Quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
09/02/2023 | 11:05 AM



Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 gồm 12 chương và 121 điều.
Luật đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vẫn đề mới phát sinh để phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tư, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đây sẽ là hành lang pháp lý hết sức quan trọng để cả hệ thống y tế hoạt động, phục vụ người bệnh tốt nhất.
So với Luật khám chữa bệnh cũ, Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Luật bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước đảm bảo kinh phí. Bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng… Luật cũng quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, tại điều 108, luật quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước:
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; có trách nhiệm sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính theo quy định của pháp luật, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ về tài chính theo quy định của pháp luật và các nội dung sau:
a) Quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá;
b) Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật;
c) Quyết định nội dung chi và mức chi từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng tài chính của cơ sở;
d) Quyết định sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển; tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng các tài sản do tổ chức, cá nhân cho, tặng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và không ràng buộc lợi ích giữa các bên để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh;
đ) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư thực hiện theo quy định tại khoản 7 và khoản 9 Điều 110 của Luật này.
Như vậy, Luật sẽ giúp các bệnh viện tháo gỡ các vấn đề về tự chủ như về giá, cụ thể là giá khám chữa bệnh được hình thành bao gồm lợi nhuận và tích lũy; cho phép các bệnh viện được quyết định nguồn thu và toàn quyền tuyển dụng nhân sự. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) còn tạo hành lang pháp lý, giải quyết vấn đề xã hội hóa, cho phép thanh toán chi phí chữa bệnh từ máy xã hội hóa; được mượn/thuê/cho thuê trang thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh, cho phép mua chậm/trả chậm trang thiết bị…
Tin liên quan
- Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra hoạt động sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm 2 sản phẩm do "Ngân Collagen" quảng cáo
- Tổ chức chiến dịch cao điểm phòng bệnh sốt xuất huyết, COVID-19...
- Cung cấp đội ngũ nhân lực y tế ngành y học cổ truyền trình độ cao
- Bộ Y tế đề xuất nhiều hành vi nghiêm cấm và các cụm từ không được sử dụng trong quảng cáo mỹ phẩm
- Bộ Y tế nêu 5 tiêu chí bắt buộc trong xác định thuốc không kê đơn từ 1/7/2025
- Bến Tre chỉ đạo chủ động ứng phó với tình hình bệnh dịch COVID-19
- Tăng cường thanh, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường