Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để ngừa bệnh

21/04/2014 | 09:48 AM

 | 

Buổi giao lưu trực tuyến “Làm gì để không mắc sởi?” kết lại bằng thông điệp tới các bậc cha mẹ: Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để phòng ngừa bệnh sởi, chủ động đưa người thân có dấu hiệu bệnh sởi đến các cơ sở chữa trị.

 Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để ngừa bệnh 1.png


Buổi giao lưu trực tuyến “Làm gì để không mắc sởi?” kết lại bằng thông điệp tới các bậc cha mẹ: Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để phòng ngừa bệnh sởi, chủ động đưa người thân có dấu hiệu bệnh sởi đến các cơ sở chữa trị.

Tham gia buổi giao lưu có GS - TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS - TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; PGS - TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ; TS Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ hỏi đáp tâm huyết, buổi giao lưu đã thành công tốt đẹp. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Anh - Phó vụ trưởng Vụ truyền thông và thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, cho biết: Buổi giao lưu rất bổ ích, là dịp để bạn đọc Báo Lao Động hiểu đầy đủ hơn về tình hình bệnh sởi hiện nay, các biện pháp phòng ngừa.

Đặc biệt, cuộc giao lưu cũng đưa ra thông điệp tới các bậc cha mẹ: Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để phòng ngừa bệnh sởi, chủ động đưa người thân có dấu hiệu bệnh sởi đến các cơ sở chữa trị.

Qua đây, các cơ sở điều trị cấp dưới, các bác sĩ, y tá có thêm thông tin, định hướng điều trị tốt nhất. Đồng thời, bạn đọc và các cơ quan truyền thông sẽ hiểu thêm về công việc ngành y.

Bệnh sởi có những biến chứng gì và điều trị như thế nào? Có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sau này của trẻ không?

Nguyễn Khánh Chi, 32 tuổi, quê Quảng Ninh, nghề nghiệp: nhân viên văn phòng

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do trực tiếp virus sởi do bội nhiễm sau sởi. Biến chứng thường gây ra trên cơ địa những trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai và các bệnh lý bẩm sinh khác. Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng.

Với trẻ em, chúng ta hay gặp các biến chứng như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét miệng, viêm loét giác mạc và suy dinh dưỡng. Biến chứng viêm não thường gặp ở người lớn hơn là ở trẻ em.

Tuỳ theo những biến chứng có thể ảnh hưởng:

Ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ như: viêm phổi nặng, viêm cơ tim, viêm màng não cấp tính.

Các vấn đề có thể gây nặng nề cho cuộc sống sau này của trẻ như: Viêm loét giác mạc gây mù loà, di chứng tinh thần vận động do viêm não, viêm màng não.

Phụ nữ mang thai bị sởi: Có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, nhẹ cân hoặc thai nhiễm sởi tiêm phát.

Làm gì để tránh biến chứng:

Khi trẻ bị sởi cần đưa trẻ đi khám bệnh, bác sĩ sẽ giúp theo dõi tình trạng bệnh để xử lý các biến chứng tốt hơn.

Ví dụ để tránh viêm phổi sau sởi, cần cho trẻ ở môi trường sạch, ít tiếp xúc với các tác nhân vi khuẩn, virus khác như ít tiếp xúc với người lạ, không ở chỗ đông người trong vòng 1-2 tuần sau nhiễm virus, tích cực ăn, uống đảm bảo dinh dưỡng.

Tôi thấy các chuyên gia, bác sỹ khuyên nếu con bị mắc sởi không nên cho cháu tới các viện lớn để khám, nhất là viện nhi TƯ. Vậy nên cho các cháu khám ở đâu thì an toàn? Tôi ở Hà Nội. Xin cảm ơn

Vũ Hồng Thoan, 35 tuổi, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Khi trẻ mắc sởi, diễn biến qua nhiều giai đoạn, ngay giai đoạn đầu có các biểu hiện sốt và viêm hô hấp cần cho các em bé đi khám ngay.

Các bác sĩ sẽ giúp chẩn đoán có đúng là bệnh sởi hay không, đánh giá mức độ bệnh sởi có nặng hay không và tư vấn cho các gia đình tuỳ theo mức độ điều trị tại nhà hay phải nhập viện, khi nhập viện, cũng tuỳ theo tình trạng của em bé để có thể điều trị theo tuyến bệnh viện huyện, hay tỉnh hay trung ương.

Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để ngừa bệnh 2.png
TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ

Ví dụ như các em bé chỉ có sốt cao và phát ban nên chăm sóc tại các cơ sở huyện, phường xã. Khi các em bé có các biểu hiện biến chứng như khó thở, mệt mỏi ly bì, cần nhập các tuyến cao hơn như tuyến tỉnh.

Khi bé sốt rất khó có thể biết đó là sốt vì nguyên nhân gì. Xin bác sỹ tư vấn giúp làm thế nào để biết đó là sốt do sởi?

Nguyễn Hoàng Hà, 27 tuổi, Nhân viên văn phòng, Hà Nội

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Sởi cũng chỉ là một trong những bệnh lý nhiễm virus hoặc vi khuẩn trong môi trường có rất nhiều vi khuẩn.

Khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi, kháng thể mẹ truyền cho con giảm xuống, hệ miễn dịch chưa đầy đủ nên trẻ rất dễ nhiễm virus, vi khuẩn.

Sốt là một phản ứng nhiễm virus vi khuẩn, do vậy, khi con bị sốt cần được đi khám bác sĩ nhi khoa để xác định chẩn đoán bệnh, mức độ của bệnh, nguyên nhân của bệnh và các bệnh lý kèm theo của tình trạng bệnh đó.

Nếu bé mắc sởi có thể điều trị tại nhà không? Cách chăm sóc bé mắc sởi như thế nào?

Vũ Hải Hà, 25 tuổi, Nhân viên văn phòng, Long Biên, Hà Nội

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Lưu ý môi trường thật sạch sẽ, tối thiểu các nguồn lây nhiễm vi khuẩn, tránh tiếp xúc với người, nhà cửa sạch sẽ, uống nhiều nước hơn bình thường.

Vẫn thường xuyên lau rửa những khu vực cổ nách, bẹn, giảm thiểu nhiễm trùng.

Ăn uống một cách đầy đủ, cẩn thận, tuy nhiên không ép mà cho các em bé ăn những đồ nhẹ dễ tiêu.

Mỗi bà mẹ cần cảm nhận con mình bệnh ở mức độ nào?

Phụ nữ có thai có cách nào phòng dịch sởi không thưa bác sỹ? Nếu mắc bệnh thì điều trị thế nào?

Vũ Mai Thanh, 34 tuổi, Nhân viên bán hàng Hoàng Mai, Hà Nội

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Đúng như vậy, khi con trẻ đã có bệnh nền hô hấp sẵn có, thì dễ biến chứng hơn nhưng không có gì đáng ngại nếu tiêm phòng đầy đủ và giữ môi trường tốt.

Dấu hiện nhận biết trẻ bị sởi? Khi phát hiện trẻ bị sởi cần làm gì?

Phạm Quỳnh Vân, 32 tuổi, Nhân viên Kinh doanh, Long Biên, Hà Nội

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Khởi đầu của triệu chứng là viêm long hô hấp trên kèm theo viêm kết mạc, ho, và đặc biệt thấy xuất hiện hạt Koplik màu trắng đục nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má.

Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để ngừa bệnh 3.png
TS Trần Minh Điển trả lời bạnđọc Báo Lao Động

Sau đó, trẻ có thể sốt cao hơn ở giai đoạn toàn phát xuất hiện phát ban hồng dạng giáp khi căng da biến mất. Ban từ tai sau gáy, mặt rồi lan xuống thân. Khi ban mọc hết thì tình trạng sốt sẽ giảm và ban bay dần là giai đoạn hồi phục. Trên da để lại các vết thâm. Nếu không có các biến chứng như viêm phổi viêm tai, thanh quản, viêm não thì trẻ sẽ tự ổn định.

Có thông tin : “Hiện nay, Hà Nội chỉ có 3 bệnh viện vệ tinh có thể điều trị các ca sởi nặng là BV Thanh Nhàn, BV Đống Đa và BV Xanh Pôn”. Điều này có đúng không thưa ông?

Nguyễn Quỳnh Hoa, hoaqn@hotmail.com

PGS - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

Trước tiên, tôi phải nói rằng sởi có thể điều trị ở bất kỳ cơ sở y tế nào kể cả trạm y tế xã, phường, BV tỉnh, TƯ. Có những trường hợp nhẹ chúng ta có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Phần lớn các trường hợp mắc sởi thường nhẹ và chỉ là do sau khi mắc bệnh gây ra hiện tượng giảm miễn dịch. Người ta sợ nhất là giảm miễn dịch gây ra các bệnh khác như tiêu chảy, nhiễm trùng, viêm phổi. Quan trọng là khi mắc bệnh thì đến cơ sở y tế. Tôi cũng nhắc rằng luôn phải tới các cơ sở y tế để tránh những biến chứng nặng.

Còn ý của bạn nêu ra là do thời gian vừa qua bệnh viện Nhi TƯ quá tải và gây khó khăn cho việc tiếp nhận điều trị đặc biệt là cách ly và phòng chống các bệnh nhiễm chéo. Do đó, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã đưa ra các bệnh viện vệ tinh để giúp việc thu dung điều trị bệnh nhân tránh hiện tượng quá tải ở BV Nhi. Danh sách hiện nay không chỉ dừng ở 3 BV trên mà còn có các BV khác như BV Hà Đông, Sơn Tây, Đức Giang...

Tại sao đã tiêm phòng rồi nhưng trẻ vẫn mắc sởi? Cách phòng chống lây nhiễm bệnh sởi?

Nguyễn Anh Vũ, Sở TNMT Hòa Bình

PGS - TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

Cũng như các loại vắcxin khác, khi tiêm vắcxin  sởi thì không thể bảo vệ 100% trẻ được tiêm. Sau khi tiêm vắcxin mũi 1 lúc 9 tháng tuổi tỉ lệ trẻ được bảo vệ là 85%, và sau khi tiêm mũi 2 đúng lịch tỉ lệ bảo vệ tăng lên từ 90-95%. Vì vậy, dù có tiêm đầy đủ, đúng lịch thì vẫn còn 1 tỉ lệ nhỏ trẻ không tạo được miễn dịch bảo vệ, trẻ vẫn có thể bị mắc bệnh.

Cách phòng chống lây nhiễm bệnh sởi quan trọng nhất là tiêm vắcxin sởi đúng lịch. Ngoài ra, cần thực hiện những biện pháp không đặc hiệu sau:

Trong thời gian đang có dịch không nên cho trẻ đến những nơi đông người. Không tiếp xúc với những trẻ đang bị bệnh, đặc biệt là bệnh nhân sởi, hoặc các bệnh phát ban. Không đưa trẻ đến những nơi có khả năng nguy cơ lây nhiễm cao như vùng đang có dịch, bệnh viện, và cơ sở y tế đang thu dung và điều trị bệnh nhân sởi…

Các bà mẹ cũng không nên tiếp xúc với trẻ bị sởi hoặc những trẻ bị nghi ngờ mắc bệnh. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo, trước khi chăm sóc trẻ. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm trẻ. Giữ gìn vệ snh và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ. 

Những thuốc gì, thực phẩm gì cần tránh khi trẻ mắc sởi? Bệnh sởi khi đã chữa khỏi có tái phát?

Nguyễn Minh Quỳnh, 35 tuổi, Nhân viên văn phòng, Lĩnh Nam, Hà Nội

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Khi trẻ mắc sởi chỉ cần cho con sống trong môi trường sạch sẽ, vệ sinh thân thể, mũi miệng, tránh chỗ đông người và đặc biệt là tiêm chủng đủ, đúng là có thể tránh được bệnh sởi.

Phụ huynh học sinh đưa con em đi tiêm chủng vaccine phòng sởi, trong lúc đã có nhiều người mắc, thì có tác dụng hay không ? Sau khi tiêm bao nhiêu thời gian thì vaccine mới có tác dụng?

Vũ Thị Mai, 31 tuổi, Nội trợ, Quận Hoàng Mai, Hà Nội

PGS - TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

Khi dịch sởi đang diễn ra, những trẻ chưa được tiêm vắcxin hoặc tiêm vắcxin chưa đủ mũi rất cần được tiêm vắcxin để phòng bệnh.

Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để ngừa bệnh 4.png
PGS - TS Trần Như Dương

Thông thường, sau khi tiêm vắcxin từ 2-3 tuần sẽ tạo được miễn dịch để phòng bệnh. Nhưng cần lưu ý nếu trẻ đã bị nhiễm bệnh trước khi vắcxin phát huy tác dụng thì những trẻ đó vẫn có khả năng bị mắc bệnh. 

Nhiều trẻ đã 4-5 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi nhưng do dịch sởi đang bùng phát mạnh sợ con bị lây nhiễm có mong muốn được tiêm nhắc lại cho con có được không?

Nguyễn Tuấn Hải, 31 tuổi, Thành Phố Khánh Hòa, Nha Trang

PGS - TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

Theo hướng dẫn của tổ chức Y tế TG và của Bộ Y tế, lịch tiêm vắcxin sởi là 2 mũi vắcxin vào lúc 9 tháng và 18 tháng. Các nhà sản xuất vắcxin cũng hướng dẫn nếu được tiêm mũi 1 từ lúc 9 tháng tuổi trở ra và mũi 2 cách mũi 1 ít nhất từ 1 tháng trở lên thì vẫn có tác dụng phòng bệnh. Nếu con của chị đã được tiêm đủ 2 mũi vắcxin đúng lịch thì khả năng bảo vệ phòng bệnh sởi là rất cao (90-95%). Nên việc tiêm thêm vắcxin là chưa cần tiết.

Vừa qua tôi nghe nói có rất nhiều trẻ em tới BV nhi TƯ khám thì về nhà bị mắc sởi. Có trẻ đã tử vong. Xin hỏi Bộ Y tế đã điều tra rõ ràng chưa? Bộ có trách nhiệm về vấn đề này như thế nào?

Trần Thu Trang, 31 tuổi, Nhân viên vệ sinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Khi trẻ đến khám tại BV Nhi TƯ, nếu như 7 ngày sau khám tại BV mà phát ban thì có thể có liên quan đến việc lây nhiễm chéo tại BV, nhưng nếu như dưới 5 - 7 ngày đã phát ban thì có thể do trẻ nhiễm virus sởi từ trước khi đến BV. Thời gian ủ bệnh từ lúc bắt đầu tiếp xúc với virus đến lúc phát ban là 7-21 ngày (trung bình là 10 ngày).

Vấn đề tử vong của các em bé đã được kiểm tra từng hồ sơ, có nhiều nguyên nhân khác nhau:

Có một số các em bé tử vong liên quan trực tiếp virus sởi, một số em bé liên quan đến biến chứng viêm phổi sau sởi và có một tỷ lệ lớn các em bé có các bệnh lý kết hợp với sởi như tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hoá, đẻ non loạn sản phổi, bệnh đao... các số liệu này được Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế phân tích kỹ đề nghị xem trong cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Bệnh sởi bắt đầu từ tháng 1.2014 (trước Tết nguyên đán). Ca tử vong đầu tiên được BV Nhi TƯ thông báo với Bộ Y tế. Ngay lập tức, Bộ Y tế đã có chỉ đạo về các biện pháp phòng chống Bệnh sởi, và trực tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến khu vực dịch tễ có bệnh sởi là tỉnh Yên Bái để chỉ đạo phòng và chống bệnh sởi. Và liên tục có các sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý khám chữa bệnh và các vụ cục liên quan liên tục hỗ trợ cho BV Nhi TƯ. Tuy nhiên, các bệnh nhân vẫn bỏ qua phân tuyến chuyên môn kỹ thuật để lên thẳng BV Nhi TƯ.  

Vì sao ở phía Nam cũng có bệnh nhân sởi, nhưng không thấy ca nào tử vong? Sao chỉ toàn trẻ em tử vong?

Nguyễn Đình Thiêm, 45 tuổi, Hải Dương

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Trước hết, đặc tính khí hậu hai vùng khác nhau. Khu vực phía Nam, thời tiết nóng. Khu vực phía Bắc lạnh, ẩm, kéo dài từ trước tết đến nay, là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển.

Khi một em bé nhiễm sởi, giai đoạn 1-2 tuần sau là giai đoạn suy giảm miễn dịch. Do vậy, các em bé dễ mắc các virus và vi khuẩn khác như virus cúm, virus hợp bào virus ở môi trường xung quanh làm cho biến chứng bệnh lý nặng thêm.

Cũng như một số bệnh lý khác, ở miền Nam có xu hướng trội hơn như bệnh chân tay miệng.

Một vấn đề khác về y tế là ở phía Bắc chỉ có 1 bệnh nhi TW là trung tâm nhi khoa khu vực miền Bắc. Tất cả các bệnh nhân nặng đều đổ dồn về BV Nhi TƯ. Thậm chí cả những ca bệnh nhẹ có thể điều trị ở tuyến huyện và tuyến tỉnh cũng đến BV Nhi TƯ, bỏ qua các vấn đề về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. Do vậy làm cho BV quá tải và nguy cơ số các em bé mắc bệnh nặng lây chéo nhiều hơn.

Ngược lại ở khu vực phía nam, có bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi Đồng 2, các tuyến quận, huyện giữ vững được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. Do vậy, lượng Bệnh nhân nhẹ, vừa được giải quyết ngay tại phân tuyến cơ sở.

Bộ Y tế có định hướng việc truyền thông về dịch và tiêm phòng thế nào không, để người dân vừa hiểu về dịch, nhưng cũng không sợ đi tiêm phòng?

Đào Thanh Tùng , tungdt@yahoo.com.vn

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Chúng ta cần lưu ý rằng tiêm phòng là tránh bệnh tật cho bản thân và cho cả cộng đồng cho ngày hôm nay và cho cả ngày mai vì một xã hội giảm bớt bệnh tật, ốm đau.

Trong thời gian gần đây, tâm lý các bà mẹ lo lắng không muốn cho con đi tiêm phòng vì sợ các tai biến liên quan đến tiêm chủng. Bản thân tôi nghĩ rằng, mỗi mũi tiêm đều có những nguy cơ rủi ro, nhưng trước hết, đấy chỉ là số rất ít, tỉ lệ rất nhỏ. Do vậy, chúng ta phải vượt qua sự e ngại về các biến chứng, rủi ro tiêm chủng để đưa con trẻ đi tiêm.

Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để ngừa bệnh 5.png
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế trả lời bạn đọc 

Những suy nghĩ, việc làm sai lầm của cha mẹ, người lớn khi con mắc bệnh sởi?

Trần Văn Xuân, Nhân viên tiếp thị, Thái Nguyên

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Trong điều trị bệnh lý sởi, hầu hết đều điều trị tại gia đình. Do vậy phụ huynh cần hiểu nguyên tắc điều trị bệnh sởi.

1. Điều trị hỗ trợ, vệ sinh mắt, miệng, họng.

2. Tăng cường dinh dưỡng, uống đầy đủ nước. Ăn lỏng, chia nhiều bữa.

3. Hạ nhiệt khi có sốt cao.

4 Bổ sung vitamin A.

Ngoài ra, vấn đề về môi trường cũng hết sức quan trọng. Cần giữ môi trường xung quanh trẻ hoàn toàn sạch sẽ: Đồ đạc khu vực vệ sinh, giường nằm, chăn chiếu, quần áo... và đặc biệt, không nhiều người thăm nom trẻ, tránh ôm hôn trẻ, dễ nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus từ người lành mang bệnh, làm tình trạng bệnh của trẻ trở nên nặng hơn.

Vệ sinh thân thể trẻ là rất quan trọng, cần phải lau rửa cho trẻ, đặc biệt các khu vực hốc tự nhiên như: Mắt mũi, bộ phận sinh dục, hậu môn. Ở giai đoạn ủ bệnh và toàn phát, một số các bà mẹ hiện nay sử dụng hạt mùi là không đúng vì hạt mùi tính nóng làm cho trẻ dễ sốt cao hơn. Sử dụng hạt mùi có thể ở các giai đoạn muộn khi ban bay bảo vệ da. 

Triệu chứng ban đầu của sởi là sốt cao, ho…rất giống với triệu chứng của các bệnh khác. Vậy làm thế nào để phân biệt triệu chứng của bệnh sởi để phát hiện sớm?

Hoàng Khánh Thi, Nhân viên kế toàn DN FDI, TPHCM

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Cần phân biệt một số bệnh khác với sởi. Ví dụ như bệnh phát ban do rubella nguyên nhân cũng do virus gây ra nhưng mức độ viêm long hô hấp, viêm kết mạc mắt ít hơn. Phát ban không theo trình tự từ đầu xuống chân tay.

Những bệnh nhiễm virus khác như virus đường ruột (enterovirus) hay bệnh lý chân tay miệng những ban này thông thường ở chân tay có những nốt phỏng trong ban kèm theo rối loạn tiêu hoá.

Bệnh Kawasaki làm bệnh nhi sốt cao khó hạ, môi lưỡi đỏ như quả dâu tây và phát ban không theo thứ tự.

Bệnh phát ban dị ứng, nổi sẩn to, kèm theo ngứa, có nguyên nhân dị ứng.

Dân gian nói để phòng sởi tốt nhất nhiều người kiêng trẻ ra gió. Điều đó có đúng?

Trần Thái Khang, Gia Lâm, HÀ NỘI

PGS - TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

Khi trẻ bị mắc bệnh sởi hệ thống miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng nên rất dễ bị bội nhiễm với các vi khuẩn virus khác. Đặc biệt, khi trẻ bị nhiễm lạnh thì khả năng bị bội nhiễm với các tác nhân khác là rất cao. Việc kiêng gió ở đây, trong dân gian có thể được hiểu chính là để tránh cho trẻ bị nhiễm lạnh và từ đó làm giảm các biến chứng sau sởi, đặc biệt là viêm phổi. Tuy nhiên, việc "kiêng" gió này, nên được hiểu là: cho trẻ bị mắc bệnh sởi nằm chăm sóc ở những nơi ấm áp, sạch sẽ, thoáng nhưng kín gió. 

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Không gọi là kiêng gió, khi trẻ bị sởi, cần phải được ở trong môi trường, thoáng, sạch, không khí thay đổi thường xuyên như mở cửa sổ 1 ngày 3-4 lần vào lúc thời tiết tốt để thay đổi không khí, tránh không khí lưu cữu tích trữ nhiều virus vi khuẩn.

Với các bé chưa tới tuổi tiêm phòng dịch sởi, xin bác sỹ tư vấn giúp tôi cách nào phòng ngừa sởi cho cháu?

Ngyễn Đình Phương, 27 tuổi, Kinh doanh, Hà Nam

PGS - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

Về lý thuyết, nếu bạn đã mắc sởi hoặc đã được tiêm phòng sởi thì bạn đã có miễn dịch phòng bệnh với sởi và bạn đã truyền miễn dịch cho con bạn sau khi sinh đến 9 tháng tuổi. Và thường trẻ em cũng không bị mắc sởi trong giai đoạn dưới 9 tháng tuổi. Tuy vậy, cũng có những trường hợp trẻ em dưới 9 tháng tuổi mắc sởi do không nhận dược miễn dịch của mẹ truyền sang.

Để phòng ngừa cho con bạn tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với nguồn lây. Nghĩa là trong thời điểm có dịch bạn không cho con tiếp xúc với các bệnh nhân sởi và hạn chế đi đến những nơi đông người vì ở đó có thể có những bệnh nhân sởi ở giai đoạn ủ bệnh mà chúng ta không biết. Bệnh sởi là bệnh lây lan rất nhanh và rất mạnh và gần như 100% những trẻ bị nhiễm sởi thì đều biểu hiện bệnh.

Nhiều phụ nữ có thai sợ mắc sởi ảnh hưởng đến thai nhi nên đã đề nghị được tiêm phòng vắc xin sởi. Vậy phụ nữ có thai có nên tiêm hay không?

Nguyễn Hải Dương, 28 tuổi, Lái xe taxi, Khánh Hòa, Nha Trang

PGS - TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

Vắc xin Sởi là vắc xin sống, cho nên hoàn toàn chống chỉ định với phụ nữ có thai. Bởi vì, virus của vắcxin từ người mẹ có thể xâm nhập và nhân lên trong bào thai và gây nên những bất lợi cho sự phát triển của thai nhi. 

PGS - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

Tất cả các lứa tuổi thì đều có thể tiêm phòng vắc xin sởi nếu như chưa được tiêm hoặc chưa bị mắc sởi. Tuy vậy, vắc xin sởi không có chỉ định tiêm cho phụ nữ có thai. Nếu bạn đã mắc sởi thì khi con bạn sinh ra sẽ có miễn dịch với sởi từ mẹ truyền cho con đến khoảng 9 tháng tuổi.

Nhưng nếu bạn vẫn chưa mắc sởi hoặc bạn chưa tiêm vắc xin sởi thì có nghĩa là bạn cũng chưa có miễn dịch về sởi và con bạn khi sinh cũng không có miễn dịch với sởi.

Vì vậy, tôi khuyên bạn không tiêm vắc xin sởi trong thời gian có thai nhưng sau khi sinh thì bạn có tể đi tiêm phòng sởi và bạn  cũng phải giữ gìn sức khỏe cho con bạn để tránh tiếp xúc với nguồn lây và đến 9 tháng tuổi thì sẽ đi tiêm phòng sởi mũi 1 cho con bạn.

Con tôi chưa tiêm phòng vắc xin sởi nhưng cháu đã từng mắc bệnh và đã khỏi. Cháu hiện 18 tháng. Xin hỏi cháu có cần tiêm vắc xin nữa không thưa bác sỹ?

Trần Vân Hà, 29 tuổi, Giáo viên, Vũ Thư, Thái Bình

PGS - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

Về mặt lý thuyết, nếu con bạn đã mắc sởi thì có miễn dịch bền vững và sẽ không bao giờ bị mắc sởi nữa. Tuy vậy,việc chẩn đoán bệnh nhân bị mắc sởi với các bệnh sốt phát ban khác là có thể xảy ra ở rất nhiều trường hợp. Chính vì vậy, chúng ta cũng không thể chắc chắn 100% con bạn đã mắc sởi hay chưa. Vì vậy chúng tôi khuyên bạn  phải đưa cháu đi tiêm chủng để bảo vệ cho con bạn không bị mắc sởi nếu như lần chẩn đoán vừa rồi là sai.

PGS - TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

Trẻ sau khi bị mắc bệnh sởi sẽ tạo được miễn dịch bền vững suốt đời và trẻ không bị mắc sởi lần thứ 2. Như vậy, nếu trẻ được chẩn đoán chắc chắn là mắc sởi bằng xét nghiệm thì sẽ không cần phải tiêm vắcxin sởi nữa. Tuy nhiên, tất cả những trường hợp sốt phát ban nghi sởi mà không được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm thì những trẻ này vẫn phải thực hiện tiêm vắcxin sởi theo đúng lịch quy định. 

Theo quy định, trẻ em từ 9 tháng tuổi mới được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1. Nếu trẻ tiêm vắc xin sởi trước 9 tháng tuổi thì tác dụng phòng bệnh của mũi vắc xin đó như thế nào và có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ không?

Trần Khánh Hòa, Nhân viên văn phòng, Hà Nội

PGS - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

Mỗi một loại vắc xin thì được tiêm chủng theo các thời gian khác nhau, ví dụ như bạch hầu, ho gà, uốn ván thì được tiêm cho trẻ lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Bại liệt cũng cho trẻ uống cũng vào thời điểm đó. Riêng vắc xin sởi thì tiêm mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi cho trẻ. Lúc đó, miễn dịch của mẹ truyền cho con đã giảm nhiều và chúng ta tiêm vắc xin lúc đó giúp cho trẻ có miễn dịch mới để bảo vệ bệnh. Nếu con bạn tiêm vào lúc trước  9 tháng tuổi thì tôi nghĩ rằng bạn cần phải tiêm lại mũi này. Tất nhiên mũi tiêm lại này phải cách mũi trước 9 tháng kia ít nhất 30 ngày. Con bạn tiếp tục phải tiêm sởi mũi hai vào lúc 18 tháng tuổi thay vì trẻ khác chỉ tiêm hai mũi vào lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi.

PGS - TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

Theo quy định hiện nay, mũi vắcxin sởi đầu tiên sẽ được thực hiện vào lúc trẻ được 9 tháng tuổi. Việc tiêm vắcxin sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ không tạo được miễn dịch đầy đủ để phòng bệnh sởi do hệ thống miễn dịch của trẻ đáp ứng đối với vắcxin sởi lúc này chưa được tốt. Bên cạnh đó, trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn còn 1 phần kháng thể do mẹ truyền sang và những kháng thể này sẽ làm mất tác dụng của vắcxin.

Nhìn chung, hiện tại không có chỉ định tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu vì một lí do gì đó, trẻ được tiêm trong thời gian sớm hơn 9 tháng tuổi, thì cũng không quá ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và những trẻ này sau đó phải được tiêm chủng đúng lịch như quy định để phòng bệnh.

Tiêm phòng sởi là cách duy nhất để ngừa bệnh 6.png
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang trả lời câu hỏi của bạn đọc 

TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi TƯ:

Trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa có chỉ định tiêm phòng vaccine sởi vì cơ thể thể trẻ được truyền kháng thể từ mẹ qua. Khi trẻ ở trong vùng bị phơi nhiễm sởi (tiếp xúc với người nhiễm sởi), hoặc mẹ trẻ không có miễn dịch với sởi.

Do vậy, cần có tư vấn kỹ càng hơn cho từng trường hợp trẻ để có các giải pháp tiêm Gamma Globuline.

Khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời. Vậy nên đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp nào? Làm sao biết cơ sở y tế đủ năng lực chữa bệnh sởi?  Có thông tin “tắm hạt mùi để phòng sởi không hiệu quả”, điều này có đúng không? Có thông tin bệnh nhân bị sởi vào viện sẽ dễ mắc thêm nhiều loại vi khuẩn, virus khác. Nếu phân tán bệnh nhân về các bệnh viện vệ tinh hoặc cho bệnh nhân nhẹ điều trị ngoại trú thì có phải mang nguồn bệnh về nhà không? Cách chăm sóc bệnh nhân tại nhà như thế nào? Kháng sinh hiện nay không có tác dụng với virus sởi đã biến đổi, có đúng không? Trong tình hình quá tải hiện nay, có nên thành lập một bệnh diện dã chiến chuyên dành cho việc điều trị bệnh sởi không? Có thông tin Sở Tài chính, Sở KH&ĐT có kế hoạch bổ sung kinh phí và trang bị máy móc phương tiện cho các đơn vị y tế để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch có đúng không? Phụ huynh học sinh đưa con em đi tiêm chủng vaccine phòng sởi, trong lúc đã có nhiều người mắc, thì có tác dụng hay không ? Sau khi tiêm bao nhiêu thời gian thì vaccine mới có tác dụng?

Nguyễn Thị Hạnh, Vũ Thị Mận, 66 tuổi, địa chỉ: 524 Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nghề nghiệp: hưu trí

PGS - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

Trước tiên, khi mắc sởi thì có biểu hiện thông thường như ho, viêm long dường hô hấp, phát ban. Thường lo ngại nhất là trẻ sau khi mắc bệnh là duy giảm miễn dịch sẽ bị những biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy, viêm tai giữa, viêm màng não và nếu không được điều trị tốt và kịp thời thì bệnh sẽ diễn biến nặng và có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy khi trẻ mắc sởi thì cũng có thể điều trị ở nhà hoặc tất cả các sơ sở y tế đều có thể điều trị được.

Hiện nay chúng tôi đang khuyến cáo các bà mẹ không nên đưa con đến thẳng tuyến TƯ mà cần đưa trẻ đến khám và chẩn đoán tại các cơ sở y tế gần nhất. Với những trẻ bị biến chứng nặng thì phải đến cơ sở y tế phù hợp. Những bệnh nhân ở mức nhẹ thì điều trị ở tuyến y tế cơ sở, những bệnh nhân nặng thì điều trị ở tuyến cao hơn phù hợp.

Về việc tắm hạt mùi thì hoàn toàn không có khả năng phòng bệnh.

Đối với gia đình có trẻ bị mắc bệnh sởi mà không cần phải điều trị tại bệnh viện, trẻ có thể được điều trị ngoại trú tại nhà. Tuy nhiên, trẻ cần được cách ly và tránh tiếp xúc với những người xung quanh. Người lớn và trẻ lớn đã mắc sởi và được tiêm phòng sởi thì sẽ không bị lây bệnh sởi thì có thể chăm sóc trẻ mà không sợ bị lây bệnh. Trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng tốt và vệ sinh thân thể và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Các bà mẹ cần theo dõi chặt chẽ để xem trẻ có biểu hiện biến chứng bất thường như ho nhiều, khó thở, sốt cao kéo dài... hay không.

Đề phòng bệnh sởi, cách tốt nhất là tiêm phòng vắc xin đúng lịch và đủ liều. Đối với việc sử dụng kháng sinh thì chỉ dùng trong trường hợp bị bội nhiễm do vi khuẩn và phải tuân thủ theo chỉ định của cơ sở y tế.

Về việc đầu tư của HN thì bạn có thể liên hệ trực tiếp với Sở y tế HN, tôi được biết HN rất quan tâm với việc phòng chống dịch và đã có đầu tư thích đáng.

Đối với ý kiến thành lập bệnh viện dã chiến, tôi cho rằng việc cách ly điều trị ở bệnh viện đảm bảo thì không cần thành lập bệnh viện dã chiến.

Vắc xin sởi là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Sau khi tiêm phòng vắc xin thì khoảng hai tuần sau đó trẻ sẽ có kháng thể để bảo vệ phòng bệnh sởi.

                                                                                                    (Theo Lao động)


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam

Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 09:39

Họp triển khai xây dựng dự án Luật Phòng bệnh

Thứ Năm, ngày 24/04/2025 05:46

Bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm 2025

Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 07:34

Mời cung cấp báo giá dịch vụ chỉnh lý tài liệu lưu trữ

Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 07:17

Nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ sinh non tại Việt Nam

Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 06:46

Tăng đầu tư cho y tế người dân được tiếp cận dịch vụ phòng bệnh sốt rét hiệu quả

Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 06:42

Bộ Y tế cảnh báo không mua, sử dụng 2 loại thực phẩm cho trẻ bị nghi giả

Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 06:40

Tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao, có nơi gần 120 trẻ trai/100 trẻ gái

Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 06:38

Tham gia khảo sát về HPV để nhận ngay kiến thức về chăm sóc sức khỏe và cách dự phòng lây nhiễm HPV

Thứ Năm, ngày 24/04/2025 06:33

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức tháp tùng Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Lào

Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 05:38

Danh sách tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự nhà nước

Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 01:52

Bộ Y tế tiếp nhận, bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo

Thứ Năm, ngày 24/04/2025 07:40

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Thứ Năm, ngày 24/04/2025 07:33

Danh sách tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự nhà nước

Thứ Hai, ngày 21/04/2025 03:05

Công bố danh sách tập thể, cá nhân ngành Y tế được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba

Thứ Năm, ngày 24/04/2025 00:30

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp chẩn đoán nhanh và chính xác hơn các bệnh lý tim mạch, đột quỵ

Thứ Ba, ngày 22/04/2025 08:46

Hội nghị triển khai bệnh án điện tử và các nhiệm vụ của Đề án 06

Thứ Năm, ngày 24/04/2025 07:44

Rà soát, thanh tra các cơ sở mầm non nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho trẻ em

Thứ Năm, ngày 24/04/2025 03:14

Thăm dò ý kiến