Mỗi năm, Việt Nam có 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch
17/10/2017 | 05:32 AM
Những con số đáng giật mình này đã được các chuyên gia đưa ra tại hội nghị Tim mạch toàn quốc 2017 vừa kết thúc. Theo đó, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch, cao hơn cả số tử vong do ung thư. Bệnh tim mạch hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và số người mắc căn bệnh này ở lứa tuổi trẻ ngày càng tăng.
Theo PGS. Phạm Mạnh Hùng – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, đáng lưu ý khi các ca tử vong tim mạch lại chủ yếu do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy bệnh tim mạch gia tăng hàng năm rất nhanh: Những năm 1980 có khoảng 10% bệnh nhân bị bệnh huyết áp, đến năm 2009 đã là 27%. 10 năm trước, mỗi năm Viện Tim Mạch Quốc gia chỉ can thiệp khoảng 300 ca bệnh nhân bị bệnh động mạch vành, nhưng năm 2016 đã can thiệp khoảng 3.500 ca/ năm, cho thấy tốc độ gia tăng gấp hơn 10 lần chỉ trong 10 năm.
Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất. Riêng bệnh động mạch vành do nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng vành cấp có thể gây tử vong ngay, hoặc dẫn đến suy tim và tử vong sau đó. 3 thập kỷ trước bệnh nhồi máu cơ tim còn hiếm gặp nhưng hiện nay đã trở nên phổ biến ở mọi cơ sở y tế. Bên cạnh đó, bệnh tai biến mạch não cũng rất nguy hiểm và để lại nhiều di chứng.
Điều các chuyên gia lo ngại là bệnh tim mạch đang bị trẻ hóa. Trước đây, bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường gặp ở người cao tuổi, nhưng nay có ở bất kỳ lứa tuổi nào. Gần đây, Viện Tim mạch Việt Nam liên tục phải tiếp nhận những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi 30, trong đó có trường hợp mới 28 tuổi. Một điều tra cũng cho thấy, số người bị tăng huyết áp ở tuổi dưới 40 chiếm tới 16,5%. Rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi 30-35 cũng mắc các bệnh tim mạch và không ít người đã tử vong do nhồi máu cơ tim. “Đây thực sự là mối lo ngại với sức khỏe của cộng đồng chúng ta”- GS. Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh.
PGS. Phạm Mạnh Hùng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trẻ hóa bệnh tim mạch là do thói quen, lối sống, ăn uống không hợp lý: ăn nhiều mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, sử dụng thuốc lá, bia rượu, nước uống có gas… lại lười vận động. Thường gặp nhất là ở những người thừa cân béo phì, vòng bụng lớn, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đặc biệt là ở bệnh nhân hút thuốc lá.
Theo GS. Nguyễn Lân Việt, chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch là cần thiết nhất với việc duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ về tim mạch: Không nên hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; không nên ăn mặn; hạn chế các thức ăn nhiều chất béo, tăng cường ăn rau xanh và tập thể dục đều đặn, tránh lo âu căng thẳng thần kinh và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần đồng thời làm một số xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu… để phát hiện sớm bệnh. Khi mắc bệnh hay các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, cần điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng.
Tin liên quan
- Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Mời báo giá Thuê dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng xe ô tô
- Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc
- Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
- Dự phòng Zona ở người lớn
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng