Đại diện WB: "Hệ thống y tế cơ sở là niềm tự hào của Việt Nam"

19/03/2015 | 02:37 AM

 | 

Nhận xét trên là của bà Kari Hurt – đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về hệ thống y tế cơ sở của nước ta. Bà Hurt cho rằng, để có được một nền y tế bao phủ thì Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở.

Tại cuộc họp báo ngày 18/3, Bộ Y tế đã thông tin về một hội nghị quan trọng liên quan đến vấn đề y tế cơ sở, dự kiến diễn ra từ ngày 24-25/3/2015 tại thành phố Huế (Thừa Thiên- Huế) do Bộ Y tế, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng thế giới (WB), và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức.

Hội nghị mang tên “Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Đây là hội nghị quốc tế được tổ chức với mục tiêu nhằm đánh giá vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ở Việt Nam về những thành tựu, bài học kinh nghiệm, thách thức và định hướng trong thời gian tới cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong củng cố y tế cơ sở và thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.


Nhận xét về lĩnh vực này, bà Kari Hurt đã chia sẻ: “Hệ thống y tế cơ sở là điều đáng tự hào của Việt Nam. Tuy nhiên, xã hội chúng ta đang thay đổi, đòi hỏi chúng ta cần tăng cường hơn nữa cho y tế tuyến cơ sở”

Bà Kari Hurt cũng cho rằng, để phát triển hơn nữa hệ thống y tế cơ sở, chúng ta cần làm những đơn vị cung cấp dịch vụ y tế đáng tin cậy cho người dân. Sau đó chúng ta phải có những chiến lược đầu tư, tăng cường hệ thống y tế cơ sở của chúng ta, phải có những chính sách về đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế bằng các cơ sở y tế tuyến ban đầu, đồng thời để đảm bảo chúng ta cung cấp đầy đủ đa dạng loại hình dịch vụ y tế được cấp ở tuyến ban đầu.

Bà nói: “Và chúng tôi cho rằng đây là một định hướng mang tính chất nền tảng cốt lõi để quyết định tiếp quản về mặt sức khỏe trong toàn bộ hệ thống y tế khi đầu tư vào hệ thống y tế cơ sở. Như chúng ta đã biết hiện nay hiện tượng quá tải bệnh viện rất phổ biến ở các cơ sở y tế lớn, điều đó ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, không những dịch vụ chuyên sâu mà còn cả những dịch vụ cơ bản... Nếu như đặt ra mục tiêu là bao phủ sức khỏe của toàn dân thì chúng tôi cho rằng cần phải cải thiện chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến và để đảm bảo điều ấy thì phải đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ y tế ở tuyến ban đầu phải là những nhà cung cấp dịch vụ y tế đáng tin tưởng bởi người dân, khi mà như thế chúng ta mới đạt được mục tiêu bao phủ được sức khỏe người dân".

Giải quyết tốt y tế cơ sở sẽ tránh được quá tải 
Giải quyết tốt y tế cơ sở sẽ tránh được quá tải

"Tôi xin chúc mừng Bộ Y tế với sự lãnh đạo và chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chúng ta đã có định hướng rất đúng đó là: Tăng cường hệ thống y tế cơ sở để giúp thực hiện được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân, để thực hiện được điều ấy cần có những chiến lược: Chiến lược về đầu tư nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, đồng thời đảm bảo khả năng cung ứng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người dân, những dịch vụ gần dân nhất đó là tuyến y tế cơ sở".

Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ/ Ngành Trung ương, các địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và hội nghề nghiệp; đại diện các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu và một số nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển y tế cơ sở và thực hiện thành công mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan).

Tại Việt Nam, mạng lưới y tế cơ sở bao gồm: y tế thôn, bản, xã, phường, quận, huyện, thị xã đã được kiện toàn, củng cố đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trong các thời kỳ, y tế cơ sở (YTCS) Việt Nam luôn được xác định là nền tảng để thực hiện công tác CSSKBĐ. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về tài chính cho YTCS, bao gồm các chính sách tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho y tế, phân bổ ngân sách qua các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như ban hành Luật BHYT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu.



Thăm dò ý kiến