Tiến bộ trong thẩm mỹ giúp người dân không “tiền mất tật mang”
26/09/2024 | 14:58 PM
|
Thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều ca tai biến do tai biến thẩm mỹ. Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải - Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, cho rằng, nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng cần tỉnh táo khi đưa ra quyết định tiêm hoặc can thiệp vào cơ thể.
PV: Thưa bác sĩ, hiện nhu cầu thẩm mỹ của người dân có thay đổi so với trước đây không?
TS.BS Tống Hải: Trong thời gian gần đây, nhu cầu làm đẹp của người dân đã tăng cao và có nhiều thay đổi so với trước đây. Họ cởi mở hơn về việc chăm sóc bản thân và thẩm mỹ. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ ứng dụng tập trung vào công nghệ và kỹ thuật mới. Do đó, mọi người mong muốn tập trung vào các phương pháp làm đẹp hiện đại, như công nghệ laser, tiêm filler, botox và các liệu pháp không xâm lấn khác, công nghệ tế bào tái sinh… Những phương pháp này được ưa chuộng vì tính an toàn và hiệu quả. Các máy móc nội soi, các máy công nghệ sóng siêu âm, plasma... đặc biệt là các vật liệu tiên tiến hỗ trợ an toàn và hiệu quả cao trong phẫu thuật.
Trước đây, nhiều người có thể ngại ngùng khi nói đến việc làm đẹp. Với sự phát triển của mạng xã hội và các nguồn thông tin phong phú, người dân đã trở nên thoải mái hơn và có nhiều kiến thức hơn về các dịch vụ thẩm mỹ.
Bác sĩ Hải xử lý biến chứng cho một bệnh nhân
PV: Thế nhưng thực tế có không ít trường hợp bị tai biến thẩm mỹ, thậm chí là mất mạng. Đâu là điều khiến bác sĩ tiếc nuối, lo ngại nhất?
TS.BS Tống Hải: Tại Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, có ghi nhận các trường hợp bệnh nhân đến điều trị sau khi gặp tai biến thẩm mỹ. Họ thuộc 2 nhóm chính. Nhóm đầu tiên là những trường hợp sử dụng dịch vụ bởi các bác sĩ tay ngang hoặc bác sĩ còn ít kinh nghiệm không tầm soát những biến chứng. Nhóm 2 là các trường hợp thực hiện tại spa, thẩm mỹ không phải là phòng khám, được thực hiện bởi các bạn nhân viên không phải là bác sĩ và nhân viên y tế. Nhóm này thường để lại những hậu quả di chứng khó có thể khắc phục.
Chúng tôi cũng rất lo ngại vì một số biến chứng có thể để lại di chứng lâu dài cho bệnh nhân, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh nhân đến với tâm lý hoảng loạn và lo lắng khi gặp phải tai biến. Việc phải trải qua quá trình điều trị không chỉ tốn kém mà còn làm tổn thương tâm lý của họ.
PV: Theo bác sĩ, đâu là nguyên nhân khiến người dân gặp các tình trạng “tiền mất tật mang” này?
TS.BS Tống Hải: Nhiều người không có đủ kiến thức về các phương pháp thẩm mỹ, rủi ro và biến chứng có thể xảy ra. Họ thường dựa vào quảng cáo hoặc ý kiến từ bạn bè, dễ dàng bị cuốn theo các xu hướng thẩm mỹ mới mà không cân nhắc kỹ lưỡng về an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều người có tâm lý tìm kiếm dịch vụ với giá rẻ, dẫn đến việc chọn các cơ sở có giá thành thấp nhưng không đảm bảo chất lượng. Điều này có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.
Một số người dân lại chọn các cơ sở thẩm mỹ không đủ tiêu chuẩn hoặc không có giấy phép hoạt động. Những cơ sở này có thể không đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ, có nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan, giang mai… do những người làm không phải nhân viên y tế nên không nắm bắt quy trình vô trùng, để xảy ra lây chéo.
Bên cạnh đó, nhiều người không được tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi quyết định thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ. Việc thiếu tư vấn chuyên môn có thể dẫn đến những quyết định sai lầm.
PV: Hiện các cơ sở thẩm mỹ mọc lên rất nhiều. Vậy theo bác sĩ, làm sao để quản lý, tránh tình trạng xảy ra nhiều ca tai biến như thời gian vừa qua?
TS.BS Tống Hải: Để quản lý hiệu quả các cơ sở thẩm mỹ và giảm thiểu tình trạng tai biến, có một số biện pháp quan trọng cần thực hiện:
+ Cấp phép và kiểm tra định kỳ: Chính quyền, Sở Y tế đã có quy định rất chặt chẽ về việc cấp phép các cơ sở có điều kiện (phòng khám chuyên khoa, bệnh viện) có các quy trình chuẩn chặt chẽ trong các hoạt động và kiểm tra định kỳ. Nhưng thực tế chưa thể triệt để phát hiện những sai phạm nhằm kịp thời xử lý. Sở Y tế chỉ kiểm tra được những cơ sở Sở cấp phép. Những cơ sở không được cấp phép mà vẫn làm chui vượt quá khả năng phạm vi hành nghề, chính quyền cần ban hành luật để quản chế những đối tượng này, cân nhắc vào khung hình sự nếu xảy ra tai biến chết người.
+ Tăng cường đào tạo chuyên môn: Các bác sĩ và nhân viên trong ngành thẩm mỹ cần được đào tạo bài bản về kỹ thuật chuyên khoa sâu, cả hồi sức tích cực, an toàn trong các quy trình và quy trình chăm sóc bệnh nhân). Việc tổ chức các khóa học chứng chỉ và cập nhật kiến thức nên thực hiện tại các cơ sở đào tạo chính thống.
+ Tuyên truyền và giáo dục cộng đồng: Cần có các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín, lựa chọn bác sĩ đủ điều kiện hành nghề. Khách hàng cần được thông tin rõ ràng về các rủi ro, thuốc, vật liệu cấy ghép vào cơ thể có thể xảy ra những vấn đề gì khi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ.
+ Khuyến khích báo cáo sự cố: Thiết lập cơ chế để người dân có thể dễ dàng báo cáo các sự cố xảy ra tại các cơ sở thẩm mỹ. Việc này giúp cơ quan chức năng có thông tin để xử lý và điều tra.
+ Tạo ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm. Các cơ sở thẩm mỹ cần phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cho khách hàng. Nếu xảy ra sự cố, cần có các biện pháp xử lý và bồi thường thích hợp.
Bằng cách thực hiện các biện pháp này, có thể giảm thiểu nguy cơ tai biến và nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm mỹ, đồng thời bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
PV: Vậy để phẫu thuật thẩm mỹ, người dân cần đến đâu để thực hiện?
TS.BS Tống Hải: Để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ an toàn, người dân nên tìm đến các phòng khám, trung tâm chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ - nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại. Những cơ sở này thường phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn. Những bệnh viện này thường có đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp và có khả năng xử lý các biến chứng nếu xảy ra.
Mọi người cũng nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ. Bác sĩ có thể tư vấn về các phương pháp, rủi ro, và giúp xác định phương pháp nào là phù hợp nhất với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của từng người.
Đồng thời, tìm hiểu về các thuốc, hoá chất, vật liệu cấy ghép khi đưa vào cơ thể có tác dụng chính là gì, tác dụng phụ không mong muốn, nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra. (Chú ý đến những thành phần có thể gây phản ứng dị ứng hay gặp, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng...).
PV: Không phải ai cũng có thể phẫu thuật, vậy bác sĩ phải có điều kiện gì mới được tiến hành phẫu thuật cho người dân?
TS.BS Tống Hải: Trước hết bác sĩ phải được đào tạo chính quy có bằng cấp đại học, có chứng chỉ hành nghề, cần thêm học các chuyên khoa sâu (CKI, CKII, Thạc sĩ, Tiến sĩ), có kinh nghiệm và đủ thời gian thực hành 36 tháng (nếu làm tư nhân) làm trong bệnh viện cần có các bác sĩ hướng dẫn đảm bảo. Thực hiện thành thục các kỹ năng chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ đạo đức y khoa, bảo vệ người bệnh, liên tục cập nhật kiến thức chuyên ngành chuyên sâu.
PV: Vậy còn với người dân, mặc dù phẫu thuật thẩm mỹ là nhu cầu chính đáng, nhưng trong một số trường hợp, họ không nên phẫu thuật?
TS.BS Tống Hải: Trước hết, nếu muốn phẫu thuật là người trưởng thành có đầy đủ năng lực hành vi và tự chịu trách nhiệm trước những quyết định của bản thân khi phẫu thuật thẩm mỹ:
Những người không nên phẫu thuật thẩm mỹ là: Người mắc các bệnh mãn tính nan y như suy tim, suy thận, xơ gan; mắc các bệnh máu (bạch cầu tủy cấp - mãn), thiếu máu kéo dài, đái tháo đường khó kiểm soát, rối loạn đông máu (duy trì thuốc liên tục); mắc các bệnh hệ thống đang trong thời kỳ tiến triển. Chẳng hạn người bị lupus ban đỏ, xơ cứng bì... khi phẫu thuật sẽ bùng phát gây nặng nề trầm trọng các bệnh lý.
Những người không ổn định về tâm lý, rối loạn trầm cảm lo âu, tâm thần phân liệt hoặc phụ thuộc vào các chất kích thích kéo dài cũng chống chỉ định.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Phòng Truyền thông y tế
Tin liên quan
- Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp bằng ECMO trước can thiệp mạch vành
- Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm
- Ngành Y tế vượt, đạt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ
- Mổ cấp cứu thành cônng cho cụ bà 85 tuổi bị sốc nhiễm trùng do lạm dụng thuốc giảm đau
- Mệt mỏi, sụt cân, người đàn ông ở Hà Nội sốc khi được phát hiện căn bệnh không ngờ tới
- Bé gái 7 tuổi ở Tuyên Quang nhập viện gấp sau khi ăn cháo sáng
- Tầm soát ung thư vú