Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu hướng dẫn phát hiện sớm- can thiệp sớm khuyết tật trẻ em
01/02/2023 | 08:13 AM
|
Ngày 31/1/2023, Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu hướng dẫn phát hiện sớm- can thiệp sớm khuyết tật trẻ em.
Theo Luật Người khuyết tật, “người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Về phân dạng, có 6 dạng khuyết tật, bao gồm khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác.
Riêng với đối tượng trẻ em, theo Khảo sát gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2004, tỷ lệ khuyết tật ở trẻ em trên phạm vi toàn cầu chiếm 5,1% ở nhóm 0- 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo UNICEF, ước tính có khoảng 1,1 trẻ em khuyết tật độ tuổi dưới 16 tuổi; trong đó, loại khuyết tật phổ biến nhất là khuyết tật về vận động (22,4%), khuyết tật về nói (21,4%).
Từ thực trạng đó, cần phát hiện sớm- can thiệp sớm trẻ khuyết tật để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của trẻ và gia đình. Trong đó, phát hiện sớm trẻ khuyết tật bằng các biện pháp sàng lọc rối loạn phát triển của trẻ theo độ tuổi và giai đoạn nhằm phát hiện trẻ có yếu tố nguy cơ bị khuyết tật để gửi đi khám, phân loại khuyết tật, từ đó có biện pháp can thiệp sớm.
Cụ thể, phát hiện sớm- can thiệp sớm khuyết tật trẻ em gồm 5 bước:
Nhận biết sớm là quan sát được những dấu hiệu đầu tiên gợi ý sự phát triển của trẻ có thể có nguy cơ hoặc bất thường về thể chất, giác quan, tâm thần và hành vi.
Phát hiện sớm là sự nhận diện một cách hệ thống các dấu hiệu bất thường về phát triển, thể chất, giác quan, tâm thần và hành vi, các công cụ sàng lọc để phát hiện sớm các bất thường sẽ được thành viên gia đình, cộng đồng hoặc các nhà thực hành về y tế hoặc giáo dục thực hiện.
Chẩn đoán là sự xác định các khiếm khuyết về phát triển hoặc bất thường về thể chất, giác quan, tâm thần và hành vi do các nhà chuyên môn chuyên ngành sâu.
Tập huấn bao gồm các hoạt động có mục tiêu nhằm tác động tới trẻ và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ.
Hướng dẫn phụ huynh, gia đình là huấn luyện, tư vấn cho phụ huynh, gia đình như giúp phát hiện và chấp nhận trẻ, giúp có đáp ứng phù hợp với hành vi của trẻ, hướng dẫn, tư vấn về các hoạt động kích thích phát triển, tập luyện, đồng thời, cung cấp các thông tin cần thiết.
Về biện pháp và hình thức can thiệp sớm, theo Bộ Y tế, biện pháp can thiệp sớm được thiết kế nhằm giải quyết các nhu cầu về phát triển của trẻ khuyết tật, bao gồm quy định về can thiệp sớm cần thiết cho trẻ khuyết tật và các lĩnh vực cần phát triển ở trẻ (thể chất, nhận thức, giao tiếp, tình cảm, xã hội, thích ứng). Các dịch vụ can thiệp sớm cụ thể là ngôn ngữ trị liệu; hoạt động trị liệu; vật lý trị liệu; các dịch vụ về thị lực; các dịch vụ cung cấp công nghệ và dụng cụ trợ giúp; các dịch vụ y tế chi nhằm mục đích chẩn đoán và đánh giá; các dịch vụ phát hiện sớm, khám sàng lọc và đánh giá; các dịch vụ sức khỏe cần thiết làm cho trẻ được hưởng lợi từ các dịch vụ can thiệt sớm; huấn luyện gia đình, tư vấn và thăm tại nhà; hướng dẫn đặc biệt; các dịch vụ tâm lý; các dịch vụ điều phối; các dịch vụ công tác xã hội; giao thông và các dịch vụ liên quan cần thiết nhằm bảo đảm cho trẻ khuyết tật và gia đình có thể nhận được dịch vụ can thiệp sớm.
Lưu ý, các dịch vụ can thiệp sớm phải được các chuyên gia cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đảm nhiệm, đó là kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu; kỹ thuật viên hoạt động trị liệu; kỹ thuật viên vật lý trị liệu, chuyên gia tâm lý; y tá điều dưỡng; chuyên gia dinh dưỡng; kỹ thuật viên gia đình; bác sĩ nhi khoa; bác sĩ PHCN và bác sĩ các chuyên khoa khác; người làm công tác xã hội; chuyên gia giáo dục đặc biệt; giáo viên nhà trẻ và giáo viên mầm non./.
Chi tiết xem tại đây
Tin liên quan
- Hướng tổ chức thực hiện Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025 trong ngành Y tế
- Chỉ thị tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
- Tài liệu Hội nghị Cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Y tế năm 2024
- Quy định việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
- Thông tư Quy định về đăng ký ghép và nguyên tắc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ở người hiến sau khi chết
- Thông tư quy định về chât lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc
- Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu của Thông tư số 21/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu.