'Tháp 3 tầng' điều trị COVID-19 tại TP.HCM: Chiến lược đúng đắn, phát huy hiệu quả
09/10/2021 | 09:37 AM
Việc triển khai mô hình "tháp 3 tầng" đã đưa tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM có tín hiệu khả quan. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam nói chung và ở một thành phố đặc thù như TP HCM nói riêng.
Những ngày đầu tháng 10/2021, khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách sau nhiều tháng "đóng cửa" chống dịch, PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã phỏng vấn độc quyền ThS. BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - thành viên của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, về chiến lược chống dịch "tháp 3 tầng' của ngành y tế, cũng như những "nút thắt" góp phần quyết định đưa TP HCM trở lại trạng thái "bình thường mới".
Thưa ông, dịch COVID-19 đã và đang được khống chế kịp thời, một trong những đóng góp quan trọng đó là việc áp dụng mô hình điều trị "tháp 3 tầng". Mô hình này đã phát huy hiệu quả tại Bắc Giang trước đây và hiện nay là TP Hồ Chí Minh, xin ông cho biết rõ hơn về mô hình này?
ThS. BS Nguyễn Trọng Khoa: Mô hình điều trị "tháp ba tầng" trong điều trị COVID-19 là mô hình được triển khai trong bối cảnh các cơ sở điều trị, các bệnh viện dã chiến không đủ khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Mô hình này đã được triển khai thí điểm tại Bắc Giang.
Trong bối cảnh dịch tại Bắc Giang rất phức tạp, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang ban hành hướng dẫn thí điểm, triển khai để đáp ứng tình hình diễn biến của dịch. Chúng tôi đã trao đổi và đề xuất tỉnh Bắc Giang bổ sung thêm loại hình khu cách ly điều trị các trường hợp nhiễm không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và thiết lập 2 Trung tâm Hồi sức tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang và Bệnh viện Tâm thần để điều trị các ca bệnh nặng. Nhờ đó, công tác điều trị tại Bắc Giang đã có chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần sớm khống chế được dịch bệnh.
Như vậy, mô hình điều trị tháp 3 tầng rất phù hợp với thực tế tại Bắc Giang trước đây và hiện nay là TP Hồ Chí Minh. Với mô hình này địa phương sẽ có đủ khả năng thu dung, tập trung nguồn lực cho những tầng trên và triển khai đầy đủ các can thiệp về y tế, giúp cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch có thể có những cơ hội điều trị khỏi. Cụ thể:
- Tầng 1 là điều trị các trường hợp triệu chứng nhẹ và không triệu chứng;
- Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên thu dung các trường hợp có triệu chứng trung bình, có bệnh nền;
- Tầng 3 là điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch.
Bộ Y tế đã áp dụng mô hình điều trị "tháp ba tầng" tại TP Hồ Chí Minh như thế nào? Và khi áp dụng tại đây, mô hình này có điểm gì khác so với tình huống dịch ở Bắc Giang, thưa ông?
ThS. BS Nguyễn Trọng Khoa: Tại TP HCM, chúng tôi thấy rằng, số ca nhiễm gia tăng hết sức nhanh chóng nên công tác điều trị đã gặp một gánh nặng rất lớn.
Ban đầu, thành phố đưa ra kế hoạch ứng phó chỉ 5.000 trường hợp mắc COVID-19. Sau đó, số ca bệnh đã tăng rất nhanh, đến 50.000, thậm chí là hơn. Chính vì vậy, mô hình điều trị "tháp ba tầng" đối với TP HCM là buộc phải triển khai để đáp ứng được công tác thu dung, quản lý điều trị trong giai đoạn căng thẳng đó.
Đặc biệt, việc triển khai hết sức nhanh trong bối cảnh điều chỉnh lại hệ thống cơ sở theo diễn biến của dịch. Trong giai đoạn đầu, TP HCM chỉ thiết kế, bố trí đa tầng theo hướng tận dụng một số khu chung cư cũ để làm bệnh viện dã chiến, thu dung, cách ly bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ cần theo dõi ở mức độ trung bình (tầng 1). Ngoài ra, có bệnh viện chuyển đổi công năng cơ bản điều trị thu dung (tầng 2) và tầng 3 là một số Trung tâm Hồi sức thuộc bệnh viện tuyến thành phố như: BV Trưng Vương, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Bệnh Nhiệt đới…
Tuy nhiên, ngay sau đó, diễn biến dịch rất nhanh chóng với số ca tăng nhanh. Chính vì vậy, các bệnh viện đã triển khai cùng lúc thiết lập rất nhanh việc chuyển đổi công năng, áp dụng mô hình bệnh viện tách đôi, thiết lập thêm rất nhiều bệnh viện dã chiến để thu dung bệnh nhân.
Trong giai đoạn căng thẳng như vậy, thành phố đã thiết lập thêm các khu cách ly ở tại các quận, huyện. Thậm chí là tại các phường, xã bằng cách tận dụng các trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT, trụ sở các đơn vị/cơ quan có thể tận dụng, chuyển đổi thành khu cách ly tập trung F1, F0. Đó là tình thế buộc TP HCM phải triển khai để thu dung, tách người bệnh nhiễm COVID-19 khỏi cộng đồng, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan.
Đáng chú ý hơn nữa, trong bối cảnh số ca vẫn tiếp tục tăng, chúng ta đã triển khai thêm một loại hình nữa áp dụng tại TP HCM là quản lý điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Tất nhiên là phải qua sàng lọc, để lọc ra những trường hợp nào ít nguy cơ mới để điều trị tại nhà.
Như vậy, mô hình tháp đa tầng tại TP HCM có những điểm đặc biệt và cũng có những điểm mới so với tình huống dịch ở Bắc Giang, nhưng trong bối cảnh của TP Hồ Chí Minh thì cách làm này đã đi đúng hướng và đem lại hiệu quả tích cực, góp phần sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Với một thành phố đông dân và diễn biến dịch bệnh phức tạp như TP Hồ Chí Minh, việc áp dụng mô hình điều trị "tháp ba tầng" đã gặp những khó khăn gì và đạt được những hiệu quả như thế nào, thưa ông?
ThS. BS Nguyễn Trọng Khoa: Tại TPHCM, chúng tôi đã có một giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ nhất, số ca tăng quá nhanh. Đặc biệt là những ca nặng ở những giai đoạn đầu ở cuối tháng 7, đầu và giữa tháng 8/2021. Thậm chí, nhiều trường hợp ở nhà chưa kịp xét nghiệm đã bị nhiễm SARS-CoV-2. Trong số đó, có những trường hợp diễn biến nặng rất nhanh, gây ra tình trạng quá tải cấp cứu.
Trong giai đoạn đó, hầu như đêm nào chúng tôi cũng tiếp nhận đường dây nóng, để tiếp nhận phản ánh về người bệnh trong tình trạng cấp cứu, thiếu oxy tại nhà. Chính vì vậy, khó khăn lớn nhất chính là số ca bệnh nặng cần cấp cứu tại nhà gia tăng nhanh chóng.
Thứ hai, quá tải các cơ sở điều trị, đặc biệt là các cơ sở điều trị với bệnh nhân nặng và nguy kịch (tầng 3). Trong khi đó, các bệnh viện có thể chuyển đổi và nâng cao năng lực điều trị tại TP HCM cũng đã không còn. Chính vì vậy, Bộ Y tế quyết định huy động thêm các cơ sở điều trị thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu 2 (TP Thủ Đức) thành Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và triển khai một loạt các Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19.
Trong giai đoạn căng thẳng đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã quyết định triển khai xây dựng Đề án về các Trung tâm Hồi sức Quốc gia và thành lập các Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh, do các bệnh viện Trung ương hạng đặc biệt phụ trách, đưa lực lượng, phối hợp với thành phố triển khai nâng cao năng lực điều trị.
Như vậy, TP HCM đã được hỗ trợ để giảm áp lực về điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch trong giai đoạn đó.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch COVID-19 hiện tại tại TP HCM ở góc độ điều trị? Bên cạnh áp dụng mô hình điều trị 3 tầng, lý do gì khiến tình hình dịch tại đây đạt được những tín hiệu khả quan?
ThS. BS Nguyễn Trọng Khoa: Trước hết, chúng tôi thấy dấu hiệu tích cực ở những tuần gần đây là hết sức khả quan. Dù số ca nhiễm vẫn tương đối cao nhưng số ca bệnh nhân nặng cần cấp cứu đã giảm. Đặc biệt là số tử vong giảm. Do đó, việc đạt được kết quả như hiện nay, tôi cho rằng có 5 nhóm lý do.
Thứ nhất, chúng ta đã củng cố các cơ sở thu dung điều trị ở cả 3 tầng. Trong đó, thiết lập các Trung tâm hồi sức tích cực mà chúng ta đã dồn toàn lực của ngành y tế vào TP HCM để thiết lập với hàng chục ngàn cán bộ y tế tham gia, chung tay hỗ trợ cho thành phố.
Có thể khẳng định, các Trung tâm hồi sức (TTHS) là chỗ dựa về mặt chuyên môn, tham gia trong chỉ đạo tuyến; hỗ trợ tầng 2 (bệnh viện tuyến quận, huyện, thành phố) để nâng cao chất lượng điều trị; thực hiện chuyển tuyến phù hợp, có sự hỗ trợ chuyên môn để phân loại bệnh nhân tốt; đánh giá đúng nguy cơ để chuyển bệnh viện phù hợp, chuyển tuyến an toàn. Đó là những điểm hết sức quan trọng và là thành công lớn trong công tác điều trị để góp phần giảm số ca tử vong trên địa bàn thành phố.
Thực tế, chúng tôi đã phân tích mô hình tử vong ở TP HCM, có những giai đoạn, có đến 40% lượng bệnh nhân tử vong trong khoảng 72 giờ nhập viện. Con số này thể hiện rằng, sự tiếp cận cấp cứu bệnh nhân đã bị muộn và vì bị muộn nên khó có thể cứu, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Thứ hai, do tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp nên trong những can thiệp tiếp theo, chúng tôi đã phải huy động các lực lượng, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, tình nguyện viên từ Học viện Quân y, các trường y, dược… để thiết lập các tổ y tế lưu động, trạm y tế lưu động có cung cấp oxy, đảm bảo kỹ năng cấp cứu để vừa sàng lọc phân loại bệnh nhân, vừa hỗ trợ cấp cứu kịp thời F0 tại nhà.
Chính vì vậy, bệnh nhân được can thiệp kịp thời ngay khi có dấu hiệu thiếu oxy tại nhà, từ đó, việc chuyển bệnh nhân nặng đến bệnh viện giảm đi rất nhiều. Đặc biệt là số ca bệnh nguy kịch giảm rõ rệt.
Thứ ba, chúng tôi đã đưa các gói thuốc điều trị cho bệnh nhân tại nhà, bệnh nhân trong các khu cách ly. Bao gồm, gói thuốc A (có thuốc xử lý các triệu chứng thông thường), gói thuốc B (có thêm thuốc chống đông, chống viêm để điều trị theo phác đồ) và gói thuốc C (có thêm thuốc kháng virus để điều trị, giảm nguy cơ diễn biến nặng).
Với can thiệp 3 tầng điều trị, rõ ràng hiệu quả đã hiện hữu. Hiện nay, số ca tử vong đã giảm từ mức dưới 200 đến dưới 100 trường hợp. Trong khi trước đó, ở thời điểm cao điểm đầu tháng 8, có đến 340 trường hợp tử vong/ngày. Nghĩa là đã giảm đi khoảng 70% số ca tử vong.
Thứ tư, chúng tôi đánh giá cao chiến lược bao phủ vaccine toàn thành phố cho người dân. Đến nay, tỷ lệ bao phủ mũi 1 đã trên 94%, mũi 2 đang tiếp tục tăng lên tùy theo lượng vaccine đang có của thành phố.
Thứ năm, chúng tôi vẫn nói vui là "đánh địch" thì phải biết "địch" ở chỗ nào mới "đánh" được. Bởi vậy, chúng ta đã "tung" hết lực lượng để xét nghiệm diện rộng, có thể nói là xuyên ngày đêm, "quét" nhiều lần theo khu vực, mức độ (vùng đỏ, cam, xanh), suốt từ ngày 23/8 đến nay theo chỉ đạo của BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch.
Có nhiều ý kiến cho rằng, xét nghiệm diện rộng là lãng phí, tốn công sức nhưng quan điểm của tôi thì việc này hoàn toàn đúng đắn.
Bởi nếu không biết F0 ở đâu thì có 2 nguy cơ. Đó là nguy cơ lây nhiễm, mặc dù chúng ta cho rằng, giãn cách xã hội đã là tốt nhưng có thể trong những khu vực có phạm vi nhỏ hơn như hẻm, chung cư… nếu không quản lý chặt thì vẫn có việc giao tiếp, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm. Đây là mấu chốt quan trọng số 1 để giảm dịch.
Vấn đề thứ hai, khi chúng ta phát hiện người nhiễm, cấp các túi thuốc và chúng ta theo dõi được họ, đặc biệt là diễn biến giảm oxy trong máu mà bệnh COVID này rất đặc biệt, có thể gây ra tình trạng thiếu oxy một cách thầm lặng. Sự thầm lặng này chúng ta không theo dõi bằng máy đo SPO2, không được quan tâm theo dõi thì sẽ diễn biến nặng rất nhanh trong vòng 1 vài giờ và có thể không cứu được.
Chính vì vậy, việc kết hợp quản lý F0 có sự hỗ trợ của tổ y tế lưu động, có sự tư vấn từ xa và triển khai các gói thuốc đã giúp cho TP HCM kiểm soát được bệnh nhân nặng, giảm được số ca tử vong.
Đây là chiến lược hết sức đúng đắn, chúng tôi đánh giá việc triển khai đồng loạt 5 "mũi" như vậy đã đưa tình hình dịch tại thành phố có tính khả quan như hiện nay. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong quá trình phòng chống dịch ở một thành phố đặc thù như TP HCM.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư, phát triển y tế cơ sở
- Sớm hoàn thiện chính sách thích ứng già hóa dân số
- Uống 11 loại thuốc để chữa ho, trẻ bị sốc phản vệ
- Đã ghi nhận hơn 79.700 ca sốt xuất huyết, ở chung cư cao tầng có bị bệnh này không?
- Bộ Y tế phản hồi gì về kiến nghị BHYT học sinh nên áp dụng mua theo hộ gia đình?
- Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, nhiều trường hợp nặng
- Hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi