Nỗi niềm áp lực nhiều, hy sinh lớn của các điều dưỡng

26/10/2022 | 23:20 PM

 | 

 Các điều dưỡng chấp nhận hy sinh cuộc sống riêng tư gia đình, mất ăn mất ngủ để lo cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Mỗi ngày trôi qua, họ vực dậy tinh thần bằng những tín hiệu tích cực của bệnh nhân, dù nhỏ từng chút, từng chút một.

"Anh ơi, hôm nay anh có mệt không? Ổn hơn hôm qua chứ? Cố gắng lên để về nhà với vợ con anh nhé"điều dưỡng Hoàng Thị Thu Thanh - Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy nhẹ nhàng hỏi chuyện bệnh nhân đang thở máy dù biết rằng nam bệnh nhân đó không thể trả lời lại được mình.

Tâm sự của các điều dưỡng: Áp lực nhiều, hy sinh lớn - Ảnh 1.

Điều dưỡng Hoàng Thị Thu Thanh - khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy đang theo dõi tình trạng bệnh nhân.

"Bệnh nhân biết thì mình thấy vui, còn bệnh nhân không biết, mình cũng cứ nói chuyện vậy chị ạ. Chúng em đối xử với bệnh nhân như người nhà vậy thôi", vừa nói Thanh vừa thoăn thoắt lật trở để vệ sinh cho một nam bệnh nhân khác nặng gần 100kg. Để đeo bỉm, thay drap cho bệnh nhân, Thanh phải nhờ đến sự hỗ trợ của một đồng nghiệp để thao tác được nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Thanh vốn nhỏ con, 6 năm qua, với thân hình nhỏ bé chỉ gần 40kg, nhiều lần hai tay và các cơ xương khớp rệu rã sau khi bế bệnh nhân, cô gái trẻ 28 tuổi Hoàng Thị Thu Thanh không ngại nề hà, chỉ mong sao giúp được nhiều người bệnh.

Cũng theo Thanh, đa số các bệnh nhân ở khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy nhập viện đều hôn mê do tai nạn giao thông và tai nạn lao động, lâu lâu mới có bệnh nhân u não tỉnh hoặc những bệnh nhân nặng còn ý thức được. Hầu hết họ đều bị trầm cảm, stress nên Thanh và đồng nghiệp thường hỏi han, trò chuyện, trấn an và động viên người bệnh cố gắng giữ bình tĩnh, vượt qua nỗi đau để hợp tác điều trị.

Tâm sự của các điều dưỡng: Áp lực nhiều, hy sinh lớn - Ảnh 2.

Bệnh nhân của khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh nhân nặng và rất nặng, thuộc nhóm bệnh nhân cần được chăm sóc cấp 1.

"Sau khi ra trường, em vào đây làm việc luôn. Lần đầu chứng kiến bệnh nhân tử vong, em bị sốc. Em khóc. Mấy chị (đồng nghiệp điều dưỡng – PV) trấn an em là bệnh nhân nặng, không cứu được nên không qua khỏi. Em chỉ biết chia buồn với người nhà. Sau này, khi quen hơn với công việc, mỗi lần chứng kiến những người không may phải lìa sự sống, em vẫn đau buồn bởi mình đã gắn bó và chăm sóc họ", Thanh rưng rưng kể lại.

Vừa dứt lời, Thanh nhận được lệnh hỗ trợ tiếp nhận ca bệnh là bệnh nhân nam 23 tuổi bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não được chuyển từ khoa Cấp cứu lên khoa Hồi sức Ngoại thần kinh trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhân hôn mê sâu, mất ý thức, gồng duỗi vật vã. Cô phải cùng các đồng nghiệp ra sức giữ chặt tay chân người bệnh. Một số nhân viên y tế khác thì kiểm tra các chỉ số, lau người cho bệnh nhân, nhanh chóng dừng công việc không khẩn cấp để đến hỗ trợ đồng nghiệp. Sau khi cố định và tiêm thuốc an thần để bệnh nhân nằm im, các điều dưỡng kiểm tra tri giác và vệ sinh cho người bệnh.

Tâm sự của các điều dưỡng: Áp lực nhiều, hy sinh lớn - Ảnh 3.

Các điều dưỡng tập trung hỗ trợ cho bệnh nhân để đảm bảo được các chỉ số sinh tồn.

22 giờ 30, lại thêm một bệnh nhân nữa trong tình trạng rất nặng được chuyển lên khoa Hồi sức Ngoại thần kinh. Nghe tiếng đồng nghiệp thông báo, Thanh và một số nhân viên y tế không ai bảo ai, tập trung hỗ trợ cho bệnh nhân vừa được chuyển vào. Bệnh nhân được đặt nội khí quản ngay sau nhập vào khoa để tạm thời đảm bảo được các chỉ số sinh tồn.

Sau khi hỗ trợ cho đồng nghiệp, điều dưỡng Phùng Thị Thủy Tiên lại đi sang giường khác để hút đờm, thông đường thở và tỉ mẩn vệ sinh cho bệnh nhân. Chị Tiên cho biết, phải theo dõi sát, nếu phát hiện bệnh nhân không thở được, nghẹt ống nội khí quản phải lập tức báo cho bác sĩ để đặt lại ống nội khí quản mới.

Tâm sự của các điều dưỡng: Áp lực nhiều, hy sinh lớn - Ảnh 4.

Điều dưỡng Phùng Thị Thủy Tiên thay bỉm cho bệnh nhân.

Chị Tiên cho hay, chị đã gắn bó với nghề điều dưỡng 7 năm, công việc nhiều áp lực và không có nhiều thời gian dành cho gia đình, thậm chí mẹ ốm chị cũng không chăm được, phải cậy nhờ anh chị em thay nhau giúp. Do làm việc liên tục, hết làm thuốc, vệ sinh cho bệnh nhân lại đứng lên nhận bệnh, hiếm khi được nghỉ ngơi nên chị Tiên bị đau chân do đứng liên tục.

"Đi lại suốt nên tôi bị đau chân lắm. Sáng ngủ dậy do đau chân quá nên phải khắc phục bằng cách đeo vớ suy giãn tĩnh mạch để hỗ trợ thêm", chị Tiên chia sẻ.

ThS. Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Yến – Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh là môi trường làm việc căng thẳng bậc nhất của bệnh viện. Các bệnh nhân ở đây hầu hết là người trẻ, đang là trụ cột của gia đình. Tuy nhiên, họ là bệnh nhân nặng và rất nặng, sức khỏe trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc". Các bệnh nhân hôn mê hoàn toàn, phải hỗ trợ thêm đường hô hấp như đặt nội khí quản, thở máy và đa số bệnh nhân bị tai nạn giao thông, số ít là tai nạn lao động và u não.

Thực tế cho thấy, công việc của điều dưỡng vốn đã vất vả thì khi làm việc tại khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, áp lực ấy còn nhân lên gấp nhiều lần.

Do đặc trưng của khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh là bệnh nhân nặng, người nhà không được thăm nuôi nên tất cả các công việc từ chăm sóc chuyên môn đến sức khỏe, tinh thần đều do điều dưỡng đảm nhận như: Đánh răng, rửa mặt, ăn uống, thay quần áo, ga giường, thay bỉm tã, xoay trở, lau người, dọn vệ sinh, gội đầu, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân… đến tiêm thuốc, truyền dịch, thậm chí đặt cả nội khí quản.

Tâm sự của các điều dưỡng: Áp lực nhiều, hy sinh lớn - Ảnh 5.

Các điều dưỡng khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy đặt nội khí quản cho bệnh nhân.

Và nếu bác sĩ là người luôn căng thẳng vì sự trở nặng bất ngờ của người bệnh thì đội ngũ điều dưỡng là nhóm nhân sự luôn túc trực thường xuyên theo dõi các chỉ số sinh tồn, di chuyển liên tục để thực hiện công tác chăm sóc người bệnh… Hơn 50% bệnh nhân tại khoa Hồi sức Ngoại thần kinh thuộc nhóm bệnh rất nặng cần được theo dõi thường xuyên từ 15-20 phút/lần, số bệnh nhân còn lại thì cần được kiểm tra đánh giá sau 2 giờ/lần.

"Một người mẹ chỉ chăm sóc một đến hai con nhỏ thôi nhưng ở đây một điều dưỡng chăm sóc cùng lúc 4-5 người trưởng thành. Nhiều bệnh nhân cân nặng đến 8-9 chục kg, thậm chí cả trăm cân trong khi điều dưỡng nhỏ con nên việc nâng một bệnh nhân không hề đơn giản. Điều dưỡng được đào tạo nên biết tư thế nào xoay trở được bệnh nhân, nghiêng sao để dễ làm vệ sinh, thay ga trải giường…", chị Yến nói.

Nỗi niềm áp lực nhiều, hy sinh lớn của các điều dưỡng - Ảnh 6.

Một điều dưỡng khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy có thể chăm sóc cùng lúc 4-5 người trưởng thành.

23 năm gắn bó với công việc điều dưỡng tại khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, chị Yến cho biết, chưa lúc nào công việc của các điều dưỡng lại bị áp lực và gồng gánh nhiều như hiện nay. Điều dưỡng ngoài việc theo dõi và phải nhận biết được bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng để có những xử lý kịp thời và nhanh chóng còn phải đối mặt về tâm lý bởi có những ca trực tử vong nhiều mặc dù đã được rèn luyện "tinh thần thép".

"Các điều dưỡng phải giàu lòng trắc ẩn, thương bệnh nhân mới có thể làm tất cả những việc đó. Họ đối mặt với sự sống – cái chết nhiều quá nhưng phải gồng mình lên. Công việc nhiều không phải là áp lực duy nhất thực sự khiến mọi người căng thẳng, hay bị stress, mà điểm chính là cảm xúc khi chứng kiến bệnh nhân mình vừa chăm sóc hôm qua, hôm nay vào trực thì bệnh nhân đã mất hoặc người nhà đã xin về vì quá nặng", chị Yến trải lòng.

 
 

Điều dưỡng vệ sinh người và hút đờm cho bệnh nhân.

Nếu như trên thế giới, tỉ lệ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thở máy là 1:1, thì tại khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, một điều dưỡng có thể chăm sóc toàn diện 4-6 bệnh nhân, trong khi mức thu nhập còn thấp. Áp lực công việc khiến điều dưỡng căng thẳng và họ phải luôn cố gắng không ngừng để người bệnh giảm bớt đau đớn, nhanh chóng hồi phục. Trong khi đó, người điều dưỡng muốn khẳng định được vị thế của mình, họ phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn mà quỹ thời gian ngoài giờ làm eo hẹp, sau giờ làm về nhà phải nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động nên họ không có nhiều cơ hội.

Cũng như chị Ngọc Yến, Thủy Tiên, Thu Thanh, nhiều điều dưỡng khác vẫn tiếp tục gắn bó với nghề mình đã chọn và hết lòng vì bệnh nhân. Mỗi ngày sau ca trực, chân tay mệt rã rời, họ mới được chợp mắt. Niềm vui và động lực tiếp tục làm việc của họ là những tín hiệu chuyển biến tích cực của người bệnh, được nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân mỗi khi xuất viện.

Nỗi niềm áp lực nhiều, hy sinh lớn của các điều dưỡng - Ảnh 8.

Thu Thanh cho hay, cô nhận ra chỉ có tình yêu nghề thì các điều dưỡng mới vượt qua được những khó khăn và áp lực.

"Thực ra làm công việc này đúng như mọi người hay nói là: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…". Là điều dưỡng ở bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân đổ về rất đông, việc ăn uống, ngủ nghỉ của tụi em không phải lúc nào cũng đảm bảo được. Lâu dần, em cũng nhận ra, đúng là chỉ có yêu nghề thì người ta mới vượt qua được những khó khăn và áp lực này", điều dưỡng Thu Thanh trải lòng.

Điều dưỡng là người dành thời gian nhiều nhất cho bệnh nhân, là người nhận biết và phản ánh cho bác sĩ biết các dấu hiệu bất thường đầu tiên, đảm nhận công việc như một người mẹ quần quật chăm con cả ngày. Thế nhưng, điều dưỡng cũng là người đầu tiên bị phản ánh, là người đầu tiên bị hành hung y tế về lời nói và cả vũ lực, là người không được trọng vọng như bác sĩ.

"Các con của điều dưỡng cũng phải trưởng thành sớm. Có bé còn rất nhỏ đã phải tự nấu ăn, ngủ ở nhà một mình khi mẹ trực đêm. Lưng, vai, các khớp của điều dưỡng đều đau sau vài năm tuổi nghề và sức khỏe xuống rất nhanh sau những ngày vất vả. Đó là một trong các góc khuất của ngành Y không phải ai cũng thấy", bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ - nguyên Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Được biết, năm 2021, khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận và điều trị hơn 2.400 bệnh nhân. Trong đó, có gần 1.400 bệnh nhân được xuất viện về với cuộc sống bình thường…

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

 

 


Thăm dò ý kiến