Tôi viết lên những dòng này từ hàng ghế ngồi dành cho khách mời tham dự buổi lễ trao giải thưởng "Dải Băng Đỏ" cho những người sống chung với HIV do Mạng Lưới Người Sống Với HIV Việt Nam phối hợp cùng các ban ngành đoàn thể tổ chức tại khách sạn Adora, quận 7 với một tâm tình rất ấm áp, hạnh phúc và tràn đầy niềm tin dành cho chương trình.
Được biết, chương trình này được bảo trợ bởi Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng Thống Mỹ về phòng, chống AIDS ( PEPFAR); Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y Tế đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt _ Mỹ và 10 năm hai nước cùng nhau hợp tác phòng chống đại dịch HIV/ AIDS.
Khác với những bài phát biểu trước công chúng mà chúng ta vẫn hay nghĩ là nó sẽ dài dòng hay khô khan, Thứ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long đã đem lại cho khách mời một nhãn quan mới: lời phát biểu khai mạc của Ông trong đêm trao giải đã được biến thành một lời chia sẻ ngắn dành cho cộng đồng người nhiễm bằng một tấm lòng chân thành và nồng ấm vô cùng. Ông nói: Trong quá trình công tác của mình, tiếp xúc với vô số hoàn cảnh khác nhau, ông đã nhận ra rằng tâm lý của người có H thường trải qua những giai đoạn như lo sợ, hụt hẫng thậm chí là đi đến sự tột cùng của đau khổ. Theo ông, có ba loại đau khổ thường gặp là : Sợ không có thuốc để điều trị; sợ phải chết sớm, rời bỏ những người thân yêu nhưng nỗi sợ lớn nhất chính là bị kỳ thị, bị đối xử phân biệt.
Thứ trưởng đặt ra một câu hỏi: chúng ta phải làm như thế nào để cộng đồng người nhiễm H có thể hòa nhập vào xã hội, tự tin vui sống, học tập và làm việc? Theo thứ trưởng, những người có H không cần những lời nói hoa mỹ, cao siêu mà cái họ cần chính là những lời nói chân thành xuất phát từ yêu thương và hành động an ủi, nâng đỡ tâm hồn của họ.
Thứ trưởng đặt ra mục tiêu Việt Nam phải cùng tiến với thế giới chấm dứt đại dịch HIV/ADIS vào năm 2030.
Giấc mơ đó có phải là quá xa vời không?
Xin thưa không gì là không thể nếu trái tim của chúng ta biết cách mở cửa cho tiếng nói của yêu thương đi vào.
Cũng như lời gửi gắm của bà phó đại sứ Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại VN bà Claire Pierangelo chia sẻ: Hoa Kỳ và VN đã cùng nhau đi qua chặng đường 10 năm để phòng chống đại dịch HIV/AIDS nhưng để cho những việc tốt đẹp này được tiếp tục lâu dài và thì đó sẽ là cả một quá trình mà chính phủ các nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa, cùng giúp cho người nhiễm H có cơ hội tiếp cận với chương trình điều trị này.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các danh nghệ sỹ như NS Kim Cương, NS Kim Xuân, DV Lý Nhã Kỳ, Họa Sỹ Sĩ Hoàng, đại sứ thân thiện cho cộng đồng HIV Kim Tuyến cùng các các nghệ sỹ trẻ khác đã làm đêm trao giải ấm hơn với những lời chia sẻ chân tình, mộc mạc dành cho những tấm gương biết vượt lên trên số phận, đóng góp cho xã hội.
Mặc dù tôi không khóc, nhưng từ hàng ghế khán giả, trái tim tôi cũng rạt rào lên theo một biển người khi những danh nghệ sỹ này dành cho người nhiễm H những cái ôm thân thương, những câu nói trìu mến bằng một sự bình an đang lan tỏa. Đó là những đóa hoa lòng nở rộ từ những trái tim biết lắng nghe, biết hiểu và biết yêu thương nhau thật sự.
Nghệ Sỹ Kim Cương đã nói: Chúng ta đang cùng nhau đập một nhịp đập khi trao giải thưởng cống hiến. Hay như nghệ sỹ Kim Xuân cũng thổn thức khi chia sẻ: cho dù các bạn là ai, đã từng mắc sai lầm nào trong quá khứ hay bỗng dưng bị một biến cố bất ngờ nào đó ập xuống trên đầu nên bị nhiễm H, nhưng ở nơi đây, ngay trong giờ phút này hãy tháo gỡ những mặc cảm đó xuống. Chúng ta không còn rào cản nào để đến với nhau cả, ai cũng quyền yêu thương và được yêu thương, đó là quyền thiêng liêng và cao cả nhất khi trao giải cho một người mẹ trẻ nhiễm H đã tuân thủ đúng quy trình điều trị ARV để có được 2 đứa con hoàn toàn khỏe mạnh, không nhiễm H.
Hay như mẹ của họa sĩ Sỹ Hoàng cũng đã bật khóc trên sân khấu khi chia sẻ những tâm tình của bà dành cho một em gái mới 18 tuổi bị nhiễm H từ mẹ. Em ấy đã đoạt giải Vươn Lên vì suốt mười mấy năm liền đều là một học sinh giỏi, ngoan hiền. Bà cụ chia sẻ cùng em: bà bị bệnh tim, tính mạng cũng như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng bà cũng cố gắng điều trị để sống vui sống khỏe cho đến bây giờ. Bà không biết vẽ nhưng chính tay bà đã vẽ những đóa hồng xinh lên một tấm khăn xanh để tặng cho em gái ấy với mong ước em có một tương lai xanh và đẹp như những cánh hoa hồng này. Bà không biết vẽ nhưng cũng vẽ được chiếc khăn đầu tiên ấy cho em thì không có một việc gì mà chúng ta không thể làm, nếu chúng ta có đủ yêu thương
Những lời nói ấy, những tâm tình động viên ấy đã làm hàng ghế dưới khán đài có một sức nóng đang lan tỏa đến vô cùng. Những tràn pháo tay vang lên, không phải dành cho một thần tượng nào đó mà dành cho những tiếng nói yêu thương đang vang vọng.
Mặc dù tôi không hề khóc suốt buổi lễ trao giải ấy, nhưng tay tôi run lên khi chứng kiến quá nhiều phận người mỏng manh phải chiến đấu một mình với căn bệnh thế kỷ. Một em gái khóc ngất lên khi hồi tưởng lại lúc đi học bị vấp té chảy máu chân, lên phòng y tế xin thuốc thì bị y tá quăng thuốc lên bàn và đứng cách xa em. Hoặc một em gái khác nữa chỉ mong ước gia đình mình được xem chương trình này, đừng xa lánh em nữa vì em rất cần được yêu thương. Rồi một bạn trẻ vô cùng đau đớn khi chia sẻ lại cảm giác của mình phải nhìn người yêu phải ra đi khi bị cán bộ y tế vứt bỏ, không chịu điều trị vì anh ta đã nhiễm H.
Khi chứng kiến những giọt nước mắt đó, bỗng dưng tôi thầm nghĩ: Yêu thương và được yêu thương là những quyền rất con người và cần được tôn trọng đúng mực. Những quyền ấy không ai được cướp đi dù với bất kỳ lý do gì.
Sự xa lánh và nỗi kỳ thị của chúng ta thường bắt đầu từ sự không hiểu biết. Đã qua rồi cái thời tuyên truyền về HIV/AIDS như một nỗi ám ảnh kinh khủng, hủy hoại đi tương lai của con người và những người bị nhiễm H đều là những người ăn chơi, không ra gì. Có lẽ, chúng ta cần một góc nhìn mới về căn bệnh này cũng như làm mới lại cách truyền thông cho đại chúng. Thay vì cứ tuyên truyền theo cách làm gia tăng sự sợ hãi và đè nén một cách máy móc như trước, thì giờ đây chúng ta cần một mang đến cho xã hội này những làn gió yêu thương, thấu hiểu nhau và vị tha hơn. Chỉ có hiểu mới có thương. Khi có nhiều người hiểu được nguyên nhân gây bệnh và những cách phòng tránh, cũng như sống chung với HIV rồi thì xã hội sẽ bớt đi những áp lực tinh thần dành cho người có H.
Thay vì nguyền rủa, kỳ thị và xa lánh người có H thì các bạn hãy làm một việc thiết thực hơn là giang tay ôm ấp họ vào lòng; cho họ một cơ hội làm mới chính mình và sống tích cực hơn. Một khi những người ấy vượt qua được sự tự kỳ thị và bị kỳ thị thì họ vẫn có khả năng cống hiến rất nhiều cho xã hội. Khi các bạn kỳ thị người nhiễm H chính là khi bạn đang tạo ra nhiều bất ổn cho xã hội theo quy luật Domino, vì cái này ngã cái kia cũng ngã. Một lời nói, một ánh mắt cay nghiệt có khi giết chết một con người. Nhưng một lời nói, một ánh mắt, một bàn tay chịu nắm lấy một bàn tay cũng sẽ cứu được người. Điều đó có khó lắm không? Nếu như bạn biết tự xoay vào chính bên trong mình và tìm cho ra một câu trả lời đúng đắn nhất!
Cánh cửa của yêu thương cần được mở! Và hãy gọi tên từng nỗi buồn vui của phận người trong một nỗi thiết tha, êm đềm nhất!
Tôi xin được khép lại bài cảm nhận của mình bằng hai câu nói của những người nhiễm H trong đêm nay để các bạn tự chiêm nghiệm:
"Tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe và nghị lực để có thể tự nuôi sống bản thân, không là gánh nặng cho cộng đồng, xã hội. Tôi đang thay đổi mình để thấy cuộc đời không chỉ là ngõ cụt mà còn có những điều ý nghĩa. Các bạn chính là tia sáng cuối con đường của tôi."
" Chúng tôi luôn nhớ về các bạn như một lời hứa sẽ cố gắng tuân thủ điều trị thật tốt, để thực hiện tiếp những điều mà các bạn đang mong muốn là hỗ trợ chăm sóc cho những người cùng cảnh ngộ. Mỗi ngọn nến là một ước mơ, một tia hi vọng sưởi ấm trái tim chúng tôi mạnh mẽ hơn"
Tình Nguyện Viên Tịnh Liên