Bộ Y tế: Giám sát tại cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện cộng đồng để phát hiện sớm ca đậu mùa khỉ
04/08/2022 | 20:52 PM
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu trên địa bàn; giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh.
Bộ Y tế ngày 4/8 có Công văn số 4163/BYT-DP về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Theo Bộ Y tế, từ tháng 5/2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 30/7, đã ghi nhận trên 21 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ gần với nước ta như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.
Thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "Sớm một bước, cao hơn một mức", Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu (nếu có) trên địa bàn, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh (trong đó có cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS) và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đầu mùa khỉ.
Tại văn bản này Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả và đảm bảo phòng, chống lây nhiễm, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế.
Bộ Y tế nêu rõ: Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.
Thực hiện truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong đó, lưu ý truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh diễn ra sáng 2/8 tại điểm cầu Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Nước ta chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ song nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca bệnh. Ngay như Ấn Độ đã có bệnh nhân tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ.
"Điều này đặt cho hệ thống y tế cần có sự chủ động quyết liệt hơn, làm sao đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch đi trước, chủ động tình huống xảy ra trong quá trình chống dịch, ngăn dịch xâm nhập vào trong nước. Chúng ta phải có các biện pháp để ngăn chặn ngay từ cửa khẩu với bệnh đậu mùa khỉ"- Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cung cấp thông tin liên lạc của các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám, chữa bệnh, đơn vị tiếp nhận thông tin về bệnh đậu mùa khỉ để người dân dễ dàng tiếp cận khi cần khai báo, tư vấn; đồng thời thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo tình hình dịch giữa các tuyến, cơ sở y tế, ban, ngành thuộc địa bàn, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh.
Trong thời gian qua Bộ Y tế đã chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch đậu mùa khỉ; ban hành các hướng dẫn chuyên môn, các khuyến cáo phòng, chống dịch và chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời để nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh...
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế ban hành Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt
- Chính thức cấm kinh doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thuốc lá mới
- Bộ Y tế công bố 62 bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến được hưởng BHYT 100%
- Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Kenya tăng lên 31
- Pakistan có 68 ca mắc bệnh bại liệt năm 2024
- Cục An toàn thực phẩm: Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác
- Số ca mắc sởi tăng 130 lần, cần tuân thủ 5 khuyến cáo phòng chống bệnh này