Kích thích từ trường xuyên sọ: Cánh cửa hy vọng cho bệnh nhân tâm thần kháng trị

12/07/2025 | 10:27 AM

 | 

Khi thuốc men trở nên bất lực trong điều trị các rối loạn tâm thần dai dẳng như trầm cảm kháng trị, tâm thần phân liệt hay rối loạn lo âu, một phương pháp không dùng thuốc, không phẫu thuật đang mở ra hy vọng mới: Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS), đặc biệt là dạng lặp lại gọi là rTMS.

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, phương pháp này đã được triển khai điều trị cho nhiều bệnh nhân. Theo ThS.BS Nguyễn Thành Long, điểm nổi bật của TMS là không xâm lấn, không gây mê, không đau đớn, bệnh nhân vẫn tỉnh táo suốt quá trình và có thể ra về ngay sau buổi trị liệu. Thiết bị phát sóng từ trường đặt sát da đầu giúp điều hòa hoạt động của vùng não bị rối loạn, góp phần cải thiện triệu chứng.

Một buổi TMS thường kéo dài 20–40 phút. Bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe, loại bỏ đồ kim loại, đeo nút tai và ngồi hoặc nằm thư giãn trong khi bác sĩ đặt thiết bị lên vùng đầu cần kích thích. Trong lúc trị liệu, bệnh nhân chỉ cảm thấy nhẹ như “gội đầu bằng năng lượng từ”, không cần gây mê hay theo dõi đặc biệt sau khi thực hiện.

TMS hiện được chỉ định cho nhiều bệnh lý, bao gồm: trầm cảm kháng trị, tâm thần phân liệt, đau mạn tính, đau đầu, rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD), rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý (PTSD), động kinh, ù tai và phục hồi sau đột quỵ.

Theo các nghiên cứu, 50–70% bệnh nhân trầm cảm kháng trị đã cải thiện rõ rệt sau liệu trình rTMS. Ngoài ra, nhiều người bệnh đau mạn tính, lo âu, PTSD... cũng ghi nhận chất lượng sống được nâng cao và giảm phụ thuộc thuốc.

Tuy nhiên, kỹ thuật này chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân mang thiết bị kim loại hoặc điện tử trong đầu, như stent mạch não, máy kích thích não sâu, ốc tai điện tử... Các trường hợp có máy tạo nhịp tim, từng phẫu thuật sọ não hay phụ nữ có thai cũng cần được cân nhắc kỹ trước khi điều trị.

ThS.BS Thành Long khuyến cáo: Trong khi thực hiện TMS, người bệnh cần giữ bình tĩnh, không di chuyển đầu, và báo ngay nếu có cảm giác khó chịu, tê, đau đầu... Sau trị liệu, có thể gặp các triệu chứng nhẹ như nhức đầu, ngứa ran vùng mặt, nhưng đa số sẽ tự khỏi sau vài giờ. Nếu xuất hiện bất thường nghiêm trọng như co giật hoặc thay đổi ý thức, cần báo bác sĩ ngay.

Với tính an toàn, hiệu quả và ít tác dụng phụ, TMS đang được kỳ vọng là một bước tiến mới trong điều trị các rối loạn tâm thần khó trị, giúp người bệnh tìm lại sự cân bằng và cải thiện cuộc sống.  Phòng Truyền thông Y tế


Thăm dò ý kiến