Tìm lại nụ cười cho trẻ mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng
09/07/2024 | 08:51 AM
|
Bệnh viện E tiếp tục phối hợp với Tổ chức Operation Smile tổ chức chương trình khám, điều trị và phẫu thuật miễn phí dành cho người bệnh mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác, mang lại nụ cười trẻ thơ cho các em.
Bác sĩ khám sàng lọc cho bệnh nhi.
Ngay từ sáng sớm 8/7, đã có khoảng 113 trẻ mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác đến Bệnh viện E với mong muốn được phẫu thuật trong dịp này.
Trong đó, hầu hết là trẻ bị dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm chưa được phẫu thuật hoặc đã phẫu thuật có nhu cầu sửa sẹo, đóng lỗ thông vòm miệng và một số trường hợp bị sụp mi, dị tật tai, khuyết tật vận động… đến từ Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Hà Nội, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh…
Tại bàn khám của Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Hà Trung - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt đã khám và tư vấn cho bé
Bé Ngô Tuấn Phúc (2 tuổi, ở xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) bị dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng rất nặng, khe hở môi toàn bộ hai bên, khe hở cung răng… Do điều kiện gia đình khó khăn, do đó đây là lần đầu tiên bé được bố địu xuống Hà Nội với mong muốn giúp con lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác.
Anh Ngô Văn Lành (sinh năm 1991, bố bé) chia sẻ, bé là con út trong gia đình có 5 anh chị em, trong quá trình mang thai người mẹ không may có bị ốm và có sử dụng thuốc kháng sinh làm ảnh hưởng đến thai nhi. Trong quá trình khám thai, gia đình được bác sĩ thông báo con bị dị tật bẩm sinh từ trong bụng mẹ, tuy nhiên gia đình vẫn hy vọng điều diệu kỳ đến với con khi được sinh ra...
Do dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng phức tạp nên bé không bú sữa mẹ, gia đình phải đút từng thìa sữa ngoài nuôi con lớn khôn.
Bệnh nhi dị tật bẩm sinh được thăm khám, sắp xếp lịch phẫu thuật.
Trường hợp bé Trương Anh Đức (sinh năm 2011) và bé Trương Anh Tài (sinh năm 2012) là 2 anh em ruột trong một gia đình nghèo ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đều không may mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện E; giảng viên Bộ môn Phẫu thuật miệng hàm mặt, Đại học Y Dược-Đại học Quốc gia Hà Nội đã khám và tư vấn phẫu thuật cho hai bé.
Bé Trương Anh Đức bị dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng đã được phẫu thuật 2 lần; bé út Trương Anh Tài bị dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng nặng hơn, bé đã trải qua 6 lần phẫu thuật để được lành lặn như hiện tại. Gánh nặng đè nặng trên đôi vai gầy gò của chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1974, mẹ hai bé Anh Đức, Anh Tài) khi đưa cả 2 con của mình vượt hơn 300 km để tìm lại nụ cười hạnh phúc của con.
Sau khi khám sàng lọc, các bác sĩ của Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện E quyết định điều trị, phẫu thuật ghép xương che phần khuyết thiếu cho bé Anh Tài và tháo vít cho bé Anh Đức.
Tiếp nối những thành công đã đạt được trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe trẻ em, sau khi khám sàng lọc, sẽ có 100 người bệnh được phẫu thuật trong 2-3 tuần tới.
Chương trình lần này, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho các trẻ mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi, vòm miệng chưa được phẫu thuật, trẻ bị khe hở môi phải được ít nhất 6 tháng tuổi, nặng từ 8 kg trở lên; trẻ bị khe hở vòm miệng phải được ít nhất 12 tháng tuổi, nặng từ 10-12 kg trở lên; di chứng dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng các độ tuổi (sẹo môi, lỗ thông vòm miệng, dị tật mũi, khe hở cung răng); người bệnh thừa ngón (tay, chân); người bệnh bị dị tật sụp mí mắt bẩm sinh (không phải bệnh lý nhãn khoa) trên 5 tuổi…
Khoảng 100 người bệnh sẽ được phẫu thuật dịp này.
Ngoài ra, một số trẻ mắc dị tật khác liên quan đến vận động cũng được khám và chỉ định phẫu thuật như co rút Achille trên nền bệnh nhân bại não, căng cơ gân gót, teo tay chân, liệt chi…
Theo Ban Giám đốc Bệnh viện E, trẻ và gia đình sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu và hỗ trợ một phần chi phí ăn và hỗ trợ toàn bộ chi phí lưu trú trong thời gian điều trị tại Bệnh viện E…
Đây là lần thứ 8 Bệnh viện E phối hợp tổ chức chương trình khám, điều trị và phẫu thuật miễn phí dành cho người bệnh mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác tại Bệnh viện E. Về số lượng trẻ được khám và điều trị có xu hướng tăng dần qua từng lần tổ chức.
Trẻ bị dị tật sẽ khiến tật cấu trúc giải phẫu thay đổi, gây ra những rối loạn chức năng về ăn uống, hô hấp, phát âm, và tác động xấu đến tâm lý của người bệnh.
Hơn nữa, để một bệnh nhi bị khe hở môi-vòm miệng được can thiệp toàn diện, trẻ phải theo đuổi việc điều trị trong thời gian rất dài và qua nhiều giai đoạn: từ lúc phẫu thuật đóng khe hở môi; đóng khe hở vòm miệng; ghép xương khe hở cung hàm; chỉnh nha; thẩm mỹ; phẫu thuật chỉnh hình xương hàm, mặt... cho đến điều trị ngữ âm. Khi phẫu thuật thành công sẽ giúp các bé thoát khỏi những khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, mang lại sự tự tin, hàn gắn những tổn thương về thể chất và tinh thần cho các bé./.
Nguồn: Nhandan.vn
Tin liên quan
- Tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam đổi mới, sáng tạo trong thời kỷ nguyên số
- Người phụ nữ 3 lần sinh mổ, có rối loạn kinh nguyệt vẫn không biết mình mang thai
- Phú Yên: Ra Nghị quyết giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập
- Gia đình xin về, bác sĩ quyết tâm cứu bệnh nhi mắc khối u tuyến tùng nguy hiểm
- Trẻ hóc dị vật đường thở, bác sĩ chỉ ra sai lầm trong sơ cứu
- Ngành Y tế Hà Nội tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sởi
- Giun dài 14 cm sống trong mắt nhiều ngày