Tăng thuế thuốc lá để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật

24/10/2024 | 10:26 AM

 | 

Việt Nam hiện vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và cũng là nước có mức thuế thuốc lá nằm trong nhóm 15 nước thấp nhất. Một trong những giải pháp quan trọng để giảm tỷ lệ người hút thuốc là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá. Đây cũng là giải pháp để bảo vệ sức khỏe của người dân về lâu dài.

Tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam hút thuốc lá trong nhóm cao nhất thế giới. (Ảnh: Thế Đại)

Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích. Ngoài ra còn có hàng chục triệu người đang mắc các bệnh: tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư… Theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu, thuốc lá nằm vị trí thứ hai trong số các yếu tố nguy cơ cao nhất gây bệnh không lây nhiễm. Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản cả nam và nữ…

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thấy, nhờ nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương mà tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm; tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể, cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc… Tuy vậy, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao gây ra những gánh nặng bệnh tật cho người sử dụng cũng như cho ngành y tế. Về gánh nặng sức khỏe, thuốc lá là nguyên nhân chính gây 25 căn bệnh, trong đó có: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Một nghiên cứu tại Bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Tổng cộng có khoảng 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó hút thuốc lá trực tiếp gây ra 85.500 ca tử vong và hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong.

Sử dụng thuốc lá cũng để lại gánh nặng về kinh tế khi người dân chi tới 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế y tế Việt Nam (năm 2022), tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng.

Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá còn rất thấp. Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, trong khi đó mức thuế trung bình toàn cầu là 62% và mức khuyến nghị của WHO là ít nhất 75% giá bán lẻ. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Do vậy, thuế thuốc lá được coi là một trong các biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn người trẻ bắt đầu hút thuốc và giúp người đang hút thuốc cai thuốc.

Biện pháp thuế chỉ thật sự phát huy hiệu quả nếu thuế thuốc lá được tăng lên mức độ có ý nghĩa và thường xuyên. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để tác động đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá đã được đánh giá trên một số khía cạnh. Trong đó, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp tăng giá bán của sản phẩm; giảm tiêu thụ và ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá. Giá thuốc lá cao có thể đóng vai trò như một rào cản đối với thanh thiếu niên, những người có thể bắt đầu hút thuốc lá. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tăng giá rất hiệu quả trong ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng với cách làm hiện tại sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030. Do vậy, tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về sức khỏe cũng như kinh tế của Việt Nam, mức thuế cần phải cao hơn. Mô hình TaXSim cho thấy việc tăng thuế theo lộ trình để đạt mức 15.000 đồng/bao thuốc vào năm 2030, áp thêm vào mức thuế trên giá xuất xưởng hiện nay, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống còn 35,8%, mức mà sẽ đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia.

Phương án tăng thuế thuốc lá đã được đề xuất sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hằng năm, ước tính sẽ tăng thêm khoảng 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào năm 2030 so với năm 2020. Theo đánh giá của WHO, đây là phương án cùng thắng, vừa giảm gánh nặng bệnh tật và bảo vệ sức khỏe, vừa huy động được thêm nguồn thu ngân sách để đầu tư vào các ưu tiên phát triển bền vững mà Chính phủ đặt ra.

 

Nguồn: nhandan.vn


Thăm dò ý kiến