Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết về một số dự án quan trọng Quốc gia
19/03/2024 | 14:35 PM
|
Sáng 19/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc
Cùng dự về phía Quốc hội có: các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh – Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí là thành viên Đoàn giám sát, khách mời tham gia Đoàn giám sát.
Về phía các bộ, ngành có: Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận; Phó Thống đốc Thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng;.. Ngoài ra, cùng tham dự buổi làm việc có đại diện các cơ quan: Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Kinh tế trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);…
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết số 94/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023", Đoàn giám sát tổ chức cuộc làm việc với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế và các ngân hàng: Nhà nước Việt Nam, Chính sách xã hội về một số nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát. Theo Kế hoạch dự kiến, Đoàn giám sát sẽ triển khai làm việc với 12 bộ, ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, hội nghị sẽ tập trung 02 nội dung chính: Một là, việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Hai là, các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Để đảm bảo hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các bộ ngành tập trung báo cáo, làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đưa ra các giải pháp/phương án xử lý những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, các bộ, ngành từ thực tiễn thực hiện đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Cụ thể: Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội: đánh giá tính kịp thời của việc ban hành văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành thực hiện Nghị quyết; kết quả đạt được, bất cập hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện các chính sách tài khóa tiền tệ, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đối với bộ ngành có sử dụng vốn đầu tư của chương trình, đề nghị báo cáo rõ các nhiệm vụ đầu tư có đảm bảo tiến độ không, khả năng hoàn thiện các nhiệm vụ đặt ra, tính thiết thực, hiệu quả cũng như những vướng mắc khi thực hiện cơ chế đặc thù tại địa phương; đánh gía hiệu quả tác động của việc thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội;…
Đại diện các bộ, ngành tham dự cuộc làm việc
Tại buổi làm việc, hội nghị nghe đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế và các ngân hàng: Nhà nước Việt Nam, Chính sách xã hội báo cáo nội dung cơ bản trong việc thực hiện các nội dung thuộc chuyên đề giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, sau 02 năm triển khai cho thấy việc ban hành và triển khai Nghị quyết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Nghị quyết được ban hành tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid -19 và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, cổ vũ tinh thần cho người dân, doanh nghiệp và bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô; qua đó đã hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau dịch Covid-19, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
Bên cạnh những kết quả đạt được, các báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết còn chậm so với yêu cầu đề ra; Chưa dự báo, tính toán, lường hết các khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai thực hiện; Việc thực hiện và giải ngân một số chính sách còn chưa được như kỳ vọng; Việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở một số nơi, một số chỗ, một số thời điểm còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt; việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023…
Ngoài ra, các báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế; bài học kinh nghiệm đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể trong thời gian tới, như: Tiếp tục cho thí điểm hoặc nghiên cứu các cơ chế, chính sách đã chứng minh hiệu quả để cụ thể hóa trong quy định pháp luật hiện hành hoặc tiếp tục đề xuất triển khai trong thời gian tới; Các chủ thể tham gia dự án tiếp tục rà soát, đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi một số bất cập trong các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm việc thực hiện các dự án được đồng bộ; Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024;…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai
Cho ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả cũng như nỗ lực của các bộ, ngành trong công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thống nhất nhiều kết quả đạt được, khó khăn/vướng mắc cũng như bài học kinh nghiệm và giải pháp các bộ, ngành kiến nghị.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị báo cáo của các bộ, ngành cần bám sát hơn nữa vào Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng như các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Trong đó, cần phân định rõ chính sách nào tính đến thời điểm này là khả thi, chính sách nào chưa khả thi, từ đó, xác định cụ thể những chính sách nên tiếp tục thực hiện và chính sách nào nên dừng thực hiện.
Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng về: Chất lượng xây dựng chính sách; Nguồn lực đầu tư đã đáp ứng hay chưa và liệu đã tương xứng với hiệu quả?; Những nội dung triển khai đã kịp thời đảm bảo được yêu cầu về tính cấp bách tại thời điểm ban hành?; Về việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn chương trình và các dự án quan trọng quốc gia: về phân cấp cho địa phương; về thực hiện chỉ định thầu; về khai thác mỏ vật liệu.... hiện nay việc triển khai các cơ chế này có nơi, có địa phương còn khó khăn, vướng mắc.…
Liên quan đến kết quả đầu ra, các đại biểu đề nghị từng báo cáo cần định lượng được nhiều nhất đến thời điểm hiện nay kết quả về số lượng công trình, các nhiệm vụ dự án đã thực hiện được, chưa thực hiện được và dự kiến khả năng hoàn thành. Ngoài ra, một số ý kiến khác yêu cầu, các bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ cần kiến nghị rõ những quy định nào còn vướng, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật cũng như chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khó khăn đối với những mục tiêu, nội dung chưa hoàn thành;…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành đã giải trình làm rõ những nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của mình liên quan đến chuyên đề giám sát. Tiếp thu ý kiến đại biểu, các thành viên Đoàn giám sát tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành khẳng định sẽ khẩn trương trương bổ sung, hoàn thiện các nội dung báo cáo trên cơ sở bám sát yêu cầu Đề cương giám sát đề ra; đảm bảo chất lượng và các yêu cầu đề ra.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đánh giá cao các báo cáo của các Bộ, ngành; các báo cáo đã bám sát yêu cầu của đề cương, chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, công phu. Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát, các đại biểu dự họp đã phát biểu nhiều nhận định, đánh giá có căn cứ pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp tục làm việc với các cơ quan, đơn vị và tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Đoàn giám sát ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân theo báo cáo của các bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện chính sách và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của bộ, ngành và sẽ tổng hợp vào báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát trình Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu, Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện một số nội dung kiến nghị và hoàn thiện các báo cáo, trong đó lưu ý: Tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo ý kiến góp ý của thành viên Đoàn giám sát. Gửi thông tin báo cáo bổ sung cho Đoàn giám sát và phối hợp với Tổ giúp việc hoàn thiện những nội dung Đoàn giám sát yêu cầu; Rà soát lại thông tin, số liệu, nhận định, đánh giá, tránh để trùng lắp, không thống nhất trong từng báo cáo và giữa các báo cáo với nhau;…./.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Quang cảnh buổi làm việc
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Các đại biểu và thành viên Đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc
Đại diện các bộ ngành tham dự cuộc làm việc
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng
Thành viên Đoàn giám sát tại cuộc làm việc
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận
Phó Thống đốc Thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú
Thành viên Đoàn giám sát và đại biểu khách mời tại cuộc làm việc
Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan
TS. Đậu Anh Tuấn - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận cuộc làm việc./.
Nguồn: quochoi.vn
Tin liên quan
- Cập nhật những tiến bộ mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch
- Kiến tạo hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu
- Công nhận kết quả tuyển dụng viên chức Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế
- Mời mời báo giá dịch vụ đèn chiếu sáng.
- Điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Lào Cai
- Kiến tạo hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu
- Bộ Y tế phát động cuộc thi sáng tác Logo ngành dân số