Nghị quyết 30 tạo cơ sở thực hiện thành công chiến lược vaccine COVID-19

27/09/2022 | 19:50 PM

 | 

Các chính sách, biện pháp mạnh mẽ trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết 30 đã tạo cơ sở pháp lý kịp thời để Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chủ động đưa ra các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong chỉ đạo, lãnh đạo phòng, chống dịch ở mức cao mà vẫn ổn định tâm lý người dân...

Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 (Nghị quyết 30) sáng 27/9. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.

Nghị quyết - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Tạo nền tảng pháp lý huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch COVID-19

Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất, sau khi triển khai các chính sách phòng, chống dịch quy định tại Nghị quyết 30, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép triển khai các biện pháp cấp bách, tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh gây ra, góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4.

Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vaccine và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định

Nghị quyết số 30 cũng tạo nền tảng pháp lý huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch. Tại đợt dịch thứ 4, trong thời gian ngắn đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300 nghìn lượt cán bộ của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch. Cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc.

Các địa phương nhận định, Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30, đặc biệt thực hiện thành công chiến lược vaccine và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch tại những thời điểm quyết định.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, góp phần đưa Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh nguy hiểm chưa từng có trong tiền lệ.

Nghị quyết - Ảnh 2.

Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: VGP/ Đình Nam)

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại cuộc họp cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 30.

Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh.

Một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Việc triển khai mua sắm còn rất hạn chế, đặc biệt tại các địa phương, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bùng phát; ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng còn bộc lộ hạn chế, hiệu quả chưa cao; việc tích hợp thành một ứng dụng duy nhất trong quản lý, truy vết, tổ chức khám, tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý đi lại còn chậm, chưa tạo thuận lợi cho người dân...

Việc chi trả phụ cấp chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là nhân viên y tế tại một số địa phương thực hiện còn chậm, thủ tục còn rườm rà...

Mặc dù Nghị quyết số 30 đã cho phép việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế; tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc triển khai mua sắm còn rất hạn chế, đặc biệt tại các địa phương dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Kiến nghị kéo dài thời gian gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc

Yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 chưa có tiền lệ, vô cùng phức tạp, rất khó lường, đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội, thậm chí là nền tảng chính trị của một số quốc gia.

Đến nay, thống kê chưa đầy đủ, thế giới có trên 620 triệu người mắc COVID-19, có 6,5 triệu người chết. Cả những nước có hệ thống y tế hùng mạnh cũng "thất thủ". Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, thu nhập trung bình thấp, nền y tế dù phát triển hơn so với các nước cùng trình độ nhưng chưa thể bằng các nước phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trên hết, trước hết. Trong quá trình chỉ đạo phòng, chống dịch, nhiều vấn đề phát sinh chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành.

Nghị quyết - Ảnh 3.

Hội nghị nối điểm cầu Chính phủ với các địa phương (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Do đó, ngay tại Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30, trong đó quy định về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết để giải quyết những vướng mắc rất cụ thể của các bộ, ngành, địa phương. Điều đó thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần "tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân".

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế bổ sung, làm rõ hơn các vướng mắc về thể chế cần tiếp tục được hoàn thiện, thẩm quyền, trách nhiệm ở cấp nào; quan điểm, hướng xử lý đối với việc mua sắm cao hơn so với nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp thu những kiến nghị liên quan tới việc kéo dài thời gian gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc; tiếp tục thực hiện cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người mắc COVID-19; đánh giá sâu hơn các chế độ, chính sách hỗ trợ người dân để bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác y tế Việt Nam và Liên bang Nga

Thứ Tư, ngày 15/01/2025 07:58

Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện lấy, ghép gan

Thứ Tư, ngày 15/01/2025 01:35

Huế ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi, bác sĩ đưa ra khuyến cáo

Thứ Tư, ngày 15/01/2025 01:32

Gia hạn giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến 30/6/2025

Thứ Tư, ngày 15/01/2025 01:30

Bệnh viện Phổi Trung ương sẵn sàng đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Thứ Tư, ngày 15/01/2025 01:14

Mở rộng và nâng cao chất lượng, kỹ thuật y tế để phục vụ và chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân

Thứ Tư, ngày 15/01/2025 01:10

Bộ Y tế bổ nhiệm lại một số lãnh đạo đơn vị

Thứ Ba, ngày 14/01/2025 05:44

Thăm dò ý kiến