Những trường hợp cần thận trọng khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết

24/09/2024 | 10:18 AM

 | 

Tiêm vắc xin là phương pháp an toàn và hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, một số trường hợp chống chỉ định với loại vắc xin này.

Chiều 20/9, Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn tại gần 200 trung tâm tiêm chủng hiện đại trên toàn quốc. Vắc xin do Hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản nghiên cứu và phát triển trong gần 45 năm, đã được triển khai tiêm rộng rãi tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Như vậy, Việt Nam đã chính thức triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết.

Trước đó, hồi tháng 5/2024, Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng vắc xin ngừa sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản. Loại vắc xin này đã được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018. Với công nghệ hiện đại, vắc xin có hiệu quả phòng cả 4 tuýp vi rút gây bệnh sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4). Hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Đặc biệt, vắc xin có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết.

Lịch tiêm vắc xin sốt xuất huyết gồm ba mũi, mỗi mũi cách nhau 6 tháng (0,6,12).

Theo thống kê, năm 2023, Việt Nam có hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 người trong đó đã tử vong.

Tiêm vắc xin là phương pháp an toàn và hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do sốt xuất huyết.

Theo WHO, vắc xin sốt xuất huyết có thể bảo vệ 65% người được tiêm khỏi bị bệnh và 93% khỏi bị bệnh nặng. Vắc xin sốt xuất huyết đã được kiểm chứng an toàn và hiệu quả phòng bệnh. Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin thường nhẹ và tự khỏi sau vài ngày như đau nhức tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi.

Vắc xin này được khuyến nghị chủ yếu cho người thuộc nhóm tuổi 9-45. Tuy nhiên, những trường hợp không nên tiêm bao gồm: Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm; phụ nữ đang cho con bú; người suy giảm miễn dịch; người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch như hóa trị liệu hoặc corticosteroid liều cao và người nhiễm HIV hoặc nghi nhiễm HIV.

Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng cần thận trọng khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết như người có tiền sử dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin; người đang mắc bệnh cấp tính hoặc sốt cao.

Phòng Truyền thông Y tế


Thăm dò ý kiến