Tự sự của một bác sĩ pháp y
08/12/2015 | 06:42 AM
Ai cũng biết bác sĩ giữ vai trò quan trọng trong khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân ngăn ngừa bệnh từ sớm, chẩn đoán bệnh, đưa ra các phương pháp điều trị. Là một cán bộ trong ngành y, tôi đã từng tự hào khoác lên mình bộ áo trắng, đấu tranh với tử thần từng giờ để chạy đua giành giật mạng sống cho bệnh nhân.
Đúng là cuộc sống muôn màu, là bác sĩ vừa mới ra trường, ôm bầu nhiệt huyết lao vào cuộc sống, tôi xin làm hợp đồng tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và được ban lãnh đạo bệnh viện cho đi học 9 tháng gây mê tại Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi học xong, tôi về làm việc tại Bệnh viện Ung bướu từ năm 2008 đến hết năm 2010 với vị trí bác sĩ gây mê hồi sức. Được chứng kiến bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, bao nhiêu hoàn cảnh éo le, và biết bao nhiêu nỗ lực của các bác sĩ, anh chị đồng nghiệp với những ca mổ quên ngày quên đêm giành giật mạng sống cho người bệnh. Trong lúc làm việc tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tôi có tham gia đội bác sĩ tình nguyện phẫu thuật từ thiện cho các cháu sứt môi, hở hàm ếch. Mỗi năm, Trung tâm phẫu thuật tạo hình Osca Hà Nội phẫu thuật miễn phí cho khoảng 700-800 cháu trên khắp cả nước.
Cứ tưởng cuộc sống của một bác sĩ trẻ như thế là an bài, phấn đấu chuyên môn giỏi là được. Nhưng không, kỳ thi tuyển viên chức năm 2011 như một bước ngoặt, chính thức đưa tôi về lĩnh vực mới: lĩnh vực Pháp y.
Là một môi trường mới, với biết bao khó khăn vất vả, lại chứng kiến một mặt khác của xã hội, mặt khác của ngành y. Từng ngày, từng giờ, chúng tôi là những cán cân công lý, đưa ra các kết luận giám định, giúp cơ quan tố tụng giải quyết vụ việc đúng người, đúng tội.
Nói là thế, nhưng đằng sau tấm áo trắng ấy ai cũng có gia đình, có bà con làng xóm. Thật không thể dễ dàng gì khi về giới thiệu với mọi người mình là bác sĩ pháp y, niềm tự hào của bố mẹ xưa kia thì ngày nay mỗi lần về quê bố mẹ không dám nói tới. Thậm chí về giỗ tổ mà còn có người không chịu ngồi cùng mâm khi biết mình là bác sĩ pháp y. Rồi những đêm khuya phải đợi vợ con ngủ say mới lẳng lặng dậy lật từng tấm hình chụp tử thi ra xem xét, nhận định, làm bản kết luận giám định vì những tấm hình này mà ám ảnh vào đầu trẻ thơ thì thật không thể làm gì cho chúng quên được. Rồi những lần máu tử thi bám đầy quần áo khi phải tạo hình lại cho những nạn nhân bị ô tô chẹt bẹp đầu, hoặc có khi đầu bị cắt gần lìa khỏi cổ. Rồi như tự bao giờ, hình ảnh tử thi ngấm dần vào máu và hiện dần về trong giấc ngủ, những câu hỏi, những nghi vấn cứ vẩn vơ trong đầu tìm cách lý giải, vì lương tâm, vì trách nhiệm, và vì còn nặng lòng với người đã khuất để tránh oan sai.
Rồi khoảng tháng 8/2013, thực hiện Nghị định 47/2013 sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2011 về tiêm thuốc độc tử tù. Lúc đầu theo công văn của các sở, ban ngành thì yêu cầu bác sĩ của các bệnh viện (như Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) tham gia thi hành án, nhưng các bác sĩ đưa ra quan điểm của mình: “Bác sĩ cứu người chứ không giết người”, và đã từ chối tham gia. Gánh nặng lại đè lên vai các bác sĩ pháp y. Theo đúng chức năng nhiệm vụ thì bác sĩ pháp y chỉ đến giám định sự chết, còn việc lấy “ven” tĩnh mạch và tiêm thuốc là trách nhiệm và chức năng của phòng PC81 - Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Công an thành phố. Thế nhưng trong buổi thi hành án, lệnh của Hội đồng thi hành án đã ban ra được một tiếng đồng hồ mà PC81 và một số bác sĩ khác vẫn chưa lấy được “ven”. Một mặt cũng do tâm lý, một mặt do “ven” của tử tù rất khó lấy (do tiêm chích, do sợ hãi huyết áp tụt v..v.). Nguy cơ phải tạm dừng thi hành án.
Lúc này, tôi được lãnh đạo Trung tâm Pháp Y gọi điện cử tôi đến thực thi nhiệm vụ (vì hôm đó không phải phiên trực của tôi). Trên đường đến hiện trường, tôi đã tự vấn bản thân: Có áp lực không? Áp lực chứ! Có sợ không? Sợ chứ! Nhưng lúc này không còn là chuyện thi hành án hay không mà là Pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có được thực thi hay không?
Khi tôi đến, tay và chân của tử tù đã không còn cái “ven” nào có thể lấy được. Tôi phải lấy tĩnh mạch cảnh ngoài. Việc còn lại đối với một bác sĩ hồi sức như tôi thì xử lý được, việc thi hành án đã được thực thi. Công việc thi hành án tiêm thuốc độc từ tù, tôi vẫn được giao làm từ đó cho đến nay.
Có lẽ “Nghề đã chọn người”, không hào nhoáng và cũng không dám nhận là thầm lặng, chúng tôi, những người đi soi lại góc khuất của các vụ án, là cán cân công lý giúp các cơ quan tố tụng, là sợi chỉ hồng nối lại chút tình của hai thế giới, là đại diện cho người đã mất đưa ra tiếng nói cuối cùng. Một chút tâm tình mong rằng anh em đồng nghiệp và bạn đọc sẻ chia, động viên, tiếp sức cho chúng tôi vượt qua những sợ hãi, những dị nghị thông thường để đưa ra những kết quả chính xác nhất, công minh nhất trên con đường tìm ra công lý, lẽ phải.
Trịnh Xuân Hà
(Trung tâm Pháp y Hà Nội)
Nguồn: Sở Y tế Hà Nội
Tin liên quan
- Thái Bình Địa phương có công tác tiêm chủng vững mạnh
- Thủ tướng phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020
- Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX
- Chào mừng Đại hội thi đua yêu nước Ngành Y tế lần thứ 6: Tỏa sáng những tấm gương Y đức
- Bệnh viện Bạch Mai mít tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 29 và phát động phong trào thi đua yêu nước
- Ngành y tế thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp
- Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VI