Lương y 82 tuổi 20 năm khám bệnh từ thiện
01/05/2013 | 03:00 AM




Dù đã bước sang tuổi 82, lương y Lê Thanh Thước (ngụ tại số nhà 407, khu tập thể C1, ngõ 815, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn giúp đời theo cách của mình.
20 năm nay, ông đã cùng đồng nghiệp mở phòng khám từ thiện để chữa, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo.
|
Phòng khám của ông Lê Thanh Thước và bà Trương Thị Hội Tố (bên trái) mỗi ngày tiếp hơn 20 bệnh nhân. |
Chuyên gia điều trị ung bướu
Dáng người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn, khỏe mạnh, mái đầu nay đã bạc trắng theo thời gian, ở vị lương y ấy toát lên vẻ hiền từ, phúc hậu. Hơn 40 năm công tác, ông nghỉ hưu ở tuổi 62. Sức khỏe vẫn tốt, kinh nghiệm dày dặn, niềm đam mê thiết tha với nghề, ông tự nhủ chưa đến lúc hưởng niềm vui an nhàn tuổi già.
Ấp ủ mở một phòng khám từ thiện cứu giúp người nghèo, ngay sau khi về hưu, ông Lê Thanh Thước cùng đồng nghiệp đã “hiện thực hóa” phòng khám đó, bỏ qua nhiều lời “mời gọi” của một số bệnh viện tư nhân với mức lương hậu hĩnh. “Tôi không nghĩ đến chuyện làm giàu, không màng tới vật chất. Lương hưu Nhà nước chu cấp hàng tháng đủ trang trải cuộc sống. Làm việc thiện là tích đức cho con cháu, đem lại sự thanh thản, niềm vui sống cho bản thân và quan trọng nhất là giúp người”, ông chia sẻ.
Đặt chân tới phường Giáp Bát, người dân không ai không biết tấm gương lương y Lê Thanh Tước. Ông là một trong 8 bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam chuyên điều trị ung thư. Công tác tại khoa Ung thư Bệnh viện Việt Đức, rồi bệnh viện K hàng chục năm trời, ông hiểu hơn ai hết nỗi khổ của bệnh nhân ung thư, bởi họ đâu chỉ đau về thể xác mà nỗi đau tinh thần cũng giằng xé từng ngày.
Ngoài chữa bệnh cho bệnh nhân ưng thư, ông còn là người bầu bạn, chuyên gia tâm lý động viên tinh thần cho họ, dẹp quan niệm ung thư là nằm trong “sổ diêm vương”. “Bởi, bệnh ung thư liên quan nhiều đến vấn đề tâm lý. Thực tế, nếu phát hiện kịp thời và có phương pháp chữa bệnh hiệu quả, tỉ lệ khỏi bệnh lên đến 85%”, ông cho biết.
|
Lương y Lê Thanh Thước. |
Giúp đời không vụ lợi
Phòng khám từ thiện rộng chừng 20m2, tuy nhỏ nhưng chan chứa tình người, là nơi hàng tuần các vị lương y khám chữa bệnh miễn phí. Ông Thước cho biết: “Nói là khám cho bệnh nhân nghèo, nhưng thực chất kể cả những người khá giả, có bảo hiểm xã hội, … bất kỳ ai chúng tôi cũng đều muốn giúp đỡ”. Bởi, ông hiểu hơn ai hết nỗi khổ của bệnh nhân cầm trên tay bệnh án với những nét chữ “loằng ngoằng” mà không hiểu rõ bệnh tình của mình.
Mỗi ngày phòng khám đón tiếp hơn 20 bệnh nhân từ nhiều nơi đến. Ban đầu, chỉ những người trong phường, quận mới biết tới phòng khám của ông. Dần dần, nhiều người ở xa nghe tin, họ mách nhau và tìm tới ngày một đông. Bệnh nhân đến khám được bác sĩ giải thích tỉ mỉ nguồn gốc căn bệnh, uống thuốc gì, điều trị ra sao. Vì sợ bệnh nhân quên lời dặn, ông Thước còn cho bệnh nhân số điện thoại để tiện hỏi lại.
Người bệnh tìm tới phòng khám của ông chủ yếu là những người tuổi cao với bệnh tai biến mạch mão não, huyết áp, thần kinh tọa, thấp khớp… đa phần là bệnh nhân nghèo. Không chỉ là nơi tư vấn, khám chữa bệnh, phòng khám của ông Thước còn cấp phát thuốc miễn phí cho những đối tượng khó khăn. Số thuốc này có được do ông tự bỏ tiền ra mua, ngoài ra còn vận động một số nhà hảo tâm. Nhờ sự quan tâm của những nhà hảo tâm, phòng khám của ông đã tích góp được đủ để mua chiếc máy thử tiểu đường. Bên cạnh đó, ông thường giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà gia đình nghèo trong địa bàn cũng như bệnh nhân ở các bệnh viện.
Ông Thước nhớ lại vào một ngày trời mưa tầm tã, cụ già ngót nghét 90 tuổi vẫn chống gậy mò mẫm đến khám bệnh bởi chỉ tin tưởng vào các bác sỹ ở đây. Rồi có những hộ gia đình từ bậc ông bà, con cái cho tới cháu chắt cũng đều tìm tới “bệnh viện nhỏ” của ông Thước mỗi khi bệnh nhờ tư vấn, khám chữa. “Còn gì hạnh phúc hơn được bệnh nhân tin tưởng, quý mến. Thế nên có hôm bản thân mình ốm, tôi vẫn đến phòng khám bởi biết ở đó có người đang chờ mình”, ông rưng rưng chia sẻ…
Cái “bệnh viện” nhỏ này có 2 bác sĩ là ông Lê Thanh Thước và bà Trương Thị Hội Tố, năm nay cũng ngót nghét 80 tuổi. Bà Tố nguyên là Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. Lịch làm việc phân công rõ ràng để các bệnh nhân nắm được: Sáng thứ Hai do bà Tố đảm nhận, sáng thứ Năm đến phiên ông Thước. Tuy nhiên, do bà Tố nhà xa nên sáng thứ Hai nào ông Thước cũng đến sớm khám bệnh để bệnh nhân không phải chờ đợi lâu và giúp đỡ đồng nghiệp đỡ vất vả.
Tin liên quan
- Thông báo Mời báo giá tư vấn thực hiện khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi
- Minh bạch quản lý thực phẩm chức năng bằng quy chuẩn cụ thể
- Đình chỉ lưu hành, thu hồi nhiều mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng
- Phấn đấu đến 2030 làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin cho tiêm chủng
- Biến thể mới của COVID-19 không có nguy cơ gia tăng đối với sức khoẻ cộng đồng
- Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra hoạt động sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm 2 sản phẩm do "Ngân Collagen" quảng cáo
- Tổ chức chiến dịch cao điểm phòng bệnh sốt xuất huyết, COVID-19...