Bộ Y tế: Đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán 2022
18/01/2022 | 14:22 PM
|
Trong công tác truyền thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cần tập trung đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch COVID-19, dịch bệnh mùa Đông-Xuân; vận động người dân thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, không lạm dụng rượu bia...
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố; Các đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác truyền thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 12/01/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022, trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong dịp Tết, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố; Các đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đến người dân, cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện biện pháp 5K trong phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ
Bộ Y tế lưu ý các hoạt động truyền thông cần đảm bảo hiệu quả, đa dạng về nội dung, thông điệp, phong phú về hình thức thể hiện, phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền, ngôn ngữ và các nhóm đối tượng hướng đích.
Chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí tại địa phương xây dựng tuyến tin, bài, ảnh, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến,… để kịp thời thông tin về công tác y tế trong dịp Tết trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Trong công tác truyền thông chú trọng đến các nội dung truyền thông về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh mùa Đông-Xuân; tiêm mũi bổ sung và mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện biện pháp 5K trong phòng, chống dịch COVID-19.
Triển khai các chương trình truyền thông về đón Tết an toàn, tiết kiệm; thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, không lạm dụng rượu bia; thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm khơi dậy phong trào, động viên các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế hăng hái, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tổ chức vận động hiến máu tình nguyện, không để thiếu cơ số máu dự trữ trong dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố; Các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội, những vấn đề nổi cộm được đề cập trên báo chí, lan truyền mạng xã hội để phản ánh, tham mưu cho cấp có thẩm quyền và đơn vị liên quan để kịp thời xử lý thông tin.
Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý thông tin giả, tin sai lệch sự thật để nhanh chóng cải chính thông tin thuộc thẩm quyền của đơn vị...
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan