Hải Dương: giải bài toán thiếu bác sĩ như thế nào?

08/11/2024 | 16:04 PM

 | 

 

So với định mức tối thiểu theo quy định, tỉnh Hải Dương hiện còn thiếu 388 bác sĩ. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 tỉnh phấn đấu có 19 bác sĩ/1 vạn dân thì số bác sĩ cần có là 3.713 người, dự kiến thiếu 1.505 bác sĩ.

Tại phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 11 (lần 1) mới đây dưới sự chủ trì của ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương đã xem xét tờ trình của Sở Y tế về việc đề nghị cho chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, đào tạo, thu hút và đãi ngộ với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030.

Theo Sở Y tế, từ năm 2020-2023, toàn ngành y tế Hải Dương có 215 công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó có 61 bác sĩ. Trong khi số lượng bác sĩ tuyển dụng hàng năm tương đối thấp, năm 2023 chỉ tuyển được 29 bác sĩ. Số bác sĩ công tác tại tuyến xã giảm dần theo từng năm do nghỉ hưu, chuyển công tác lên tuyến trên, xin thôi việc…

So với định mức tối thiểu theo quy định, Hải Dương hiện còn thiếu 388 bác sĩ. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 tỉnh phấn đấu có 19 bác sĩ/1 vạn dân thì số bác sĩ cần có là 3.713 người, dự kiến thiếu 1.505 bác sĩ.

Sở Y tế Hải Dương đánh giá nhân lực ngành y của tỉnh thiếu hụt do mức lương thấp hơn các đơn vị ngoài công lập, áp lực công việc nặng nề, cơ sở vật chất chưa bảo đảm để nhân viên y tế phát huy năng lực, chi phí đào tạo, nâng cao tay nghề cao và tự chi trả...

Bên cạnh đó, chính sách của tỉnh về hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực nói chung, nhân lực ngành y nói riêng chưa phù hợp, không đủ hấp dẫn đối với các lĩnh vực đặc thù của ngành y.

Theo đó, Sở Y tế Hải Dương đề xuất chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập gồm 3 chính sách. Đó là chính sách đào tạo, chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ và chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ làm việc tại trạm y tế cấp xã. Đồng thời đề xuất mức hỗ trợ cao nhất chi phí nghiên cứu, học tập sau khi tốt nghiệp được nhận văn bằng tiến sĩ là 100 triệu đồng/người/khoá; bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú 50 triệu đồng/người/khoá; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 30 triệu đồng/người/ khoá.

 

Đối với chính sách thu hút nhân lực, mức hỗ trợ cao nhất 500 triệu đồng/người với người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II về làm việc tại các chuyên khoa chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu.

Chính sách đãi ngộ với bác sĩ làm ở trạm y tế dự kiến hỗ trợ hằng tháng hoặc theo ngày làm việc bằng 20% mức lương hiện hưởng nếu công tác ở xã, 15% lương hiện hưởng khi công tác tại phường, thị trấn.

Sau khi nghe báo cáo của Sở Y tế và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở Y tế về việc xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực ngành y.

Đồng thời nhấn mạnh, hiện nay, chính sách hỗ trợ nhân lực y tế bằng tiền chưa đủ mà phải tổng hoà với cơ sở vật chất, điều kiện, môi trường làm việc. Đây là ngành nghề đặc thù, cần phải có cơ chế hỗ trợ để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế an tâm, gắn bó với cơ quan, đơn vị công tác.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự phiên họp, điều chỉnh, hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp cuối năm. Các ban HĐND tỉnh đồng hành, phối hợp với cơ quan tham mưu của UBND tỉnh trong quá trình xây dựng nghị quyết để thống nhất về quan điểm, chủ trương.

Nguồn: Kinh tế & đô thị

Hải Dương: giải bài toán thiếu bác sĩ như thế nào?

Phòng Truyền thông Y tế


Thăm dò ý kiến