Trong phong trào thi đua yêu nước ngành Y tế tỉnh những năm qua xuất hiện nhiều tấm gương y, bác sĩ tâm huyết với nghề, hết lòng vì người bệnh. Họ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, y đức để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”.
Xứng danh “Thầy thuốc Ưu tú”
Mỗi lần gặp và trò chuyện với bác sĩ CK II Lê Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy, chúng tôi phải “căn” từng phút, bởi lịch làm việc, lịch phẫu thuật cho bệnh nhân của anh luôn dày đặc. Trước đây, có những ngày anh đứng mổ 4-5 ca liền; nay giảm xuống, nhưng cũng không dưới 40 ca/tháng. Có những ca mổ phức tạp kéo dài nhiều giờ đồng hồ, đòi hỏi bác sĩ vừa phải có chuyên môn cao, vừa phải có tinh thần vững, sức khoẻ tốt để tập trung cứu người bệnh.
Bác sĩ Lê Ngọc Dũng (ngoài cùng, bên phải) đang thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 1993, bác sĩ Lê Ngọc Dũng về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cát Bà (TP Hải Phòng); đến năm 1998 chuyển về làm việc tại Bệnh viện Bãi Cháy. Trong thời gian công tác, từ một bác sĩ đa khoa, bác sĩ Lê Ngọc Dũng chọn học CK I về hệ ngoại, học CK II ngành phẫu thuật thần kinh. Cách đây hơn 10 năm, phẫu thuật thần kinh là thách thức lớn đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, có rất ít nơi làm được. Sau 2 năm học, năm 2007, bác sĩ Lê Ngọc Dũng triển khai thành công phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Bãi Cháy, với ca đầu tiên là mổ lấy máu tụ dưới màng cứng cấp tính. Từ đó đến nay, bác sĩ Lê Ngọc Dũng đã trực tiếp điều trị, phẫu thuật cho hàng nghìn bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, thoái hoá cột sống, suy tim v.v.. Bác sĩ cũng triển khai nhiều kỹ thuật mới, khó trong lĩnh vực ngoại khoa tại Bệnh viện, như: Phẫu thuật thần kinh, nội soi, phẫu thuật mạch máu não, tuyến giáp… Đến nay, các kỹ thuật này đã được thực hiện thường xuyên tại Bệnh viện Bãi Cháy, góp phần cứu sống hàng nghìn bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Là một trong những bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh đầu tiên của tỉnh, bác sĩ Lê Ngọc Dũng còn tích cực nghiên cứu khoa học, là chủ nhiệm, thư ký của nhiều đề tài cấp tỉnh, cấp cơ sở. Hiện bác sĩ đang thực hiện đề tài “Ứng dụng giá trị đo áp lực nội sọ trong điều trị chấn thương sọ não nặng tại Quảng Ninh”, bước đầu đã thực hiện và cứu chữa cho khoảng 20 bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Trong công tác đào tạo, bác sĩ trực tiếp hướng dẫn, định hướng cho các bác sĩ trẻ trong khám, chữa bệnh và phẫu thuật. Bác sĩ Lê Ngọc Dũng còn là tấm gương sáng về y đức, hết lòng vì người bệnh. Với những sự cống hiến đặc biệt ấy, tháng 2-2014, bác sĩ Lê Ngọc Dũng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”.
“Người mẹ thứ hai” của bệnh nhi
Bác sĩ nội trú Nguyễn Thu Hà giữ cương vị Phó Khoa Nội nhi - Sơ sinh (Bệnh viện Bãi Cháy) ngay từ những ngày đầu Bệnh viện đi vào hoạt động. Trực tiếp làm việc tại Đơn nguyên Sơ sinh, hơn một năm qua, bác sĩ Nguyễn Thu Hà cùng đồng nghiệp đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, cứu sống nhiều bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo.
Bệnh nhi vào Đơn nguyên Sơ sinh thường mới được một hoặc vài ngày tuổi, nhẹ cân lại mắc bệnh bẩm sinh, hiểm nghèo. Cố gắng mang lại cuộc sống khoẻ mạnh cho các bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Thu Hà đã triển khai nhiều kỹ thuật khó, tiên tiến, lần đầu tiên thực hiện tại Quảng Ninh, như: Đặt catheter từ ngoại vi vào trung tâm; kỹ thuật theo dõi não bộ trẻ bị ngạt; thực hiện gói sàng lọc sớm các bệnh cho trẻ sơ sinh; phát hiện, điều trị các bệnh bất thường bẩm sinh ở mức độ nhiễm sắc thể; điều trị hội chứng truyền máu song thai; chăm sóc điều trị tiền, hậu phẫu các bệnh lý ngoại khoa sơ sinh v.v..
Hơn một năm qua, Đơn nguyên Sơ sinh đã điều trị, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo cho các trẻ sơ sinh cực non tháng, non tháng, trẻ nhiễm khuẩn nặng; như cứu sống bé Đặng Thị Tình, sinh non 26 tuần tuổi, nặng chỉ 900g; bé Vũ Ánh Nguyệt bị tắc tá tràng bẩm sinh, sinh non 32 tuần tuổi, nặng 1.400g. Đặc biệt, tháng 9-2014, bác sĩ Nguyễn Thu Hà và các y, bác sĩ của Đơn nguyên đã điều trị thành công cho cặp song sinh bị hội chứng truyền máu song thai - một hội chứng rất hiếm gặp trong y khoa (tỷ lệ 1/10.000 ca song thai). Đây được coi là kỳ tích trong y khoa bởi hiện ở Việt Nam vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng này.
Chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhi đã khó, cho trẻ sơ sinh càng đòi hỏi các y, bác sĩ vừa phải có chuyên môn vừa phải có tình yêu thương, nâng niu của người mẹ. Bác sĩ Nguyễn Thu Hà luôn tâm niệm lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu” và thực sự, chị đã là “người mẹ thứ hai” của hàng trăm bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo.
Người thân của nhân dân xã đảo
Hơn 20 năm nay, y sĩ Nguyễn Duy Quân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Lân (huyện Cô Tô) được người dân trên đảo coi như người nhà. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, cứ có vấn đề về sức khoẻ đều đến gặp anh nhờ thăm khám, chữa trị.
Làm Trạm trưởng ở xã đảo xa đất liền, còn nhiều khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân là điều không đơn giản đối với một y sĩ. Xác định rõ những khó khăn, vất vả ấy, y sĩ Nguyễn Duy Quân luôn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động cho Trạm một cách tỉ mỉ và toàn diện cả về công tác dự phòng cũng như khám, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Bản thân anh, bên cạnh phối hợp với đồng nghiệp, địa phương làm tốt nhiệm vụ, còn tích cực rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong suốt mấy chục năm công tác, gắn bó ở xã đảo, anh đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Bệnh nhân đến Trạm với đủ loại bệnh, anh đều dốc hết kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên môn để cứu chữa, từ chấn thương, chuyển dạ đến băng bó, tư vấn, điều trị. Những ca bệnh vượt quá khả năng, anh cùng nhân viên trong Trạm tìm mọi cách vượt sóng, gió nhanh chóng đưa người bệnh lên tuyến trên.
Sự cố gắng, nỗ lực vì người bệnh của y sĩ Nguyễn Duy Quân được các cấp ghi nhận, khen thưởng bằng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, anh được nhân dân xã đảo tin tưởng, yêu mến, coi như người thân, như “bác sĩ đa khoa” của mỗi gia đình.
Nguồn: Báo Quảng Ninh