Hội thảo chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV
03/09/2015 | 08:12 AM




Sáng ngày 3/9/2015 tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) tổ chức Hội thảo “Vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”
TS.BS. Hoàng Đình Cảnh Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.BS. Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, có những thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV, người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV. Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay xa lánh thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người có nhiễm HIV. Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV không phải là mới nhưng đây là vấn đề rất cần quan tâm trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn tồn tại với nhiều mức độ khác nhau ở các môi trường: trường học, gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền sống, lao động, học tập của người nhiễm HIV.Ông cũng cho biết thêm: Nếu tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn tiếp tục thì Việt Nam sẽ khó thực hiện được mục tiêu 90 – 90 – 90. Ông mong muốn thông qua Hội thảo sẽ nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu về giải pháp giảm phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV; cũng như rà soát lại các văn bản, chính sách để đưa ra những vấn đề bất cập và đề xuất chỉnh sửa phù hợp.
Ts. Kristan Schoultz, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Theo bà Kristan Schoultz, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam chia sẻ: Kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản lớn nhất cho việc tiếp cận tới các dịch vụ về HIV và chăm sóc sức khỏe. Kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân. Kỳ thị và phân biệt đối xử còn khiến HIV lây lan nhiều hơn trong cộng đồng. Khi người nhiễm HIV e sợ những gì người khác nghĩ về họ, hoặc sợ người khác có thể đối xử tệ với mình, thì họ sẽ không muốn đi xét nghiệm hay sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Và bởi vậy, họ có thể vô tình truyền HIV sang những người thân của mình. Nhiều người nhiễm HIV còn trì hoãn hay hoàn toàn từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc và điều trị . Tất cả chỉ vì người nhiễm HIV sợ đi xét nghiệm, bởi họ sợ mình bị đối xử không tốt tại các cơ sở y tế.Ở Việt Nam, mặc dù Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác phát triển quốc tế, và cộng đồng những người dễ bị tổn thương đã nỗ lực rất nhiều trong những năm qua để thay đổi tình hình, nhưng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến và vẫn đang cản trở tiến độ của các hoạt động phòng, chống HIV. Bà nhấn mạnh: “để Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu 90-90-90 to lớn, và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, thì tất cả chúng ta phải cùng hành động, mạnh mẽ hơn, trúng đích hơn, để chống kỳ thị và phân biệt đối xử”.

BS. Nguyễn Phương Thảo - Trưởng Khoa giám sát HIV/AIDS, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội báo cáo tổng quan về tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố
Trình bày tại Hội thảo BS. Nguyễn Phương Thảo - Trưởng Khoa giám sát HIV/AIDS, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết:Thành phố Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV cao nhất nước. Tính đến ngày 30/06/2015 tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn Thủ đô là 18.080 trường hợp. Tổng số bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS là 4.449 trường hợp. Qua 6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện 434 trường hợp nhiễm HIV mới; số bệnh nhân AIDS là 381 trường hợp; số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 75 trường hợp. Trên địa bàn thành phố đến nay đã có 548/584 xã/phường/thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV chiếm tỷ lệ 93,3%. Trong đó có gần 90% người nhiễm tập trung chủ yếu ở 12 quận, huyện Hà Nội cũ. Đa số người nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi (từ 20-39). Xu hướng nhiễm HIV/AIDS qua đường quan hệ tình dục khác giới đang tăng dần và chiếm tỷ lệ lớn hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, trong 1-2 năm gầy đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong quan hệ đồng giới cũng bắt đầu tăng. Điều đáng nói là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đang cản trở tiến độ của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
Tại Hội thảo, đại diện của Mạng lưới quốc gia của những người sống chung với HIV/AIDS tại Việt Nam đã trình bày Kết quả nghiên cứu và Chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam năm 2014. Theo đó tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Điện Biên, Hải Phòng và Cần Thơ với hơn 1.625 người và được thực hiện bởi Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV tại Việt Nam cho thấy: 23,3% NCH bị xì xào bàn tán là một trong các dạng kỳ thị; 5,8% NCH bị xúc phạm; 4,2% NCH bị mất việc; 6,7% NCH người nhiễm HIV bị từ chối việc làm; 2,6% NCH bị loại khỏi các hoạt động xã hội; 2,8% phụ nữ sống với HIV bị hành hung.
Toàn cảnh Hội thảo
Thông qua Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận giải pháp nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Để Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Tin liên quan
- Khi bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh án giấy có còn được sử dụng hay không?
- Bộ Y tế quy định mới nhất trình tự đánh giá thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc
- Cá thể hóa trong kê đơn thuốc ngoại trú, sát với tình trạng người bệnh
- Quy định mới của Bộ Y tế về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần
- Đã có vaccine não mô cầu thế hệ mới bảo vệ người cao tuổi và trẻ nhỏ
- Nữ bệnh nhân nguy kịch khi dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
- Hướng dẫn thu hồi, xử lý thuốc vi phạm