Bé gái 7 tuổi bị đỉa chui vào âm đạo khi đi tắm suối: Cảnh báo nguy cơ mất máu và nhiễm trùng nguy hiểm
15/07/2025 | 19:25 PM



Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vừa tiếp nhận và xử lý một trường hợp hy hữu. Đó là bé gái 7 tuổi đến từ Bắc Ninh được mẹ đưa đến viện trong tình trạng chảy máu vùng kín sau khi đi tắm suối. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân là do đỉa chui vào âm đạo và bám sâu vào niêm mạc gây tổn thương và xuất huyết kéo dài.
Tại thời điểm nhập viện, bé vẫn chảy máu âm đạo liên tục. Nhận thấy mức độ nghiêm trọng, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và tiến hành xử trí khẩn cấp. Ê-kíp cấp cứu gồm thạc sĩ, BS CKII Lê Thị Hiếu – Trưởng khoa Khám bệnh, bác sĩ Nguyễn Bích Ngọc, bác sĩ Nguyễn Xuân Huỳnh cùng đội ngũ gây mê hồi sức đã tiến hành gây tê, làm sạch tổn thương, kiểm tra toàn bộ vùng kín, xử lý vị trí đỉa bám và loại trừ khả năng còn dị vật bên trong.
Theo các chuyên gia, đỉa khi chui vào cơ thể người sẽ tiết ra chất hirudin – một loại chất chống đông máu mạnh. Chất này khiến máu khó đông, gây chảy máu kéo dài tại vị trí bị đỉa cắn. Ở trẻ nhỏ, lượng máu ít hơn người lớn nên nếu không được xử trí kịp thời, trẻ có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu máu, mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Đây là trường hợp cảnh báo các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm khi cho trẻ tắm ở sông, suối, ao hồ – nhất là những khu vực nước tù đọng, nhiều cây cỏ rậm rạp, nơi có thể là môi trường sống của nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm như đỉa, sán, nấm, vi khuẩn… Những vùng nước tưởng như mát mẻ, an toàn trong mùa hè lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là các bé gái.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ có biểu hiện bất thường như chảy máu vùng kín không rõ nguyên nhân, đặc biệt sau khi đi bơi, tắm suối hay tiếp xúc với nước tự nhiên, phụ huynh không nên chần chừ mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để được kiểm tra và xử trí đúng cách.
Qua sự việc trên, các bác sĩ cảnh báo về nguy cơ mất an toàn trong sinh hoạt mùa hè và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát trẻ nhỏ khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh – và sự cẩn trọng của người lớn chính là “tấm khiên” bảo vệ sức khỏe cho con trẻ.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Người phụ nữ 63 tuổi phát hiện ung thư buồng trứng di căn từ dấu hiệu không điển hình
- Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo khoa học về điều trị toàn diện bệnh lý đột quỵ
- Bệnh viện Đặng Văn Ngữ ghi nhận trường hợp sốt rét ngoại lai sau khi trở về từ Cameroon
- Nữ bệnh nhân nhiễm ấu trùng ký sinh dưới da sau khi làm vườn không mang bảo hộ
- Phòng chống dịch bệnh mùa hè: Chủ động nhận biết và cách phòng chống bệnh viêm màng não do não mô cầu
- Ngành Y tế quyết tâm đổi mới toàn diện: Nâng tầm chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Hiến giác mạc – nghĩa cử hồi sinh ánh sáng đang lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam