Bộ Y tế: Thuốc kháng virus Favipiravir được dùng điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình trong 5-7 ngày
13/12/2021 | 08:24 AM
|
Tại quyết định mới nhất của Bộ Y tế, thuốc kháng virus Favipiravir được dùng điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình trong 5-7 ngày, thay vì trước đó chỉ dùng cho bệnh nhân nhẹ và thời gian từ 7-14 ngày.
Ngày 12/12/2021, Bộ Y tế ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Tại quyết định, Bộ Y tế nêu rõ, nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus là: Đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới: việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Đối với thuốc đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc remdesivir, favipiravir,...).
Tại quyết định mới nhất của Bộ Y tế, thuốc kháng virus Favipiravir được dùng điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình trong 5-7 ngày, thay vì trước đó chỉ dùng cho bệnh nhân nhẹ và thời gian từ 7-14 ngày
Theo đó, tại quyết định mới nhất này, Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, và chú ý đối với 3 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19.
Cụ thể, đối với thuốc kháng virus Favipiravir 200mg được dùng cho bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và trung bình (theo quy định trước đây ban hành ngày 6/10, thuốc này chỉ dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ).
Bên cạnh đó, thời gian điều trị thuốc Favipiravir 200mg giảm xuống còn 5-7 ngày (thay vì 7-14 ngày như quy định trước đó).
Đối với thuốc Remdesivir, thời gian điều trị cho người bệnh COVID-19 là từ 5-7 ngày (trước đây thời gian điều trị đối với thuốc này là 5 ngày).
Ngoài ra, đối với thuốc kháng virus Molnupiravir, chỉ định, chống chỉ định và liều dùng áp dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đối với thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin trong thời gian qua thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng.
Hiện đã có 42 tỉnh, thành phố đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị thí điểm có kiểm soát chương trình quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.
Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%, tỷ lệ khác biệt có ý nghĩa so với nhóm chứng. Đây là kết quả hứa hẹn với những bệnh nhân nhiễm ngay từ đầu.
Ngoài ra, các thuốc tốt, hứa hẹn trong điều trị bệnh nhân COVID-1 nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công.
Bộ Y tế cũng chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, như thuốc Avigan (hoạt chất Favipiravir). Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ cho các địa phương 2 triệu liều…
Ngoài ra, Bộ Y tế đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.
Bộ Y tế cũng cho biết, việc nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 đã được tiến hành từ năm 2020, cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Vướng mắc trong quản lý thực phẩm chức năng
- Nhiễm HIV có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ca mắc trong nhóm học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường
- Sức khỏe răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh lý mạn tính
- Người Việt mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất châu Á, chuyên gia khuyến cáo gì?
- Nhân viên y tế thôn bản được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế
- Đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06
- TỔNG THUẬT: Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương