Phẫu thuật thành công u trong tủy: Hy vọng cho người bệnh nguy cơ cao
18/12/2024 | 11:43 AM
|
Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật loại bỏ u trong tủy sống cho nam bệnh nhân N.V.C (47 tuổi, Bắc Ninh). Đây là một bệnh lý nguy hiểm và đòi hỏi kỹ thuật cao trong phẫu thuật thần kinh.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân C. đã có sự cải thiện đáng kể. Cảm giác ở nửa thân trái bắt đầu phục hồi; Chức năng vận động dần cải thiện, các cơn đau và co thắt cơ giảm rõ rệt.
Ngày 17/12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin ông C. nhập viện với các triệu chứng nghiêm trọng như rối loạn cảm giác và yếu nửa người bên trái. Trước đó, ông đã có tiền sử đau mỏi vùng cột sống kéo dài 10 tháng, cảm giác tê rát ở nửa cánh tay trái, đặc biệt đau tăng khi ho hoặc vận động mạnh. Những triệu chứng này khiến người đàn ông này nghi ngờ mắc bệnh lý cột sống và đã điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, tuy nhiên tình trạng không thuyên giảm.
Trong 4-5 tháng gần đây, tình trạng của nam bệnh nhân diễn tiến xấu hơn: Đau và tê nửa thân trái tăng rõ rệt; Yếu cơ tay trái, kèm co thắt cơ vùng thân; Giảm cảm giác rõ rệt ở nửa thân mình.
Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ qua đó phát hiện khối u nằm trong tủy sống. Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm, cần can thiệp sớm để tránh nguy cơ tổn thương tủy không thể hồi phục.
Những thách thức trong phẫu thuật u trong tủy
U trong tủy là một bệnh lý phức tạp. Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, u tủy được phân loại thành ba dạng chính:
U ngoài màng tủy: Khối u nằm ngoài màng bao tủy, ít ảnh hưởng trực tiếp đến nhu mô tủy.
U dưới màng tủy (ngoài tủy): Khối u nằm giữa màng tủy và nhu mô tủy, có nguy cơ chèn ép tủy sống.
U trong tủy: Khối u phát triển bên trong nhu mô tủy sống, gây tổn thương trực tiếp cấu trúc tủy.
Loại u mà nam bệnh nhân C. mắc phải thuộc nhóm nguy hiểm nhất: u trong tủy. Để loại bỏ khối u, các bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật phức tạp: bổ đôi tủy sống để tiếp cận và cắt bỏ khối u. Phương pháp này đòi hỏi sự chuẩn xác tuyệt đối, vì tủy sống là cơ quan thần kinh trung ương, điều khiển mọi hoạt động vận động, cảm giác và chức năng nội tạng.
Quy trình phẫu thuật và những nguy cơ
Trước khi phẫu thuật, ông C. được các bác sĩ tư vấn kỹ càng về nguy cơ cao, bao gồm mất chức năng vận động hoặc cảm giác và liệt hoàn toàn. Phẫu thuật cắt u trong tủy của bệnh nhân C. rất khó vì u nằm trong tủy, u lớn, vị trí khối u gần trung tâm hô hấp, tuần hoàn, nguy cơ liệt, không thở được, tử vong cao.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm và sự hỗ trợ của các thiết bị y khoa hiện đại, PGS.TS Đồng Văn Hệ và kíp bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành phẫu thuật thành công cho ông C. Sau phẫu thuật, bệnh nhân C. đã có sự cải thiện đáng kể. Cảm giác ở nửa thân trái bắt đầu phục hồi; Chức năng vận động dần cải thiện, các cơn đau và co thắt cơ giảm rõ rệt.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay hiện tại, bệnh nhân C. đã hồi phục và được xuất viện, được hướng dẫn phục hồi sẽ bao gồm vật lý trị liệu tích cực và theo dõi sát sao để đảm bảo không có biến chứng sau mổ.
PGS.TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh những người có triệu chứng đau lưng kéo dài, rối loạn cảm giác hoặc giảm vận động cần được thăm khám sớm. Chẩn đoán bằng cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện các khối u trong tủy từ giai đoạn đầu. Điều này không chỉ giúp phẫu thuật dễ dàng hơn mà còn giảm thiểu nguy cơ mất chức năng vĩnh viễn. U trong tủy là bệnh lý hiếm gặp nhưng không phải không thể chữa trị nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhiều người bệnh đến khám nhưng e ngại về rủi ro phẫu thuật nên để bệnh diễn biến nặng theo thời gian, đến khi quay lại khám thì người đã yếu liệt, khó khăn trong can thiệp và điều trị.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với đội ngũ chuyên gia hàng đầu và trang thiết bị hiện đại đã mang đến cơ hội sống khỏe mạnh cho hàng nghìn người mắc các bệnh lý thần kinh nguy hiểm.
“Một số trường hợp u trong tủy như ông C. nhưng gia đình hoặc người bệnh không đồng ý mổ vì lo lắng rủi ro tai biến. Họ chờ đợi đến khi bệnh diễn biến nặng mới đến can thiệp thì đã quá muộn, kết quả phẫu thuật kém hoặc một số người đi nước ngoài phẫu thuật rất tốn kém. Có bệnh nhân chi phí mổ tại nước ngoài lên đến hàng tỷ đồng nhưng kết quả không hơn khi mổ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức”, PGS Huệ cho hay.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp bằng ECMO trước can thiệp mạch vành
- Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm
- Ngành Y tế vượt, đạt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ
- Mổ cấp cứu thành cônng cho cụ bà 85 tuổi bị sốc nhiễm trùng do lạm dụng thuốc giảm đau
- Mệt mỏi, sụt cân, người đàn ông ở Hà Nội sốc khi được phát hiện căn bệnh không ngờ tới
- Bé gái 7 tuổi ở Tuyên Quang nhập viện gấp sau khi ăn cháo sáng
- Tầm soát ung thư vú