Chữa trị các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức, khó ngủ hậu COVID-19 thế nào?

21/01/2022 | 12:26 PM

 | 

Sau khi hết virus SARS-CoV-2 trong người (test COVID-19 âm tính), nhiều bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức, khó ngủ, khó thở... Đây được gọi là triệu chứng hậu COVID-19. Điều trị thế nào cho hiệu quả?

 

Bài viết dưới đây của PGS.BS. Wynn Huynh Tran từ Los Angeles, Hoa Kỳ chỉ ra cách chữa trị các triệu chứng, dinh dưỡng, trị liệu thể dục và tinh thần hậu COVID-19.

1. Vì sao các triệu chứng hậu COVID-19 lại kéo dài?

Phục hồi COVID-19 vẫn để lại các triệu chứng kéo dài cho bệnh nhân như: Khó thở, ho, tim đập nhanh, đau nhức khớp, mệt mỏi, yếu sức, mất mùi, khó ngủ, mau quên...

Triệu chứng hậu COVID-19 nặng hay nhẹ cũng tùy vào mắc COVID-19 nặng hay nhẹ (vào bệnh viện hay khoa ICU), thời gian nhiễm bệnh dài hay ngắn.

COVID-19 ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, nên có thể dẫn đến nhiều triệu chứng:

- Virus SARS-CoV-2 tấn công vào nhiều loại tế bào trong cơ thể, nhất là các tế bào màng trong của mạch máu (Endothelial cell) và các cơ quan hô hấp, kích hoạt hệ miễn dịch, gây ra các tổn thương do hệ miễn dịch gây ra. Do mạch máu có ở tất cả mọi nơi trong cơ thể, nên bệnh COVID-19 có thể gây tổn thương ở tất cả các cơ quan.

- Khi tổn thương mạch máu và viêm sưng tế bào phổi thì bệnh nhân bị viêm phổi. Khi tổn thương mạch máu khớp gối thì bệnh nhân bị đau khớp. Khi tổn thương các mạch máu li ti vùng não, bệnh nhân có thể mất trí nhớ hay chậm suy nghĩ. Thậm chí, bệnh nhân cũng có thể bị rối loạn cương dương (ED) khi mạch máu vùng sinh dục bị tổn thương.

- Khi các tổn thương liên quan đến mạch máu xuất hiện thì quá trình hồi phục mất nhiều thời gian, thậm chí không thể lành khi chưa mắc COVID-19. Ví dụ như viêm phổi lâu dài có thể dẫn đến xơ hóa phổi trong khi viêm xương khớp đau nhức lâu dài do COVID-19 dẫn đến viêm thoái hóa nhanh hơn. Bệnh nhân sau khi phục hồi COVID-19 vẫn còn có thể bị xơ phổi mạn tính.

Các trị liệu COVID-19 nặng khi nhập viện cũng có thể dẫn đến bệnh hậu COVID-19:

- Khi bệnh nhân nhập viện, có thể phải dùng máy thở, thuốc kháng virus, thuốc ức chế hệ miễn dịch, hay dùng thuốc trụ sinh do nhiễm trùng chéo…Tất cả điều này đều có thể dẫn đến các tổn thương khác. Bệnh nhân nằm viện một vài ngày đã có thể làm cơ bắp yếu đi. Nằm giường bệnh vài tuần có thể làm teo cơ. Đặc biệt là bệnh nhân thở máy càng làm hệ cơ xương yếu đi, khả năng đi lại yếu hẳn sau khi phục hồi COVID-19. Các thuốc kháng virus hay thuốc ức chế có thể gây tác dụng phụ lên gan hoặc thận. Thuốc steroid có thể làm nặng thêm các bệnh nền như đái tháo đường hay tăng huyết áp.

- Hội chứng sau khi nằm khoa ICU gồm các triệu chứng mạn tính. Khoảng 1/3 bệnh nhân vào ICU sẽ thở máy và các di chứng sau khi cai thở máy như khó thở, ho, đổi giọng, có thể kéo dài nhiều tháng sau khi bệnh nhân ra khỏi ICU. Các triệu chứng khác như chậm suy nghĩ, khó tập trung, không nhớ... có thể kèm thêm sau khi xuất viện.

2. Điều trị triệu trứng hậu COVID-19 như thế nào?

Điều trị triệu chứng hậu COVID-19 càng sớm càng tốt. Tiếp tục chữa trị kiên nhẫn và lâu dài triệu chứng sau khi hết COVID-19. Mục tiêu là để giảm các tổn thương, ngăn ngừa các tổn thương lâu dài.

Trị liệu phục hồi chức năng là biện pháp quan trọng với các bệnh nhân đã nhập viện hay phải dùng máy thở. Các trị liệu bao gồm vật lý trị liệu tại chỗ trong bệnh viện như tập cử động tay chân. Tập phục hồi chức năng phổi qua bài tập thở, thổi Spirometry, hay tập thở bụng.

- Trị khó thở: Bắt đầu bằng các bài tập đơn giản như hít sâu thở ra chậm. Có thể tập thở bất cứ lúc nào: Khi ngồi, nằm, khi tập đi bộ, kết hợp dùng máy thổi Spirometry… Các bài tập thiền (meditation) cũng giúp bệnh nhân thở chậm và thở sâu, giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn.

- Trị ho mãn tính: Nhiều bệnh nhân tổn thương phổi do COVID-19 bị ho lâu hay ho có đờm sau khi phục hồi bệnh. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc ho như benzonatate, thuốc xịt proair, thuốc chống đờm mucinex, hay các thuốc khác để làm tăng đường thở. Tuy nhiên, cần kết hợp tập thở và thuốc ho để trị dứt ho mạn tính.

- Trị tim đập nhanh: Nhiều bệnh nhân bị tim đập nhanh, loạn nhịp, mất nhịp sau khi phục hồi COVID-19. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám, kiểm tra siêu âm tim, xem kết quả điện tâm đồ. Sau đó có thể có thể kê đơn thuốc giảm nhịp tim. Bệnh nhân cần kết hợp các bài tập thể dục nhẹ nhàng, từ từ để cải thiện nhịp tim.

- Trị mệt mỏi và yếu sức: Tập thể dục từ từ để tăng sức bền và sức mạnh của cơ bắp chân tay, đặc biệt dành cho các bệnh nhân trở về từ bệnh viện hay khoa ICU. Các bài tập tạ nhẹ kết hợp với tập thở có thể giúp cải thiện sự mệt mỏi. Nếu mệt mỏi dai dẳng, bệnh nhân nên gặp bác sĩ chuyên khoa tim hay phổi để tìm nguyên nhân mệt mỏi kéo dài.

- Trị đau nhức khớp: Dùng thuốc không kê đơn như ibuprofen (nếu không bị đau dạ dày, bệnh lý ở thận) hoặc acetaminophen để giảm đau. Sau đó tập vật lý trị liệu để điều trị phục hồi cho khớp bị đau. Với bệnh nhân lớn tuổi, các bài tập phục hồi đau khớp do COVID-19 có thể lâu hơn, do đó cần kiên trì luyện tập.

- Trị mất mùi/mất vị: Dùng các bài tập nhớ mùi hay nhớ vị để cải thiện dần triệu chứng này.

- Trị mất trí nhớ, giảm tập trung, mau quên: Đọc sách, chơi các trò chơi kích thích trí nhớ như đánh cờ, học thêm các môn khác như nấu ăn, làm bánh. Giữ cho não bộ hoạt động trở lại bằng các kích thích phản xạ lành mạnh.

- Trị bệnh nhân COVID-19: Phần lớn tóc rụng sau khi mắc COVID-19 là do chúng ta bị lo lắng và stress. Vì vậy, đa số bệnh nhân sẽ mọc lại tóc trong vài tuần hay vài tháng sau khi hết bệnh. Có thể dùng các thuốc kết hợp như rogaine để xịt kích thích tóc mọc.

- Trị da nổi mẩn sau COVID-19: Thường là các bệnh viêm da cơ địa, nổi mề đay hay dị ứng. Tình trạng này bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thoa ngoài da và bệnh sẽ khỏi.

Một số bệnh nhân COVID-19 có mắc các bệnh tim, bệnh phổi, bệnh đau khớp… có thể gặp những triệu chứng tương tự các triệu chứng hậu COVID-19. Để biết chắc chắn các triệu chứng này là do bệnh lý mạn tính của mình gây ra hay triệu chứng hậu COVID-19, bệnh nhân cần đi gặp bác sĩ để được khám tìm ra nguyên nhân gây mệt mỏi.

Bệnh nhân mắc đái tháo đường, tăng huyết áp cần kiểm tra đường huyết, chỉ số huyết áp… để kiểm soát tốt các bệnh lý này.

3. Trị liệu tâm lý sau khi hồi phục COVID-19

Nhiều bệnh nhân có cảm giác lo lắng, trầm cảm, hay cô đơn sau khi phục hồi COVID-19. Nỗi sợ hãi vì bệnh, đau thương, mất mát vì người thân trong đại dịch và lo lắng về tương lai bất định phía trước làm nhiều bệnh nhân càng thêm stress, dẫn đến mất ngủ, sụt cân, hay hoảng sợ.

Lúc này, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc điều trị. Nhưng các thuốc chữa trị tâm lý và tâm thần sau khi COVID-19 nên dùng vừa phải, tránh để bệnh nhân trở nên nghiện thuốc.

Ví dụ như thuốc ngủ ambien hay benzodiazepine, nhiều bệnh nhân sau khi hồi phục từ COVID-19 không ngủ được, dùng các thuốc ngủ thường vẫn không hết, cuối cùng phải dùng thuốc ngủ nặng có thể gây nghiện.

Các trị liệu tâm lý bao gồm trị liệu giao tiếp, tư vấn, giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ về các triệu chứng COVID-19, các biện pháp hồi phục triệu chứng để giảm bớt lo âu.

Năm 2022 chúng ta có nhiều trị liệu hiệu quả, bao gồm vaccine, thuốc uống, phác đồ chữa trị và cách chăm sóc. Chúng ta cũng quen dần với các ảnh hưởng của virus đến cuộc sống. Do đó, nên hạn chế thời gian dùng điện thoại thông minh, mạng xã hội… mà nên tập trung thời gian vào cuộc sống của mình, như: Tập thể dục, dành thời gian thực sự cho cơ thể.

Một số người tuy không mắc bệnh COVID-19, nhưng có người thân mắc bệnh hay tử vong do COVID-19 cũng có thể bị trầm cảm, lo lắng và ảnh hưởng đến tâm lý. Trường hợp này nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn và hiểu thêm về COVID-19.

4. Dinh dưỡng hậu COVID-19

Dinh dưỡng chiếm vai trò quan trọng sau khi hồi phục COVID-19. Bệnh nhân cần:

Chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ để phục hồi tốt nhất sau COVID-19. Bổ sung đủ nước, chất xơ protein/tinh bột và vitamin để phục hồi tối đa các mô bị tổn thương. Chế độ ăn uống bắt đầu bằng nhiều bữa ăn nhỏ, có đủ rau xanh, trái cây, protein/tinh bột. Nhớ uống nước đầy đủ, có thể dung nước lọc kết hợp nước trái cây để có đủ vitamin.

Khi có một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng với rau củ quả, trái cây tươi, thịt ít chế biến, thì không cần phải uống thêm vitamin hay thuốc bổ. Nhưng hạn chế ăn đường, không uống rượu, hút thuốc, không nên nhiều uống cafe/trà vì có thể gây khó ngủ.

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến