Botulinum Toxin - “Vũ khí sinh học” mở ra hy vọng cho bệnh nhân rối loạn vận động
12/07/2025 | 10:07 AM



Liệu pháp Botulinum toxin (BoNT-A) đang được các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai ứng dụng hiệu quả trong điều trị các rối loạn thần kinh như co cứng sau đột quỵ, loạn trương lực cơ cổ, co thắt nửa mặt và mi mắt. Những bất thường từng khiến người bệnh mặc cảm, đau đớn, lệ thuộc vào người khác, nay đã có thể phần nào kiểm soát bằng những mũi tiêm.
Hội thảo khoa học “Kỹ thuật tiêm Botulinum Toxin A trong điều trị rối loạn vận động” vừa được Trung tâm Thần kinh và Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp cùng Ipsen tổ chức đã mang đến nhiều thông tin thú vị. Chương trình không chỉ chia sẻ những kiến thức nghiên cứu, các quy trình phân loại, thang điểm đánh giá mà còn có các hoạt động thực hành thiết thực, trực quan sinh động.
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ y tế đến từ: Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện E, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh, Bệnh viện Đại học Phenikaa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Chương trình cũng là hoạt động mở đầu cho chuỗi đào tạo ngắn hạn, dài hạn, cơ bản và nâng cao chuyên sâu về rối loạn vận động. Theo dự kiến, Trung tâm Thần kinh phối hợp cùng với Viện đào tạo và nghiên cứu y dược Bạch Mai sẽ bắt đầu tuyển sinh các lớp đào tạo về ứng dụng của botulinum toxin trong bệnh lý rối loạn vận động nói riêng và lớp đào tạo về chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân rối loạn vận động nói chung trong thời gian tới.
Khoa học làm chủ độc tố
“Botulinum toxin thực chất là độc tố do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra, một loại vi khuẩn từng nổi tiếng vì gây ngộ độc thịt. Tuy nhiên, khi được kiểm soát và sử dụng đúng liều, chính độc tố này lại có khả năng “ngắt mạch” dẫn truyền thần kinh cơ, từ đó làm yếu cơ giúp cải thiện tình trạng rối loạn vận động của người bệnh,” ThS. BS. Nguyễn Hải Anh - Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Botulinum toxin đã được ứng dụng trong điều trị các rối loạn vận động như co cứng sau đột quỵ, loạn trương lực cơ cổ, co thắt nửa mặt và co thắt mi mắt, những chứng bệnh làm biến dạng khuôn mặt, hình thể, vận động của người bệnh.
Theo PGS. TS. Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh: “Số lượng ca bệnh rối loạn vận động ngày càng tăng lên xuất phát từ năng lực chẩn đoán của các bác sĩ được nâng cao, đồng thời người bệnh cũng bắt đầu quan tâm đến sức khoẻ của mình hơn. Chính lý do này đã thúc đẩy chúng tôi tìm kiếm những phương pháp tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, tối ưu hoá hiệu quả điều trị cho người bệnh, giúp họ gia tăng chất lượng cuộc sống đồng thời cũng giảm thiểu gánh nặng về mặt tài chính do tìm kiếm những phương án điều trị kém hiệu quả hơn”.
Liệu pháp điều trị thay đổi cuộc sống người bệnh
Ths.BS. Bùi Thị Nga, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra: “Khoảng 50-85% bệnh nhân được cải thiện rõ rệt triệu chứng chỉ sau một liệu trình tiêm duy nhất. Đặc biệt, đau cổ vốn là triệu chứng sớm và thường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh có thể được cải thiện rất nhanh sau khi tiêm. Điều quan trọng nhất trong ứng dụng Botulinum toxin là phải xác định chính xác nhóm cơ cần tiêm. Trong thực hành lâm sàng, ứng dụng siêu âm và điện cơ trong xác định các nhóm cơ này giúp cải thiệu hiệu quả điều trị lên nhiều lần”.
“Chúng tôi không chỉ nhìn vào triệu chứng bề ngoài mà còn đánh giá cơ sâu bằng điện cơ kim, siêu âm... Từ đó xây dựng chiến lược điều trị cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Chúng tôi chỉ tiêm khi có mục tiêu rõ ràng như giúp người bệnh mặc quần áo dễ hơn, đỡ đau, ngăn loét hay cải thiện khả năng đi lại”, BS. Trần Việt Hà nhấn mạnh.
Ở góc độ Phục hồi chức năng, PGS.TS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định: “Botulinum Toxin A hiện là liệu pháp điều trị đầu tay cho các trường hợp co cứng khu trú hoặc nhiều vị trí, đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với phục hồi chức năng và xác lập mục tiêu điều trị rõ ràng. Botulinum toxin an toàn hiệu quả, khoảng cách giữa các lần tiêm có thể dài hơn các loại BoNT-A khác, giúp giảm gánh nặng điều trị cho người bệnh. Khi kết hợp với phục hồi chức năng đúng cách, nó có thể mở ra cánh cửa phục hồi cho những người tưởng như đã bị bó buộc trong chính cơ thể mình”.
Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai
Botulinum Toxin - “Vũ khí sinh học” mở ra hy vọng cho bệnh nhân rối loạn vận động
Tin liên quan
- Chân dung người bác sĩ tiên phong trong lĩnh vực Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
- Sở Y tế TP.HCM: Đã có bác sĩ trẻ đăng ký thực hành tại Trạm y tế của Đặc khu Côn Đảo
- Ngành y tế thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong Tháng hành động
- Gần 4000 bệnh nhân được điều trị bằng Methadone, đạt 88% kế hoạch
- Bệnh viện 22-12: Can thiệp nội soi gắp thành công 3 chiếc xương dài trong đại tràng bệnh nhân
- Phòng bệnh sốt xuất huyết: Cần sự chung tay của người dân
- Bước tiến vì người bệnh mãn tính