Mới: Người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế nhưng phải tuân thủ nghiêm phòng chống COVID-19
24/12/2021 | 16:30 PM
|
Theo hướng dẫn mới nhất ban hành ngày 24/12, Bộ Y tế nêu rõ người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 24/12, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).
Đối tượng áp dụng của hướng dẫn này là những người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày bao gồm: Người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; Người nhập cảnh không phải mục đích ngoại giao công vụ (Nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, kinh doanh, thương mại, nghiên cứu thị trường cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng quốc gia); Những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc tại Việt Nam.
Người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế song phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.
Trong trường hợp người nhập cảnh dự kiến làm việc, hoạt động tại nhiều địa phương, cần phải có kế hoạch, phương án di chuyển rõ ràng và được địa phương liên quan chấp thuận.
Người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày phải thực hiện đầy đủ quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Bộ Y tế lưu ý việc lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc, đi thực địa. Nơi lưu trú (khách sạn, nơi lưu trú do doanh nghiệp thu xếp, cơ sở lưu trú khác) được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Bố trí riêng khu vực lưu trú cho người nhập cảnh ngắn ngày. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại nơi lưu trú và lây nhiễm ra cộng đồng. Đối với người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì được miễn chi trả (trừ chi phí lưu trú tại khách sạn theo nguyện vọng).
Nếu ở lại sau thời gian làm việc ngắn ngày, người nhập cảnh phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Cũng tại hướng dẫn này Bộ Y tế nêu rõ, trường hợp sau thời gian làm việc ngắn ngày mà người nhập cảnh tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc thì phải thực hiện các quy định hiện hành về nhập, xuất cảnh và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với người đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Kết thúc thời gian làm việc trước 3 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú đến hết ngày thứ 3, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Thực hiện xét nghiệm SARS- CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng... phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Trường hợp kết thúc thời gian làm việc sau 3 ngày và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính vào ngày thứ 3 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng.thì phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Đối với người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19: kết thúc thời gian làm việc trước 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải tự cách ly tại nơi lưu trú đến hết ngày thứ 7. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 tính từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng.thì phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Trường hợp kết thúc thời gian làm việc sau 7 ngày và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính vào ngày thứ 7 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng.thì phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Đối với người nhập cảnh không phải mục đích ngoại giao công vụ, Bộ Y tế nêu rõ trước khi nhập cảnh, đơn vị, tổ chức mời lập danh sách người dự kiến nhập cảnh vào Việt Nam, cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi mời người nhập cảnh vào Việt Nam và cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp bị mắc COVID-19.
Người nhập cảnh phải có: Kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh; Giấy chứng nhận bảo hiểm y tế quốc tế còn hiệu lực hoặc cam kết chi trả chi phí điều trị của đơn vị, tổ chức mời trong trường hợp người nhập cảnh bị mắc COVID-19; Trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 cần có các giấy tờ xác nhận theo quy định.
Đối với người nhập cảnh chỉ tham gia họp, thực hiện ký kết các hợp đồng, thỏa thuận, hợp tác thì ưu tiên lựa chọn địa điểm họp, ký kết, lưu trú tại các tỉnh, thành phố có hoặc gần các cửa khẩu xuất, nhập cảnh để hạn chế người nhập cảnh vào sâu nội địa, di chuyển qua nhiều địa phương không đảm bảo được các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Chỉ thị tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
- Tài liệu Hội nghị Cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Y tế năm 2024
- Quy định việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
- Thông tư Quy định về đăng ký ghép và nguyên tắc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ở người hiến sau khi chết
- Thông tư quy định về chât lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc
- Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu của Thông tư số 21/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu.
- Phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam