Hết lòng với bệnh nhân vì một chữ TÂM

23/10/2015 | 06:50 AM

 | 

Khi được tôi giới thiệu là phóng viên đến lấy thông tin viết bài, Ths.BS. Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện 09 cười và nói, công việc của các chị cũng như bao công việc khác, có gì đâu. Thế nhưng khi tận mắt chứng kiến công việc của các bác sỹ Bệnh viện 09 mới thấu hiểu được sự vất vả, hiểm nguy và những cống hiến thầm lặng của họ. Họ làm việc không ngơi nghỉ, không vụ lợi để giúp bệnh nhân vơi đi những nỗi đau về thể xác và tinh thần.
BS. Nguyễn Thị Thảo khám bệnh cho bệnh nhân

Nơi bác sỹ là người thân thiết nhất

Bệnh viện 09 là bệnh viện hạng 2 trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, đóng trên địa bàn xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.  Nơi đây, từ lâu là điểm đến của những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối và có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình cảnh đơn độc, không người thân chăm sóc. Họ ở đây và được đội ngũ cán bộ y tế chăm sóc tốt cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Vì vậy, họ luôn coi các bác sỹ là những người thân thiết nhất, có thể chia sẻ mọi tâm tư tình cảm.

Bs. Thảo cho biết, mỗi bệnh nhân mỗi hoàn cảnh nhưng khi đã được tin tưởng họ sẽ chia sẻ và tâm sự với bác sỹ kể cả những chuyện thầm kín nhất. Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Vũ Q. đang điều trị nội trú tại Bệnh viện đã chia sẻ với bác sỹ về cuộc đời bất hạnh của mình. Q. sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu, khi bố mất, mẹ em đi bước nữa, không ai quản lý và giáo dục nên em bị đám bạn xấu rủ rê vào con đường nghiện ma túy. Khi biết em bị nhiễm HIV, cả gia đình đều xa lánh, không cho em ăn chung mâm, mọi sinh hoạt đều bị cách ly. Q. nhập viện trong trạng thái trầm cảm vì sự kỳ thị của gia đình và cộng đồng. Sau một thời gian điều trị, thể lực và tinh thần của Q. đã tốt lên rất nhiều. Em “khoe” với cả bác sỹ là em đã có người yêu và sẽ cố gắng điều trị tốt để còn lập gia đình. Hay như trường hợp của Nguyễn Thị T. đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, T. không có người thân chăm sóc mà chỉ biết trông chờ vào sự chăm sóc của các bác sỹ. T tâm sự, khi biết em bị HIV, gia đình đã bỏ rơi em, ở đây em có cơm ăn, có thuốc uống và có người chia sẻ. Em luôn coi đây là gia đình của mình, các bác sỹ là người thân thiết nhất.

Khi nhập viện những bệnh nhân ở đây đã cô độc thì khi chết họ cũng không được người thân đến nhận và điều này đã trở thành chuyện thường tình. Những lúc này các bác sỹ lại trở thành người thân duy nhất bên cạnh họ, vuốt mắt lần cuối tiễn đưa họ về với thế giới bên kia. Nhiều bệnh nhân trước khi chết chỉ muốn được gặp người nhà lần cuối, vậy mà khi bác sĩ gọi cho gia đình họ chỉ nhận được những lời như nhầm máy hoặc khi nào chết hẳn hãy gọi. Khi bệnh nhân qua đời, Bệnh viện tiến hành làm các thủ tục chu đáo để cầu mong linh hồn họ sớm được siêu thoát. Họ được các nhân viên của Bệnh viện đưa xuống Đài hóa thân Hoàn vũ để hỏa táng. Hiện nay có 30 lọ tro cốt của bệnh nhân không được người nhà đến nhận. Những lọ tro cốt này được đặt trong một phòng riêng của Bệnh viện. Đến ngày rằm, mùng một hay các ngày lễ Tết, các bác sỹ lại là người chăm sóc phần hồn cho họ.

Đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm

Các bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện 09 đều xuất thân từ nghiện ma túy và gái bán dâm. Có đến 70 - 80% trong số họ được chuyển đến từ các trường, trại, số còn lại được thu gom trong các đợt truy quét của công an. Những lúc tỉnh táo bệnh nhân rất nghe lời, tôn trọng bác sỹ, nhưng khi thiếu thuốc, lên cơn nghiện, họ trở nên mất kiểm soát, thậm chí đã có nhiều trường hợp gây nguy hiểm cho các cán bộ y tế.

Kỹ thuật viên xét nghiệm Nghiêm Thị Tình, phụ trách xét nghiệm ở cơ sở điều trị methadone là người đã gắn bó với Bệnh viện hơn 10 năm, chị chia sẻ, khi làm việc ở đây các nhân viên phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm những bệnh truyền nhiễm như HIV và lao, nhưng nếu sợ phơi nhiễm thì tốt nhất không làm nghề y. Chị cho rằng đã làm công tác trong ngành y thì ở đâu cũng chăm sóc bệnh nhân, có điều chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS biết để đề phòng thì tốt hơn là làm trong môi trường không biết bệnh nhân có HIV/AIDS. Lúc đó nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Chị tâm sự, trong một lần được tăng cường trực ở Khoa Hồi sức cấp cứu, khi tiêm cho bệnh nhân và bị họ phán kháng, chị đã bị bệnh phẩm và thuốc khi tiêm cho bệnh nhân bắn vào mắt, lúc đó chị đã bình tĩnh dùng các biện pháp nghiệp vụ được đào tạo để xử lý sơ cứu cho mình. Khi biết chị bị tai nạn nghề nghiệp như thế gia đình rất lo vì lúc đó chị mới sinh em bé được mấy tháng, sợ quá trình điều trị dự phòng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng con của chị. Nhưng do kịp thời sơ cứu và điều trị đúng quy trình nên một thời gian sau xét nghiệm lại chị không bị nhiễm bệnh.

Hiện nay, các cán bộ y tế trong viện có gần chục người bị phơi nhiễm HIV, riêng với lao thì chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây đã có 5 - 6 người bị nhiễm bệnh. Một số người đã phải đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương để điều trị. Tiếp xúc với những bệnh nhân bị lao kháng thuốc thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, thời gian điều trị có thể kéo dài đến 2 năm, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống.

Vượt qua khó khăn

Bs. Thảo tâm sự, đối với các nhân viên y tế tại Bệnh viện thì sự kỳ thị từ xã hội thực sự là rào cản. Có lẽ vì thế, mỗi khi muốn tuyển nhân sự, Bệnh viện 09 gần như không tuyển được vì không có bác sỹ nào muốn về đây công tác. Để khắc phục tình trạng không đủ bác sỹ làm công tác điều trị, Bệnh viện động viên những điều dưỡng, y sĩ của bệnh viện đi học thêm để trở thành bác sỹ về phục vụ bệnh nhân. Các cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện 09 không có bất kỳ khoản thu nhập nào từ dịch vụ tăng thêm. Hàng tháng họ chỉ nhận vỏn vẹn lương và trợ cấp độc hại, vì thế đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Có đến 90% cán bộ vẫn phải thuê nhà. Nhiều y sỹ, điều dưỡng khi học chuyển đổi thành bác sỹ nhưng vẫn chưa được chuyển ngạch lương.

Dường như những khó khăn thử thách từ cuộc sống đã không làm nản lòng các bác sỹ Bệnh viện 09, họ không từ bỏ công việc mà vẫn hết lòng với bệnh nhân vì một chữ TÂM!


Thăm dò ý kiến