Thông tin y dược ngày 03/5/2018
04/05/2018 | 01:11 AM



Nghiên cứu mới chỉ ra rằng ăn các loại hạt thường xuyên có liên quan tới giảm nguy cơ bất thường nhịp tim. Theo nghiên cứu mới này, ăn một vài khẩu phần hạt mỗi tuần có thể giúp giảm nguy cơ phát triển nhịp tim bất thường, rung nhĩ.
Mức độ sử dụng hạt thường xuyên này cũng có thể làm giảm nguy cơ suy tim mặc dù các kêt quả còn chưa nhất quán.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng ăn hạt thường xuyên có liên quan tới nguy cơ bệnh tim/đột quỵ và nguy cơ tử vong thấp hơn nhưng không làm rõ loại bệnh tim mạch nào có liên quan tới việc sử dụng hạt.
Để nghiên cứu sâu hơn điều này, các nhà nghiên cứu đã lấy thông tin dựa trên một bảng hỏi về tần suất sử dụng thực phẩm và thông tin lối sống từ hơn 61.000 người Thụy Điển từ 45-83 tuổi.
Sức khỏe tim mạch của họ được theo dõi trong 17 năm sau đó (tới cuối năm 2014) hoặc cho tới khi chết.
Những người ăn hạt có xu hướng được giáo dục tốt hơn và có lối sống lành mạnh hơn so với những người không bổ sung hạt vào chế độ ăn. Họ cũng ít hút thuốc hơn ít có tiền sử bị huyết áp cao. Họ gầy hơn, hoạt động thể chất tích cực hơn, uống nhiều rượu và ăn nhiều hoa quả và rau xanh.
Sử dụng các loại hạt có liên quan tới giảm nguy cơ đau tim, suy tim, rung nhĩ và phình động mạch chủ bụng sau khi tính đến các yếu tố độ tuổi và giới tính.
Nhưng khi một số yếu tố nguy cơ có khả năng ảnh hưởng được tính đến bao gồm lối sống, chế độ ăn, bệnh tiểu đường và tiền sử gia đình, chỉ các mối liên quan với rung nhĩ và với suy tim được làm rõ.
Chế độ ăn càng bao gồm nhiều các loại hạt, nguy cơ mắc rung nhĩ càng thấp.
Ăn một khẩu phần hạt 1 tới 3 lần mỗi tháng có liên quan tới giảm 3% nguy cơ và tăng tới 12% khi ăn 1 tới 2 lần mỗi tuần và tới 18% khi ăn từ trên 3 lần mỗi tuần.
Những phát hiện về suy tim là ít nhất quán: sử dụng hạt mức độ trung bình nhưng không cao có liên quan tới nguy cơ thấp hơn 20%.
Tăng mỗi khẩu phần hạt ăn trong tuần liên quan tới giảm 4% nguy cơ rung nhĩ
2. Sau phẫu thuật mắt bằng lasik: Rủi ro nào có thể xảy ra?
Nếu bạn đã quá mệt mỏi với việc phải đeo kính hoặc dùng kính áp tròng thì phẫu thuật bằng phương pháp LASIK có thể làm giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn sự hỗ trợ của việc đeo kính cho điều trị cận thị.
Tuy nhiên, phẫu thuật LASIK không phải là phương pháp chữa cận thị phù hợp nhất cho tất cả mọi người và an toàn tuyệt đối. Với một số người, phương pháp này có thể mang lại nhiều rủi ro.
Cũng giống như những loại phẫu thuật khác, phẫu thuật LASIK cũng có rủi ro như: Lỗi khúc xạ (nếu tia laser đốt đi qua ít hoặc quá nhiều hoặc không đồng đều nhu mô trên giác mạc, mắt sẽ không thể nhìn rõ như mong muốn); chứng rối loạn thị giác (sau phẫu thuật có thể những rối loạn thị giác trong môi trường ánh sáng yếu như vào ban đêm, bị lóa, thấy hào quang quanh nguồn sáng hay nhìn thấy hình đôi hay còn gọi là triệu chứng thị giác mới); mắt khô (phẫu thuật LASIK gây giảm nước mắt tạm thời, điều này khiến mắt bị khô sau phẫu thuật); những vấn đề về phiến giác mạc (vạt giác mạc bị lật lên xô lệch lên phía trên có thể gây nhiều biến chứng như nhiễm trùng, chảy nước mắt và sưng tấy)…
Triệu chứng thị giác mới
Theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), trong phẫu thuật LASIK, các bác sĩ thực hiện một đường rạch nhỏ trên giác mạc mắt hoặc lớp ngoài cùng. Sau đó, họ sử dụng tia laser để lấy đi một số mô giác mạc, định hình lại nó, nhằm mục đích nâng cao thị lực của người bệnh.
Sau phẫu thuật mắt bằng lasi k: Rủi ro nào có thể xảy ra?Trước khi phẫu thuật lasik, bệnh nhân cần được tư vấn đầy đủ về những vấn đề có thể gặp phải sau phẫu thuật.
Theo một nghiên cứu mới, có một tỷ lệ đáng kể những người đã được mổ LASIK mắt điều chỉnh khúc xạ có thể gặp những tác dụng phụ từ việc phẫu thuật đó. Các nhà nghiên cứu thuộc FDA cũng cho biết, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng thị giác mới sau phẫu thuật. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã theo dõi 2 nhóm người tham gia trong 6 tháng sau khi phẫu thuật mắt. Nhóm thứ nhất gồm 262 nhân viên hải quân, độ tuổi trung bình là 29. Nhóm thứ hai gồm 312 người dân, độ tuổi trung bình là 32. Những người tham gia nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát về thị lực của họ trước khi phẫu thuật và sau phẫu thuật. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy thị lực của người bệnh đã cải thiện sau phẫu thuật. Tuy nhiên, trong số những người không có các triệu chứng trước khi phẫu thuật lasik, thì có 43% trong nhóm hải quân và 46% trong nhóm người dân có một hoặc nhiều triệu chứng mới, chẳng hạn nhìn đôi, chớp sáng, quầng sáng hoặc ánh sao chổi (starbursts), 3 tháng sau khi phẫu thuật.
Mặc dù những người trong nghiên cứu tương đối hài lòng với sự cải thiện thị lực của họ sau phẫu thuật. Tuy nhiên, có khoảng từ 1 - 4% số người tham gia cả 2 nhóm nghiên cứu không hài lòng với thị lực của họ trong vòng 3 - 6 tháng sau phẫu thuật.
TS. Mark Fromer, một bác sĩ nhãn khoa ở Bệnh viện Lenox Hill, New York cho rằng: Các kết quả mới này cho thấy không có một loại phẫu thuật nào là hoàn hảo. Bệnh nhân cần được các bác sĩ thông tin đầy đủ về nguy cơ của các triệu chứng như vậy trước khi quyết định có nên thực hiện phẫu thuật Lasik hay không.
Ông nhấn mạnh: “Phẫu thuật điều chỉnh thị lực bằng laser có thể là một thủ thuật tuyệt vời, nhưng nó cần phải được tiến hành trên đúng người bệnh. Bệnh nhân phải chắc chắn sẵn sàng chấp nhận bất kỳ phản ứng phụ nào có thể xảy ra sau khi mổ LASIK”.
Khô mắt sau phẫu thuật
Khô mắt sau phẫu thuật LASIK là một trong những biến chứng thường gặp với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đa phần bệnh nhân sẽ gặp phải chứng khô mắt kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm sau khi phẫu thuật. Phẫu thuật LASIK tác động lên trên bề mặt của giác mạc và làm giảm tính nhạy cảm của các dây thần kinh thị giác. Chính vì vậy, tuyến lệ không nhận được tín hiệu để sản xuất đủ lượng nước mắt cần thiết cho sự bôi trơn và duy trì độ ẩm trên bề mặt giác mạc. Nếu không được khắc phục kịp thời, khô mắt sẽ trở thành một hội chứng mạn tính gây kích ứng mắt, tăng phản ứng viêm, thậm chí là để lại sẹo ngay trên bề mặt giác mạc.
Kết quả nghiên cứu tại Trường cao đẳng Dược Baylor ở Houston đã chứng minh rằng, biến chứng khô mắt sau phẫu thuật LASIK thường xảy ra ở những người trẻ tuổi điều trị tật cận thị khi loại bỏ sâu vào mô giác mạc đến mức làm thay đổi hình dáng của giác mạc. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, LASIK còn làm tăng nguy cơ ở những người chưa từng có tiền sử bị khô mắt và tình trạng này xảy ra với tỷ lệ khoảng 25% số bệnh nhân sau 6 tháng phẫu thuật LASIK. Đồng thời, nguy cơ tiến triển bệnh khô mắt có tương quan mật thiết với mức độ cận thị trước phẫu thuật và độ sâu của chùm tia laser khi điều trị. Chính vì vậy, mọi bệnh nhân cần được tư vấn kỹ về nguy cơ sau phẫu thuật LASIK, đặc biệt là những người bị cận thị nặng.
Các trường hợp không nên điều trị bằng Lasik
Các bệnh ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch: Khi bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, Lupus) các bệnh suy giảm miễn dịch (HIV) hay dùng thuốc ức chế miễn dịch sẽ khiến giảm hiệu quả chữa trị đồng thời tăng nguy cơ nhiễm trùng cũng như gặp những biến chứng khác.
Sau phẫu thuật mắt bằng lasi k: Rủi ro nào có thể xảy ra?
Bệnh nhân có giải phẫu mắt không phù hợp: Phẫu thuật LASIK không phù hợp cho những người có mắt sâu, giác mạc quá mỏng, cấu trúc giác mạc bất thường như rất mỏng và phình ra theo dạng hình nón hay những vấn đề về giải phẫu mắt khác.
Bệnh nhân có thị giác không ổn định: Bạn sẽ không thể phẫu thuật LASIK nếu áp lực trong mắt quá cao hoặc thị lực không ổn định.
Đang trong thời gian mang thai hoặc cho con bú: Trong thời gian này thị lực không ổn định sẽ làm giảm kết quả của ca phẫu thuật.
3. Ăn cá béo để giảm nguy cơ bệnh tim
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng ăn cá béo 4 lần mỗi tuần có thể giúp tăng hàm lượng cholesterol tốt và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng cá béo làm tăng kích thước và thành phần lipid của các hạt lipoprotein mật độ cao hay còn gọi là cholesterol tốt ở những người bị giảm chuyển hóa đường.
Hơn nữa, sử dụng 30ml dầu camelina giàu axit alpha-linolenic, một loại axit béo omega-3 thiết yếu được cho là làm giảm số lượng các hạt lipoprotein mật độ trung gian (IDL) gây hại. IDL là tiền thân của lipoprotein mật độ thấp hay còn gọi là cholesterol xấu. Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng axit béo omega-3 chuỗi dài được tìm thấy trong cá có tác dụng có lợi lên kích thước và thành phần lipoprotein.
Theo các nhà nghiên cứu từ ĐH Đông Phần Lan, cả hai sự thay đổi này đều có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Trong nghiên cứu đăng trên tờ Molecular Nutrition & Food Research, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu gần 100 người Phần Lan ở độ tuổi từ 40-72 bị suy giảm chuyển hóa đường. Những người tham gia nghiên cứu được chia ngẫu nhiên thành 4 nhóm can thiệp trong 12 tuần: nhóm dùng dầu cải, nhóm cá béo, nhóm cá nạc và nhóm đối chứng.
Trong khi những người trong nhóm dầu cải, nhóm cá béo cho thấy hàm lượng HDL cao hơn, hàm lượng cholesterol IDL thấp hơn, nhóm ăn cá nạc không liên quan tới những thay đổi về số lượng, kích thước hoặc thành phần của các hạt lipoprotein.
4. Mất răng ở độ tuổi trung niên có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người mất từ 2 chiếc răng trở lên ở độ tuổi trung niên có thể dễ bị bệnh tim hơn.
Nghiên cứu trên gần 61.000 người trưởng thành độ tuổi từ 45 tới 69 chỉ ra rằng những người bị mất từ trên 2 chiếc răng có nguy cơ cao hơn bị bệnh tim mạch so với những người không bị mất răng.
Nguy cơ bệnh tim tăng gần ¼ ở những người trưởng thành có 25-32 chiếc răng lúc bắt đầu nghiên cứu – hầu hết người trưởng thành có 32 chiếc răng – nhưng bị mất từ trên 2 chiếc.
Nguy cơ này vẫn tăng sau khi các nhà nghiên cứu tính đến chế độ ăn, mức độ hoạt động thể chất, trọng lượng cơ thể, huyết áp cao và các yếu tố nguy cơ khác.
Mất chỉ một chiếc răng trong nghiên cứu này không liên quan tới nguy cơ cao hơn bị bệnh tim nhưng những người có dưới 17 chiếc răng tự nhiên khi bắt đầu nghiên cứu có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn 25%.
Các nhà nghiên cứu không chỉ ra tình trạng mất răng và bệnh tim có liên quan như thế nào nhưng họ cho biết trước đó vi khuẩn có thể truyền từ các nhiễm trùng trong miệng tới dòng máu và gây viêm trong mạch máu, điều này có liên quan với bệnh tim.
Bất cứ ai bị mất từ trên 2 chiếc răng trong nghiên cứu này đều có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn bất kể họ có bao nhiêu răng lúc bắt đầu nghiên cứu.
5. Ăn nhiều chất xơ có thể giảm nguy cơ viêm xương khớp
Nghiên cứu mới cho thấy rằng một chế độ ăn giàu chất xơ có thể làm giảm nguy cơ bị viêm khớp gối gây đau.
Viêm xương khớp (OA) là loại viêm khớp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người lớn ở Mỹ. Trên toàn thế giới, ước tính gần 10% nam giới và 18% nữ giới từ 60 tuổi trở lên đang chung sống với viêm xương khớp.
Nghiên cứu mới cho thấy rằng một chế độ ăn giàu chất xơ có thể làm giảm nguy cơ bị viêm khớp gối gây đau.
Nghiên cứu mới bao gồm một phân tích gộp từ hai nghiên cứu dài hạn về lợi ích của chế độ ăn giàu chất xơ. Nghiên cứu này là nỗ lực hợp tác giữa các nhà nghiên cứu từ Đại học Tufts ở Boston và Đại học Manchester ở Anh.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng chế độ ăn giàu chất xơ rất có lợi cho sức khỏe từ việc giảm huyết áp tới cân nặng và giảm viêm đồng thời cải thiện mức đường huyết.
Các nguồn chất xơ tốt bao gồm các loại hạt, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và rau không có tinh bột.
Phân tích gộp này bao gồm 2 nghiên cứu là Sáng kiến về viêm xương khớp (OAI với tổng cộng 4.796 người tham gia) và Nghiên cứu Viêm xương khớp Framingham (bao gồm 1.268 người tham gia).
Các nhà nghiên cứu đã xác định việc hấp thu chất xơ của những người tham gia lúc bắt đầu nghiên cứu sử dụng bảng hỏi tần xuất sử dụng thực phẩm.
Họ cũng sử dụng hình ảnh chụp Xquang để xác định viêm xương khớp và ghi chép các triệu chứng viêm xương khớp. Triệu chứng phổ biến nhât bao gồm đau, cứng và sưng gối.
Những người tham gia được theo dõi lâm sàng mỗi năm trong 48 tháng trong nghiên cứu OAI và họ được đánh giá sau 9 năm trong nghiên cứu Framingham.
Các nhà nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu lâm sàng về các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả, bao gồm chấn thương đầu gối, thuốc, lối sống, uống rượu, và tập thể dục.
Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân tiêu thụ trung bình 15 g chất xơ mỗi ngày trong nghiên cứu OAI, và 19 g mỗi ngày trong nghiên cứu Framingham.
Nhìn chung, các phân tích thống kê chỉ ra rằng hấp thu lượng chất xơ cao tương ứng với giảm nguy cơ viêm xương khớp gây đau.
Những người tham gia được chia thành 4 nhóm theo mức độ hấp thu chất xơ.
Những người sử dụng nhiều chất xơ nhất giảm 30% nguy cơ viêm xương khớp trong nhóm OAI và giảm 61% nguy cơ viêm xương khớp ở nhóm Framingham so với những người tiêu thụ ít chất xơ nhất.
Hơn nữa, nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều chất xơ nói chung cũng như nhiều chất xơ ngũ cốc nói riêng đặc biệt làm giảm nguy cơ đau đầu gối. Tuy nhiên, vì đây là nghiên cứu quan sát, nó không thể thiết lập mối quan hệ nhân quả.
6. 4 hướng mới điều trị Herpes trong tương lai
Herpes là bệnh thường gặp, do virut Herpes (HSV) gây ra. Tuy nhiên, điều trị hiện nay chỉ hạn chế với các thuốc kháng virut và chỉ hiệu quả 50% trong việc giảm sự lây truyền.
Các bệnh nhân nhiễm HSV có thể vẫn phải dùng thuốc suốt đời và là gánh nặng mỗi ngày đối với người bệnh. Do vậy, việc tìm ra các phương pháp điều trị mới là rất cần thiết.
Các thuốc kháng virut mới
Năm 1982, việc phát minh và sử dụng thuốc acyclovir mang lại hiệu quả ức chế sự nhân lên của virut. Từ đó, các thuốc kháng virut tương tự nucleoside và dẫn chất của nó là các loại thuốc đầu tiên và vẫn là vũ khí duy nhất chúng ta có để chống lại căn bệnh này.
Tuy nhiên, thuốc có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng nhưng vẫn có những hạn chế, bởi khả năng ức chế virut nhân lên của các thuốc này không đủ mạnh, khi dùng lâu dài, chúng chỉ làm giảm sự lây truyền của virut ở mức 50%. Các thuốc này không có mấy tác dụng với các trường hợp nhiễm Herpes nặng, có nguy cơ tử vong cao, chẳng hạn như viêm não và nhiễm Herpes sơ sinh.
Vì thế, một thế hệ thuốc kháng virut mới gọi là nhóm thuốc ức chế men helicase đang được các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển, góp phần cải tiến các lựa chọn sẵn có trong điều trị bệnh Herpes.
Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của nhóm ức chế men helicase là hoạt chất pritelivir với liều hàng ngày 75mg cho thấy giảm sự lan truyền của virut trên nhóm dùng thuốc xuống chỉ còn 2,1% so với 16,6% của nhóm dùng giả dược. Một hoạt chất khác thuộc nhóm thuốc ức chế men helicase cũng đang được phát triển bởi một công ty dược phẩm của Nhật Bản và hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm III.
Hướng mới điều trị Herpes trong tương laiMụn rộp do Herpes.
Việc sử dụng nhóm thuốc ức chế men helicase trong điều trị Herpes sinh dục vẫn cần được nghiên cứu thêm về tính an toàn. Nhưng các nỗ lực trên con đường nghiên cứu một lựa chọn mới trong điều trị Herpes ở những bệnh nhân tái phát nặng và nguy cơ cao là rất đáng được ghi nhận.
Vắc-xin điều trị Herpes
Đa số hệ miễn dịch của cơ thể đều có khả năng chống lại virut Herpes và khiến chúng tồn tại ở thể ẩn, không gây nguy hại cho sức khỏe. Bởi vậy, một hướng đi khác cho các nhà khoa học là bổ sung cho các cá nhân này hệ miễn dịch đầy đủ hơn để đẩy lùi virut Herpes.
TS. Seth Hetherington - Giám đốc y tế của Công ty Công nghệ sinh học Genocea, Cambridge, Hoa Kỳ cho biết: “Đa số các bệnh nhân nhiễm Herpes nhẹ đến vừa có đáp ứng miễn dịch tế bào T hiệu quả”. Do đó, các nhà khoa học dựa vào đó để phát triển vắc-xin điều trị cho HSV2 sinh dục có tên là GEN-003.
Khoảng 600 bệnh nhân nhiễm HSV2 sinh dục đã tham gia nghiên cứu đánh giá khả năng gây đáp ứng tế bào T và làm giảm hoạt động của virut HSV2 của vắc-xin GEN-003. Trong một nghiên cứu giai đoạn II, vắc-xin GEN-003 đã làm giảm khả năng lan truyền virut qua da khoảng 50% trong ít nhất 12 tháng. Kết quả này tương đương với hiệu quả điều trị đạt được khi sử dụng các thuốc kháng virut tương tự nucleoside hằng ngày. Nhưng so sánh về tiện ích sử dụng thì GEN-003 có lợi thế hơn. Bệnh nhân không cần phải uống thuốc hằng ngày mà chỉ cần dùng 3 liều được chia đều cách nhau 21 ngày mà cũng đem lại hiệu quả phòng ngừa bảo vệ tương đương. Do đó, GEN-003 có lý do để trở thành một lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân gặp khó khăn trong điều trị dài hạn dùng thuốc.
Các nhà khoa học đang có kế hoạch bắt đầu một nghiên cứu giai đoạn III của vắc-xin GEN-003. Theo kế hoạch này, công ty sẽ đệ trình đơn xin chấp thuận tới Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA vào cuối năm 2019 và để có thể đưa vắc-xin ra thị trường vào năm 2020.
Vắc-xin dự phòng Herpes
Mặc dù đã tìm kiếm và thử nghiệm suốt 50 năm, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm được một loại vắc-xin dự phòng hiệu quả. Mới đây, một sản phẩm vắc-xin mới đã xuất hiện và nhóm nghiên cứu từ Trường đại học Y khoa Albert Einstein, New York, Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo cho thấy loại vắc-xin mới này cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn chống lại nhiều chủng HSV1 và HSV2 ở chuột. GS.TS. William Jacobs - người thực hiện nghiên cứu cho biết: Các chủng HSV đã được phân lập trực tiếp từ bệnh nhân và mặc dù có mức độ độc lực khác nhau, vắc-xin này được ghi nhận “bảo vệ chống lại tất cả chúng”.
Nhóm nghiên cứu hiện đang thử nghiệm vắc-xin trong một loạt các mô hình động vật và đã cho thấy kết quả bảo vệ tương tự nhau trong tất cả các nghiên cứu. Tuy nhiên, rất khó để chắc chắn một loại vắc-xin hoạt động tốt trên động vật có hoạt động tốt trên người hay không. Do đó, nếu mọi việc suôn sẻ, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng nhỏ trên người vào năm nay.
Chỉnh sửa gene CRISPR/Cas9
Virut Herpes là một dạng virut rất “khôn ngoan và cứng đầu”. Một khi đã cư trú trong cơ thể, virut sẽ không bao giờ rời khỏi vật chủ. Trong thời kỳ phơi nhiễm ban đầu, virut Herpes nhanh chóng thâm nhập các tế bào thần kinh tại chỗ và chiếm đóng nơi này vĩnh viễn. Virut có thể ở dạng không hoạt động nhưng luôn sẵn sàng khởi bệnh hoặc tái phát.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu tin rằng khoa học có thể đã phát triển một phương pháp loại bỏ vĩnh viễn virut Herpes ra khỏi cơ thể. Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR/Cas9 đang được sử dụng để nhắm mục tiêu và cắt các phần DNA cụ thể của virut Herpes. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Temple, Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ đang sử dụng kỹ thuật làm mất đi khả năng sao chép của các virut này với mục tiêu: “Loại bỏ hoàn toàn virut”. Hiện các nhà nghiên cứu đã áp dụng công nghệ này và đang nghiên cứu trên các mô hình động vật…).
7. Người trẻ tuổi và nguy cơ rối loạn trí nhớ
Những rối loạn về trí nhớ không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi mà ở những người trẻ cũng xảy ra hiện tượng này, do sự tác động của nhiều bệnh lý khác nhau.
Sự suy sụp trí nhớ của người trẻ tuổi: giảm nhớ, loạn nhớ, mất nhớ, tăng nhớ… với những biện pháp điều trị hiện nay các rối loạn này hoàn toàn có thể chữa trị được.
Các biểu hiện rối loạn trí nhớ
Giảm nhớ: Giảm hiệu quả của quá trình nhớ và quá trình lưu giữ tài liệu. Hay gặp trong quá trình lão hóa, trong tổn thương não và trong những trạng thái đặc biệt như khi sợ hãi, khi xúc động... giảm hiệu quả quá trình tái hiện.
Loạn nhớ: Trong rối loạn nhớ, không có sự gián đoạn các thông tin đưa vào, không có sự suy giảm khả năng nhớ, mà là sự lệch lạc về chất lượng các “dấu ấn” được tạo ra, là sự thay đổi bệnh lý về chất lượng, thuộc tính của quá trình nhớ. Người ta thường gặp các loại rối loạn nhớ sau: nhớ sai, nhớ dị biệt, nhớ bịa, nhớ ảo, viễn tưởng giả.
Tăng nhớ: Hiệu quả nhớ của người bệnh tăng một cách bệnh lý, cao hơn hẳn so với những người khác. Đa số bệnh nhân này chỉ nhớ đến một loại kích thích nhất định, liên quan đến những ký ức sâu sắc, đến điều kiện nghề nghiệp, mà họ không thể có cách gì để không nhớ đến kích thích đó.
Mất nhớ: Trong những thời điểm, hoàn cảnh nhất định, người bệnh không thể nhớ được cái gì đã xảy ra trong quá khứ.
Yếu tố nào gây rối loạn trí nhớ ở người trẻ?
Do stress: Tình trạng stress không chỉ gây ra những tác động xấu đối với cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trí nhớ, đặc biệt là phản ứng stress cấp tính. Một trong những nguyên nhân gây stress ở người trẻ là áp lực học tập. Nhiều trường hợp do bố mẹ đòi hỏi quá mức kết quả học tập ở con cái so với khả năng mà chúng có thể đạt được hoặc sự ngộ nhận về năng lực học tập của con em mình.
Sau chấn thương sọ não: Chấn thương sọ não (CTSN) là một hình thái tổn thương sọ não ngoại sinh. Hậu quả của CTSN rất khác nhau, từ hồi phục hoàn toàn đến để lại các di chứng nặng nề về thần kinh và tâm thần. Rối loạn tâm thần do CTSN bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn cấp tính và giai đoạn muộn. Các rối loạn tâm thần là hậu quả muộn của CTSN, thời gian tùy thuộc vào từng bệnh nhân, nhưng thường là sau 6 tháng bị CTSN.
Do ảnh hưởng của bệnh lý tâm thần: Đó là các bệnh như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu… làm giảm tập trung chú ý; bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở người trẻ, bệnh làm cho biểu hiện cảm xúc ngày càng cùn mòn, khô lạnh, tư duy ngày càng nghèo nàn, ý chí ngày càng suy đồi, hoạt động ngày càng yếu đuối đi đến chỗ không thiết làm công việc gì, khả năng lao động và học tập, chú ý, trí nhớ đều giảm.
Do rối loạn phân ly: Các rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Các rối loạn phân ly hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng của các rối loạn phân ly rất đa dạng và hầu hết có rối loạn trí nhớ.
Chậm phát triển tâm thần: Chậm phát triển tâm thần là một nhóm bệnh lý có biểu hiện sự sa sút tâm thần bẩm sinh hay mắc phải trong những năm đầu thời kỳ thơ ấu. Chậm phát triển tâm thần không phải là một bệnh mà là một trạng thái rối loạn của một bệnh nào đó để lại sự thiếu sót trong các hoạt động trí tuệ và khả năng thích ứng.
Do các bệnh nhiễm khuẩn: Các bệnh lý hay gặp là viêm não, màng não do vi khuẩn, virut, viêm màng não lao, sốt rét ác tính thể não, giang mai não, HIV/AISD…
Do nhiễm độc: Các chất độc thâm nhập cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài. Các triệu chứng rối loạn tâm thần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: loại chất độc, liều lượng, thời gian, mức độ nhiễm độc và các yếu tố mang tính cá thể như: nhân cách, thể trạng, sức đề kháng,...
Do nghiện rượu và thuốc phiện: Nghiện rượu làm ảnh hưởng đến hiệu suất công tác, đến sức khỏe tâm thần và thể chất, làm tổn thương đến các mối quan hệ gia đình và đời sống xã hội. Người nghiện thuốc phiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và trí nhớ. .
Động kinh: Đây là một bệnh mạn tính, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc trưng là sự lặp đi lặp lại của các cơn do sự phóng điện quá mức của các tế bào thần kinh não bộ, dù cho triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng có thể khác nhau. Trong cơn, người bệnh có thể có những rối loạn vận động. Những hành vi đó có tính chất tự động, không mục đích và người bệnh sau đó không nhớ những gì xảy ra.
8. Cải tiến máy tạo nhịp tim, tăng cơ hội thành công khi cấy ghép
Chỉ tính riêng tại Anh, mỗi năm đã có khoảng 25 nghìn người được cấy máy tạo nhịp tim trong liệu pháp tái đồng bộ tim.
Tuy nhiên, một rủi ro thường gặp là dây dẫn thứ ba có thể tuột khỏi vị trí bất kỳ lúc nào, gây nguy hiểm cho người bệnh. Mới đây, các nhà khoa học Anh đã có cải tiến để khắc phục nhược điểm này, giúp máy tạo nhịp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả hơn.
Thành công đầu tiên dành cho người suy tim
Cách đây 5 năm, một giờ trước khi vợ chồng bà Anne Drew, 74 tuổi ở Anh lên đường đi du lịch thì đột nhiên bà bị ngã quỵ trong phòng ngủ, chân không thể cử động. Bà đã cố gắng đứng lên nhưng lại ngã gục xuống. Chồng bà lập tức gọi xe cấp cứu đưa bà đến bệnh viện. Tại đây, sau khi được thực hiện một số xét nghiệm và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán bà bị rung nhĩ, một loại rối loạn nhịp tim (hay còn gọi là loạn nhịp) thường gặp ở người cao tuổi. Đây là tình trạng nhịp tim bất thường, thường có nhịp thất nhanh gây giảm lượng máu đến mô cơ thể. Bà Anne đã được bác sĩ kê đơn thuốc có chứa warfarin để ngăn ngừa huyết khối, vì rung nhĩ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và dronedarone để giúp khôi phục nhịp tim bình thường.
Trong ba năm tiếp theo, bà đã sống khỏe mạnh với đơn thuốc này nhưng vào mùa thu năm 2016, càng ngày bà càng thấy mình thở gấp và mệt mỏi. Do đó, bà tiếp tục thực hiện điện tâm đồ để kiểm tra tín hiệu điện của tim và siêu âm tim. Kết quả cho thấy bà đã bị suy tim, một biến chứng thường gặp của rung nhĩ. Trước tình trạng này, các chuyên gia khuyên bà nên dùng máy tạo nhịp tim nhằm giúp trái tim duy trì nhịp bình thường. Tuy nhiên, máy tạo nhịp bà được cấy ghép không phải loại thông thường mà là loại đã được cải tiến để mang lại hiệu quả cao hơn, tránh được những rủi ro và bà là người đầu tiên được áp dụng.
Cải tiến của máy tạo nhịp tim là gì?
Máy tạo nhịp tim là thiết bị điện tử rất đặc biệt bao gồm một thiết bị tạo nhịp phát xung điện một chiều có chu kỳ và hai dây điện cực (dây điện cực nhĩ và dây điện cực thất nằm ở đáy tim) được gắn trực tiếp vào cơ tim, kích thích trực tiếp cơ tim làm cho chúng co bóp theo chu kỳ đó. Nhưng với trường hợp của bà Anne, các nhà khoa học Anh đã bổ sung dây dẫn thứ 3 cho máy tạo nhịp, dây dẫn này không gắn vào trong tim mà được gắn vào tĩnh mạch vành phía sau tim giúp thiết bị tạo nhịp hoạt động hiệu quả hơn. Giáo sư Nikhil Patel, bác sĩ tim mạch của Bệnh viện đa khoa Eastbourne, thành viên của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết, đối với người bệnh suy tim không chỉ có nhịp tim bất thường mà còn không đồng đều ở cả hai buồng tim nên dây nối thứ ba có thể khắc phục vấn đề này bằng cách gửi xung nhịp cho cả hai bên của tim, giúp chúng co bóp nhịp nhàng với nhau. Phương pháp này còn được gọi là liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT). Tuy nhiên, khi thực hiện gắn dây dẫn thứ ba vào vị trí lý tưởng khá phức tạp vì tĩnh mạch rất mỏng manh và dây rất dễ bị tuột. Vấn đề này ảnh hưởng đến nhiều trường hợp gây ra tình trạng máy tạo nhịp không hoạt động đúng chức năng và người bệnh cần phẫu thuật lại để tránh bệnh tái phát. Nhằm giảm rủi ro cho người bệnh, các bác sĩ tại Anh đã phát minh một chiếc ốc vít rất nhỏ, chỉ dài 0,2mm, bằng chiều rộng của một sợi tóc, nhằm cố định dây dẫn thứ ba trong tĩnh mạch. Điều này không chỉ giúp bác sĩ đặt dây dẫn vào vị trí chính xác, giúp nó không bị xê dịch mà còn giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật khoảng 30 phút.
Rủi ro nào người bệnh có thể gặp phải khi áp dụng biện pháp này?
Bà Anne cho biết, cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng 90 phút sau khi bác sĩ gây tê cục bộ. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bà cải tiến rõ rệt, bà có thể nói chuyện không ngừng với y tá, có thể xuất viện ngay trong ngày và hôm sau đã có thể đi bộ liền hai giờ. Bà đã trở lại với cuộc sống thường ngày nhưng vẫn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Còn theo các chuyên gia, khi sử dụng thiết bị mới này (bao gồm dây dẫn thứ ba trong lòng mạch được cố định bằng ốc vít rất nhỏ) không làm gia tăng nguy cơ về sức khỏe trong quá trình phẫu thuật so với bất kỳ loại máy tạo nhịp tim nào khác. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa rõ bằng cách nào để dễ dàng loại bỏ dây dẫn thứ ba khi đã cố định mà nó không hoạt động nhưng họ vẫn tin rằng đây là một lựa chọn hiệu quả cho những người bị suy tim đã được phẫu thuật tái đồng bộ tim trong quá khứ thất bại khi dây dẫn không được cố định tại chỗ.
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống
Tin liên quan
- Khi bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh án giấy có còn được sử dụng hay không?
- Bộ Y tế quy định mới nhất trình tự đánh giá thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc
- Cá thể hóa trong kê đơn thuốc ngoại trú, sát với tình trạng người bệnh
- Quy định mới của Bộ Y tế về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần
- Đã có vaccine não mô cầu thế hệ mới bảo vệ người cao tuổi và trẻ nhỏ
- Nữ bệnh nhân nguy kịch khi dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
- Hướng dẫn thu hồi, xử lý thuốc vi phạm