Nỗ lực để có vắc xin phòng COVID-19 cho người dân
05/04/2021 | 10:49 AM
|
Với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho người dân. So với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vắc xin khá lớn, do vậy Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức, trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vắc xin phòng COVID-19.
Trong tuần qua, tin vui cho công tác phòng chống dịch của Việt Nam là 811.200 liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên trong số 30 triệu liều mà COVAX Facility sẽ cung ứng miễn phí cho Việt Nam đã về đến sân bay Quốc tế Nội bài và vận chuyển đến bảo quản tại Viện Vệ sinh dịch tễ TW. Cơ quan kiểm định đang nhanh chóng tiến hành kiểm định để có thể khẩn trương đưa lô vắc xin này vào tiêm chủng cho các đối tượng theo Nghị quyết 21.
Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 200.000 liều vắc xin phòng COVID-19 để phục vụ tiêm chủng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho người dân. Cùng với nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước, Việt Nam đang tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chứng kiến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp nhận lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên từ hỗ trợ của COVAX về Việt Nam Ảnh:Trần Minh
Tuy nhiên so với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vắc xin khá lớn, do vậy Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức, trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vắc xin phòng COVID-19.
Vắc xin phòng COVID – 19, ưu tiên hàng đầu trong các cuộc làm việc
Trong tuần qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã có 7 cuộc tiếp và làm việc với Trưởng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như WHO, UNICEF, UNFPA; đại sứ các nước Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, Ấn Độ; tham tán công sứ Nga về các vấn đề liên quan đến vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam
Trong cuộc tiếp và làm việc với bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF, ông Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO, bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNPFA, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, vắc xin COVID-19 là một trong những ưu tiên của mọi quốc gia hiện nay.
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế Ảnh:Chí Cường
Bày tỏ lời cảm ơn về lô vắc xin COVID-19 811.200 liều đầu tiên của COVAX đã về Việt Nam ngày 1/4, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng tôi bày tỏ niềm vui mừng khi được biết, ngoài 811.200 liều đã về, sẽ có thêm vắc xin phòng COVID-19 nữa sẽ về đến Việt Nam trong tháng 5/2021, nâng tổng số thành 4,1 triệu liều.
Tuy nhiên, số liều vắc xin còn lại, chúng tôi rất mong các tổ chức thuộc UN thúc đẩy để có lộ trình cung ứng phù hợp, ưu tiên trong năm 2021 để có thể bao phủ được tỷ lệ tiêm vắc xin tới đông đảo người dân. Đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong năm 2021”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo một số Vụ/Cục/Viện trực thuộc Bộ Y tế chụp ảnh lưu niệm cùng bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF, ông Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO, bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNPFA trong buổi tiếp và làm việc tại Bộ Y tế chiều ngày 1/4 Ảnh:Trần Minh
Tiếp đại sứ - trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị đại sứ và phía EU quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong các chính sách tiếp cận nguồn vắc xin của châu Âu, không chỉ qua cơ chế COVAX mà còn từ nguồn trực tiếp hay các chương trình khác; đồng thời có những hỗ trợ giúp tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 thành công.
Tiếp đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng việc Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc có thể hỗ trợ 1 tỉ liều vắc xin cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tin vui đối với các nước trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ trực tiếp cho người dân Việt Nam các loại vắc xin của Hoa Kỳ, đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vắc xin sản xuất của Hoa Kỳ như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson.
Đánh giá công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở Hoa Kỳ là bài học quý báu với nhiều nước trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho Việt Nam để có thể tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin thành công.
Tại cuộc tiếp và làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết các công ty ở Nhật Bản cũng đang phát triển các vắc xin với những tín hiệu khả quan cùng với nguồn cung vắc xin ở Nhật Bản dồi dào.
Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ nguồn vắc xin với Chính phủ và người dân Việt Nam. Đồng thời phối hợp, hợp tác với các cơ quan, đơn vị có khả năng sản xuất vắc xin ở Việt Nam để trao đổi, chia sẻ, hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất và thử nghiệm vắc xin ở Việt Nam.
Đại sứ Yamada Takio thông tin tại cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Suga Yoshihide hôm 22/3, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam khoản trị giá 220 triệu yen để phòng chống COVID-19. Đại sứ cho biết Nhật Bản sẽ nghiên cứu các khả năng hợp tác với Việt Nam.
Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch đối với vắc xin phòng COVID-19 Sputnik V của Nga.
Trong cuộc tiếp và làm việc với Đại sứ Trung Quốc, Ấn Độ và Tham tán công sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã rà soát tổng thể quy trình cấp phép vắc xin do nước ngoài sản xuất trong tình trạng khẩn cấp, theo đó đã rút ngắn thời gian xem xét các thủ tục hành chính, đảm bảo cấp phép thuận lợi và nhanh nhất. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo nguyên tắc an toàn, khoa học, hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu.
Tại cuộc tiếp và làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc mừng Trung Quốc đến nay đã triển khai chương trình tiêm vắc xin cho hơn 100 triệu người dân. Đồng thời, đề nghị Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có các công dân Việt Nam có nhu cầu đi lại, giao thương, học tập tại Trung Quốc do nước bạn đã triển khai chính sách “hộ chiếu vắc xin”, trong đó có ưu tiên với người tiêm vắc xin của Trung Quốc.
Tiếp và làm việc với Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verna, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và ngài Đại sứ đã trao đổi về các chương trình hợp tác y tế, đặc biệt là vấn đề về vắc xin COVID-19.
Trong cuộc làm việc với ngài Bublikov Vadim - Tham tán Công sứ Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam, về những đề xuất của Việt Nam liên quan đến việc cung ứng vắc xin phòng COVID -19 Sputnik V cho Việt Nam cũng như hợp tác với Việt Nam trong việc sản xuất Sputnik V tại Việt Nam, ngài Tham tán công sứ Nga cho biết sẵn sàng phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành của Việt Nam trong việc thực hiện các thoả thuận liên quan đến vắc xin Sputnik V.
Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin cho 20% dân số đến cuối năm 2021
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho hay lô vắc xin đầu tiên của COVAX gồm 811.200 liều đã về tới Việt Nam được xem là thời khắc lịch sử, một tin mừng với người dân Việt Nam và là một yếu tố giúp thay đổi cục diện chống dịch COVID-19. Ảnh:Trần Minh
Đây cũng là thời điểm bước ngoặt, đánh dấu tầm nhìn, sự chung tay của cộng đồng quốc tế, các tập đoàn tư nhân và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, UNICEFF, WHO… để cùng thế giới kiểm soát đại dịch.
“Đây là lô vắc xin đầu tiên trong tổng số 4,1 triệu liều vắc xin dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam đến cuối tháng 5/2021. Cùng với những lô vắc xin tiếp theo sẽ được tiếp nhận sau tháng 5, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin cho 20% dân số đến cuối năm 2021”- ông Kamal Malhotra nói.
Cũng theo ông Kamal Malhotra: Thành công của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh thời gian qua được thế giới đánh giá rất cao. Trong khi nhiều quốc gia không hành động hoặc chậm thì Việt Nam rất quyết đoán. Thành quả đó giúp Việt Nam không phải phong toả toàn quốc, hệ thống y tế vẫn hoạt động hiệu quả, người dân không trải qua hoảng loạn, lo lắng.
Ông Kamal Malhotra cho hay, chúng ta công nhận rằng vắc xin là một loại hàng hóa công cộng cần được tiếp cận bình đẳng bởi mọi quốc gia dù giàu hay nghèo và mọi người dân, đặc biệt các nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương. Không quốc gia nào là an toàn cho đến ngày thế giới sạch bóng COVID-19. Không quốc gia nào có thể đơn độc đánh bại COVID-19 tái mở cửa hoàn toàn hay chứng kiến kinh tế phát triển rực rỡ. Một quốc gia chỉ có thể hồi phục khi toàn bộ các quốc gia khác đạt miễn dịch cộng đồng do 75-80% dân số đã được tiêm chủng.
"Đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục quấy phá, các biến chủng đang phát triển mạnh và tạo ra nhiều virrus với sức chống chọi tốt hơn. Chúng ta phải thực hiện tiêm chủng cho người dân toàn cầu để tạo miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới, từ đó ngăn chặn sự xuất hiện của những thể đột biến nguy hiểm”- Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.
Vắc xin phòng COVID-19 do VOVAX tài trợ về đến Việt Nam sáng ngày 1/4 Ảnh:Thái Bình
Mặc dù những thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gây khó khăn cho việc ấn định trước ngày và lượng vắc xin tiếp nhận, song COVAX vẫn lạc quan trong việc có thể cung cấp lượng vắc xin đủ cho tối đa 20% dân số tại các quốc gia đủ điều kiện trước thời điểm cuối năm nay.
“Một lần nữa xin khẳng định, WHO và UNICEF sẽ sát cánh cùng các quốc gia để đảm bảo đưa vắc xin đến những đối tượng ưu tiên một cách hiệu quả nhất có thể, với ưu tiên hàng đầu là tính an toàn”- ông Kamal Malhotra nói và thông tin thêm: UNICEF cũng sẽ mua khoảng 400 tủ đông bảo quản vắc xin và hơn 2000 tủ đông loại nhỏ, hộp lạnh, xe tải đông lạnh và ống tiêm cho Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên chở ống tiêm sẽ tới Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
"Tôi đánh giá cao Việt Nam vì những nỗ lực vượt bậc để tạo điều kiện đưa vắc xin của COVAX vào Việt Nam"
Tại các quốc gia, WHO và UNICEF hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng, đào tạo nhân viên y tế, theo dõi giám sát tiêm chủng, và truyền thông nâng cao nhận thức công chúng về tầm quan trọng của tiêm chủng.
"WHO cùng với Chính phủ Việt Nam đạt được dấu mốc quan trọng này trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19”- TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Thành tựu này là minh chứng cho sự đoàn kết toàn cầu và nhiều quốc gia và các đối tác đã hợp tác với nhau để mang lại lợi ích quan trọng cho sức khỏe cộng đồng. Tôi đánh giá cao Việt Nam vì những nỗ lực vượt bậc để tạo điều kiện đưa vắc xin của COVAX vào Việt Nam.
Ông Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam trong buổi làm việc về vấn đề hợp tác y tế nói chung, vắc xin phòng COVID-19 và tiêm chủng tại Việt Nam
Đồng thời, TS Kidong Park cũng bày tỏ: "Tôi ghi nhận nỗ lực của tất cả các đối tác Chính phủ, trong và ngoài ngành y tế. Tôi đã thấy được sự chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp nhận vắc xin, từ việc xác định các nhóm ưu tiên, tập huấn cho nhân viên y tế, thu xếp hệ thống vận chuyển phân phối vắc xin đến các tỉnh và thông tin đầy đủ cho công chúng.
Vắc xin đến có nghĩa là nhiều nhân viên tuyến đầu và những người có nguy cơ cao có thể được tiêm vắc xin và được bảo vệ. WHO sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đối tác để đảm bảo vắc xin đến được tới những người cần nhất”.
Thúc đẩy vắc xin trong nước
Đến thời điểm này, Việt Nam đang có 2 loại vắc xin phòng COVID-19 do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Đó là vắc xin Nano Covax của Nanogen và vắc xin COVIVAC của IVAC.
Đối với vắc xin Nano Covax hiện đã hoàn thành mũi 1, giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng. Mũi 2 của giai đoạn 2 đang được tiến hành tiêm và dự kiến vào ngày 7/4, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y) sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 cho 280 người tham gia tình nguyện thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax.
Ngoài ra, có 280 người khác cũng được tiêm mũi 2 tại Long An. Sau đó một tuần, 2 đơn vị tham gia thử nghiệm lâm sàng sẽ lấy mẫu máu đánh giá hiệu quả bảo vệ sau tiêm, liều tối ưu... và chuẩn bị báo cáo để chuyển sang giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng.
Tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax tại Học viện Quân Y
Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2021, sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin Nano Covax, và dự kiến đầu tháng 5/2021, vắc xin NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với khoảng 10.000 người tham gia thử nghiệm.
Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả các chuyên gia, đại diện Bộ Y tế đều rất lạc quan cho rằng nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý 3/2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc xin Nano Covax. Như vây, nếu thuận lợi thì trong quý 3/2021, Việt Nam sẽ có vắc xin phòng COVID-19 trong nước đầu tiên.
Đối với vắc xin COVIVAC hiện đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 tại Đại học Y Hà Nội.
Một vắc xin phòng COVID-19 khác do VABIOTECH nghiên cứu, phát triển cũng dự kiến sớm thử nghiệm lâm sàng.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính