Phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhân Ngày thế giới rửa tay với xà phòng
11/10/2019 | 10:13 AM
|
Rửa tay với xà phòng là một biện pháp đơn giản và tối ưu để phòng tránh bệnh tật PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định
Rửa tay với xà phòng là một biện pháp đơn giản và tối ưu để phòng tránh bệnh tật. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vẫn chưa có các công trình rửa tay cơ bản. Nhân Ngày thế giới rửa tay với xà phòng 15/10, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế.
Phóng viên: Ngày 15/10 hàng năm được biết đến là Ngày thế giới rửa tay với xà phòng, Bộ Y tế đã có hoạt động gì để nâng cao nhận thức của người dân về rửa tay với xà phòng, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế: Ngày thế giới rửa tay với xà phòng (15/10) hàng năm do Liên Hợp quốc phát động từ năm 2008, với mục tiêu nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng. Rửa tay với xà phòng là cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả, nằm trong khả năng của mọi người.
Mỗi năm có khoảng 100 quốc gia trên thế giới tổ chức lễ phát động rửa tay với xà phòng với sự tham gia của hơn 200 triệu người.
Năm 2019, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Sức khỏe Việt Nam”, đề án truyền thông cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, xử lý nước sạch nông thôn (giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030), Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, UBND, các tỉnh, thành phố và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức mít tinh, truyền thông hưởng ứng ngày thế giới rửa tay với xà phòng.
Phóng viên: Thông điệp “Rửa tay với xà phòng - cùng hành động vì sức khỏe Việt Nam” mang ý nghĩa gì thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế :Thông điệp “Rửa tay với xà phòng, cùng hành động vì sức khỏe Việt Nam” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, tổ chức. cá nhân trên thế giới cùng hành động hướng tới mục tiêu xóa bỏ sự bất bình đẳng, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, cũng như trang bị các kiến thức về rửa tay với xà phòng cho người dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu, chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
Phóng viên: Xin ông cho biết thực trạng rửa tay với xà phòng của người dân ở nông thôn, đặc biệt là trẻ em hiện nay?
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế: Rửa tay với xà phòng tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng hiện vẫn còn nhiều người, đặc biệt là trẻ em và người dân sống ở nông thôn chưa thực hiện được điều này.
Thống kê cho thấy, khoảng 66% dân số nông thôn không có công trình rửa tay cơ bản; tỷ lệ rửa tay trong nhóm người giàu cao gấp đôi so với nhóm người nghèo; 47% trường học, tương đương với 900 triệu học sinh trên thế giới không có công trình rửa tay với xà phòng; gần 15% dân số trên thế giới là những người khuyết tật; 12% dân số là người già chưa được nhận nước và xà phòng để rửa tay.
Bên cạnh đó, nhiều dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đến nay vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với các công trình rửa tay cơ bản.
Phóng viên: Trước thực trạng đó, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cho người dân, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế: Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành đoàn thể, các tổ chức, đơn vị, trường học cần đảm bảo cho tất cả mọi người (người già, trẻ em, học sinh, người khuyết tật, người dân tộc ,…) được đề cập đến trong chính sách, chương trình, hoạt động thúc đẩy rửa tay với xà phòng; xây dựng, ban hành các chính sách quy định, hướng dẫn điểm rửa tay với xà phòng, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ.
Các cơ quan, đơn vị, các cơ sở y tế, trường học, nơi công cộng cần có công trình rửa tay với nước sạch, xà phòng.
Từ đó, thực hiện nghiên cứu về bất bình đẳng trong rửa tay với xà phòng ở các khu vực khác nhau để lên kế hoạch, chính sách phù hợp.
Công tác truyền thông cần tăng cường sự đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc rửa tay với xà phòng.
Cùng với đó, cần tăng cường giáo dục rửa tay với xà phòng trong các trường học.
Sáng ngày mai (13/10/2019) Bộ Y tế phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay với xà phòng với chủ đề “Rửa tay với xà phòng – Cùng hành động vì sức khỏe Việt Nam”. Tôi mong rằng sau Lễ mít tinh, việc rửa tay với xà phòng sẽ lan tỏa đến với cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Phóng viên: Theo ông, rửa tay với xà phòng ở thời điểm nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất?
PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế: Rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh,…sẽ giảm 50% trường hợp mắc tiêu chảy, 20% trường hợp mắc các bệnh lý về nhiễm khuẩn đường hô hấp và 5% tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ 15 tuổi.
Rửa tay với xà phòng sẽ hạn chế được các bệnh lý gây truyền nhiễm. Người dân nên rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi nấu nướng thức ăn, sau khi ăn, trước khi ho, hắt hơi. Nếu không rửa tay kịp thời, các loại vi khuẩn sẽ có cơ hội lây nhiễm từ người này sang người khác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, tay chân miệng,…
Bên cạnh “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng”, các bệnh viện còn có ngày vệ sinh tay (5/5). Công tác vệ sinh tay đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phòng, chống nhiễm khuẩn ở bệnh viện. Các nhân viên y tế đã và đang tuân thủ đầy đủ các bước vệ sinh tay trước và sau khi khám bệnh, phẫu thuật. Hiện, tỷ lệ nhiễm khuẩn tại bệnh viện đã có xu hướng giảm.
Phóng viên: Cảm ơn PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế về cuộc trò chuyện!
Tin liên quan
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc
- Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não