Lý do Bộ Y tế đề xuất tạm dừng thông báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày
07/03/2022 | 10:52 AM
|
Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 tạm dừng thông báo số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch...
Trong báo cáo công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 5/3, Bộ Y tế nhận định đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128.
Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 141.000 ca- PV), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày và hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP HCM thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của TP Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron; tại TP HCM biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene.
Biến thể BA.2, còn được gọi là "Omicron tàng hình" đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.
Tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên toàn quốc giảm sâu.
Tỉ lệ tử vong/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.
Phân bố tỉ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2/2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.
Bộ Y tế cho biết tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch, tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; Hướng dẫn cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần...
Số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch COVID-19
Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Hiện có 2.150 xã, phường cấp độ 3 - nguy cơ cao (chiếm 20,3% số xã, phường cả nước); 401 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (3,8%) tại 22 tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà, không áp dụng theo các hướng dẫn từ các nguồn thông tin không tin cậy, chưa được kiểm chứng.
Bộ Y tế cũng tiếp tục đề nghị các địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, rà soát và đề xuất số lượng và chủng loại vaccine cần để được Bộ Y tế phân bổ kịp thời, hợp lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả vaccine.
Đồng thời, tăng cường rà soát người chưa được tiêm chủng/chưa được tiêm đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19 hoặc không thể đến cơ sở tiêm chủng để tiêm bù, tiêm vét, tổ chức tiêm tại nhà (nếu cần thiết) đảm bảo không bỏ sót đối tượng, đồng thời tăng cường triển khai tiêm mũi 3;
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiểu biết của người dân về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19...
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan