng cao lượng acid omega-3. Các loại cá đứng đầu bảng về trữ lượng acid omega-3 bao gồm: cá ngừ, cá hồi, cá trắm, cá thu, cá mòi, cá cơm, cá trích.
Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh được dầu cá giúp điều trị khô mắt, vốn hay đi kèm với những ai dùng máy tính.
Các loại hạt và quả
Hạt cũng chứa nhiều aicd béo omega-3, ngoài ra còn có hàm lượng cao vitamin E. Vitamin giúp chúng ta bảo vệ mắt chống lại lão hóa. Các loại hạt và quả tốt cho mắt bao gồm: quả óc chó, quả hạch Brazil, hạt điều, đậu phộng, đậu lăng…
Các loại hạt giống
Cũng giống như hạt và quả, các loại hạt giống chứa nhiều acid omega-3 cũng như lượng vitamin E dồi dào. Các hạt giống chứa nhiều acid omage-3 là hạt giống chia, hạt lanh, hạt giống cây gai dầu.
Hoa quả họ cam quýt
Các loại cam quýt chứa nhiều vitamine C. Cũng như viamin E, vitamin C được cho là chống tác nhân ôxy hóa tốt, được Hội chỉnh quang Hoa Kỳ (AOA) khuyên dùng để chống lại lão hóa cơ quan thị giác. Vitamin C có nhiều trong các loại quả sau đây: cam, chanh, bưởi…
Các loại rau có lá màu xanh đậm
Các loại rau có lá màu xanh được cho là chứa nhiều lutein và zeaxanthin, cũng được coi là nguồn cung cấp vitamin C thân thiện. Các loại rau được biết nhiều đến nhất là: rau bina, cải xoăn, cải lá…
Cà rốt, khoai lang
Cà rốt chứa nhiều vitamin A và beta carotene. Chính beta carotene tạo ra màu vàng đỏ của cà rốt. Vitamin A đóng vai trò chủ chốt trong chu trình thị giác. Nó tạo nên một protein là rhodopsin giúp võng mạc hấp thu ánh sáng. Vai trò của beta carotene với thị giác được cho là vai trò kép, thông qua chuyển hóa, nó sẽ giúp ta tổng hợp ra vitamin A.
Cũng giống cà rốt, khoai lang có nhiều beta carotene. Nó cũng là nguồn cung dồi dào của vitamin E - một chất chống ôxy hóa tốt.
Thịt bò
Thịt bò có nhiều kẽm - một yếu tố quan trọng với sức khỏe cơ quan thị giác. Kẽm có thể trì hoãn quá trình suy giảm thị lực trên người già và chống lại bệnh thoái hóa hoàng điểm.
Các bộ phận cấu thành mắt có chứa hàm lượng kẽm khác nhau, kẽm đặc biệt tập trung nhiều ở võng mạc và các mạch máu quanh võng mạc.
Các loại thịt khác như ức gà, thăn lợn cũng chứa nhiều kẽm nhưng không bằng trong thịt bò.
Trứng
Trứng chứa đặc biệt nhiều lutein và zeaxanthin - hai chất có thể làm giảm thiểu nguy cơ thoái hóa hoàng điểm người già. Trứng cũng giàu vitamin C, vitamin E và kẽm.
Nước
Không có gì phải ngạc nhiên, nước luôn quan trọng với cơ thể sống như một dịch lỏng tối cần thiết. Uống nước đầy đủ giúp đề phòng mất nước, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ khô mắt.
Khuyến cáo về nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày
Hội Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) khuyến cáo, lượng dưỡng chất nên đưa vào cơ thể hàng ngày để bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt như sau: 500 milligrams (mg) vitamin C; 400 đơn vị quốc tế (UI) vitamin E; 10mg lutein; 2mg zeaxanthin; 80mg kẽm oxide và 2mg đồng oxide.
5. Công nghệ nano đưa thuốc hướng đích tế bào ung thư
Phần lớn các công bố việc sử dụng công nghệ nano trong những hệ thống đưa thuốc đang được phát triển đều tập trung vào làm sao sử dụng tiểu phân nano để phân phối thuốc trúng đích đến các tế bào ung thư.
Các tiểu phân này được thiết kế sao cho chúng có ái lực đối với tế bào ung thư cho phép tấn công trực tiếp vào những tế bào này.
Kỹ thuật này sẽ làm giảm thiểu những tổn hại gây ra đối với các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Có rất nhiều cách thức khác nhau trong đó công nghệ nano có thể khiến cho việc đưa thuốc đến đích tác động hiệu quả hơn và giúp cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn khi được điều trị thuốc. Một số kỹ thuật hiện đang trong giai đoạn hình thành khái niệm, trong khi đó, một số khác đã và đang được thử nghiệm ở nhiều giai đoạn khác nhau hoặc thậm chí được áp dụng vào thực tiễn.
Kỹ thuật bao kéo dài thời gian sống của tiểu phân nano trong máu
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành bao lấy các tiểu phân nano phân phối thuốc trị liệu đến khối u bằng phân tử ethylene glycol. Với kỹ thuật này, phân tử ethylene glycol sẽ ngăn cản không cho tế bào bạch cầu nhận diện tiểu phân nano là thành phần ngoại lai và cho phép các tiểu phân này lưu thông trong máu đủ lâu để đi đến được khối u ung thư. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, Hoa Kỳ còn phát triển được một kỹ thuật khác có thể làm tăng hơn nữa thời gian lưu hành trong máu của các tiểu phân nano. Họ đã cho bọc các tiểu phân nano có chứa thuốc điều trị bằng màng tế bào hồng cầu và chứng minh được rằng những tiểu phân này lưu thông được trong máu chuột trong khoảng 2 ngày thay vì chỉ vài giờ nếu được bao bằng ethylene glycol.
Các kỹ thuật hướng đích tiểu phân nano đến nơi tác động
Các nhà nghiên cứu cũng tiếp tục tìm kiếm các phương pháp hiệu quả hơn để hướng tiểu phân nano mang thuốc trị liệu trực tiếp đến tế bào mắc bệnh. Trong đó, tại Đại học MIT, Hoa Kỳ, các nhà khoa học chứng minh rằng họ đã phát triển được một phương pháp làm tăng nồng độ thuốc đi đến khối u bằng cách sử dụng 2 loại tiểu phân nano. Loại thứ nhất có tác dụng định vị vị trí của khối u và loại thứ 2 (mang thuốc điều trị) sẽ đưa thuốc đến khối u nhờ vào tín hiệu do các tiểu phân nano loại đầu phát ra. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học London, Vương quốc Anh cũng đang thử nghiệm một kỹ thuật sử dụng phân tử ADN để tạo ra những cấu trúc lỗ cho phép mang các phân tử thuốc trị liệu. Họ cho rằng kỹ thuật này có thể giúp đưa thuốc đến các tế bào mắc bệnh chính xác hơn. Tại Đại học Ban Oregon, Hoa Kỳ, một nhóm nhà khoa học khác cũng đang phát triển các tiểu phân nano có thể đưa được 3 loại thuốc chống ung thư đến các hạch bạch huyết. Mục đích của phương pháp này là hướng đích các tế bào ung thư lây lan thông qua hệ bạch huyết. Hiện kỹ thuật này đang được thử nghiệm trên động vật.
Những kỹ thuật tiềm năng khác
Một nhóm nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Sinh học và Công nghệ nano phối hợp với hãng IBM, Hoa Kỳ đã chứng minh được rằng có thể phân phối thuốc duy trì đến đích tác động bằng cách sử dụng một loại gel thân nước (hydrogel). Loại hydrogel này được tiêm dưới da cho phép giải phóng thuốc liên tục trong nhiều tuần với chỉ 1 lần tiêm. Họ cũng đã chứng minh được rằng với phương pháp này, khối u trên chuột thí nghiệm đã giảm kích thước đáng kể khi điều trị bằng herceptin.
Kỹ thuật sử dụng tác nhân nhạy sáng để tăng khả năng đưa các tiểu phân nano mang thuốc đi vào khối u cũng đang được các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng. Đầu tiên, các tác nhân nhạy sáng sẽ được tích tụ bên trong khối u, sau đó khối u sẽ được chiếu sáng bằng bức xạ hồng ngoại. Các tác nhân nhạy sáng sẽ làm cho hệ mạch máu ở khối u trở nên xốp hơn nên sẽ có nhiều tiểu phân nano mang thuốc đi vào khối u hơn.
Ngoài ra, hình dạng của các tiểu phân nano cũng được tập trung nghiên cứu để tìm ra dạng hình học tốt nhất cho phân phối thuốc. Trong đó, một số nhà khoa học phát hiện rằng tiểu phân nano dạng đĩa (đĩa nano) sẽ dính chặt trên bề mặt khối u lâu hơn dạng tiểu phân hình cầu nên sẽ chuyển thuốc vào khối u hiệu quả hơn. Các tiểu phân nano hình que cũng được phát hiện là có khả năng phân phối thuốc hóa trị liệu đến các tế bào ung thư vú hiệu quả hơn tiểu phân hình cầu.
Một phương pháp khác đang được phát triển để chống lại ung thư da, sử dụng các tiểu phân nano vàng có gắn kết phân tử ARN. Các tiểu phân nano này được chứa trong một chế phẩm thuốc mỡ. Khi được bôi trên da, tiểu phân nano sẽ thâm nhập qua da và phân tử ARN sẽ gắn vào gene có liên quan đến ung thư để bất hoạt gene này khiến nó không tạo ra được các protein cần cho sự phát triển của khối u.
Các nhà khoa học cũng đã phát triển được những vật liệu đàn hồi có gắn những sợi nano carbon. Loại vật liệu này được sử dụng như một loại bóng và khi được chèn vào khu vực cạnh mô mắc bệnh rồi sau đó được thổi trương lên, các sợi nano carbon sẽ thâm nhập vào tế bào mắc bệnh và phân phối thuốc điều trị vào đó.
6. Bệnh loãng xương điều trị đúng mới có hiệu quả
Loãng xương là một bệnh gặp ở người tuổi trung niên, đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh và người cao tuổi (NCT). Có nhiều loại thuốc dùng trong điều trị loãng xương ở NCT nhưng phải điều trị đúng mới đem lại hiệu quả.
Loãng xương(osteoporosis) hay còn gọi là thưa xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích, giảm mật độ xương, tức là tỉ trọng chất khoáng trong xương bị giảm (BMD: bone meterial density). Đến giai đoạn này các kết cấu xương giảm độ đặc, độ dày và tăng phần xốp, thưa hơn, khi kiểm tra trên máy đo, sẽ thấy mật độ xương giảm rõ rệt.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của loãng xương ở NCT chủ yếu do tuổi tác. NCT do ít hoạt động ngoài trời, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D, đồng thời bị lão hóa chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận, suy giảm miễn dịch và tạo xương suy yếu dẫn đến xương bị thoái hóa. Bệnh loãng xương ở NCT cũng có thể do mắc một số bệnh như: suy thận, tuyến thượng thận, cường giáp trạng, bệnh yếu liệt chi, chấn thương, hoặc do lạm dụng thuốc corticoid trong một thời gian dài, hoặc bệnh mạn tính phải nằm dài ngày… Đặc biệt, phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh chiếm tỉ lệ loãng xương tương đương với loãng xương do tuổi già. Bởi vì, sau tuổi mãn kinh hoạt động của buồng trứng ngưng lại gây thiếu hụt nội tiết tố estrogen, làm cho các tế bào hủy xương gia tăng hoạt tính, trong khi chức năng điều hòa và hấp thụ can xi bị suy giảm. Khi hoóc-môn sinh dục nữ giảm làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển canxi từ xương vào máu, vì vậy, tỉ lệ loãng xương ở phụ nữ thường cao hơn nam giới. Bên cạnh đó có thể NCT, trong đó có phụ nữ do canxi trong thức ăn không đủ để duy trì nồng độ canxi cần thiết trong máu, khi đó hoóc-môn cận giáp trạng tiết ra để điều canxi trong xương chuyển ra bổ sung cho máu nhằm duy trì sự ổn định nồng độ canxi trong máu, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho kết cấu xương bị thưa gây loãng xương. Ngoài ra, suy giảm miễn dịch cũng góp phần gây chứng loãng xương.
Biểu hiện của bệnh
Quá trình loãng xương xảy ra một cách từ từ có diễn biến âm thầm, kéo dài trong nhiều năm, sau 30 tuổi đã bắt đầu xuất hiện quá trình mất chất xương, mất khá nhiều (trên 50%). Vì vậy, thời gian đầu chưa có biểu hiện gì rõ rệt, có thể có đau, nhức xương, mỏi không cố định, hay gặp ở cột sống lưng, dọc các chi, các đầu xương thể hiện rõ nhất vào ban đêm. Càng về sau, hiện tượng loãng xương không được chữa trị, khối lượng khoáng chất bị mất ngày càng nhiều, các triệu chứng đau, nhức xương, khớp sẽ rõ ràng dần lên, tập trung nhiều hơn ở các vùng xương chịu lực của cơ thể như hông, thắt lưng, khớp gối không chỉ xảy ra ban đêm mà gần như cả ban ngày làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Biến chứng
Loãng xương làm ảnh hưởng ngày càng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh, đặc biệt gây thoái hóa xương khớp ở NCT. Triệu chứng đau nhức xương, khớp, đặc biệt một số NCT bị còng lưng làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc và thậm chí gây nứt xương, gãy xương, nguy hiểm nhất là gãy cổ xương đùi, dễ dàng biến người bệnh trở thành tàn phế.
Điều trị phải đúng
Nguyên tắc điều trị loãng xương ở người NCT bằng thuốc tây y, chủ yếu được điều trị các loại thuốc chống hủy xương và thuốc tái tạo xương nhằm kìm hãm quá trình xương phân hủy, thúc đẩy quá trình tái tạo xương, hấp thụ canxi tốt hơn như nên dùng thuốc chống hủy xương, tăng khối lượng và tăng độ cứng cáp của xương, giảm thiểu nguy cơ gãy xương bằng Bisphosphonates, gồm nhiều loại (Etidronate, Clodronate, Risedronate, Alendronate, Tiludronate,Pyrophosphate…). Hoặc dùng thuốc tái tạo xương như calcium vitamin D3 và MK7 (MK7: menaquinone-7, chính là vitamin K2) giúp hoạt hóa protein tạo xương osteocalcin. MK7 không chỉ cùng vitamin D3 vận chuyển vào tận xương mà còn kéo giúp canxi từ những chỗ thừa để đưa tới khung xương, tránh được nguy cơ sỏi thận, táo bón, các bệnh xơ vữa động mạch, vôi hóa mô mềm. Không những vậy, MK7 còn có khả năng tăng lượng collagen trong xương, giúp xương dẻo dai, làm chậm quá trình mất xương do sinh lý, tăng cường tuổi thọ ở NCT, nhằm cung cấp dưỡng chất cho quá trình tái tạo xương mới, kích thích tế bào xương hoạt động hiệu quả hơn. Vai trò của vitamin D còn giúp quá trình hấp thu canxi được tốt hơn, bởi vì, nguyên tắc bổ sung canxi cần có dẫn chất vitamin D3 giúp hấp thụ canxi từ ruột vào máu. Tuy vậy, dùng loại thuốc nào cho phù hợp với từng bệnh nhân là do bác sĩ khám bệnh cho mình chỉ định, điều trị. Người bệnh tuyệt đối không tự mua thuốc để tự điều trị cho mình hoặc người nhà khi không có chuyên môn về y học.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi nghi ngờ bị loãng xương, NCT nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa xương khớp hoặc lão khoa hoặc khám nội tổng hợp. Ngoài điều trị theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình, NCT cần tăng cường vận động, tập thể dục hàng ngày bằng những bài tập hợp lý với NCT như bài tập thể dục buổi sáng, yoga, aerobics, tốt nhất, phù hợp nhất là đi bộ. Đi bộ mỗi ngày khoảng 60 phút chia làm 2 - 3 lần là vừa phải, không nên đi bộ một lúc 60 phút. Đi bộ là cách tăng độ dẻo dai xương khớp và hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số NCT mắc một số bệnh như gai cột sống, lồi đĩa đệm cột sống, gai khớp gối… nên nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
NCT nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tốt nhất là dùng các loại thực phẩm giàu canxi (tôm, cá …), tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
7. Mở rộng thuốc điều trị đa xơ cứng của người lớn cho bệnh nhi
Thuốc gilenya lần đầu tiên được FDA chấp thuận vào năm 2010 để điều trị cho người lớn bị tái phát MS, nhưng mới đây FDA đã chấp nhận thuốc này dùng điều trị tái phát bệnh đa xơ cứng (MS) ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Thuốc đầu tiên được dùng trị MS tái phát cho bệnh nhi
Thuốc gilenya lần đầu tiên được FDA chấp thuận vào năm 2010 để điều trị cho người lớn bị tái phát MS, nhưng mới đây FDA đã chấp nhận thuốc này dùng điều trị tái phát bệnh đa xơ cứng (MS) ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đây cũng là lần đầu tiên FDA chấp thuận một loại thuốc để điều trị MS ở bệnh nhi.
Đa xơ cứng là bệnh có tác động sâu sắc đến cuộc sống của trẻ. Sự chấp thuận này là một tiến bộ quan trọng và cần thiết trong việc chăm sóc bệnh nhi bị xơ cứng nhiều. Ông Billy Dunn, chuyên gia của FDA cho biết.
MS là một bệnh mãn tính, viêm, tự miễn dịch của hệ thống thần kinh trung ương làm gián đoạn giao tiếp giữa não và các bộ phận khác của cơ thể. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra khuyết tật thần kinh ở thanh niên và xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ hơn nam giới. Đối với hầu hết những người bị MS, các chức năng xấu đi và xuất hiện các triệu chứng mới, được gọi là tái phát hoặc bùng phát bệnh. Theo thời gian, việc phục hồi có thể không đầy đủ, dẫn đến suy giảm chức năng và tăng tình trạng khuyết tật. Hầu hết những người bị MS có triệu chứng đầu tiên, như vấn đề về thị lực hoặc yếu cơ ở tuổi từ 20 đến 40. 2-5% những người bị MS có triệu chứng khởi phát trước 18 tuổi và ước tính cho thấy 8.000 đến 10.000 trẻ em và thanh thiếu niên trong Hoa Kỳ có MS.
Các thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của gilenya trong điều trị bệnh nhi với MS bao gồm 214 bệnh nhân được đánh giá tuổi từ 10-17 và so sánh gilenya với interferon beta-1a (một loại thuốc trị MS). Trong nghiên cứu này, 86% bệnh nhân dùng gilenya không bị tái phát sau 24 tháng điều trị, so với 46% bệnh nhân dùng interferon beta-1a.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất là nhức đầu, tăng men gan, tiêu chảy, ho, cảm cúm, viêm xoang, đau lưng, đau bụng và đau ở tứ chi. Ngoài ra, khi dùng thuốc này, bệnh nhân cũng cần được hiểu về những rủi ro nghiêm trọng khi dùng thuốc như: Làm chậm nhịp tim, đặc biệt là sau liều đầu tiên; có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng (bệnh nhân cần được theo dõi nhiễm trùng trong khi điều trị và trong hai tháng sau khi ngừng điều trị); nhiễm trùng não hiếm gặp nhưng thường dẫn đến tử vong hoặc khuyết tật nặng, được gọi là bệnh não tăng sinh đa ổ tiến triển (PML) đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị bằng gilenya. Các trường hợp PML thường xảy ra ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu. Gilenya có thể gây ra vấn đề về thị lực, hô hấp, tổn thương gan, tăng huyết áp và ung thư da. Gilenya có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển nên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên được tư vấn về nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi và sử dụng biện pháp ngừa thai hiệu quả.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh đa xơ cứng ở trẻ
Nói lắp; Gặp trục trặc về kiểm soát bàng quang hay ruột; Mệt mỏi hay chóng mặt;Co giật;Yếu hay tê xảy ra tại một bên của cơ thể hay tại một chi ở một thời điểm;Các vấn đề về đi lại, phối hợp động tác;Mất thị lực một mắt và đau khi con bạn di chuyển đôi mắt; Co cứng cơ, run;Thay đổi cảm giác, kiến bò, hay cảm giác điện giật xảy ra với chuyển động cổ, đặc biệt khi gập cổ về phía trước (dấu hiệu Lhermitte).
Ở trẻ em, các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng có thể diễn tiến xấu đi chậm hơn so với người lớn. Nhưng nó có thể gây ra nhiều khuyết tật cho trẻ. Với những trẻ ý thức hơn về cuộc sống của chúng, ví dụ như thanh thiếu niên, có thể gặp khó khăn trong hòa nhập hay theo kịp chương trình học có thể phát triển các vấn đề nhận thức bản thân. Một số trẻ có thể bị trầm cảm do bệnh đa xơ cứng.
8. Tai biến mạch máu não hay gặp trong mùa hè, vì sao?
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, dễ ốm, đặc biệt những người có bệnh mạn tính, tiền sử tăng huyết áp...
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, dễ ốm, đặc biệt những người có bệnh mạn tính, tiền sử tăng huyết áp... nếu vận động ngoài trời nắng nóng rất dễ bị đột quỵ. Những người đã đột quỵ thì cũng dễ bị tái phát nếu không biết cách phòng ngừa.
Những lầm tưởng
Tai biến mạch máu não là căn bệnh gây tử vong cao nếu không biết xử trí cấp cứu đúng dễ bị di chứng liệt nhẹ tới nặng. Nhiều người lầm tưởng nghĩ tai biến mạch máu não chỉ hay gặp vào mùa lạnh, tuy nhiên trên thực tế mùa nắng nóng cũng dễ bị tai biến. Do thời tiết mùa hè thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao. Trong những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao gây nên cảm giác mệt mỏi cũng như việc mất nước qua hơi thở, mồ hôi cũng có thể gây rối loạn về đông cầm máu và gây tai biến nhất là ở người trung niên, cao tuổi do sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể nên sự thích ứng với môi trường không được nhanh như tuổi thanh niên.
Mặt khác, để chống lại sự tăng nhiệt độ của cơ thể trước nhiệt độ của môi trường (hoặc sự tăng nhiệt do tập thể dục, chơi các môn thể thao), cơ thể điều tiết sự thích ứng nhiệt độ bằng cách tăng sự bài tiết mồ hôi để hạ nhiệt cơ thể. Sự ra mồ hôi dẫn tới cơ thể mất nước và muối, đồng nghĩa sẽ dẫn tới giảm khối lượng tuần hoàn trong cơ thể. Nếu sự bù nước, muối không được kịp thời rất dễ gây ra hiện tượng tụt huyết áp, thiếu máu não, tai biến mạch não thoáng qua.
Đối với trường hợp đã từng có tiền sử bị bệnh xơ vữa mạch máu, tăng mỡ máu khi mất nhiều nước, giảm khối lượng tuần hoàn sẽ gây ra hiện tượng cô đặc máu, sự lưu thông máu sẽ khó khăn rất dễ hình thành huyết khối làm tắc lòng mạch máu não gây tai biến mạch máu não.
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tất cả các nguyên nhân gián tiếp hay trực tiếp làm giảm một phần hay hoàn toàn khả năng cung cấp máu tới một phần hay toàn bộ não bộ đều có thể gây ra bệnh lý tai biến mạch máu não.
Xơ vữa mạch máu gây hẹp lòng mạch máu, huyết khối gây bít tắc lòng mạch: tăng mỡ máu, đái tháo đường, rối loạn nhịp tim, bệnh van tim...
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não ở người cao tuổi vào mùa hè là: ngại uống nước, tiểu đêm, tiểu nhiều lần gây hạ huyết áp tư thế khi dậy đột ngột trên giường (nam giới do bệnh lý tuyến tiền liệt, nữ do bệnh suy yếu cơ bàng quang,...).
Thoái hóa đốt sống cổ gây chèn ép 2 động mạch đốt sống cổ cung cấp máu cho não. Ngoài ra, đối với người bị căng thẳng thần kinh, mất ngủ cũng dễ bị tai biến mạch máu não.
Xử trí ban đầu tai biến mạch máu não
Luôn luôn phải nghĩ đến tai biến mạch não trước tất cả các trường hợp có triệu chứng thiếu sót thần kinh xuất hiện đột ngột hoặc cấp tính. Các biểu hiện gợi ý là: rối loạn ý thức, co giật cục bộ, thiếu sót vận động hoặc giảm cảm giác (liệt, rối loạn cảm giác 1/2 người, liệt mặt); Rối loạn lời nói (nói khó, thất ngôn); Rối loạn thị giác (mù, bán manh); Liệt dây thần kinh sọ. Tính chất đột ngột hoặc cấp tính có thể là ngay lập tức hoặc trong vòng nhiều phút đến vài giờ. Một số trường hợp tai biến mạch não có thể xuất hiện tương đối âm thầm kín đáo làm khó nhận biết trên lâm sàng.
Khi có biểu hiện trên cần xử trí đúng bằng cách: Người nhà nên nới lỏng quần áo và để người bệnh nằm trên mặt phẳng, giúp bệnh nhân có tư thế nằm nghiêng an toàn (gối đầu cao khoảng 30 độ và ở tư thế nằm nghiêng để tránh nguy cơ bị sặc do các chất tiết ra từ miệng). Cần phải thông khí cho bệnh nhân để tránh những cơn co giật. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống gì khi nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ và không tự ý cho bệnh nhân uống bất kỳ một loại thuốc nào. Nếu bệnh nhân khó thở hoặc có biểu hiện ngừng thở thì người nhà hoặc người chứng kiến cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng miệng để tránh trường hợp bệnh nhân ngừng thở. Giúp bệnh nhân thở đều, thở sâu hơn và chậm hơn để họ bình tĩnh trở lại và máu cũng như ôxy có thể lưu thông lên não nhanh hơn.
Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh đưa bệnh nhân đi xa vì thời gian di chuyển kéo dài càng làm cho tình trạng bệnh sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
Lời khuyên thầy thuốc
Muốn dự phòng tốt tai biến mạch não, mùa hè cần lưu ý: ăn đủ chất, uống đủ nước theo nhu cầu hoạt động của cơ thể. Chống được tăng mỡ máu vì tăng mỡ máu gây xơ vữa mạch não, cô đặc máu và tăng huyết áp. Hậu quả của tăng mỡ máu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tai biến mạch máu não xảy ra.
Dự phòng hiện tượng tăng cân quá mức, thừa cân, béo phì. Chống lão hóa, xơ vữa động mạch (chống tăng mỡ máu, không hút thuốc lá, điều trị tiểu đường, điều trị tăng huyết áp,...). Sử dụng điều hòa nhiệt độ hợp lý. Không sử dụng bia rượu nhiều vì uống bia rượu say gây ra giãn mạch, hạ huyết áp tư thế. Sử dụng thường xuyên gây gan nhiễm mỡ, tăng mỡ máu, xơ gan.
9. Mùa hè, ăn trái cây nào tốt nhất?
Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng làm cơ thể chúng ta mệt mỏi, rã rời, sức đề kháng giảm sút nên rất dễ bị cảm nắng, say nắng nóng… Hơn nữa, do thời tiết oi bức, các dịch bệnh cũng gia tăng, vì vậy, bổ sung vitamin từ các loại rau tươi, quả chín sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật... Vậy nên ăn quả gì, uống nước gì tốt trong ngày hè?
Trái cây nên ăn
Quả cam: Trong tất cả các loại trái cây, cam, quít là có nhiều vitamin C nên những loại quả này rất tốt để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Vì thế, hãy ăn cam mỗi ngày hoặc uống nước cam, chanh, bưởi để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy mỗi ngày ăn một quả cam còn phòng ngừa bệnh ung thư.
Quả dứa: Nhiều người thường nghĩ dứa có tính nóng nhưng thực ra dứa có tính thanh nhiệt. Trong dứa có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, chứa hàm lượng đáng kể canxi, chất xơ, kali và vitamin C. Đặc biệt, dứa lại rất ít chất béo và hàm lượng cholesterol, rất tốt cho sức khoẻ. Hãy ăn dứa mỗi ngày trong mùa hè để bồi bổ cơ thể.
Quả ổi: Ổi giàu vitamin C, một chất chống ôxy hóa cao trước những tổn thương của da từ ánh nắng mặt trời và ô nhiễm. Mỗi ngày uống 1 ly nước ổi hoặc gọt bỏ hạt và cắt ra ăn vừa ngon thơm, giàu dinh dưỡng và chất xơ lại tốt cho người tiểu đường.
Quả xoài: Chứa rất nhiều dưỡng chất như: carotene, kali, sắt, vitamin E... Xoài bổ dưỡng cho cơ thể bạn quanh năm nhưng đặc biệt tốt khi ăn xoài mỗi ngày trong mùa hè vì xoài giúp cơ thể chống lại sự mất nước khi bạn đi ngoài nắng về.
Dưa hấu: Không chỉ là loại quả giúp thanh lọc cơ thể tốt nhất mà còn cải thiện làn da của phụ nữ trong mùa hè. Dưa hấu chứa nhiều vitamin, chống mất nước cho cơ thể trong ngày nóng và làm mịn da.
Chuối chín: Là một nguồn cung cấp kali tuyệt vời cho cơ thể, chuối giúp tim khoẻ và giúp cơ thể chống lại sự mệt mỏi trong thời tiết nắng nóng. Mùa hè nếu ăn một quả chuối chín mỗi ngày sẽ thấy cơ thể thật sự khoẻ mạnh. Những khi vận động quá sức hay khi đi nắng lâu, chỉ cần một quả chuối sẽ vực lại sức nhanh hơn bạn tưởng.
Quả đu đủ: Đu đủ là loại trái cây ngon ngọt, mát, bổ rất thích hợp trong những ngày hè thời tiết nóng nực. Bên cạnh đó, trong đu đủ còn có một lượng lớn axit ascorbic (vitamin C), vitamin A, canxi, sắt, vitamin B, B2 và carotin giúp làn da không bị khô và mất nước trong mùa hè. Hơn nữa, đu đủ nhuận tràng tránh táo bón.
Quả dâu tây: Chứa hàm lượng lớn vitamin C, kali, natri và sắt giúp cơ thể chống lại sự mệt mỏi, mất nước trong mùa hè. Dâu tây cũng là loại trái cây rất thích hợp cho người ăn kiêng vì nó có chứa rất ít calo. Bạn có thể rửa sạch và ăn dâu tây trực tiếp hoặc có thể cắt nhỏ trộn với sữa chua đều tốt cho cơ thể và làn da.
Nước ép cà chua: Sử dụng một lượng nhất định cà chua mỗi ngày rất tốt cho cơ thể. Cà chua chứa nhiều vitamin C, K, lycopen, betacaroten, một lượng đáng kể các chất khoáng cần thiết như kali, mangan, magie, đồng, sắt, kẽm, chất xơ hòa tan… giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giải độc, giải nhiệt… Có thể ăn sống, ép nước sinh tố đều tốt.
Các loại trái cây trên từ trẻ nhỏ đến người già đều ăn được bằng cách bổ miếng, xay sinh tố hoặc ép nước uống.
Nước nên uống
Ngoài nước sôi để nguội, bạn nên uống 1,5 - 2 lít mỗi ngày. Có thể thay thế bằng đỗ đen, đậu đen không chỉ có tác dụng giải nhiệt trong ngày hè nắng nóng mà còn là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Không những vậy, đậu đen được các nhà khoa học gọi với cái tên thần dược cho sức khoẻ. Trong đậu đen có chứa một lượng khoáng chất vi lượng molypden - một thành phần của emzym sunfile oxidate nên có tác dụng rất tốt trong việc giải độc. Sử dụng nước đậu đen dưới dạng ninh nhừ thêm chút đường (nấu chè) ăn cả cái và nước. Hoặc dùng đậu đen sao vàng đun nước uống thay chè hằng ngày giúp bổ thận, thanh nhiệt, giải độc.
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống
Tin liên quan
- Đã có vaccine não mô cầu thế hệ mới bảo vệ người cao tuổi và trẻ nhỏ
- Nữ bệnh nhân nguy kịch khi dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
- Hướng dẫn thu hồi, xử lý thuốc vi phạm
- Lý do Bộ Y tế thu hồi Giấy tiếp nhận bản công bố nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
- Ba ngày sau khi ăn tiết canh, người đàn ông tím toàn thân do liên cầu lợn
- Thêm 5 người được hồi sinh nhờ tạng hiến
- Viêm da mặt kéo dài, người bệnh bất ngờ phát hiện nhiễm ký sinh trùng Demodex