6 tháng đầu năm xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, hơn 2.000 người mắc
30/07/2024 | 13:57 PM
|
Theo thông tin của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong. Bộ Y tế đã nhiều lần nhắc các tỉnh, thành phố phải phải xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động cơ sở không bảo đảm, truy xuất tận cùng nguồn gốc...
Xu hướng gia tăng ngộ độc thực phẩm liên quan đến quán ăn, nhà hàng/khách sạn, thức ăn đường phố
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ (10%), số mắc tăng 1.432 người (tức tăng khoảng đến hơn 202%), số tử vong giảm 5 người (45,5%); số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm ở khu vực miền núi phía Bắc nhưng tăng ở khu vực duyên hải miền Trung và khu vực Đông Nam Bộ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế xã hội, vấn đề an sinh.
TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hỏi thăm công nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc). Ảnh: Thành Long
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn ở Khánh Hoà, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp...
Phân tích của Bộ Y tế cho thấy ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, gia đình, đám cưới/giỗ/liên hoan giảm cả về số vụ, số mắc nhưng có xu hướng gia tăng tại quán ăn, nhà hàng/khách sạn, nhất là do thức ăn đường phố (ví dụ ở tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Sóc Trăng).
Thời gian vừa qua đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai); bếp ăn trường học, và cả căn tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TPHCM).
Về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính do vi sinh vật và do độc tố tự nhiên. Nguyên nhân gây tử vong do ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên. Các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật chủ yếu là các sản phẩm thịt lợn qua chế biến, các món ăn có chứa thịt gà.
Bộ Y tế cho biết, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.
Cùng đó, Bộ đã nhiều lần có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước, Sở An toàn thực phẩm TPHCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, xử lý nghiêm sai phạm...
Truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn
Trong các văn bản về nội dung này, Bộ Y tế đều đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước, Sở An toàn thực phẩm TPHCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương (tình hình kinh tế - xã hội, tình hình dịch bệnh);
Nạn nhân ngộ độc sau ăn bánh mì tại Đồng Nai phải chuyển lên TPHCM điều trị. Ảnh: Phạm Thương
Đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; nhấn mạnh nội dung Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi đề xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố... Chú ý kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số, phối hợp với các báo, đài phát thanh, truyền hình địa phương.
Bộ Y tế lưu ý, đối với nội dung tuyên truyền về kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm cần chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.
Cùng đó huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Vận động, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.
Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành; Sở An toàn thực phẩm TPHCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình;
Chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.
Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).
Đồng thời công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Cần chiến lược truyền thông toàn diện phòng chống thuốc lá mới, đặc biệt hướng tới giới trẻ
- Cục Quản lý Dược: Viên nang cứng Yuan Bone điều trị xương khớp là thuốc giả, có chứa tân dược
- Hội thảo phổ biến Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”
- Chàng hoạ sỹ thực hiện di nguyện hiến giác mạc của cha
- Bộ Y tế đã cắt giảm trên 50% dòng hàng thực phẩm phải kiểm tra trước thông quan