Sốt cao hơn một tháng, người đàn ông được phát hiện mắc nấm phổi
25/03/2025 | 16:14 PM



Nấm phổi là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Mới đây, một trường hợp tại Phú Thọ đã được phát hiện mắc nấm phổi sau hơn một tháng sốt cao kéo dài.
Bác sĩ tại Khoa Bệnh nhiệt đới thăm khám cho người bệnh
Hành trình phát hiện bệnh
Người bệnh L.V.T (57 tuổi, trú tại Hạ Hòa, Phú Thọ) nhập viện tại Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng sốt cao, ho, tức ngực, biếng ăn, cơ thể suy nhược, gầy yếu.
Khoảng một tháng trước, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt và đã đi khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân, các phương pháp điều trị không mang lại hiệu quả. Tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, khiến bệnh nhân quyết định đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Tại bệnh viện, các bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới đã thực hiện các bước chẩn đoán bao gồm chụp cắt lớp vi tính, nội soi khí phế quản lấy dịch làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với nấm phổi.
Ngay sau khi có chẩn đoán, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc điều trị nấm. Sau một tuần điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, tình trạng của bệnh nhân có sự cải thiện đáng kể: hết sốt, đỡ ho, cơ thể bớt mệt mỏi, ăn uống tốt hơn. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị để đảm bảo phục hồi hoàn toàn.
Cảnh báo từ chuyên gia
BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Lý – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, nấm phổi là một bệnh lý nguy hiểm. Dù chỉ chiếm khoảng 0.02% trong các bệnh lý về phổi, nhưng nguy cơ tử vong có thể lên tới 70% nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Một số loại nấm gây bệnh phổ biến là: Candida, Aspergillus, Cryptococcus. Các triệu chứng của bệnh nấm phổi thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm phổi khác, bao gồm:
-
Sốt kéo dài
-
Ho khạc đờm, có thể ho ra máu
-
Đau tức ngực
-
Gầy yếu, sút cân
Do đó, cách duy nhất để chẩn đoán chính xác là đến cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.
Quá trình điều trị nấm phổi thường kéo dài và khó khăn. Người bệnh cần điều trị cấp tính trong vòng ba tuần và tiếp tục duy trì điều trị trong sáu tháng để tránh tái phát.
BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Lý khuyến cáo, khi có các triệu chứng bất thường về sức khỏe, người dân không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán chính xác. Tránh tình trạng phát hiện muộn, khiến bệnh trở nặng và có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp của bệnh nhân L.V.T là một minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Bệnh nhân hôn mê sâu được cứu sống nhờ mổ sọ não tại chỗ
- Cha mẹ vui mừng khi con được uống vaccine Rota miễn phí
- Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u gan cho người đàn ông lớn tuổi
- Phẫu thuật nội soi cùng lúc cắt gan, đóng hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân ung thư di căn gan
- Phẫu thuật cho người phụ nữ bị thai bám ở sẹo mổ
- Tình cờ đi khám và phát hiện mắc u tủy thượng thận thể hiếm gặp