Một số trường hợp tái dương tính sau khi đã khỏi COVID-19, chuyên gia khuyến cáo gì?
01/03/2022 | 15:14 PM
Việc tái nhiễm COVID-19 với người vừa mắc COVID-19 là hoàn toàn có thể xảy ra, do vậy người dân không nên chủ quan khi vừa khỏi bệnh.
Khả năng tái nhiễm COVID-19 sau khi vừa khỏi bệnh như thế nào?
Rất nhiều người sau khi mắc COVID-19 thì chủ quan cho rằng mình có kháng thể cực mạnh, lại đã tiêm 3 mũi vaccine nên không lo bị tái nhiễm trong ít nhất 3-6 tháng. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít trường hợp mắc COVID-19 điều trị khỏi, trong vòng hơn 1 tháng lại tiếp tục bị tái nhiễm lần 2. Điển hình như trường hợp của chị L.A, 29 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội.
Theo chia sẻ của chị L.A, lần đầu chị mắc COVID-19 là trước Tết Nguyên đán, sau đó phải điều trị và cách ly tại nhà 7 ngày thì khỏi. Dù khỏi bệnh trước Tết nhưng để giữ cho mình và mọi người xung quanh, chị A không đi chơi, chúc Tết ở đâu.
Hết kỳ nghỉ lễ, chị đến cơ quan làm, khi đó cơ quan "nổ" khá nhiều ca dương tính. Do mới mắc COVID-19 nên chị cũng yên tâm, thậm chí có lúc tự tin đi ra ngoài ăn uống vì nghĩ bản thân tiêm 3 mũi vaccine, lại mới mắc COVID-19 nên kháng thể sẽ rất mạnh.
Sau 2 tuần đi làm, chị L.A thấy người hơi mệt, sốt nhưng không bị mất vị giác như lần trước. Nghĩ rằng đó là biểu hiện của hậu COVID-19 nên chị đi khám. Tại bệnh viện, qua test nhanh chị phát hiện tiếp tục bị dương tính. "Lúc đầu tôi không tin, đi test lại thì vẫn 2 vạch, hỏi bác sĩ thì được lý giải hoàn toàn có khả năng tái dương tính. Cũng may là lần sau không nặng như lần trước, chỉ hơi ho một chút và 4 ngày đã âm tính. Do vậy, mọi người đừng chủ quan vì mắc COVID-19 rồi hoàn toàn vẫn có thể bị lại", chị L.A chia sẻ.
Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết, trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở những người từng mắc một biến chủng này, ví dụ như Detal, sau đó là nhiễm biến chủng mới như Omicron. Đối với những người đã nhiễm biến thể Omicron rồi thì rất khó và hiếm xảy ra nhiễm lại cùng một biến chủng trong thời gian ngắn.
Bản thân là người bị tái nhiễm 2 biến chủng virus khác nhau, tiến sĩ Lê Minh đánh giá giữa chủng Detal và Omicron sẽ có những đặc điểm khác nhau, đó là: Người nhiễm biến chủng Detal rất nhiều người bị mất mùi (5-6 ngày sau phát bệnh sẽ mất mùi). Do vậy, trong một chuỗi lây nhiễm từ nhau không ai mất mùi thì rất có thể 80-90% là nhiễm Omicron.
Đối với việc một số trường hợp mắc COVID-19 trong vòng 1 tháng đã tái nhiễm, theo tiến sĩ Minh thì điều này rất khó xảy ra trên cùng một biến chủng bởi sau một tháng mắc COVID-19, hệ miễn dịch đang ở trạng thái đủ khả năng bảo vệ. Tuy nhiên, không loại trừ vì có những người hệ miễn dịch yếu thì các virus khác hoặc biến thể mới có thể xâm nhập được.
“Sau khi mắc biến chủng Omicron, kháng thể được tạo ra thường không cao bằng sau khi mắc biến chủng Detal, nên dù chúng ta còn kháng thể nhưng khả năng chống chịu của cơ thể đã suy giảm, khả năng tái nhiễm vẫn có thể xảy ra trong một tháng, nhất là người có hệ miễn dịch yếu. Đó là lý do mọi người tuyệt đối không chủ quan. Thông thường nguy cơ tái nhiễm sau khoảng 3 tháng sẽ cao hơn”, tiến sĩ Lê Minh phân tích.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, việc tái nhiễm COVID-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau.
Dù vậy, bác sĩ Khanh cho rằng mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng vì khi tái nhiễm dù là biến thể mới nhưng đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19.
“Với những người chưa tiêm vaccine, hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm COVID-19 hơn so với những người khác. Khi nhiễm hoàn toàn có nguy cơ trở nặng”, bác sĩ Khanh cho hay.
Cần chuẩn bị và làm gì khi trở thành F0?
Theo thống kê, với người tiêm đủ vaccine tỷ lệ chuyển nặng không cao, tuy nhiên tuyệt đối không được chủ quan. BS Bùi Nghĩa Thịnh - Phòng khám Gia đình TP HCM cho biết, ngoài những khuyến cáo dành cho F0 mà Bộ Y tế đã đưa ra, người dân khi thành F0 cần bình tĩnh, chuẩn bị dụng cụ và tâm thế để phục vụ cho việc tự điều trị của mình.
Theo bác sĩ Thịnh, có 2 thứ F0 cần phải có khi điều trị tại nhà đó là máy đo SpO2 và nhiệt kế. Ngoài ra, nếu chuẩn bị được máy đo huyết áp thì càng tốt. “Đặc điểm của SARS-CoV-2 làm giảm oxy máu mà bệnh nhân không hề biết. Hiện tượng này còn gọi là thiếu oxy âm thầm.
Dù bị thiếu oxy máu nhưng bệnh nhân vẫn cảm thấy bình thường cho nên người bệnh thường không theo dõi. Tới thời điểm lượng oxy trong máu hạ thấp tới mức kiệt quệ khiến cho bệnh nhân ngã gục xuống và tử vong do thiếu oxy”, bác sĩ Thịnh cảnh báo.
Do vậy, một người mắc Covid-19 không thể dựa vào cảm giác của mình để biết được có bị thiếu oxy trong máu hay không? Điều trị Covid-19 tại nhà bắt buộc phải có máy đo SpO2.
Đối với nhiệt kế thì nhất thiết cần phải có để theo dõi nhiệt độ thay đổi của cơ thể. Với máy đo huyết áp có thì tốt, không có cũng không sao.
Ngoài các dụng cụ trên, khi điều trị ở nhà, F0 cần phải ghi lại toàn bộ thông tin ngày khởi phát để cung cấp cho bác sĩ khi cần. Ngoài ra, không nên tự điều trị tại nhà theo những hướng dẫn trên mạng mà cần liên hệ với Trung tâm y tế phường, xã nơi mình sinh sống để được hỗ trợ khi cần thiết. Việc cung cấp thông tin còn có ý nghĩa cho dịch tễ giúp cho chính quyền đánh giá tình hình dịch chính xác./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan