Nội soi mật tuỵ ngược dòng gắp sán lá gan kích thước khủng trong ống mật chủ
23/11/2024 | 16:20 PM



Khoa Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa gắp một con sán lá gan kích thước 20mm sống trong ống mật chủ bằng kỹ thuật nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP). Đây chính là thủ phạm khiến cô gái trẻ đau quặn thắt vùng thượng vị hạ sườn phải trong nhiều ngày liên tục.
Hình ảnh ekip nội soi lấy sán lá gan
Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho hay chị H. N. X. ( (29 tuổi, Tây Ninh) thường xuyên bị những cơn đau kéo dài vùng hạ sườn phải. Khi cơn đau ngày càng nặng hơn, chị đã được người nhà đưa đến để thăm khám.
Tại khoa Ngoại Tổng Quát của bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng. Trên hình ảnh chụp CT scan ổ bụng, các bác sĩ đã nhận thấy có dấu hiệu giãn đường mật ngoài gan, có nốt tăng tỷ trọng nhẹ ở đoạn cuối ống mật chủ. Qua hội chẩn liên chuyên khoa, chị X. được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường mật nghi do sỏi đoạn cuối ống mật chủ và bệnh nhân được chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng ERCP để điều trị.
Hình ảnh sán lá gan trong quá trình nội soi
Trong quá trình nội soi mật tuỵ ngược dòng, quan sát dưới màn hình C-Arm nhận thấy ống mật chủ của bệnh nhân dãn khoảng 10mm, đoạn cuối có bóng nhỏ không ngấm thuốc. Sau đó, các bác sĩ tiến hành cắt nhú vater, dùng bóng kéo ra được con sán lá gan kích thước khoảng 20mm ra khỏi cơ thể người bệnh (mẫu sán được xét nghiệm định danh là sán lá gan lớn).
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tùng – Phó Trưởng Khoa Nội soi, thủ thuật kết thúc an toàn, bệnh nhân được chuyển về khoa Ngoại Tổng Quát để tiếp tục điều trị chống nhiễm trùng và điều trị đặc hiệu diệt sán lá gan. Sau 3 ngày điều trị, chị X. ổn định sức khoẻ và được xuất viện.
Thông qua trường hợp này, bác sĩ Tùng khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần, đặc biệt người dân ở những vùng có nguy cơ cao (vùng sông nước, người làm việc trong môi trường chăn nuôi, nông nghiệp) nên khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm ký sinh trùng để phòng tránh cũng như phát hiện kịp thời sán lá gan và các loại ký sinh trùng khác.
Bác sĩ thăm khám cho chị X.
Bệnh sán lá gan có thể điều trị hiệu quả, hạn chế nguy cơ biến chứng nặng nếu được phát hiện và điều trị sớm. Thông thường người bệnh sẽ được điều trị bằng các loại thuốc chống ký sinh trùng, tuỳ thuộc vào loại sán.
Với trường hợp người bệnh X., sán đã chui vào ống mật và phát triển kích thước lớn, gây ra các biến chứng nghiêm trọng, vì vậy việc gắp sán ra bằng phương pháp nội soi sẽ giúp đạt được hiệu quả nhanh chóng và triệt để nhất.
Nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP) là một kỹ thuật nội soi hiện đại giúp thăm dò, khảo sát và điều trị các bệnh lý về ống mật, túi mật, ống tuỵ hiện đại. Nhờ việc ứng dụng phương pháp nội soi mật tuỵ ngược dòng ERCP trong chẩn đoán và điều trị, người bệnh tránh được cuộc mổ, ít xâm lấn, giảm các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng vùng mổ, tiết kiệm chi phí và thời gian hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Bé gái 7 tuổi bị đỉa chui vào âm đạo khi đi tắm suối: Cảnh báo nguy cơ mất máu và nhiễm trùng nguy hiểm
- Người đàn ông cùng lúc mắc 2 loại ung thư nguy hiểm
- Lựa chọn tối ưu cho người bệnh hẹp van động mạch chủ
- BVĐK Đức Giang đưa vào hoạt động Phòng khám Tâm bệnh nhi từ tháng 7/2025
- Đột quỵ do hội chứng “ăn cắp máu” động mạch dưới đòi
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì tiêu chuẩn ISO 9001:2015
- Người bệnh cao tuổi hưởng nhiều tiện ích khi được kê đơn thuốc dài ngày