Bác sĩ Đinh Văn Tần người bác sĩ luôn tận tụy với dân

04/08/2015 | 06:43 AM

 | 

 

Ai cũng nói ngành y là một ngành cao cả, một ngành mà có bao nhiêu người hằng mơ ước nhưng bên cạnh những ánh hào quang đó là bao nỗi vất vả trên vai một người cán bộ ngành y. Đó là những đêm thức trắng chăm lo hồi phục sức khỏe cho những người bệnh. Người thầy thuốc phải coi người bệnh đau đớn như mình đau đớn, mỗi cán bộ ngành y tế cần có đủ tài và đức để người bệnh có thể tin tưởng gửi gắm sinh mạng của mình.

Người bị bệnh thì tìm đến bệnh viện được các y bác sĩ tại các bệnh viện chăm sóc hồi phục sức khỏe, đa số người dân thường nghĩ rằng có bệnh thì vào viện ít có ai chú ý đến việc phòng bệnh hay chăm lo cho sức khỏe của mình, chỉ khi đau ốm quá hay bệnh đã nặng mới vào viện để khám thì bệnh đã nặng hoặc khó khăn hơn trong việc điều trị bệnh.

Vì người dân chưa có thói quen chú ý đến việc phòng bệnh nên những người làm công tác y tế dự phòng gặp không ít khó  khăn trong việc triển khai thực hiện các chương trình y tế tại địa phương. Song vì sức khỏe nhân dân, vì chất lượng giống nòi, vì chất lượng nguồn nhân lực, các cán bộ làm y tế dự phòng huyện Ba Vì đã không ngừng cố gắng, nỗ lực khắc phục những khó khăn để đưa công tác y tế dự phòng đến với người dân, từng bước thay đổi hành vi của người dân về các vấn đề sức khỏe theo hướng có lợi nhất. Trong những người miệt mài vì sức khỏe cộng đồng đó, có bác sĩ Đinh Văn Tần, Giám đốc TTYT huyện Ba Vì.

Vào làm việc tại TTYT huyện Ba Vì từ năm 1986 sau đó, bác sĩ Đinh Văn Tần được bổ nhiệm làm đội phó Đội y tế dự phòng, rồi là đội trưởng và đến năm 2006 TTYT huyện Ba Vì tách ra thành 2 đơn vị: Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì và TTYT Dự phòng huyện Ba Vì rồi sau này là TTYT huyện Ba Vì, bác sĩ Tần giữ chức vụ giám đốc TTYT.

Lúc đầu, TTYT chỉ có 34 cán bộ trong đó chỉ có 05 bác sĩ, đến nay, TTYT huyện Ba Vì đã có 316 cán bộ với 6 bác sĩ CKI và 27 bác sĩ, nhiều dược sĩ đại học, điều dưỡng đại học, cơ sở vật chất trang thiết bị ngày càng khang trang đầy đủ.

Với mong muốn để người dân có sức khỏe và không có bệnh dịch xảy ra trên địa bàn huyện, bác sĩ Đinh Văn Tần đã lãnh đạo đơn vị làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân huyện Ba Vì. Công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

 

Những đợt địa phương có dịch bệnh, bác sĩ Tần trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng,... nhờ vậy người dân hiểu và làm theo, dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời, đời sống người dân được ổn định. Tiếp xúc với cộng đồng không phải là chuyện dễ và không phải ai cũng làm được, đôi khi tiếp xúc với những người có thái độ không tốt nhưng bác sĩ Tần vẫn nhẹ nhàng giải thích không để họ hoang mang, và sau khi hiểu ra vấn đề người dân mới càng nể phục, kính trọng và yêu mến bác sĩ Tần nhiều hơn.

Rồi công tác tiêm chủng mở rộng cần đảm bảo an toàn tuyệt đối không để xảy ra sai xót chuyên môn, hạn chế tai biến xảy ra, bác sĩ Tần đã mời cán bộ TTYT Dự phòng Hà Nội về đào tạo, đào tạo lại và cấp chứng chỉ an toàn tiêm chủng cho cán bộ tiêm chủng của các trạm y tế xã, thị trấn. Các chương trình y tế đều được bác sĩ Tần chỉ đạo đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, vấn đề con người được hết sức chú trọng. Bác sĩ Tần luôn quan tâm đến công tác đào tạo cho nhân viên, động viên cán bộ đi học để nâng cao trình độ chuyên môn. Từ năm 2008 đến nay đã cho 36 cán bộ của trung tâm và trạm y tế đi học lên bác sĩ, cử nhân y tế công cộng, và các chuyên ngành khác.

Từ năm 2011 đến nay, TTYT huyện Ba Vì liên tiếp được phong tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; năm 2014, trung tâm đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2011, bác sĩ Tần đã được nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở...

Nghiêm khắc, quyết đoán trong công việc, giản dị, hòa đồng với nhân viên, đồng nghiệp... là những điều cán bộ, nhân viên ở TTYT huyện Ba Vì nói về bác sĩ Đinh Văn Tần. Với họ, người lãnh đạo cao nhất của đơn vị luôn gần gũi, thân thuộc như người cha, người chú, người anh em vậy.

 

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội​


Thăm dò ý kiến