Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng trong giới trẻ
25/09/2024 | 07:00 AM
|
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối đe dọa đối với lối sống và sức khỏe người dân. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLĐT, TLNN) có xu hướng gia tăng trong giới trẻ. Do đó, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ đối với loại thuốc lá mới này.
Những con số đáng ngại
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể. (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%;Nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và Nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy: chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp. Thời gian sử dụng: Sử dụng lần đầu tiên: 81 người; Đã từng dùng một thời gian: 1.143 người.
Nghiên cứu mới được của Trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies mới công bố cho thấy, trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam. Kết quả có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.
Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.
GS.TS. Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế công cộng, cho biết tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên Việt Nam rất đáng lo ngại
GS.TS. Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Y tế Công cộng cho rằng, đây là xu hướng đáng lo ngại, vì nó có thể đảo ngược những nỗ lực kiểm soát việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên đã được triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua. Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống. GS. Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC đã chia sẻ những phát hiện đáng lo ngại từ thông tin nhóm nghiên cứu của ông thu thập được.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khẳng định: “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng TLĐT, TLNN ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.” TLĐT, TLNN đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không phê duyệt sản phẩm TLNN, IQOS là “giảm hại”. FDA chỉ phê duyệt IQOS là sản phẩm điều chỉnh nguy cơ, và bác bỏ tuyên bố rằng việc sử dụng sản phẩm này ít gây hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá khác.
Thực tế cho thấy, các quốc gia cho phép các sản phẩm TLĐT, TLNN nhưng ban hành các chính sách về cấm bán cho trẻ vị thành niên đã thất bại trong việc ngăn chặn giới trẻ sử dụng.
Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng TLĐT ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021.
Chiêu trò của các công ty thuốc lá
Các tập đoàn thuốc lá thường truyền thông họ là các công ty có trách nhiệm với cộng đồng, nhưng thay vì khuyên mọi người bỏ thuốc thì họ thường xuyên đưa ra thông điệp để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hoặc dùng loại thuốc lá thông thường hay dùng thuốc lá điện tử/ thuốc lá nung nóng. Họ đưa ra hướng tiếp cận giảm tác hại của thuốc lá điếu thông thường bằng việc sử dụng thuốc lá nung nóng (TLNN). Mới đây STOP - mạng lưới các tổ chức y tế công cộng và học thuật, kết nối các chuyên gia để theo dõi mọi khía cạnh của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm phát hiện, vạch trần và chống lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành công nghiệp thuốc lá hoạt động trên toàn cầu như một phần của Sáng kiến Bloomberg nhằm giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá công bố tài liệu cho thấy, Philip Morris Nhật Bản (PMJ) đã có chiến lược gây ảnh hưởng nhằm đạt được sự ủng hộ đối với sản phẩm thuốc lá nung nóng IQOS. Những tài liệu này đã được báo chí nước ngoài như tờ Nhật báo hôm nay, thế giới ngày mai, The Guardian (Global/UK);The Lancet Oncology (Global/UK); Tờ La Folha de Sao Paulo (Brazil); El Heraldo de Mexico (Mexico);Son Dakika (Turkiye); Rambler (Russia)…đăng tải.
Theo đó, Philip Morris International (PMI) đã tuyên bố rằng các sản phẩm “thuốc lá không khói”, bao gồm IQOS (I quit ordinary smoking) “một ngày nào đó sẽ thay thế thuốc lá điếu”. PMI cho biết IQOS chỉ dành cho những người hút thuốc đã trưởng thành, những người sẽ tiếp tục hút thuốc lá. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy PMI có kế hoạch lớn hơn cho IQOS. Mục tiêu rõ ràng và càng ngày càng có nhiều người bị cuốn hút vào một sản phẩm có hại.
Phân tích của STOP về kế hoạch tiếp thị của Philip Morris Japan (PMJ) tại Nhật Bản cho thấy PMJ lên kế hoạch cho một chiến lược đa hướng nhằm tác động đến các nhà hoạch định chính sách ở địa phương, khu vực, quốc gia và thậm chí ở cấp độ quốc tế để tác động đến các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm tạo ra sự chấp nhận rộng rãi đối với IQOS. Các đối tượng được PMJ nhắm đến trong kế hoạch của họ bao gồm các chính trị gia, các nhóm y tế và các tập đoàn khách sạn, Cơ quan Quản lý Thảm họa và Hỏa hoạn Nhật Bản, những nơi mà nếu IQOS được thông qua sử dụng, có thể giúp họ dựng lên vỏ bọc chứng minh sản phẩm này vô hại và được chấp nhận rộng rãi.
Jorge Alday, Giám đốc của STOP cho biết: “Một điều ngày càng rõ ràng là những lời hứa của Philip Morris International là không thể tin được”. “Ý định của PMI với IQOS dường như vượt xa những gì họ đã tuyên bố.
Thiết bị sử dụng thuốc lá điện tử của một học sinh.
Tại Hội thảo khoa học về “Phòng chống tác hại của thuốc lá mới: Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới” vừa diễn ra tại Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC), Giám đốc điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) Bungon Ritthiphakdee nhận định, ngành công nghiệp thuốc lá đang tìm cách “lách” các quy định quản lý bằng việc giới thiệu các sản phẩm mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhằm đối phó với các quy định ngày càng nghiêm ngặt đối với thuốc lá truyền thống.
Thực tế, cộng đồng y tế toàn cầu đã ghi nhận một số trường hợp tổn thương phổi do thuốc lá điện tử (hay gọi là EVALI). Theo đó, các sản phẩm thuốc lá mới được cho là có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt đối với não bộ đang phát triển của trẻ vị thành niên.
GS. Becky Freeman, Trường Y tế công cộng ĐH Sydney (Úc), cho biết tại Úc thuốc lá điện tử chỉ được bán tại hiệu thuốc với các quy định nghiêm ngặt
Đồng tình với quan điểm này GS. Becky Freeman, Chuyên gia từ Trường Y tế công cộng, Đại học Sydney (Úc), cho biết: “Các công ty thuốc lá đang sử dụng những chiến thuật quảng cáo tinh vi để thu hút giới trẻ, đặc biệt là thông qua mạng xã hội. Họ tạo ra những hình ảnh hấp dẫn, sử dụng người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm và đưa ra những thông tin sai lệch về độ an toàn của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”.
Với sự nhanh nhạy của các công ty thuốc lá, nếu nước ta không có các giải pháp sớm và mạnh mẽ sẽ khiến cho tỷ lệ hút thuốc lá mới có nguy cơ tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và giống nòi của Việt Nam./.
Tin liên quan
- Bệnh nhân suy gan cấp hồi phục kỳ diệu sau 5 tháng điều trị, chưa cần ghép gan
- Thuốc kháng virus thế hệ mới mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch HIV/AIDS
- New Zealand ngừng xuất khẩu gia cầm sau khi phát hiện gà nhiễm cúm H7N6
- Cụ ông 86 tuổi để lại di nguyện hiến mô tạng hồi sinh sự sống cho bệnh nhân khác
- WHO: Tử vong do nhiễm HIV/AIDS tăng vọt ở Tây Thái Bình Dương
- Diễn biến mới về bệnh bạch hầu ở Cao Bằng
- Khuyến khích người dân tham gia phòng, chống ngộ độc thực phẩm