Đau đầu âm ỉ, người đàn ông 58 tuổi ở Hà Nội suýt vỡ mạch máu não vì căn bệnh này
18/12/2024 | 11:14 AM



Sau 2 tuần bị đau đầu, uống thuốc không đỡ, ông D đến viện được phát hiện bị phình mạch máu não, có khả năng vỡ cao.
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị phình mạch máu não.
Theo đó, bệnh nhân nam P.V.D 58 tuổi (Hà Nội) vào Khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì đau đầu âm ỉ 2 tuần, uống thuốc không đỡ.
Tại bệnh viện, kết quả chụp CT phát hiện bệnh nhân bị phình động mạch não, có khả năng vỡ cao, được chỉ định nhập viện can thiệp.
Hình ảnh DSA trước can thiệp. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân được can thiệp nút túi phồng bằng lò xo kim loại. Quá trình điều trị thuận lợi, bệnh nhân được ra viện sau 24h, trở lại cuộc sống bình thường.
Nguyên nhân, triệu chứng của phình mạch não
Theo TS.BS Lương Tuấn Anh, Khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phình động mạch não là hiện tượng một đoạn mạch máu trong não có đường kính lớn hơn bình thường, xảy ra khi đoạn mạch máu yếu, bị phình dưới áp lực của dòng máu.
Nếu không được phát hiện, điều trị, túi phồng sẽ tăng dần kích thước, vỡ, gây chảy máu dưới nhện (một dạng chảy máu não).
BS Lương Tuấn Anh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra phình động mạch não như bẩm sinh, hút thuốc lá, béo phì,… nhưng đáng chú ý nhất là bệnh lý tăng huyết áp.
Triệu chứng của phình mạch máu não thường không rõ ràng và âm thầm tiến triển cho tới khi túi phồng bị vỡ, bệnh nhân đột ngột đau đầu nhiều, nôn và buồn nôn. Vì vậy, người bệnh cần sàng lọc phát hiện sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ phình động mạch não như tự nhiên xuất hiện đau đầu, đau đầu âm ỉ kéo dài nhiều ngày, đau đầu nhiều hơn các lần đau trước hay đau đầu đáp ứng kém với các thuốc thông thường.
Những ai dễ bị đau đầu?
Những người làm việc căng thẳng, mất ngủ, mắc bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... dễ gặp tình trạng bị đau đầu. Ảnh minh họa.
Theo các bác sĩ, một số nguyên nhân gây đau đầu có thể gặp như:
- Đau đầu lành tính: Đau đầu rối loạn vận mạch, đau đầu Migrain, viêm động mạch thái dương, cúm…
- Đau đầu liên quan bệnh lý nhiễm trùng: Viêm não, viêm màng não, sốt nhiễm trùng toàn thân hay khu trú…
- Đau đầu liên quan bệnh lý thần kinh: Xuất huyết não, nhồi máu não, u não, dị dạng mạch não…
- Đau đầu trong một số bệnh lý khác: Thiếu máu, nhiễm độc, bệnh lý nội tiết, rối loạn lo âu, stress…
Những người có thể gặp triệu chứng đau đầu như: Người làm việc căng thẳng, người làm việc trước máy tính nhiều, mất ngủ, mắc bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường…
Khi nào đau đầu cần phải đi khám ngay?
- Đau đầu kéo dài, âm ỉ liên tục hoặc có cơn đau đầu dữ dội.
- Đau đầu kèm theo tê bì mặt, tê bì hoặc yếu tay chân 1 bên hoặc 2 bên.
- Có biểu hiện sốt, nôn, co giật, nhìn mờ, ù tai, nói khó…
Những xét nghiệm có thể được làm để tìm nguyên nhân gây đau đầu như: Xét nghiệm máu, Chụp CT. Scanner sọ não, cộng hưởng từ não, điện não đồ, chọc dò dịch não tuỷ… và các xét nghiệm cần thiết khác.
Nguồn: Báo Gia đình & Xã hội
Đau đầu âm ỉ, người đàn ông 58 tuổi nhập viện vì bệnh lý nguy hiểm
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Sốt cao hơn một tháng, người đàn ông được phát hiện mắc nấm phổi
- Bệnh nhân hôn mê sâu được cứu sống nhờ mổ sọ não tại chỗ
- Cha mẹ vui mừng khi con được uống vaccine Rota miễn phí
- Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u gan cho người đàn ông lớn tuổi
- Phẫu thuật nội soi cùng lúc cắt gan, đóng hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân ung thư di căn gan
- Phẫu thuật cho người phụ nữ bị thai bám ở sẹo mổ
- Tình cờ đi khám và phát hiện mắc u tủy thượng thận thể hiếm gặp