Bệnh viện Bạch Mai ứng dụng Y tế từ xa trong Đề án Bệnh viện vệ tinh
03/02/2015 | 07:37 AM



Trong những năm qua, tình trạng quá tải bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương rất cao, gây bức xúc cho người dân.
Dự án Bệnh viện vệ tinh được triển khai nhằm từng bước nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, cải tạo cơ sở vật chất cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở, giải quyết tình trạng quá tải tuyến trung ương. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bệnh viện Bạch mai đã ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, triển khai chương trình Y tế từ xa (Telemedicine) và bước đầu đã mạng lại hiệu quả thiết thực.
Để hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện Bạch Mai đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, chỉ đạo tuyến, cũng như đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Năm 2011, Bệnh viện Bạch Mai đã đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống kết nối trực tuyến giữa Bệnh viện với 08 bệnh viện vệ tinh và 03 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố gồm: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh; Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, Hưng Yên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai 2; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình; Bệnh viện Đai học Y Thái Bình.
Hệ thống kết nối trực tuyến là tiền đề để Bệnh viên Bạch Mai áp dụng phương pháp đào tạo từ xa nhưng vẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc. Vì vậy, hệ thống đã góp phần hỗ trợ tích cực trong các hoạt động chuyên môn. Ngày 6/5/2011, ca hội chẩn trực tuyến đầu tiên thuộc chuyên ngành tim mạch giữa Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện vệ tinh đã thành công tốt đẹp. Từ đó đến nay, hoạt động hội chẩn trực tuyến đã trở thành nghiệp vụ thường quy hàng tuần. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện, tính đến hết tháng 12/2014, Bệnh viện đã thực hiện 148 buổi hội chẩn trực tuyến thường quy với 29.600 lượt y, bác sĩ tham dự, thuộc 18 chuyên khoa và 304 bệnh án được hội chẩn. Thông qua hệ thống kết nối trực tuyến, hàng nghìn cán bộ y tế tuyến cơ sở, học viên đã có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai ngay tại nơi mình làm việc, công tác. GS.TS. Trần Văn Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, có một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ mong muốn được kết nối vào Hệ thống nhưng do cấu hình thiết bị không cho phép bởi giới hạn tối đa 12 cổng nên không thể kết nối thêm được.
Tiếp tục cập nhập công nghệ mới trong ứng dụng Telemedicine
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong lĩnh vực Telemedicine, Bệnh viện Bạch Mai đang tìm kiếm, xây dựng giải pháp hệ thống Telemedicine kết nối toàn bộ phòng mổ, phòng phẫu thuật, phòng can thiệp, phòng kỹ thuật thăm dò thuộc hoạt động chuyên môn các ngành Tim Mạch, Y học Hạt nhân và U bướu; hệ thống phần mềm quản lý, lưu trữ hình ảnh trong toàn Bệnh viện. Được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bệnh viện Bạch Mai và 02 bệnh viện vệ tinh đang triển khai xây dựng Hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS). Hệ thống PACS cho phép Khoa Chẩn đoán Hình ảnh và một số khoa, phòng chuyên môn trong Bệnh viện và các bệnh viện vệ tinh với các ứng dụng tích hợp có thể dễ dàng chia sẻ và thao tác hình ảnh, phim chụp X quang, CT và MRI ở thời gian thực. Hệ thống PACS kết nối liên thông hình ảnh thông qua chuẩn DICOM. PACS là giải pháp hoàn toàn trên nền tảng công nghệ WEB có khả năng hỗ trợ truy cập từ Iphone, Ipad và các thiết bị chạy trên hệ điều hành Android. GS.TS. Trần Văn Thông cho biết, do yêu cầu về hoạt động nghiệp vụ Telemedicine tương đối phức tạp, nên trong lĩnh vực khám, chữa bệnh đòi hỏi hệ thống phải vận hành với độ chính xác và ổn định cao. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng Hệ thống PACS, Bệnh viện cũng đẩy mạnh học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật điều hành Hệ thống.
Đánh giá về tầm quan trọng, cũng như định hướng phát triển Telemedicine của Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS. Trần Văn Thông nhấn mạnh, để chẩn đoán cho một bệnh nhân, bác sĩ cần nhiều thông tin như: bệnh sử, các xét nghiệm (xét nghiệm huyết học, sinh hóa, vi sinh, tế bào…), thông tin chẩn đoán chức năng (điện tim, điện não đồ), thông tin hình ảnh (X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ…). Hãy hình dung một bác sĩ ngồi tại phòng làm việc và khám cho bệnh nhân dù ở gần hay từ xa, chỉ cần một vài thao tác nhấp chuột máy tính là đã nhận được đầy đủ thông tin cần thiết. Đó chính là lợi ích của Y tế từ xa (Telemedicine) mang lại và cũng là mong muốn của nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai.
Tin liên quan
- Bảo đảm công tác kiểm soát an ninh tại bệnh viện sau các vụ y bác sĩ bị hành hung
- Trưởng đại diện WHO: Hiện nay là thời điểm rất phù hợp để áp thuế đồ uống có đường
- Bộ Y tế yêu cầu việc tuân thủ các quy định về đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục
- Tinh thần Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch "khó mấy cũng làm" xuyên suốt quá trình phát triển Bệnh viện Phổi Trung ương
- Tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ hút và các bệnh liên quan
- Mời gửi báo giá vật tư vệ sinh cơ quan Bộ Y tế
- Làm gì để thực hiện chuyển đổi số trong y tế biển đảo ngày càng khả quan hơn?