Ngành Y tế Hà Nội sẽ điều chỉnh giá viện phí theo lộ trình trong tháng 8
28/07/2017 | 07:28 AM




Mức giá dịch vụ, khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế sẽ thực hiện tại Hà Nội trong tháng 8 tới theo lộ trình.
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra tình hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn
Cuối tháng 6 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trình Hội đồng Nhân dân thanh phố về quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các cơ sở khám chữa bệnh thuộc thành phố.
Mức giá được ban hành theo Thông tư 02/2017/TT- BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế sẽ thay thế mức giá quy định tại Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ngày 17/3/2013 của HĐND thành phố và Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 của UBND TP về việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Đã có 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành điều chỉnh tăng giá. Riêng tại Hà Nội, khi được TP thông qua mức giá khám khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT thì theo lộ trình các cơ sở y tế của thành phố sẽ thực hiện điều chỉnh giá bắt đầu từ 01/8/2017. Mức giá này gồm các chi phí trực tiếp như thuốc men, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, chi phí tiền lương.
Theo các chuyên gia, 17,6% người chưa tham gia BHYT không phải là con số quá cao nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của toàn thành phố cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường giá cả.
Việc quy định mức giá khám chữa bệnh cho đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, Bộ Y tế cũng như thành phố Hà Nội hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt về giá khám chữa bệnh giữa người có BHYT và người không có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở y tế. Việc điều chỉnh giá cũng giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do đảm bảo các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng tính đủ. Ngoài ra, việc tăng giá lần này cũng phần nào tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân.
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế phải tiến hành theo lộ trình, không thực hiện điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ, điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo lộ trình, 30 tỉnh sẽ thực hiện vào tháng 8/2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017. TP Hà Nội sẽ triển khai thực hiện Thông tư 02 trong tháng 8/2017. TP.HCM sẽ thực hiện vào tháng 10/2017./.
Tin liên quan
- Bộ Y tế nêu 5 tiêu chí bắt buộc trong xác định thuốc không kê đơn từ 1/7/2025
- Bến Tre chỉ đạo chủ động ứng phó với tình hình bệnh dịch COVID-19
- Tăng cường thanh, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường
- Chủ động ứng phó với dịch COVID-19
- Đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lớn, nhất là người có bệnh nền
- Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Công an Hà Nội xác minh, làm rõ các sản phẩm thực phẩm chức năng giả
- Xây dựng phác đồ điều trị kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại