Khu vực phía Nam lo ngại sự trở lại của bệnh sởi, ho gà, bệnh dại
12/06/2024 | 05:26 AM
|
Sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, bệnh dại... đang trở thành mối lo ngại mới ở khu vực phía Nam từ đầu năm đến nay.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Dù số ca bệnh truyền nhiễm trong sáu tháng đầu năm 2024 của khu vực phía Nam không cao nhưng sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vaccine như sởi, ho gà, bệnh dại... đang trở thành mối lo ngại mới.
Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị phòng, chống dịch khu vực phía Nam diễn ra tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chiều 11/6.
Báo cáo tại Hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thương, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 41 ca bệnh ho gà và 317 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Kiên Giang có số ca mắc sởi trong cộng đồng cao.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng, nguyên nhân khiến cho các dịch bệnh này tăng là do tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay.
Tiến sỹ Thượng nhận định bệnh ngừa được bằng vaccine gia tăng và xuất hiện cục bộ tạm thời ở một số địa phương là điều đáng lo ngại, cần có những biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để tránh dịch lây lan, trong đó có thể mở rộng độ tuổi, đối tượng được tiêm chủng vaccine.
Cũng trong sáu tháng đầu năm, tại khu vực phía Nam, các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng ở mức thấp, không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình 5 năm trước.
Tuy nhiên, các địa phương không nên chủ quan bởi trong những tháng tới khu vực phía Nam bước vào mùa mưa, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có những diễn biến khó lường.
Lâm Đồng hiện là địa phương có số ca mắc trung bình trên 100.000 dân - cao nhất khu vực; cần có những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Khu vực phía Nam cũng ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh dại.
Đã có 41 trường hợp tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, chiếm 27% cả nước, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương như Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Cà Mau, Đồng Nai có ổ dịch chó dại gia tăng.
Đáng chú ý, tại Đồng Nai, dù số lượng người bị chó dại cắn cao nhưng hiện địa phương này không có huyết thanh kháng dại. Ngành Y tế phải hướng dẫn người dân đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để tiêm.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ-Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế báo cáo từ đầu năm đến nay trên địa bàn ghi nhận 6.120 ca tay chân miệng, tăng 21% so với trung bình 5 năm trước.
Trong khi đó, trên địa bàn cũng ghi nhận 3.677 ca sốt xuất huyết, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh có sự xuất hiện trở lại của các ca bệnh ho gà và sởi.
Cụ thể, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có 30 ca bệnh ho gà và 16 ca mắc sởi.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân khiến cho một số bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine quay trở lại là do đã xuất hiện các “khoảng trống” miễn dịch.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm chủng vaccine đầy đủ và đúng lịch, nhiều quận, huyện có độ bao phủ vaccine thấp.
Nhân viên y tế có hướng dẫn cụ thể người dân về loại vaccine được tiêm, liều lượng tiêm và cách theo dõi, hướng dẫn sau khi tiêm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Lo ngại dịch bệnh có thể lây lan rộng không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả khu vực phía Nam, Tiến sỹ-Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị triển khai ngay chiến dịch tiêm vaccine sởi ở các vùng có nguy cơ bùng phát dịch.
Đồng thời, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia cần đảm bảo nguồn cung ứng vaccine để khẩn trương tiêm bù cho trẻ, tạo miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngoài vaccine uốn ván nên bổ sung thêm tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà cho thai phụ. Thực tế, nhiều trẻ mắc bệnh ho gà trước khi tới tuổi tiêm chủng, rất cần miễn dịch truyền từ mẹ.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị tăng cường liên kết vùng khu vực phía Nam, nhất là trong phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp rà soát tiêm chủng cho trẻ ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương; các địa phương cần chủ động nguồn thuốc, vật tư y tế phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khu vực phía Nam tập trung dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đánh giá, rà soát khả năng phòng, chống dịch, đặc biệt là thuốc điều trị; đồng thời lên kịch bản ứng phó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn lực để thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm; trong đó chú ý đến việc phân luồng, cách ly điều trị đối với các bệnh có nguy cơ lây truyền cao như bệnh sởi, ho gà.
Đối với những bệnh dịch không có vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, các Sở Y tế cần chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh mua để chủ động mua vaccine, thuốc điều trị, huyết thanh… ứng phó với tình hình tại địa phương, không để tình trạng khi có dịch bệnh thì đẩy về các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới trong triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung, mở rộng đối tượng tiêm chủng đối với bệnh sởi./.
Nguồn: TTXVN
Tin liên quan
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc
- Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não